Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 qua đánh giá của nước ngoài
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 với hiệu lực chiến đấu “cộng hưởng” lớn lao chưa từng có, đã làm rung chuyển cả Nhà Trắng và Lầu Năm góc, gây chấn động dữ dội trong dư luận không chỉ ở nước Mỹ mà trên toàn thế giới. Sự chấn động ấy được thể hiện qua một số sách báo xuất bản lúc đó và cả sau này.
Nhà sử học Mỹ Ga-bri-en Côn-cô (Gabriel Kolko) trong tác phẩm Giải phẫu một cuộc chiến tranh, xuất bản tại Niu Oóc (New York) năm 1985, đánh giá: “Cuộc tiến công Tết là sự kiện quan trọng nhất và phức tạp nhất của chiến tranh Việt Nam”. Theo nhà sử học này, với Mậu Thân 1968, “Việt Nam đã trở thành cuộc chiến tranh nước ngoài đầu tiên của Mỹ kể từ năm 1882 đã gây ra cuộc khủng hoảng xã hội, nội bộ sâu sắc và một sự phân hóa về chính trị”.
Còn tướng Mắc-xoen Tay-lơ (Maxwell D. Taylor) - cựu Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, sau khi từ chức (tháng 6-1965) về làm cố vấn đặc biệt của Tổng thống Lin-đơn Giôn-xơn (Lyndon B.Johnson), trong hồi ký Thanh gươm và lưỡi cày - xuất bản tại Niu Oóc năm 1972, đã thừa nhận: “Ngày 31-1-1968, quân địch (tức quân giải phóng - người viết) tiến công và chỉ trong vòng 2 ngày, họ đã tiến vào 5 đô thị lớn, 39 tỉnh lỵ và nhiều thành phố. Những trận tiến công của họ đã được báo chí Mỹ tường thuật dưới dạng những hàng tít lớn được chiếu trên màn ảnh vô tuyến truyền hình và đã làm cho phần lớn dân chúng Mỹ và một số quan chức kinh hoàng. Phải rất lâu họ mới hoàn hồn và trong một số trường hợp, sự hoàn hồn đó mãi mãi không bao giờ được khôi phục lại hoàn toàn”.
M.Tay-lơ còn nói: “Những điều bất ngờ thực sự mà cuộc tiến công Tết 1968 đã gây cho tôi không phải là việc đối phương đã mở được một cuộc tiến công lớn mà chính là việc họ đã mở cùng một lúc nhiều trận tiến công mãnh liệt đến như thế”.
Tướng W.C. Oét-mo-len (W.C.Westmoreland) - nguyên Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam viết trong Một quân nhân tường trình, xuất bản ở Niu Oóc năm 1976: “Việt Cộng đã đưa chiến tranh đến các thành phố, các đô thị, đã gây thương vong thiệt hại và nền kinh tế bị phá hoại… các trung tâm huấn luyện bị đóng cửa… Nói theo quan điểm thực tế thì chúng ta (Mỹ) phải công nhận, đối phương đã giáng cho Chính phủ Nam Việt Nam một cú đấm nặng nề”. W.C. Oét-mo-len còn nhận xét một cách bi quan rằng: “Chiến tranh đã trở thành một vấn đề chính trị với triển vọng địch (tức quân giải phóng - người viết) có thể thắng ở Oa-sinh-tơn như họ đã thắng ở Giơ-ne-vơ năm 1954. Ý chí của các chính khách Mỹ đang suy giảm”.
Ngày 27-3-1968, chưa đầy 2 tháng sau khi ta mở cuộc tiến công, cựu Tổng thống Mỹ D. Ai-xen-hao (D. Eisenhower), đã phải than thở: “… Chưa bao giờ gặp phải tình trạng đáng buồn như tình cảnh hiện nay của nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc về chiến tranh”.
Ngay đương kim Tổng thống L. Giôn-xơn lúc bấy giờ cũng tỏ ra chán nản, dao động. Trong hai ngày 25 và 26-3-1968, ông ta đã triệu tập một cuộc họp “những nhân vật am hiểu tình hình nhất”. Phiên họp kéo dài với những thành viên hội nghị gồm những người nắm những địa vị then chốt nhất trong Chính phủ Mỹ, L. Giôn-xơn đã hỏi quan điểm từng người một. Và, “Tổng thống đã nhận được những câu trả lời vô cùng bi quan của những người từ trước đến nay vẫn được xem là loại cứng rắn… Cuối cùng, Tổng thống quyết định rời khỏi sân khấu chính trị với hy vọng thống nhất lại một quốc gia đang bị chia rẽ ngay trong những người thân cận nhất của Tổng thống”. Sau đó, ngày 8-6-1969, R. Ních-xơn (Richard M.Nixon) gặp Nguyễn Văn Thiệu tại đảo Mít-uây (Midway) để bàn về việc Mỹ sẽ rút quân khỏi Việt Nam. Hen-ry Kít-xinh-giơ (H.Kissinger), cựu Ngoại trưởng Mỹ nhận xét: “Việc Tổng thống chúng ta chỉ có thể gặp người lãnh đạo một nước mà hơn 30.000 người Mỹ đã chết vì nó trên một hòn đảo hiu quạnh trong một khung cảnh đẹp trời của Thái Bình Dương chứng minh tình hình rối như tơ vò mà chiến tranh Việt Nam đã dìm xã hội chúng ta vào”.
Đó là lời của các nhân vật chóp bu trong giới cầm quyền Mỹ. Còn báo chí Mỹ thì sao?
Tờ Tin tức Oa-sinh-tơn ngày 31-1-1968 đã viết: “Các cuộc tiến công ồ ạt, táo bạo của cộng sản ngày 31-1 vào Sài Gòn, 8 tỉnh lỵ và 30 thị trấn nhỏ hơn là một điều đáng kinh ngạc. Cảnh sát quân sự Mỹ đã phải đổ bộ bằng máy bay lên thẳng xuống nóc nhà sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trong khói đạn để giành lại ngôi nhà được coi là “chống du kích” nhưng lại bị cộng sản chiếm trong 6 giờ liền. Chỉ riêng cảnh tượng đó cũng đủ để buộc Chính phủ Giôn-xơn dẹp đi, coi là không có giá trị những nhận định lạc quan của mình”.
Thời báo Niu Oóc, tờ báo lớn nhất của Mỹ số ra ngày 1-2-1968 bình luận: “Cuộc tiến công của đối phương đột nhập cả đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn cho thấy thêm những bằng chứng đau xót về sức mạnh có hạn của Mỹ ở châu Á. Bằng chứng cuộc tiến công táo bạo vào những thành phố chính ở miền Nam Việt Nam và bằng sự tập trung quân ở Khe Sanh, cộng sản đã làm tiêu tan niềm lạc quan bao trùm lên Oa-sinh-tơn và Sài Gòn trong mấy tháng qua. Đây rõ ràng không phải là hành động của một đối thủ đang yếu dần như các nhà quân sự Mỹ đã khẳng định hồi tháng 11 năm 1967”.
Cũng tờ báo này, trong số ra ngày hôm sau 2-1-1968 có đoạn: “Chiến thắng của Việt Cộng chứng minh sự suy yếu của cơ cấu chính trị mà Mỹ dùng làm chỗ dựa trong cố gắng chiến tranh và đe dọa thủ tiêu hoàn toàn các cơ cấu chính trị đang suy yếu”. Tác giả bài báo tỏ ý lo ngại rằng: “Hậu quả chính trị do thắng lợi đáng kinh ngạc của Việt Cộng gây ra lần này mới là nguy hại nhất”.
Không chỉ báo chí Mỹ, các báo phương Tây và các nước trên thế giới đều đưa tin và bình luận về sự kiện lịch sử này.
Hãng thông tấn Roi-tơ (Anh) ngày 3-2-1968 nói: “Quy mô và tính chất ác liệt của các trận tấn công phối hợp ở Sài Gòn và ở các trung tâm chủ chốt khác tại Nam Việt Nam làm cho Mỹ và các nước đồng minh rất đỗi ngạc nhiên”. Kế đó, ngày 5-2-1968 hãng này thống kê: “Mỹ có đến nửa triệu quân ở Nam Việt Nam, đã mất 13 năm và đã tiêu mỗi ngày 60 triệu đô-la mà vẫn không bảo vệ được một tấc đất vuông nào ở miền Nam Việt Nam cả”. Trong khi đó, báo Người quan sát (Anh) tỏ ra ngạc nhiên khi than rằng: “Người ta không thể tin là một tình hình như thế lại có thể xảy ra”.
Báo Thế giới (Pháp) ngày 1-2-1968 mỉa mai: “Người Mỹ đã từng khẳng định dân chúng Nam Việt Nam chịu đựng hơn là ủng hộ Mặt trận Dân tộc giải phóng, giờ đây liệu họ còn có thể nêu lên những lý lẽ như thế nữa không sau khi đã xảy ra một cuộc biểu dương đáng khâm phục về sức mạnh và lòng dũng cảm của Việt Cộng như vậy”. Báo Chiến đấu ngày 1-2-1968 khẳng định: “Điều hiển nhiên là người Mỹ đã thua đứt về mặt chính trị trong cuộc chiến tranh này rồi. Những gì xảy ra ở Sài Gòn cũng đủ cho thấy Mặt trận Dân tộc giải phóng đã nắm được các tầng lớp dân chúng ở miền Nam Việt Nam trong mức độ lớn biết nhường nào”.
Tờ Le Figaro (Pháp) ngày 2-2-1968 ca ngợi: “Cuộc tiến công lừng danh của Việt Cộng cho ta thấy trước hết cái tài tình của những người chỉ huy trong việc hướng dẫn cuộc chiến tranh vừa quân sự, vừa chính trị này. Về mặt đối nội - họ vừa thu được một thắng lợi lớn; họ chứng tỏ cho nhân dân Việt Nam thấy rằng họ có thể đánh nơi nào và lúc nào cũng được hết. Họ làm cho chính phủ Sài Gòn và quân đội của chính phủ này trở thành một trò cười. Họ tăng cường sự kiểm soát của họ, và do đó, làm giảm bớt sự kiểm soát của chế độ Sài Gòn đối với dân thường, những người dân thường này thì đầy lòng kính nể và khâm phục đối với Mặt trận Dân tộc giải phóng”.
Nhiều báo của các tổ chức đảng cộng sản và công nhân ở các nước tư bản đều tỏ thái độ khâm phục đối với cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân ta qua sự kiện Tết. Báo Nhân đạo - cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp ngày 1-2-1968 đã ca ngợi: “Đây là cuộc tiến công lớn nhất của các lực lượng vũ trang giải phóng. Những người yêu nước miền Nam Việt Nam đã chứng tỏ rằng ở khắp nơi, quyền chủ động đang thuộc về họ, họ có thể quyết định địa điểm, thời gian của các cuộc tiến công làm cho bộ chỉ huy Mỹ luôn luôn bở hơi tai”.
Các nước trong phe xã hội chủ nghĩa lúc đó thì vui mừng. Hầu như báo của nước nào trong ngày 31-1-1968 và ngày 1-2-1968 cũng đăng bài biểu lộ niềm hân hoan trước thắng lợi của nhân dân ta. Tiêu biểu là tờ Diễn đàn nhân dân Ba Lan, có đoạn: “Các trận đánh táo bạo được chuẩn bị tốt của những người yêu nước miền Nam Việt Nam là sự phát triển của các cuộc tiến công trên một quy mô rộng lớn mà Quân giải phóng đã mở đầu trong tháng Giêng năm nay vào những lúc, ở những nơi và với hình thức mà họ lựa chọn. Quân giải phóng trên thực tế đã trói chân, khóa tay tất cả các lực lượng chiến đấu của quân thù trong khắp các tỉnh”.
Qua một số sách báo Mỹ và nước ngoài nói về sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 có thể nhận thấy, dù ở góc độ nào, dưới con mắt của các nhà khoa học quân sự, nhà chính trị, nhà sử học hay nhà báo, từ người dân bình thường đến các tướng lĩnh cao cấp, thậm chí cả Tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ lúc bấy giờ đều phải thừa nhận tác động to lớn của sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 đối với toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Điều này chứng tỏ tầm vóc và ý nghĩa sâu sắc của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 của quân và dân ta ở miền Nam. Nó đập tan những luận điểm sai trái và xua đi những nghi ngờ về thắng lợi của ta trong lịch sử Tết Mậu Thân năm 1968./.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp Phó Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ  (16/01/2013)
Lễ Tổng kết Năm Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ 2012  (16/01/2013)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc  (15/01/2013)
“Thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố”  (15/01/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên