Khánh Hòa đầu tư phát triển du lịch đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững

Lê Thanh Quang Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa
23:01, ngày 17-12-2012
TCCS - Với lợi thế về điều kiện tự nhiên cho phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch biển, đảo, cùng với những quyết sách đúng đắn, sự nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, Khánh Hòa đã thành công trong việc đưa ngành dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần đưa địa phương trở thành một trong những trung tâm du lịch biển của cả nước.

Nhìn lại những năm sau khi chia tách tỉnh (năm 1989), ngành du lịch Khánh Hòa phát triển khá khiêm tốn, cơ sở vật chất phục vụ du lịch nghèo nàn, gồm các khách sạn và khối nhà khách, nhà nghỉ của các cơ quan bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn, với tổng số khoảng 700 phòng gồm 1.800 giường, chủ yếu phục vụ khách du lịch nội địa và khách quốc tế đến từ các nước xã hội chủ nghĩa. Từ năm 2000 đến nay, đặc biệt là sau khi Chương trình phát triển du lịch của tỉnh được ban hành và triển khai thực hiện, ngành du lịch Khánh Hòa đã có bước phát triển đáng kể cả về chất và lượng. Các chỉ tiêu về du lịch đều đạt mức tăng trưởng bình quân hằng năm là 16%; tính đến cuối năm 2010, khách lưu trú đạt trên 1.800.000 lượt, trong đó khách quốc tế trên 400.000 lượt; hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã có du khách đến với Nha Trang - Khánh Hòa, đặc biệt là các nước, như Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga là những thị trường khách sang trọng, có khả năng chi tiêu cao; tổng số cơ sở lưu trú hiện nay có trên 455 cơ sở với gần 12.000 phòng, trong đó có: 05 khách sạn 5 sao, 04 khách sạn 4 sao, 18 khách sạn 3 sao; môi trường hoạt động du lịch đã được cải thiện đáng kể, thu hút được nhiều dự án lớn phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tiêu biểu một số dự án có quy mô và chất lượng mang tầm cỡ quốc tế đã đi vào hoạt động, như Khu du lịch và giải trí Vinpearl Land, Khu du lịch và vui chơi giải trí Sông Lô, Khu du lịch sinh thái Evason Hideaway, Khu nghỉ dưỡng cao cấp Sunrise...; nhiều hoạt động sự kiện, lễ hội văn hóa du lịch tầm quốc gia, khu vực và quốc tế đã được tổ chức tại Nha Trang, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh Nha Trang - Khánh Hòa rộng rãi ở trong và ngoài nước. Thực tế những năm qua cho thấy, Chương trình phát triển du lịch Khánh Hòa là một trong những chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm đạt kết quả đáng phấn khởi, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các ngành, lĩnh vực và các địa phương có bước phát triển mới, tạo chuyển biến trên một số lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần đưa tỉnh trở thành trung tâm kinh tế, du lịch, văn hóa lớn của cả nước.

Những thành tựu nêu trên là kết quả của quá trình phấn đấu kiên trì, bền bỉ, với tinh thần trách nhiệm cao cùng sự năng động, sáng tạo và quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Thắng lợi quan trọng nhất chính là sự thống nhất về nhận thức, quan điểm chỉ đạo từ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp, các ngành khi xác định đúng vai trò, vị trí của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 1995 - 2000, đã xây dựng Chương trình phát triển du lịch Khánh Hòa đến năm 2000 và định hướng đến năm 2015. Các nhiệm kỳ tiếp theo đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, đồng thời điều chỉnh, phát triển thêm cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Trên cơ sở chủ trương phát triển du lịch của Tỉnh ủy, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện chương trình hành động, dự án về phát triển du lịch. Đáng chú ý nhất là Hội đồng nhân dân tỉnh khóa III, tại kỳ họp thứ 3 (ngày 20-2-2001) đã thông qua Chương trình phát triển du lịch Khánh Hòa giai đoạn 2001 - 2005 và đến năm 2010.

 Với định hướng “Phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, qua đó sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững về kinh tế của tỉnh; tăng cường đầu tư về chiều sâu, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch ngang tầm quốc tế, thu hút nhiều lượng khách quốc tế có mức chi tiêu cao; tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao mức sống và trình độ dân trí, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo đảm tốt giữa phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng, giữ gìn và bảo vệ an ninh quốc gia”, Khánh Hòa nắm bắt thời cơ, những yếu tố thuận lợi từ quá trình đổi mới và hội nhập phát triển đất nước, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức để tập trung thu hút hiệu quả nhiều nguồn vốn cho đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, các dự án đầu tư phát triển kinh doanh du lịch. Tỉnh tập trung quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2010, có tầm nhìn đến năm 2020; xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch đối với các khu du lịch trong tỉnh, đồng thời tiến hành đầu tư và thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch. Quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao dân trí về du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch Nha Trang - Khánh Hòa. Trong quản lý nhà nước, tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch bền vững; phát triển nguồn nhân lực du lịch; khuyến khích ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào quản lý, xây dựng các chiến lược thị trường, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, từng bước tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành du lịch tương xứng với khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Các dự báo cho thấy, từ nay đến năm 2020, tình hình kinh tế thế giới, trong nước có chiều hướng phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau khủng hoảng, theo đó nhu cầu du lịch sẽ tăng mạnh. Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, thân thiện của du khách quốc tế vì có ổn định chính trị, an ninh được bảo đảm, người dân mến khách. Trong tỉnh, các nguồn lực phát triển du lịch đã được bổ sung; hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, sân bay, cảng biển, điện, nước, thông tin liên lạc...) đã được đầu tư cải thiện đáng kể; hầu hết các dự án đầu tư phát triển du lịch quan trọng, trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai tương đối thuận lợi, phát huy hiệu quả, bảo đảm mục đích, yêu cầu phát triển mạnh hoạt động du lịch trong thời gian tới.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2010 - 2015, tỉnh xác định tiếp tục triển khai phương hướng phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2015 như đã đề ra trong nhiệm vụ phát triển dịch vụ - du lịch giai đoạn 2006 - 2010. Tuy nhiên, về mục tiêu cụ thể, tỉnh mạnh dạn đề ra một số chỉ tiêu đột phá nhằm tăng cường thu hút khách, nâng cao nguồn thu nhập từ du lịch, cụ thể: phấn đấu đến năm 2015 đón 3 triệu lượt khách, trong đó có 750.000 lượt khách quốc tế; doanh thu trực tiếp từ du lịch đạt 3.500 tỉ đồng; tốc độ phát triển các chỉ tiêu du lịch bình quân hằng năm 14,5%; tỷ trọng dịch vụ - du lịch trong GDP chiếm khoảng 45,5%; có trên 20.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch; hình thành một số trung tâm dịch vụ, du lịch đạt đẳng cấp khu vực, nâng cao chất lượng các loại hình du lịch, đạt đẳng cấp quốc tế...

Để đạt được các mục tiêu đó, tỉnh đề ra một số chính sách và giải pháp có tính khả thi cao. Trong đó, đáng chú ý và tập trung vào ba vấn đề sau:

1 - Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của tỉnh, qua đó tạo cơ sở mở rộng thị trường, kéo dài ngày khách lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách khi đến Khánh Hòa. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi tỉnh tập trung phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch biển, đảo làm hướng chủ đạo; đồng thời mở rộng đầu tư, khai thác du lịch sinh thái núi ở phía tây và ở các đảo ven bờ. Phát triển du lịch MICE và du lịch tàu biển trên cơ sở thuận lợi là sân bay quốc tế Cam Ranh được đầu tư mở rộng quy mô và cảng Nha Trang chuyển mục đích thành cảng hành khách.

2 - Đẩy mạnh xã hội hóa phát triển du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch dưới các hình thức khác nhau. Thực hiện xã hội hóa đầu tư bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh, các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch. Hiệp hội Du lịch tỉnh cần được quan tâm củng cố về tổ chức và phương thức hoạt động, phát huy hơn nữa vai trò trong việc xây dựng môi trường kinh doanh văn minh, lành mạnh, đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp chân chính. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức kinh tế - xã hội, các nhà tài trợ, các doanh nghiệp vào hoạt động du lịch. Ưu tiên cho công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu, bảo vệ môi trường du lịch và đào tạo nguồn nhân lực. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý đầu tư, tạo môi trường thông thoáng cho thu hút đầu tư kinh doanh du lịch; mở rộng các hình thức thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, như BOT, BTO, BT...

3 - Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đã trở thành đòi hỏi cấp thiết hiện nay và trong quá trình phát triển lâu dài. Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch phù hợp với định hướng và quy mô phát triển với nhiều hình thức đào tạo kể cả ở trong và ngoài nước. Xây dựng chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu về lực lượng cán bộ quản lý giỏi, nhân viên phục vụ có kỹ năng chuyên môn, tính chuyên nghiệp cao. Đồng thời liên kết đào tạo giữa nhà trường, doanh nghiệp và người học để bảo đảm chất lượng lao động theo yêu cầu của thị trường./.