TCCSĐT - Ngày 9-11-2012, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo sẽ nối lại đàm phán hạt nhân với I-ran vào tháng tới. Nếu kế hoạch này được thực hiện đúng lịch trình, đây sẽ là cuộc đàm phán đầu tiên giữa IAEA và I-ran kể từ tháng 8 vừa qua

Người phát ngôn IAEA Gin Tu-đo (Gill Tudor) cho biết, cơ quan này đặt mục tiêu đi đến đường hướng khung cho việc giải quyết những vấn đề còn tồn đọng liên quan chương trình hạt nhân của I-ran. IAEA muốn Tê-hê-ran (Tehran) giải thích rõ về bằng chứng cho thấy cho đến năm 2003 và có thể cả sau đó, I-ran vẫn tiến hành hoạt động nghiên cứu "liên quan tới việc phát triển một thiết bị nổ hạt nhân."

Song song với nỗ lực ngoại giao của IAEA, nhóm "P5+1" gồm: Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ cộng với Đức - cũng đang tìm cách thuyết phục I-ran thu nhỏ chương trình hạt nhân hiện nay của nước này, do nghi ngờ I-ran sản xuất bom hạt nhân, mặc dù Tê-hê-ran đã bác bỏ cáo buộc trên. Tuy nhiên, các nỗ lực theo cả 2 kênh ngoại giao này đã ngừng trệ trong những tháng gần đây do Mỹ tập trung cho chiến dịch bầu cử tổng thống. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định chưa có kế hoạch cho cuộc gặp của nhóm "P5+1".

Thông báo này là thông tin khả quan nhất về tiến trình đàm phán liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của I-ran bởi trước đó, ngày 5-11, chính Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Y-ư-ki-a A-ma-nô (Yukiya Amano) đã đánh giá tiến trình này đàm phán với I-ran tiếp tục "giậm chân tại chỗ".

Trong báo cáo gửi Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Giám đốc Y.A-ma-nô nêu rõ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm thuyết phục I-ran cung cấp thêm các thông tin về hoạt động hạt nhân của nước này đều không mang lại "kết quả cụ thể". Ông cũng cho biết thêm các chuyên gia của IAEA đang tìm cách thẩm định tính chính xác của các thông tin nói rằng I-ran đã đạt được những bước tiến lớn trong nghiên cứu phát triển vũ khí nguyên tử.

Tổng Giám đốc Y.A-ma-nô khẳng định cơ quan này tiếp tục theo đuổi các kênh đối thoại với I-ran và hy vọng hai bên sớm đạt được một thỏa thuận. Quan chức lãnh đạo IAEA cũng đồng thời bày tỏ quan ngại về tiến trình phi hạt nhân hóa tại Bán đảo Triều Tiên, hối thúc Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên hợp tác đầy đủ với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc trong quá trình thanh sát các hoạt động làm giàu u-ra-ni (uranium) của nước này.

Cho đến nay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua 4 nghị quyết trừng phạt I-ran liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này. Mỹ và một số nước phương Tây nghi ngờ I-ran phát triển vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc chương trình hạt nhân hòa bình, trong khi Tê-hê-ran bác bỏ cáo buộc, khẳng định chương trình hạt nhân chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng. Các cuộc thương lượng giữa giữa I-ran và nhóm P5+1, gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp cùng với Đức, đã đình trệ từ trung tuần tháng 6 vừa qua./.