Sáng nay 16-1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh cho Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Ngoài những chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà Nghị quyết số 35 của Quốc hội quy định, Nghị quyết hướng dẫn này còn quy định các chức danh lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ở HĐND cấp xã, phường, thị trấn, gồm các chức danh: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND xã, phường, thị trấn; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, các Ủy viên của UBND xã, phường, thị trấn.

Trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện đối với chức vụ cao nhất.

Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ tại kỳ họp thường lệ đầu tiên hằng năm của Quốc hội, HĐND các cấp, kể từ năm thứ hai của mỗi nhiệm kỳ.

Về nội dung báo cáo và trách nhiệm giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí yêu cầu cơ quan soạn thảo chỉnh lý lại theo hướng đơn giản các nội dung giải trình.

Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, HĐND (gọi tắt là đại biểu) đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp tiếp theo, trừ trường hợp người đó đã có đơn xin từ chức.

Trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, HĐND bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được Quốc hội, HĐND tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Nghị quyết hướng dẫn này có hiệu lực từ ngày 1-2-2013./.