TCCSĐT - Sau khi CHDCND Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa mang theo vệ tinh lên quỹ đạo theo đúng kế hoạch, sáng 12-12-2012, một số nước và tổ chức quốc tế đã có những phản ứng đầu tiên.


1. Liên minh châu Âu nhận giải Nô-ben Hòa bình


 
 Đại diện của Liên minh châu Âu nhận giải Nô-ben Hòa bình
tại Na Uy ngày 10-12-2012


Ngày 10-12-2012, tại thủ đô Ô-xlô (Oslo), Na Uy, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức được trao giải Nô-ben Hòa bình năm 2012 nhờ việc đã chuyển một châu lục “từ chiến tranh sang hòa bình” trong thời điểm thể chế này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong vòng 6 thập niên qua. Việc Ủy ban Nô-ben trao giải cho EU đã vấp phải nhiều chỉ trích vì cho rằng Ủy ban đã đi ngược lại những tôn chỉ, mục đích mà An-phrét Nô-ben (Alfred Nobel) đặt ra cho giải thưởng, nhất là khi châu lục này vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như hiện nay. Trong khi đó, phát biểu sau khi lên nhận giải, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ma-nu-en Ba-rô-xô (Manuel Barroso) nói rằng, EU cam kết sẽ duy trì đồng ơ-rô và một đồng tiền chung chính là biểu tượng mạnh mẽ nhất của cộng đồng trong 60 năm lịch sử.

2. Tình báo Mỹ dự báo thế giới đa cực vào năm 2030

Ngày 10-12-2012, Hội đồng tình báo Mỹ công bố một nghiên cứu nhan đề “Các xu hướng toàn cầu vào năm 2030: Những thế giới khác”, theo đó Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thập niên 20 của thế kỷ này. Tuy nhiên, Mỹ sẽ vẫn là cường quốc đóng vai trò chính trong hai thập niên nhờ vai trò của nước này trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu, khả năng công nghệ và “quyền lực mềm” có thể hấp dẫn các nước không ở thế cạnh tranh với Mỹ. Báo cáo cũng cảnh báo về những tác động thảm khốc của những sự kiện bất thường có thể làm thay đổi tiến trình lịch sử, như bệnh dịch nghiêm trọng có thể cướp đi sinh mạng hàng triệu người trong vài tháng,… Nghiên cứu cũng dự báo đến năm 2030, kinh tế châu Á sẽ vượt qua kinh tế Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại. Ngoài ra, kinh tế khu vực châu Âu, Nhật Bản và Nga vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng thấp trong khi số người thuộc tầng lớp trung lưu có thể tăng tại các nước như Cô-lôm-bi-a, Ai Cập, In-đô-nê-xi-a, I-ran, Mê-xi-cô, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Đề cập những thành tựu khoa học công nghệ, nghiên cứu dự báo đến năm 2030 là thời điểm gặt hái những thành quả to lớn trong lĩnh vực này, song, cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu sẽ đe dọa và đặt ra những thách thức nghiêm trọng. Về vấn đề dân số, nghiên cứu dự báo đến năm 2030, dân số thế giới sẽ từ mức 7,1 tỷ người hiện nay tăng lên 8,3 tỷ người, đặt ra những thách thức về vấn đề nước sạch, thực phẩm và năng lượng. 

Cũng theo nghiên cứu của Hội đồng tình báo Mỹ, đến năm 2030, Trung Đông vẫn là khu vực khó khăn. Những quốc gia vẫn nằm trong tình trạng bất ổn sẽ là Ba-ranh, I-rắc, Li-băng, Xy-ri, Y-ê-men. Ngoài ra, nghiên cứu khẳng định 80% các cuộc xung đột vũ trang và tôn giáo đều thuộc về những quốc gia có dân số trẻ.

3. Phản ứng của cộng đồng quốc tế về vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên


 
 Ngày 12-12-2012, Triều Tiên thực hiện thành công
vụ phóng tên lửa mang theo vệ tinh lên quỹ đạo khiến cả thế giới bất ngờ


Sau khi CHDCND Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa mang theo vệ tinh lên quỹ đạo theo đúng kế hoạch, sáng 12-12-2012, một số nước và tổ chức quốc tế đã có những phản ứng đầu tiên. Phát ngôn viên Chính phủ Nhật Bản Ô-xa-mu Phu-gi-mu-ra (Osamu Fujimura) cho biết, hiện chính quyền Tô-ki-ô (Tokyo) vẫn đang xác định xem liệu vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên có gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho Nhật Bản hay không. Hãng thông tấn Ki-ô-đô (Kyodo) cho biết, Nhật Bản sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sớm tiến hành họp khẩn để thảo luận về vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Ngay trong sáng 12-12, Hàn Quốc đã ra tuyên bố lên án vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng là vi phạm các bản nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định không chỉ trên phạm vi bán đảo Triều Tiên mà còn đối với cả thế giới. Trong bản tuyên bố ngày 12-12, Ngoại trưởng Anh Uy-li-am Ha-gơ (William Hague) khẳng định, chính quyền Luân Đôn rất lấy làm tiếc trước vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Ông Uy-li-am Ha-gơ khẳng định, vụ phóng trên vi phạm các nghị quyết 1718 và 1874 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm Triều Tiên thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo. Ông cũng cảnh báo vụ việc này sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đồng thời kêu gọi Triều Tiên “kiềm chế các hành động khiêu khích trong tương lai” và có các bước đi mang tính xây dựng hướng tới việc giải trừ hạt nhân và duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Đưa ra phản ứng trước thông tin CHDCND Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa sau khi tuyên bố sẽ nới rộng thời gian để thực hiện vụ phóng gây nhiều tranh cãi này, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, cơ quan này đã có đầy đủ thông tin về vụ phóng và sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình trong khu vực.

4. Các bộ trưởng EU đạt thỏa thuận về giám sát ngân hàng và Liên minh Kinh tế và Tiền tệ 

Ngày 13-12-2012, các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận có ý nghĩa lịch sử về thiết lập Cơ chế giám sát duy nhất (SSM) cho phép đóng cửa nhiều định chế cho vay trong toàn Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone). Ủy viên EU phụ trách các thị trường tài chính Mi-chen Ba-ni-ơ (Michel Barnier) cho biết theo thỏa thuận trên, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ giám sát trực tiếp khoảng 200 ngân hàng lớn nhất, có giá trị tài sản trên 30 tỷ ơ-rô (39 tỷ USD), trong số khoảng 6.000 định chế cho vay trong Eurozone. Điều này đồng nghĩa mỗi quốc gia thành viên sẽ có tối đa ba ngân hàng chịu sự giám sát trực tiếp của ECB. Việc EU đạt được thỏa thuận thiết lập Cơ chế giám sát duy nhất (SSM) sẽ tạo tiền đề cho sự hội nhập sâu hơn về kinh tế và chính trị trong Eurozone. 

Tiếp đó, ngày 14-12, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về lộ trình hoàn thiện Liên minh Kinh tế và Tiền tệ (EMU). Kết quả này được coi là thành công nổi bật nhất của Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của EU trong năm nay. Thông cáo chung sau Hội nghị nêu rõ, do những thách thức mà EU đang phải đối mặt, EMU cần được củng cố để đảm bảo ổn định về kinh tế, xã hội và duy trì thịnh vượng. Tiến trình này sẽ được bắt đầu bằng việc củng cố quyền điều hành, thực thi cơ chế giám sát chung và những nguyên tắc mới về phục hồi, giải quyết và bảo đảm tiền gửi. Trong năm 2013, Ủy ban châu Âu (EC) cần đưa ra đề xuất về cơ chế giải quyết chung cho tất cả các nước thành viên tham gia hệ thống giám sát ngân hàng. EC cũng phải đưa ra một thời gian biểu để đạt được thỏa thuận nhằm chứng tỏ rằng các nghị sỹ châu Âu và các nước thành viên nỗ lực xử lý vấn đề này. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU cũng thừa nhận rằng vẫn còn những khó khăn to lớn ở phía trước trong quá trình thiết lập Liên minh Ngân hàng. 

