Mô hình trồng cây cảnh
 xã Vĩnh Thành - Bến Tre
Là một tỉnh nông nghiệp ven biển thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, những năm gần đây phải đối phó với bão lũ và dịch bệnh, nhưng kinh tế Bến Tre năm sau vẫn tăng hơn năm trước, hộ nghèo trong 2 năm giảm 7,2% tương ứng với 15.255 hộ và 53.606 người thoát nghèo. Đảng bộ và nhân dân Bến Tre coi đó là một thành tựu rất quan trọng, không chỉ đối với kinh tế - xã hội, mà còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc, tính nhân văn cao cả.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Bến Tre đang trên đà phát triển toàn diện. Kinh tế tăng trưởng và chuyển dịch đúng hướng, các nguồn lực huy động cho đầu tư phát triển tăng nhanh, cơ sở vật chất - kỹ thuật được tăng cường, văn hóa - xã hội có tiến bộ, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới, an ninh - quốc phòng và hệ thống chính trị được củng cố. Năm 2007, GDP tăng trưởng đạt 10,87%, thu nhập bình quân đầu người 9,2 triệu đồng. Năm 2005, hộ nghèo là 20,02% , mặc dù cơn bão số 9 vào cuối năm 2006 gây hậu quả nặng nề, nhưng với sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, từ nhiều địa phương, đơn vị, cá nhân ngoài tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương, đến cuối năm 2007 tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 12,82%.

Những điều rút ra từ thực tiễn

Có được kết quả trên, trước hết, phải nhận thức đúng về công tác xóa đói, giảm nghèo. Phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo là những mặt thuộc về bản chất của chế độ. Nhận thức rõ điều đó, Đảng bộ Bến Tre chủ trương khuyến khích làm giàu chính đáng, nhưng đồng thời không để người nghèo, người cơ nhỡ, không nơi nương tựa, gặp khó khăn trong cuộc sống.

Hai là, có giải pháp đúng, phù hợp. Là tỉnh thuần nông, nhưng Bến Tre lại có sắc thái riêng, địa hình không thuận lợi, bốn bề sông nước, ruộng lúa không nhiều mà chủ yếu là vườn và biển. Đặc điểm này làm cái nghèo ở Bến Tre không giống ai. Mặc dù là nghèo, nhưng người làm vườn khác với người làm nghề biển và nghề biển càng không giống với nghề trồng lúa. Muốn giải quyết cái nghèo ở đây một cách căn cơ thì không chỉ có chế độ, chính sách cho người nghèo và một vài điều kiện như vốn, kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, mà cần cả một hệ thống giải pháp, những giải pháp đó lại được áp dụng phù hợp cho từng vùng, từng đối tượng cụ thể.

Ba là, yếu tố tự lực vươn lên của người nghèo vẫn giữ vai trò quyết định. Bên cạnh những việc làm cụ thể, sự hỗ trợ phải đồng bộ cả trong nhận thức và hành động. Nhận thức đúng từ người nghèo đến người hỗ trợ cho việc giảm nghèo, trong đó hỗ trợ giảm nghèo là quan trọng, không thể thiếu, nhưng yếu tố tự lực vươn lên luôn giữ vai trò quyết định cho việc giảm nghèo. Bến Tre đồng tâm hiệp lực hỗ trợ cho hộ nghèo muốn thoát nghèo, nhưng cũng mạnh dạn loại bỏ ra ngoài danh sách những hộ nghèo có sức lao động mà chây ỳ, lười biếng. Trong hành động, không chỉ có ngành chuyên môn và một vài đoàn thể, mà là cả hệ thống chính trị, gắn xã hội hóa công tác giảm nghèo với việc giảm nghèo trong họ tộc.

Bốn là, công tác kiểm tra phải tiến hành thường xuyên, để công tác giảm nghèo thực hiện nghiêm túc hơn, công bằng hơn, dân chủ hơn và đúng đối tượng. Đồng thời đòi hỏi người trực tiếp làm công tác giảm nghèo ở cơ sở phải có “tâm rộng” và “đúng tầm”, nghĩa là phải thẳng thắn, trung thực, có tâm huyết và quyết tâm làm, khi làm phải đúng đối tượng, đúng chế độ, chính sách. Hỗ trợ phải đem lại kết quả thiết thực, không hình thức. Người khó nhiều giúp trước, khó ít giúp sau, không phân biệt họ hàng, người thân hay kẻ trên, người trước.

Vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước

Làm được như vậy không có nghĩa là việc giảm nghèo ở Bến Tre đã có bước đi vững chắc. Bước sang năm 2008, năm “bản lề” của kế hoạch 5 năm, mục tiêu phấn đấu của tỉnh Bến Tre đạt mức tăng trưởng GDP 12% trở lên và giảm hộ nghèo xuống còn 11%, trong khi số hộ vừa thoát nghèo, không còn hưởng chế độ chính sách người nghèo lại đối mặt với thị trường giá cả không ổn định, hộ cận nghèo còn nhiều, thu nhập hộ thuần nông bấp bênh, năng suất, chất lượng nông sản chưa cao. Tựu trung lại, hộ nghèo có thể ví như người vừa qua cơn bạo bệnh mà sống trên biển khơi gặp phải sóng to, gió lớn; bên cạnh đó, còn có một bộ phận hộ nghèo nhận thức kém, không muốn thoát nghèo, vì muốn được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước; công tác bình xét hộ nghèo ở một số nơi chưa bảo đảm quy trình và đúng đối tượng. Đó chính là những khó khăn, thách thức đối với Bến Tre trong công tác giảm nghèo những năm tiếp theo.

Hiện tại, toàn tỉnh còn 41.996 hộ nghèo với 155.438 nhân khẩu và 17.351 hộ cận nghèo. Giải quyết vấn đề này, Bến Tre tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, cụ thể hơn. Để giảm được chỉ tiêu hộ nghèo, nhưng vẫn bảo đảm kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao thì vẫn phải duy trì miễn, giảm học phí và mua bảo hiểm y tế cho 100% hộ nghèo. Tiếp tục triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tập trung vào các vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao. Trên cơ sở đó hướng dẫn, triển khai công tác bình xét hộ nghèo đúng quy định và thực chất. Tăng cường công tác kiểm tra, bình xét hộ nghèo tại cơ sở nhằm uốn nắn, xử lý kịp các trường hợp bình xét không đúng quy định, tạo không khí dân chủ, công bằng, hợp lý trong nhân dân. Đổi mới các hình thức cho vay vốn; tư vấn sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả. Huy động nhiều nguồn vốn để tập trung giảm nghèo, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Vận động, hỗ trợ kinh phí học nghề, tiếp tục khuyến nông, công, ngư nhằm chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người lao động nghèo.

Tiếp tục thực hiện các chính sách trợ giúp người nghèo vươn lên như khám chữa bệnh, hỗ trợ giáo dục, nhà ở, cho vay vốn ưu đãi. Ngoài các chương trình, dự án chung, tập trung xúc tiến việc đăng ký và quảng bá thương hiệu cho một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh. Hình thành mối liên kết nông - công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn nông thôn, thông qua mô hình hoạt động của các hiệp hội, hợp tác xã để hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, vận động phát triển các hình thức hợp tác ở nông thôn, trong đó có lao động nghèo tại chỗ. Tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế như dừa, sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, tôm, cá da trơn... Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao tay nghề cho người lao động; tăng cường công tác chuyển giao khoa học - công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, chế biến nông sản theo công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh; tăng cường công tác phòng, chống các dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi,... Bên cạnh việc tổ chức lại hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ có hiệu quả, là phát triển vùng nuôi thủy sản theo quy hoạch, bảo đảm phát triển bền vững cả ba vùng ngọt, lợ và mặn. Hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ưu tiên đầu tư xây dựng các trung tâm giống nhằm ổn định và tiến tới chủ động về cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.

Bên cạnh việc tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp, cần tăng cường hoạt động khuyến công nhằm hỗ trợ và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống ở nông thôn và phát triển các ngành nghề mới. Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; vận động các cơ sở sản xuất liên kết thành lập các hiệp hội, các câu lạc bộ doanh nghiệp để hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm... Phát triển trung tâm thương mại, siêu thị, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm nâng cao năng lực tiếp cận thị trường tiêu thụ hàng hóa. Khai thác tối đa các nguồn vốn đầu tư phát triển chợ nông thôn để đẩy mạnh giao lưu hàng hóa nông sản. Đa dạng hóa và phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử tạo ra nhiều sản phẩm mới thu hút khách. Xúc tiến đầu tư phát triển mô hình vận tải biển, du lịch sinh thái ven biển... nhằm khơi dậy thế mạnh các địa phương ven biển.

Đào tạo tay nghề cho người lao động là giải pháp xóa nghèo bền vững

Bến Tre rất coi trọng việc thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp ở bậc phổ thông trung học, nhất là vùng nông thôn. Thực hiện các chính sách khuyến khích tín dụng để phát triển sản xuất, thu hút lao động; tập trung đào tạo nghề gắn với yêu cầu lao động cho các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Phát triển mạng lưới thông tin thị trường lao động, xây dựng sàn giao dịch việc làm, hỗ trợ tự tạo việc làm. Thực hiện các chương trình chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho lao động nữ, lao động vùng sâu, vùng xa, vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phát triển làng nghề, kinh tế trang trại, mô hình làng nghề thanh niên lập nghiệp,... Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trung tâm dạy nghề trọng điểm, liên vùng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng tay nghề cho người lao động. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường kỹ nghệ của tỉnh và nâng cao năng lực về cơ sở vật chất và chương trình dạy nghề ở các trung tâm dạy nghề ở các huyện, thị. Khuyến khích tư nhân mở trường dạy nghề. Thực hiện tốt chương trình xã hội hóa giáo dục và dạy nghề. Hỗ trợ tín dụng cho các cơ sở dạy nghề tư nhân đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị thực hành nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, giúp người học nắm bắt kịp thời trình độ công nghệ hiện đại.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre nhận thức rất rõ rằng, không thể giảm nghèo bền vững khi nền kinh tế chưa bền vững. Giảm nghèo có hiệu quả thật sự chỉ khi công tác này là một bộ phận không thể tách rời trong tổng thể công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương và được tiến hành đồng thời, toàn diện trong một hoàn cảnh cụ thể với từng đối tượng cụ thể. Tiếp tục phát huy truyền thống "quê hương đồng khởi", Bến Tre quyết tâm làm tốt công tác giảm nghèo góp phần thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng./.