Về vấn đề đầu tư cho nông nghiệp hiện nay
Nông nghiệp đối với sự phát triển của đất nước
Kinh tế nông nghiệp luôn góp phần vào sự phát triển ổn định, giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm việc làm và thu nhập cho đông đảo lao động nông thôn. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều sản phẩm của nông nghiệp Việt Nam ngày càng được thế giới biết đến. Nhiều mặt hàng nông sản hiện đứng thứ hạng khá cao trên thị trường quốc tế về giá trị kim ngạch xuất khẩu, như: gạo, cà-phê, cao-su, hạt điều, thủy hải sản... Hằng năm, nông nghiệp đóng góp khoảng gần 20% GDP cho đất nước, là ngành duy nhất trong nền kinh tế tạo ra lượng xuất khẩu ròng dương (năm 2010 kim ngạch xuất khẩu nông sản sau khi trừ đi giá trị nhập khẩu nông sản và đầu vào cho sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 13 tỷ USD). Lượng ngoại tệ thu được nhờ xuất khẩu hàng nông sản khá cao, nhờ vậy góp phần làm giảm mức thâm hụt cán cân thương mại cho nền kinh tế.
Trong nội bộ nền kinh tế, nông nghiệp là ngành có sức lan tỏa lớn nhất, có tính kết nối rất cao với nhiều ngành kinh tế khác vì nông nghiệp cung cấp đầu vào cho công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến xuất khẩu, đồng thời, sử dụng sản phẩm của các ngành công nghiệp và dịch vụ như nhiên liệu, phân bón, hóa chất, máy móc cơ khí, năng lượng, tín dụng, bảo hiểm...
Ngoài ra, nông nghiệp còn liên quan mật thiết đến sức mua của dân cư và sự phát triển thị trường trong nước, bởi với 50% lực lượng lao động cả nước đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và 70% dân số sống ở nông thôn, nên mức thu nhập trong nông nghiệp sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sức cầu của thị trường nội địa và tiềm năng đầu tư dài hạn.
Hiện nay, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu, tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm trở thành những thách thức trong chương trình nghị sự của nhiều diễn đàn quốc tế, khiến nhiều nước trên thế giới phải nhìn lại tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp ở quốc gia mình.
Trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng nông nghiệp ở Việt Nam luôn bị giảm sút. Nếu giai đoạn 1995 - 2000, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp là 4%/năm thì tới giai đoạn 2000 - 2005 giảm xuống còn 3,7% và năm 2006 còn 2,8%; năm 2007 còn 2,3%, năm 2011 ước đạt từ 2,4% - 2,6%. Một trong những nguyên nhân của điều này là do đầu tư cho nông nghiệp ngày càng giảm dần, không tương xứng với sự đóng góp của nông nghiệp cho nền kinh tế.
Theo số liệu, số vốn đầu tư của Nhà nước bị giảm mạnh. Nếu như năm 2000, tỷ trọng đầu tư vào ngành nông nghiệp chiếm 13,85% tổng đầu tư của xã hội, thì tới năm 2005 chỉ còn 7,5%, năm 2008 - 6,45%, năm 2009 - 6,26%, và hiện đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm chưa đến 3% tổng GDP. Chưa kể, số liệu thống kê về đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn rất khó bóc tách do có rất nhiều khoản chi cho công nghiệp, kết cấu hạ tầng quốc gia nằm trên địa bàn nông thôn. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào lĩnh vực này cũng hầu như không đáng kể - giảm từ 8% (năm 2001) xuống còn dưới 1% tổng nguồn vốn mà Việt Nam thu hút những năm gần đây, còn đầu tư của tư nhân trong nước thì chỉ chiếm từ 13% đến 15% tổng số đầu tư mới của mỗi năm.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút đầu tư vào nông nghiệp? Nhiều nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng, mặc dù hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp cao hơn so với các lĩnh vực khác, nhưng nông nghiệp vẫn còn có quá nhiều rủi ro, bị phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thời tiết, sự biến động của thị trường đối với sản phẩm đầu vào và đầu ra và chính sách giá cả... Tuy nhiên, có thể kể một số nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến sự đầu tư vào nông nghiệp như sau:
Trước hết và là nguyên nhân sâu xa xuất phát từ nhận thức về vai trò của nông nghiệp trong quá trình phát triển. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ở nhiều địa phương trong cả nước chỉ hiểu việc công nghiệp hóa, hay chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách khá đơn giản là công nghiệp cứ chiếm tỷ trọng cao trong GDP của tỉnh là thực hiện được công nghiệp hóa, nên các địa phương không chỉ thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, cố gắng mở thêm nhiều khu công nghiệp, mà còn thiếu sự quan tâm đúng mức, nhận thức đúng về ý nghĩa, vai trò của nông nghiệp trong quá trình này. Vì vậy, dẫn tới kết quả là thể chế cho phát triển nông nghiệp chưa được chú ý và đầu tư vào khu vực nông nghiệp rất ít ỏi so với các lĩnh vực kinh tế khác. Ví dụ, tại Hà Nội là địa phương có nguồn thu ngân sách đứng thứ hai trong cả nước, nhưng vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm từ 13% - 15% trong tổng kế hoạch vốn thành phố giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hằng năm, phần 85% - 87% nguồn vốn còn lại được đầu tư cho các dự án xây dựng cơ bản như cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình đê điều và thủy lợi.Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoảng Bảo (Đài Loan) cho biết họ đăng ký thuê đất trồng hoa ở Lâm Đồng với số vốn ban đầu 1,5 triệu USD, nhưng chỉ triển khai được một phần dự án vì thủ tục giấy tờ liên quan đến việc cấp đất, cho thuê đất quá rườm rà, phức tạp và tốn nhiều thời gian. Riêng việc cấp đất đã có tới 15 - 20 thủ tục.
Thứ hai, kết cấu hạ tầng nông thôn hiện rất nghèo nàn nên không đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Hiện, điện cung cấp cho nông thôn chưa đủ phục vụ cho tưới tiêu, sản xuất, nên trong thực tế chỉ có 43% diện tích cây rau màu và cây công nghiệp được tưới chủ động.
Thứ ba, trong khi đó kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp luôn chịu độ rủi ro rất cao (tuy việc bảo hiểm nông nghiệp đã được đặt ra nhưng mới chỉ ở giai đoạn thí điểm đối với một số loại cây và con) càng khiến các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài dè dặt khi đầu tư. Theo số liệu thống kê, có tới 1/3 tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp bị thua lỗ. Chính vì vậy, hiện chỉ có gần 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong nông nghiệp, nông thôn, chiếm 10% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Hầu hết đó chỉ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, số có vốn đăng ký trên 200 tỷ đồng chỉ chiếm 3%. Các dự án đầu tư vào nông nghiệp cũng chủ yếu tập trung vào việc khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, chưa có nhiều dự án tạo giống cây trồng, vật nuôi hoặc chế biến các loại rau quả xuất khẩu có chất lượng cao.
Thứ tư, các doanh nghiệp rất khó khăn khi đầu tư vào nông nghiệp do vấp phải nhiều rào cản của thủ tục hành chính, khiến họ nản lòng. Thực tế, Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng những chính sách này trở nên kém hấp dẫn bởi thủ tục quá phức tạp, khiến doanh nghiệp từ vị trí người được khuyến khích, ưu đãi trở thành người phải “chạy vạy”, “xin xỏ” mới được đầu tư.
Theo kết quả điều tra, có đến 40% số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cho rằng việc “loại bỏ hoặc hạn chế thủ tục quan liêu” trong đối xử đối với doanh nghiệp là quan trọng nhất để giúp họ phát triển sản xuất kinh doanh; 76% số doanh nghiệp cho rằng, thủ tục phức tạp là trở ngại cho khả năng phát triển của doanh nghiệp trong 5 năm tới, trong đó 33% cho là đặc biệt trở ngại.
Thứ năm, khó khăn trong việc tiếp cận đất đai là một thử thách khác đối với doanh nghiệp khi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Có doanh nghiệp cho rằng, họ đã phải mất từ 2 năm đến 4 năm mới nhận được đất. Rất nhiều dự án gặp không ít khó khăn liên quan đến việc tích tụ ruộng đất, giải phóng mặt bằng cho sản xuất. Một số dự án phải tạm dừng để chờ quy hoạch chung và quy hoạch ngành, chưa kể, diện tích đất canh tác của các địa phương trên cả nước hiện nay đều bị thu hẹp một cách đáng kể để xây dựng các khu, cụm công nghiệp, sân gôn, xây dựng hạ tầng và nhà ở.
Thứ sáu, bản thân các doanh nghiệp gặp khó khăn xuất phát từ chính nội lực yếu kém của mình. Theo nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện nay có xuất phát điểm thấp, công nghệ chưa được đưa vào ứng dụng nhiều. Nhiều doanh nghiệp luôn phải đối mặt với những khó khăn về vốn, công nghệ, máy móc, trong khi những khó khăn khác cũng thường xuyên rình rập như sức mua yếu trên thị trường, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không cao, thiếu nguồn nhân công khiến các doanh nghiệp này phần lớn chỉ dám hoạt động ở các công đoạn như thu gom, vận chuyển, sơ chế, đóng gói với giá trị gia tăng thấp.