5. Chính sách đối ngoại nước của nước Nga trong tình hình mới

Ngày 14-12-2012, Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã xây dựng dự thảo Khái niệm chính sách đối ngoại của Nga nhằm thực hiện những sáng kiến mà Tổng thống V. Pu-tin (Vladimir Putin) đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Văn kiện dự thảo lần này được soạn chủ yếu dựa vào bài báo “Nước Nga và thế giới đang thay đổi” của ông V. Pu-tin, trong đó nhấn mạnh rằng Mát-xcơ-va cần phải xây dựng chính sách đối ngoại trong một thế giới đầy bất trắc, mà ở đó phần lớn mọi vấn đề, tai họa đều xuất phát từ mưu toan của phương Tây, trước hết là Mỹ, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Theo các tác giả dự thảo Khái niệm chính sách đối ngoại của Nga, thế giới đang trở nên “bất ổn và khó tiên đoán” hơn bởi một loạt những nguyên nhân, như khủng khoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, phương Tây can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, vai trò của Liên hợp quốc suy giảm,… Xuất phát từ những nguyên nhân nêu trên, các tác giả bản dự thảo Khái niệm chính sách ngoại giao Nga kết luận rằng chính sách đối ngoại của Nga cần đạt được những mục tiêu như sau: Trước hết, phải giúp nền kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng. Thứ hai, đấu tranh chống can thiệp vào công việc nội bộ. Thứ ba, tiếp tục bảo vệ vai trò không thể thay thế của Liên hợp quốc. Để hiện thực hóa được những mục tiêu này, Nga cần phải gia tăng “sức mạnh mềm”, trong đó đề cao vai trò xã hội dân sự, thông tin - truyền thông, nhân văn, công nghệ mới, cũng như cộng đồng người Nga ở nước ngoài,... 

6. Hội nghị quốc tế về an toàn hạt nhân ở Phu-cư-si-ma

Ngày 15-12-2012, Hội nghị quốc tế về an toàn hạt nhân do Nhật Bản và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đồng chủ trì đã diễn ra tại Phu-cư-si-ma (Fukushima), Đông Bắc Nhật Bản. Phát biểu khai mạc hội nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Kê-ni-chi-rô Gem-ba (Kenichiro Gemba) cho biết Nhật Bản muốn chia sẻ kinh nghiệm từ sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Phu-cư-si-ma hồi năm 2011 và hợp tác với các nước trên thế giới nhằm giảm bớt những nhà máy hạt nhân đã xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ. Ngoại trưởng K. Gem-ba cho biết thêm Nhật Bản dự định đón một phái đoàn chuyên gia hạt nhân của IAEA vào năm 2013 để trao đổi phương thức đóng cửa nhà máy hạt nhân. Tổng Giám đốc IAEA Y-u-ki-a A-ma-nô (Yukia Amano) nhấn mạnh các biện pháp quan trọng đã được thực hiện để đảm bảo an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân sau sự cố Phu-cư-si-ma, đồng thời khẳng định IAEA sẽ duy trì và thực hiện tất cả những cải tiến cần thiết về an toàn hạt nhân để đảm bảo rằng các vụ tai nạn tương tự sẽ không tái diễn. 

7. Hội nghị Phong trào Cộng sản quốc tế tại Nga

Trong 2 ngày 15 và 16-12-2012, Hội nghị bàn tròn về “Phong trào Cộng sản quốc tế hôm nay và ngày mai” do Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) tổ chức tại Mát-xcơ-va. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương KPRF Ghen-na-đi Diu-ga-nốp (Ghennady Ziuganov) cho biết đoàn đại biểu 12 đảng cộng sản anh em tham dự hội nghị với mục đích trao đổi ý kiến về Phong trào Cộng sản tại từng nước và trên trường quốc tế nói chung, nêu lên những khó khăn và những vấn đề nóng hổi đang đặt ra trước từng đảng cộng sản nói riêng và Phong trào Cộng sản quốc tế nói chung, tìm quan điểm và đánh giá, cũng như những biện pháp mới nhằm phát triển Phong trào Cộng sản tại từng nước anh em và trên thế giới. Trưởng đoàn đại biểu các Đảng Cộng sản Bra-xin, Trung Quốc, Cu-ba, Bô-hê-mi-a và Mô-ra-vi-a, Hy Lạp, Ấn Độ, Li-băng, Bồ Đào Nha, U-crai-na và Liên bang Nga cũng đã đọc báo cáo tại Hội nghị về Phong trào Cộng sản tại nước mình; đồng thời nêu lên những phương hướng chung nhằm thúc đẩy Phong trào Cộng sản quốc tế./.