Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua 6 luật
TCCSĐT - Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ tư, ngày 20-11-2012, Quốc hội làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua 6 luật và thảo luận về Dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi).
Các luật được thông qua là: Luật Xuất bản (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
Chưa cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Xuất bản (sửa đổi), với 92,37% số đại biểu có mặt tán thành.
Luật Xuất bản (sửa đổi) gồm 6 chương, 54 điều. Theo Luật này, Nhà nước có chiến lược, quy hoạch phát triển mạng lưới các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật cho hoạt động xuất bản; có chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động xuất bản.
Đối tượng thành lập nhà xuất bản gồm: Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở Trung ương trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và tài liệu khoa học, học thuật. Nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu. Luật đã mở rộng hợp lý sự tham gia của tư nhân trong các khâu khác nhau của hoạt động xuất bản, tuy nhiên chưa cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản.
Trước khi hoạt động, cơ sở phát hành là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập phải đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản theo quy định. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định thủ tục, hồ sơ đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm.
Luật cũng đã quy định rõ những trường hợp bị đình chỉ hoạt động xuất bản, thu hồi giấy phép thành lập hoặc bị giải thể nhà xuất bản theo quy định của pháp luật, nhằm chấn chỉnh việc cho thành lập nhà xuất bản không đủ các điều kiện, bảo đảm kỷ cương, góp phần nâng cao chất lượng công tác xuất bản.
Đáng chú ý, Luật đã bổ sung một chương riêng về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, cập nhật hơn với sự phát triển công nghệ thông tin và hoạt động xuất bản điện tử trong nước cũng như trên thế giới hiện nay.
Điều chỉnh thời gian đào tạo nghề luật sư
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư với 90,16% số đại biểu có mặt tán thành.
Luật quy định rõ: Người có bằng cử nhân luật được tham dự khóa đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư. Thời gian đào tạo nghề luật sư là mười hai tháng. Người hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư được cơ sở đào tạo nghề luật sư cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư.
Chính phủ quy định về cơ sở đào tạo nghề luật sư. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chương trình khung đào tạo nghề luật sư; quy định việc công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài. Như vậy, thời gian đào tạo nghề luật sư đã được điều chỉnh để cân đối với chương trình đào tạo nghề của các chức danh tư pháp như thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, nhằm nâng cao chất lượng luật sư, từng bước bảo đảm mặt bằng chung giữa luật sư với các chức danh tư pháp, chuẩn hóa việc đào tạo nghề luật sư.
Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài đã được thành lập và đang hành nghề luật sư hợp pháp tại nước ngoài được phép hành nghề tại Việt Nam theo quy định của Luật này khi có đủ điều kiện sau: Cam kết tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Cam kết và bảo đảm có ít nhất 2 luật sư nước ngoài, kể cả Trưởng chi nhánh, Giám đốc công ty luật nước ngoài có mặt và hành nghề tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong khoảng thời gian liên tục 12 tháng.
Trưởng chi nhánh, Giám đốc công ty luật nước ngoài tại Việt Nam phải có ít nhất hai năm liên tục hành nghề luật sư. Luật không cho phép viên chức là người đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư.
Phân loại doanh nghiệp để áp dụng ân hạn nộp thuế
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế với 92,57% số đại biểu có mặt tán thành.
Luật giữ nguyên quy định hiện hành về ân hạn đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu nhưng có phân loại doanh nghiệp để áp dụng ân hạn.
Cụ thể: Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, thời hạn nộp thuế tối đa là 275 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: Có cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam; Có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian ít nhất hai năm liên tục tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan mà không có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế; nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt; tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê; thực hiện thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp khác phải nộp thuế trước khi thông quan, giải phóng hàng hóa hoặc phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mặt khác cũng bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ nghiêm kỷ luật tài chính, ngăn chặn các hành vi chây ỳ, trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Luật cũng quy định rõ các trường hợp thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau và thời hạn kiểm tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Theo đó, thực hiện kiểm tra trong vòng một năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế đối với 4 trường hợp rủi ro cao, có biểu hiện gian lận về thuế nhằm ngăn chặn và hạn chế tình trạng trốn lậu, gian lận thuế. Các trường hợp còn lại chủ yếu là các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật về thuế và hải quan thì áp dụng kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro, trong đó có tính đến giá trị tiền thuế được hoàn.
Không bổ sung mục tiêu “bình ổn thị trường” trong Luật Dự trữ quốc gia
Được thông qua với số phiếu tán thành 94,58%, Luật Dự trữ quốc gia có 6 chương, 66 điều quy định việc hình thành, quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động dự trữ quốc gia.
Theo Luật, Nhà nước hình thành, sử dụng dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh. Để bảo đảm tính chặt chẽ trong tổ chức thực hiện, tránh mở rộng mục tiêu, vận dụng tùy tiện, Luật đã bỏ quy định: “Thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác” và không bổ sung mục tiêu bình ổn thị trường như trong dự thảo.
Các mặt hàng thuộc danh mục hàng dự trữ quốc gia phải đáp ứng mục tiêu dự trữ quốc gia và một trong các tiêu chí sau: Là mặt hàng chiến lược, thiết yếu, có tần suất sử dụng nhiều, có tác dụng ứng phó kịp thời trong tình huống đột xuất, cấp bách; là mặt hàng đặc chủng, không thể thay thế; là vật tư, thiết bị, hàng hóa bảo đảm quốc phòng, an ninh mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại.