Giải pháp nào để hút đầu tư vào nông nghiệp?
Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2010/NĐ-CP, ngày 4-6-2010, về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, trong đó quy định: Miễn giảm tiền sử dụng đất cho các nhà đầu tư có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, nếu Nhà nước giao đất thì được miễn tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư đó. Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư được giảm 70% số tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước đối với dự án đầu tư đó. Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư nếu được Nhà nước giao đất được giảm 50% số tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước đối với dự án đầu tư đó. Đối với nhà đầu tư có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư nếu thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân để tiến hành dự án đầu tư đó được Nhà nước hỗ trợ 20% tiền thuê đất, thuê mặt nước theo khung giá đất, mặt nước của địa phương cho 5 năm đầu tiên kể từ khi hoàn thành xây dựng cơ bản.
Như vậy, các chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn không phải chưa thỏa đáng, song, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn không nhiều, chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước trước đây chuyển đổi sang. Những người đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hầu như là người từng có nhiều năm gắn bó và rất tâm huyết với ngành. Theo các nhà nghiên cứu, ngoài những khó khăn được kể trên và dù Nhà nước đã có Nghị định số 61, ngày 4-6-2010 song các chính sách đối với vấn đề đầu tư nông nghiệp còn chưa đủ mạnh, chưa đúng cách và chưa trúng những mục tiêu cần đầu tư. Vì vậy, để các doanh nghiệp thực sự có tâm và có tầm đầu tư vào lĩnh vực rất có ý nghĩa này đối với nền kinh tế và dân sinh thì cần những giải pháp đồng bộ. Xin nêu một số gợi ý về vấn đề này:
Một là, điều quan trọng trước tiên là thay đổi nhận thức đối với nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ đó thay đổi cách ứng xử, từ chủ trương đến chính sách và hành động trên thực tế.
Hai là, tăng cường đầu tư của Nhà nước vào xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn bao gồm điện, nước, thông tin, hệ thống thủy lợi, đường sá, cầu cảng… nhằm tạo mọi thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững và các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn khi làm ăn trong lĩnh vực còn độ rủi ro cao này. Quốc hội nhanh chóng thông qua các Luật Nông nghiệp, Luật Thủy lợi, Luật Thú y, Luật Thủy sản,... và có những chính sách ưu tiên cụ thể cho nông nghiệp, trong đó đặc biệt chú ý về việc bố trí ngân sách cao hơn cho nông nghiệp.
Ba là, Nhà nước có bước đột phá trong việc ban hành những chính sách nhằm đơn giản hóa các thủ tục cấp phép đối với doanh nghiệp, thủ tục triển khai những dự án trong nông nghiệp. Báo cáo về tình hình thực hiện các nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thẳng thắn thừa nhận: “Ba năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, cũng là giai đoạn mà số lượng cơ chế chính sách về nông nghiệp, nông thôn được ban hành nhiều nhất từ trước tới nay, nhưng đa số mới chỉ dưới dạng văn bản, việc chuyển hóa thành những hoạt động cụ thể còn hạn chế”. Rõ ràng, những hạn chế trong việc thực thi các chính sách là điều cần được khắc phục sớm mới giúp các doanh nghiệp có tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp.
Bốn là, có biện pháp để bảo đảm quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, khuyến khích và tìm ra những giải pháp hợp lý để đẩy nhanh tiến độ tích tụ ruộng đất, nhằm giúp các doanh nghiệp có điều kiện làm ăn lớn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước hiện nay.
Năm là, Nhà nước cần tăng cường chú ý tới hoạt động khuyến khích mời gọi doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp nhiều hơn nữa bằng việc đưa ra những chính sách ưu tiên, ưu đãi cụ thể và hấp dẫn. Mục tiêu ưu tiên đầu tư và cơ chế hỗ trợ nên tập trung vào các chương trình trọng điểm, như: phát triển công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị và bảo đảm vệ sinh an toàn của sản phẩm sau thu hoạch./.
Để chất lượng đảng viên đáp ứng yêu cầu của Điều lệ Đảng  (14/12/2012)
Một số vấn đề về tổ chức và hoạt động của chính quyền cơ sở  (14/12/2012)
Học và làm theo Bác - giải pháp quan trọng để Cục Cảnh sát Biển Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ  (14/12/2012)
Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ X thành công tốt đẹp  (14/12/2012)
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (14/12/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên