Công đoàn cơ sở bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động

TS. Lê Thanh Hà Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
19:02, ngày 23-11-2012
TCCSĐT - Trong các doanh nghiệp, công đoàn cơ sở (CĐCS) có quyền và trách nhiệm đại diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động (CNLĐ), có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền pháp luật lao động, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, giải quyết xung đột lao động, góp phần làm cho sản xuất phát triển, đời sống công nhân được cải thiện.

1. Công đoàn cơ sở bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động 

Từ đầu năm 2012, giá cả thị trường tăng mạnh đã ảnh hưởng không ít tới đời sống của CNLĐ, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Giá một số mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, tiền thuê nhà ở,…tăng mạnh, đã có mặt hàng tăng giá 40% - 50%, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống CNLĐ. Để bảo đảm việc làm, cải thiện đời sống người lao động, công đoàn các cấp, nhất là công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất và CĐCS các doanh nghiệp đã tổ chức các cuộc họp, đối thoại giữa lãnh đạo chuyên môn, người sử dụng lao động (NSDLĐ) với công đoàn và CNLĐ để tháo gỡ khó khăn. Ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu,… CĐCS đã vận động chủ nhà trọ không tăng tiền thuê nhà với công nhân; thu tiền điện, nước theo đúng giá quy định; vận động các doanh nghiệp hỗ trợ tiền nhà hoặc tăng tiền hỗ trợ tiền thuê nhà cho CNLĐ. Kết quả có doanh nghiệp đã hỗ trợ tiền nhà cho CNLĐ từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng/tháng.

Ở TP. Hồ Chí Minh, các CĐCS đã vận động được hơn 65.000 hộ có phòng trọ tự nguyện đăng ký không tăng giá phòng trọ, hiện tại 95% số chủ nhà trọ trên địa bàn quận 9, quận Thủ Đức đăng ký không tăng giá nhà trọ, đồng thời tham gia mô hình “nhà trọ văn minh”. Nhiều địa phương khác cũng hưởng ứng phong trào này, nhờ đó CNLĐ cả nước đã giảm được hàng tỷ đồng trả tiền nhà trọ.

Các cấp công đoàn còn vận động các chủ nhà trẻ, trường, lớp mẫu giáo tư thục không tăng giá trông giữ trẻ. Kết quả có hơn 2.000 nhà trẻ, trường mầm non tư thục cam kết không tăng giá, trong đó có 260.000 trẻ là con công nhân.

Công đoàn các cấp đã tích cực, chủ động tham gia với giới chủ sử dụng lao động, chủ nhà trọ và chính quyền địa phương xây dựng khu nhà trọ văn hóa kiểu mẫu nhằm góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của CNLĐ. Một trong những điển hình của mô hình này là khu nhà lưu trú của công nhân công ty Nissei (Nhật Bản) nằm trong khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh). Ở đây, phòng ở của hơn 1.000 công nhân được trang bị đầy đủ máy giặt, thư viện, tủ quần áo và nhiều trang thiết bị khác cho công nhân sử dụng miễn phí. Việc chăm lo đời sống tinh thần của công nhân được công đoàn và lãnh đạo công ty quan tâm. Trong khu lưu trú còn có căng-tin, ti-vi, sân bóng đá để công nhân vui chơi, giải trí sau giờ làm việc, làm cho công nhân phấn khởi, yên tâm gắn bó với công ty.

Công đoàn phối hợp với NSDLĐ tổ chức bữa ăn giữa ca cho CNLĐ, vận động doanh nghiệp tăng mức ăn giữa ca để bảo đảm sức khỏe từ đó CNLĐ làm việc tốt hơn với năng suất cao hơn. Điển hình như Công đoàn công ty TNHH Hào Tâm, Việt Thành vừa qua đã tổ chức được bếp ăn tập thể cho CNLĐ mỗi ngày 3 bữa tại công ty. Công ty TNHH MeKo (Khu công nghiệp Trà Nóc) điều chỉnh mức hỗ trợ tiền ăn giữa ca của CNLĐ từ 8.000đ/ngày lên 10.000đ/ngày, điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đi lại từ 7.000đ/ngày lên 9.000đ/ngày. Công ty TNHH thực phẩm xuất khẩu Nam Hải tăng tiền bữa ăn ca lên 15.000đ. Liên đoàn Lao động tỉnh Hậu Giang làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn tăng mức hỗ trợ bữa ăn trưa từ 7.000đ/ngày lên 10.000đ/ngày,… 

Công đoàn cơ sở đã tuyên truyền, vận động CNLĐ thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn - vệ sinh lao động, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ chính sách đối với CNLĐ, góp phần đáng kể xây dựng quan hệ lao động (QHLĐ) hài hòa, ổn định và hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong CNLĐ.

Công đoàn đã tích cực, chủ động nghiên cứu, tổ chức vận động và thực hiện tốt chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của CNLĐ, như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, chính sách tiền lương, tiền thưởng, chính sách bảo hộ lao động, chính sách giải quyết việc làm, chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động; hướng dẫn, giúp CNLĐ ký giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) với NSDLĐ; đại diện cho CNLĐ thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), xây dựng quy chế doanh nghiệp; vận động, tổ chức cho CNLĐ thực hiện TƯLĐTT, nội quy, quy chế doanh nghiệp; luôn chủ động tham gia và tổ chức vận động CNLĐ tham gia kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách về lĩnh vực lao động, bảo đảm hài hòa lợi ích của CNLĐ với lợi ích của NSDLĐ, lợi ích nhà nước và xã hội. Tham gia giải quyết tranh chấp lao động ở cơ sở, phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật, chế độ chính sách của Nhà nước đối với CNLĐ, góp phần xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Những kiến nghị chính đáng của CNLĐ được công đoàn cùng với đoàn công tác liên ngành đề nghị doanh nghiệp thực hiện, những vấn đề đòi hỏi thái quá, hoặc nhu cầu của CNLĐ vượt quá khả năng của doanh nghiệp thì cán bộ công đoàn giải thích cho CNLĐ hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp. 

Công đoàn cơ sở tích cực, chủ động, đổi mới tổ chức, đa dạng hóa các hình thức vận động nhằm tập hợp công nhân, lao động trong các doanh nghiệp, cơ quan, các thành phần kinh tế gia nhập và tham gia hoạt động công đoàn. Đến tháng 6-2012, Công đoàn Việt Nam đã có hơn 113.000 CĐCS với hơn 7,7 triệu đoàn viên công đoàn; từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tích cực xây dựng, bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật, các chế độ, chính sách có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công nhân; vận động NSDLĐ và công nhân chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật, nội quy, quy chế doanh nghiệp. 

Công đoàn còn có vai trò hết sức quan trọng trong giải quyết tranh chấp lao động, đình công. Khi đình công xảy ra, CĐCS là người trực tiếp tiếp xúc lắng nghe, tập hợp những yêu cầu, kiến nghị của những người tham gia đình công. Thống kê hằng năm của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, từ tháng 01-2000 đến tháng 6-2011, có 3.602 cuộc ngừng việc tập thể và đình công, trong đó đình công xảy ra ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 2.718 cuộc, chiếm tỷ lệ 75,4%. Nếu những năm 1995 - 2000 tại các doanh nghiệp FDI xảy ra 231 cuộc, chiếm tỷ lệ 56,4% số cuộc đình công trong cả nước, thì trong 5 năm tiếp theo (2001- 2005) số cuộc đình công tăng gần gấp 3 lần, với 627 cuộc, chiếm 64,1%. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, có 331 cuộc ngừng việc tập thể và đình công, trong đó doanh nghiệp FDI có 259 cuộc, chiếm 78,25%. 

Qua nghiên cứu và khảo sát thực tế cho thấy, nguyên nhân chính của tranh chấp lao động là do doanh nghiệp vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ; do sự thiếu hiểu biết pháp luật lao động và sự khác biệt về văn hóa giữa người quản lý nước ngoài và CNLĐ; xung đột ngày càng bắt nguồn nhiều hơn từ xung đột trực tiếp về lợi ích giữa CNLĐ và NSDLĐ.

Tuy nhiên, hiện nay một số CĐCS còn chưa thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ. Ở các doanh nghiệp FDI, hoạt động công đoàn còn nhiều hạn chế, CNLĐ chưa thật sự tin tưởng vào cán bộ CĐCS.

Công tác tuyên truyền, vận động CNLĐ thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật chưa đạt hiệu quả cao. Công tác phát triển đoàn viên, phương pháp hoạt động công đoàn cơ sở chưa được đổi mới mạnh mẽ cho phù hợp với điều kiện mới, nhất là với loại hình doanh nghiệp FDI.

Đội ngũ cán bộ CĐCS thường xuyên biến động, trình độ, năng lực còn hạn chế so với yêu cầu. Ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, vị thế của cán bộ công đoàn bị lệ thuộc về mặt kinh tế và quản lý lao động của doanh nghiệp. Cán bộ công đoàn hoạt động kiêm nhiệm; cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn cũng chưa đồng bộ và chưa được tổ chức thực hiện nghiêm, nên không tạo được động lực khuyến khích cán bộ công đoàn nhiệt tình tham gia hoạt động. 

2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở 

a) Tăng cường thương lượng xây dựng và thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể

Vấn đề tập thể lao động và cả NSDLĐ cần quan tâm hiện nay là thương lượng, thỏa thuận với nhau để xây dựng được hệ các quy tắc ứng xử, quy chế riêng được quy định trong thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động. Khi NSDLĐ hoặc người quản lý của doanh nghiệp vi phạm một trong các quy tắc đó, thì tập thể lao động có lý do để yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động. Vì vậy, việc xây dựng quy chế, hay quy tắc ứng xử trong quan hệ lao động trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận tại các doanh nghiệp cần được công đoàn và cả NSDLĐ quan tâm.

CĐCS phải coi việc xây dựng hệ thống văn bản thỏa thuận, như TULĐTT hoặc các thỏa thuận khác giữa tập thể lao động và NSDLĐ là một mục tiêu hết sức quan trọng, là công cụ, phương tiện; là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho tập thể CNLĐ; cơ sở để đặt ra yêu cầu thương lượng nhằm thiết lập các điều kiện lao động mới ngày càng tốt hơn.

b) Nâng cao năng lực cán bộ công đoàn cơ sở

Thực tiễn cho thấy, nhiều cán bộ CĐCS chưa đủ năng lực để đàm phán, thương lượng với NSDLĐ. Do vậy, công đoàn cấp trên cơ sở phải hỗ trợ (hỗ trợ tích cực, toàn diện, cụ thể) CĐCS trong việc đàm phán, thương lượng ký TULĐTT, hoặc xây dựng được các TULĐTT cấp tổng công ty, ngành làm cơ sở cho việc thương lượng, ký TULĐTT,... Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm đối với CĐCS, cụ thể là hướng dẫn trình tự, thủ tục thương lượng, ký kết TULĐTT; cung cấp văn bản pháp luật, tài liệu; hỗ trợ tài chính (nếu có) và các nguồn lực khác; cùng CĐCS lựa chọn thành viên và thành lập nhóm thương lượng của công đoàn, xác định chiến lược, xây dựng kế hoạch cụ thể để tiến hành thương lượng; cử cán bộ, chuyên gia làm thành viên hoặc lãnh đạo nhóm thương lượng của công đoàn.

c) Kết hợp sức mạnh từ nhiều nguồn trong thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể

Trong toàn bộ quá trình, hoạt động thương lượng với NSDLĐ, CĐCS tập hợp ý kiến người lao động; đàm phán, thương lượng với NSDLĐ về các điều khoản của thỏa ước; lấy ý kiến người lao động thông qua dự thảo thỏa ước; thương lượng, tổ chức, lãnh đạo đình công; huy động sức mạnh, sức ép và nguồn lực hợp pháp khác (công đoàn cấp trên, cơ quan quản lý nhà nước, báo chí, dư luận, khách hàng, công ty mẹ, tổ chức của NSDLĐ,...). Hỗ trợ cho CĐCS cần xây dựng cơ chế "hai bên" gồm đại diện Hiệp hội giới chủ - Công đoàn ở cấp tương ứng. Cơ chế đối thoại hai bên là một trong những cách thức hiệu quả trong việc xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ. Do vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế, quy định để cơ chế này thực sự được thành lập, vận hành theo đúng bản chất của nó. Việc thúc đẩy xây dựng cơ chế hai bên ở cấp tổng công ty hay cấp ngành là một giải pháp của công đoàn có tính lâu dài trong giải quyết mâu thuẫn lợi ích xảy ra trong QHLĐ.

d) Công đoàn tích cực tham gia giám sát, kiểm tra thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp, đề xuất, kiến nghị xử lý những hành vi vi phạm pháp luật lao động

Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện chính sách tiền lương, thang bảng lương, tiền thưởng, cơ chế thưởng trong doanh nghiệp; tích cực tham gia, đề xuất, kiến nghị về quan hệ tiền lương; hệ số tiền lương thấp nhất, trung bình và cao nhất; cơ chế quản lý tiền lương, nhằm bảo đảm sự bình đẳng về tiền lương giữa CNLĐ làm việc trong doanh nghiệp. Yêu cầu các doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ và đúng kỳ hạn để bảo đảm quyền lợi cho CNLĐ. Công đoàn các cấp phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ các cơ sở dịch vụ phục vụ đời sống CNLĐ bảo đảm an toàn, vệ sinh, nâng cao chất lượng bữa ăn công nghiệp, kiểm tra việc thực hiện các chính sách về nhà ở, xây dựng thiết chế văn hóa trong các ký túc xá, khu tập thể, khu trọ của công nhân./.