Phạm vi hàng hóa được quy định trong Danh mục này đã được thu hẹp so với dự thảo theo hướng chỉ lựa chọn những nhóm mặt hàng chiến lược, thiết yếu phục vụ an ninh, quốc phòng và tình trạng khẩn cấp (thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn). Bao gồm các nhóm hàng như: lương thực; vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn; vật tư thông dụng động viên công nghiệp; muối trắng; thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người; vật tư, thiết bị, hàng hóa phục vụ quốc phòng, an ninh…
Ghi nhận vai trò của liên minh hợp tác xã
Biểu quyết thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi) với số phiếu tán thành 87,55%, Quốc hội đã nhất trí: Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.
Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 4 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp hợp tác xã.
Đồng thời, bổ sung thêm: Khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành các doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Việc định nghĩa bản chất hợp tác xã có ý nghĩa quyết định đến việc quy định các nội dung về tổ chức và hoạt động hợp tác xã như: mục tiêu, lợi ích, quyền, nghĩa vụ của thành viên; cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, vốn, tài sản và xử lý tài sản khi giải thể của hợp tác xã... Đồng thời, là cơ sở để Nhà nước ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ có tính chất đặc thù đối với tổ chức kinh tế này.
Về tổ chức liên minh hợp tác xã, Luật quy định theo hướng tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, tự chủ của tổ chức đại diện hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đồng thời ghi nhận vai trò của liên minh hợp tác xã.
Theo đó, Liên minh hợp tác xã có các chức năng, nhiệm vụ: Đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên; tuyên truyền, vận động phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tư vấn, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ việc hình thành và phát triển của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thực hiện các chương trình, dự án, dịch vụ công hỗ trợ phát triển hợp tác xã được giao; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đại diện cho các thành viên trong quan hệ hoạt động phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Công khai, minh bạch việc điều chỉnh giá bán lẻ điện
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực với số phiếu tán thành là 91,16%.
Luật quy định áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong hoạt động điện lực, sử dụng điện nhằm tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng, bảo vệ môi trường; khuyến khích nghiên cứu, phát triển, sản xuất và sử dụng thiết bị hiện đại phục vụ yêu cầu phát triển điện lực.
Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
Thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý đối với các nhóm khách hàng. Nhà nước hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Bảo đảm quyền tự quyết định giá mua, bán điện trong khung giá, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định của các đối tượng mua bán điện trên thị trường điện lực.
Giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật này.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện phải được thực hiện công khai, minh bạch về sự biến đổi của các yếu tố cấu thành liên quan đến việc điều chỉnh giá. Nhà nước sử dụng các biện pháp để bình ổn giá bán điện phù hợp với quy định của pháp luật về giá.
Liên quan đến vấn đề phát triển thủy điện, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về nghĩa vụ tuân thủ các quy định về an toàn đập thủy điện và vận hành hồ chứa; bổ sung vào quy định “Hồ chứa nước, đập thủy điện và các công trình phụ trợ phục vụ nhà máy thủy điện phải được xây dựng, quản lý, bảo vệ bảo đảm an toàn vận hành nhà máy điện và vùng hạ du”.
Phát triển khoa học - công nghệ là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững
Chiều 20-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi). Luật Khoa học và Công nghệ được ban hành năm 2000 - khi đó Việt Nam chưa là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chưa hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Vì vậy, sửa đổi Luật là để tạo cơ sở pháp lý nhằm thực hiện đột phá trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và theo kịp xu thế quốc tế hiện nay.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải sửa Luật theo hướng coi phát triển khoa học công nghệ là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững, để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Các ý kiến nhấn mạnh phải tăng cường đầu tư, huy động mọi nguồn lực xã hội vào khoa học công nghệ, cần có cơ chế tài chính đặc thù cho lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất, kinh doanh, để phát triển kinh tế - xã hội. Khi điều kiện cho phép thì tăng chi ngân sách Nhà nước cao hơn mức 2% như hiện nay để thúc đẩy hơn nữa tốc độ và chất lượng hoạt động khoa học và công nghệ.
Các đại biểu Quốc hội đồng tình cao việc dự thảo Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) quy định doanh nghiệp phải trích một phần lợi nhuận trước thuế để đầu tư phát triển khoa học công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.
Theo ông Phùng Đức Tiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, trong dự thảo Luật cần phải đặc biệt coi trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ: “Cần coi nhà khoa học là trung tâm của các hoạt động khoa học và công nghệ trên cơ sở chiến lược của các ngành, lĩnh vực để có quy hoạch, kế hoạch, đào tạo nguồn nhân lực khoa học. Trong Luật cần cụ thể hóa hơn nữa về việc đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để từng bước có nhiều chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực. Có chính sách cụ thể, tạo môi trường làm việc thuận lợi, thu hút nhân tài đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, có chế độ khen thưởng, tôn vinh các nhà khoa học có đóng góp quan trọng khoa học công nghệ, tác giả của những công trình có giá trị thực tiễn cao. Huy động được các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài để đóng góp phục vụ, xây dựng đất nước”./.
Chủ tịch nước tới thăm Đại học Bách khoa Hà Nội  (20/11/2012)
Việt Nam - Nhật Bản hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân  (20/11/2012)
Họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học: Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam  (20/11/2012)
Giao ban thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị  (20/11/2012)
Giao ban thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị  (20/11/2012)
Trung Quốc tổ chức gấp rút du lịch Hoàng Sa trái phép  (20/11/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay