TCCSĐT - Ngày 19-12-2012, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và cơ quan Hợp tác phát triển Bỉ tổ chức Hội nghị kết thúc dự án tín dụng Việt - Bỉ giai đoạn III và giới thiệu mô hình Quỹ Hỗ trợ tín dụng.

Đến dự Hội nghị có: bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN), Chủ tịch Ban Chỉ đạo dự án; ông Plan-nơ Phi-nan-xơ (Planet Finance) - Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác phát triển Bỉ; bà Cao Thị Hồng Vân - Giám đốc Dự án tín dụng Việt - Bỉ; cùng đại diện các tổ chức khách hàng của dự án.   


Bà Cao Thị Hồng Vân báo cáo hoạt động của Quỹ Hỗ trợ tín dụng với dự án “Nâng cao năng lực thể chế của Hội LHPNVN trong quản lý các chương trình tín dụng tiết kiệm cho phụ nữ nghèo nông thôn” (tên viết tắt là Dự án Tín dụng Việt - Bỉ) được Hội LHPNVN thực hiện từ cuối năm 1997. Dự án được thực hiện qua 3 giai đoạn: Giai đoạn I (năm 1999 - 2002), tại 7 tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thừa Thiên - Huế, Kon Tum, Tiền Giang; giai đoạn II (năm 2002 - 2007), tại 17 tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Thuận, Kon Tum, Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp; và giai đoạn III (năm 2007 - 2012), tại 17 tỉnh, như giai đoạn 2.

Mục tiêu chính của dự án là hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các dịch vụ tài chính và dịch vụ phát triển kinh doanh nhằm nâng cao mức sống, năng lực của phụ nữ nông thôn và nâng cao năng lực của Hội LHPNVN trong quản lý các hoạt động tín dụng tiết kiệm. Các hoạt động chính của dự án gồm: Cung cấp các khoản vay quay vòng tới các phụ nữ, trong đó ưu tiên phụ nữ nghèo; cung cấp các khóa tập huấn nâng cao năng lực sản xuất và tư duy, kỹ năng kinh doanh cho phụ nữ; cung cấp các khóa hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ Hội LHPN các cấp trong quản lý các hoạt động tài chính vi mô (TCVM), bao gồm cả kỹ năng sử dụng phần mềm trong quản lý hoạt động TCVM.


Sau 13 năm triển khai, dự án Tín dụng Việt - Bỉ, một trong những chương trình TCVM lớn ở Việt Nam, đã cung cấp dịch vụ tài chính cho hơn 52.000 phụ nữ nghèo và dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh cho 52.500 phụ nữ. Tỷ lệ hoàn trả vốn của dự án trong suốt 13 năm là 99,98%. Từ nguồn vốn ban đầu của Chính phủ Bỉ hỗ trợ là 27,6 tỷ đồng, được dự án sử dụng, quay vòng hiệu quả, nâng tổng số vốn vào cuối giai đoạn đạt 45 tỷ đồng.

Cùng với sự lớn mạnh của ngành TCVM nói chung và hoạt động TCVM của Hội LHPNVN nói riêng, từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực cho thấy, các tổ chức TCVM non trẻ, nhất là trong giai đoạn chưa đăng ký hoạt động chính thức theo luật định, rất cần được hỗ trợ để mở rộng khả năng tiếp cận và hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp. Theo khuyến nghị của tư vấn quốc tế và để phù hợp với chiến lược phát triển TCVM của Hội LHPNVN, trong giai đoạn 3, dự án đã thay đổi chiến lược từ cho vay trực tiếp sang thí điểm cho vay gián tiếp với mô hình Quỹ Hỗ trợ tín dụng. Quỹ này ra đời nhằm đáp ứng hai yêu cầu cơ bản của các chương trình, tổ chức TCVM tiềm năng là vốn và hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức hoạt động TCVM để các tổ chức hoạt động hiệu quả.

Từ khoản vay đầu tiên được giải ngân vào tháng 3-2010, đến 30-11-2012, Quỹ đã thí điểm cho vay tới 8 tổ chức TCVM với 13 khoản vay, trị giá 44,5 tỷ đồng, qua đó đã tiếp cận được 16.000 phụ nữ nghèo. Đồng thời với cho vay, căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá năng lực và nhu cầu của các tổ chức, Quỹ đã tổ chức 7 khóa đào tạo, nâng cao năng lực cho 175 nhà quản lý của 22 tổ chức TCVM về quản trị tổ chức, hệ thống quản lý thông tin, kiểm soát nội bộ, phân tích tài chính, quản lý rủi ro…

Dự án tín dụng Việt - Bỉ khép lại sau 3 giai đoạn nhưng Quỹ Hỗ trợ tín dụng - một mô hình mới trong hoạt động TCVM với vai trò “bà đỡ” - sẽ được Hội LHPNVN duy trì và phát triển. Để mô hình này hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, thu hút được các nhà đầu tư, tài trợ về vốn và hỗ trợ kỹ thuật, trong bối cảnh chưa có các quy định pháp lý cụ thể về mô hình cho vay gián tiếp TCVM, Hội LHPNVN đang xin phép Chính phủ cho Quỹ hoạt động một cách chính thức.


Ông Plan-nơ Phi-nan-xơ - Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác phát triển Bỉ, phụ trách các chương trình hợp tác song phương của Bỉ đánh giá: “Dự án đã có đóng góp trong việc tăng cường khả năng tiếp cận tới các dịch vụ tài chính và phi tài chính, cải thiện năng lực kinh tế của khách hàng và năng lực tài chính của cán bộ Hội LHPNVN, và nhờ đó, dự án trở nên có hiệu quả cao. Hội LHPNVN có đủ khả năng duy trì Quỹ Hỗ trợ tín dụng sau khi Dự án kết thúc”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội LHPNVN, Chủ tịch Ban Chỉ đạo dự án phát biểu: “Chúng tôi đánh giá rất cao việc Dự án đã giới thiệu và hỗ trợ hết sức tích cực về tài chính và kỹ thuật để triển khai một mô hình mới trong TCVM - mô hình cho vay gián tiếp tới các chương trình TCVM gắn với hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho các tổ chức này (Quỹ Hỗ trợ tín dụng-PV). Mặc dù mới thí điểm trong một thời gian ngắn nhưng với kết quả ban đầu rất tích cực, mô hình được các tổ chức, chương trình TCVM đón nhận và đánh giá cao đã cho thấy, sự cần thiết và rất phù hợp của mô hình trong bối cảnh TCVM ở Việt Nam hiện nay. Để mô hình hoạt động chuyên nghiệp, bền vững và có đủ điều kiện thu hút nguồn đầu tư, tài trợ trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ ngày càng nhiều hơn các tổ chức, chương trình TCVM trong cả nước, Hội LHPNVN đang tiếp tục đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho phép chính thức hóa mô hình này”.


Thay mặt Ban lãnh đạo Hội LHPNVN, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa đã trao quyết định và gắn Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của Phụ nữ Việt Nam” cho ông Pi-e Du-li-ơ (Pierre Dulieu) và ông Vin-xen Vây-đa (Vincent Wierda)./.