Tổng kết Liên hoan hát văn Hà Nội 2012

Khánh Ly
20:58, ngày 22-11-2012
TCCSĐT - Chào mừng kỷ niệm Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23-11-2012), ngày 22-11-2012, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ tổng kết Liên hoan hát văn Hà Nội 2012

Liên hoan hát văn Hà Nội 2012 do Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức, diễn ra từ ngày 10-11-2012 đến ngày 22-11-2012 với bốn hoạt động lớn là:

1. Diễn xướng hát văn - hầu đồng ở hai đền Mẫu là đền Rừng và đền Kim Quyết;

2. Biểu diễn hát văn - một loại hình dân ca trên sân khấu, tại khu di tích đình - đền Hào Nam ngày 17-11-2012;

3. Tọa đàm khoa học với chủ đề “Hát văn - hầu đồng, nghi lễ tiêu biểu của đạo Mẫu Việt Nam” tại khu di tích đình - đền Liễu Giai ngày 18-11-2012;

4. Báo cáo tổng kết Liên hoan hát văn Hà Nội 2012 tại khu di tích đình - đền Liễu Giai ngày 22-11-2012.

Nghệ thuật hát văn (hay còn gọi là hát bóng) là loại hình ca hát cổ của Việt Nam, có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hát văn bao gồm bốn hình thức biểu diễn: hát thờ, hát thi, hát hầu và hát nơi cửa đền. Hát văn là một hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu. Ngày nay, hát văn không chỉ gắn với hầu đồng, mà nghệ thuật đặc sắc này còn phát triển thành một loại hình dân ca truyền thống, được biểu diễn ở các môi trường khác nhau. Tuy nhiên, hát văn trong diễn xướng hầu đồng mới thực sự mang đầy đủ bản sắc riêng của loại hình dân ca truyền thống. Với giá trị nghệ thuật độc đáo và ý nghĩa lịch sử, văn hóa, hiện nay, hát văn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản để nghiên cứu, lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

TS Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội, trong Báo cáo tổng kết chương trình đã nhấn mạnh: “Liên hoan hát văn Hà Nội 2012 nhằm giới thiệu và khẳng định một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người Việt trong sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu - một tín ngưỡng có tính triết lý và nhân văn sâu sắc, là sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng trong văn hóa làng từ xa xưa”. Thay mặt Ban Tổ chức, TS Lưu Minh Trị đã khái quát những kết quả cơ bản của các hoạt động Liên hoan hát văn. Theo đó, sự đúng mực trong các nghi lễ diễn xướng hát văn - hầu đồng được đánh giá cao; hoạt động biểu diễn hát văn trên sân khấu phong phú về số lượng và đạt chất lượng nghệ thuật, trong đó có nhiều tiết mục ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ. Tại lễ tổng kết, hai tiết mục hát văn đặc sắc “Đảng là mãi mãi mùa xuân” của đơn ca nữ đến từ Câu lạc bộ Di tích Thanh Xuân và “Truyền thống về quê hương” của đơn ca nam đến từ Chi hội Di sản văn hóa Long Biên và đền Rừng được Ban Tổ chức lựa chọn đã biểu diễn rất thành công.

Tọa đàm khoa học với chủ đề “Hát văn - hầu đồng, nghi lễ tiêu biểu của đạo Mẫu Việt Nam”, trong khuôn khổ Liên hoan hát văn Hà Nội 2012, đã thu hút sự quan tâm, tham gia của hơn 80 nhà khoa học, cán bộ quản lý văn hóa… Cuộc tọa đàm đã đưa ra những kết luận có giá trị, qua đó khẳng định sự tồn tại của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc, bổ sung thêm những căn cứ để đề nghị UNESCO công nhận hát văn trong nghi lễ hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa thế giới; góp phần tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng về nghi lễ hầu đồng và đề xuất tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tín ngưỡng này nhằm kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh, không để xảy ra những hiện tượng tiêu cực như: mê tín dị đoan, đốt vàng mã quá nhiều gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường…/.