TCCSĐT - Cuộc đối thoại trực tiếp lần hai trên truyền hình giữa ứng cử viên Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và ứng viên Mít Rôm-ni diễn ra tối ngày 16-10-2012 (sáng 17-10-2012 theo giờ Việt Nam) trong không khí đầy kịch tính và có phần “nảy lửa” trong giai đoạn nước rút chạy đua vào Nhà Trắng.
Cuộc đối thoại đầy kịch tính

Nói như vậy là bởi các nhà phân tích đã tìm ra được một số nguyên nhân:

Một là, sau lần đối thoại đầu tiên, ứng cử viên Mít Rôm-ni bất ngờ vượt lên dẫn điểm và rút ngắn đáng kể khoảng cách so với Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma do trong lần đó đương kim Tổng thống Mỹ luôn tỏ ra “nhũn nhặn”, phòng thủ, thiếu tính chiến đấu. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia phân tích, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã áp dụng chiến thuật “sư tử rình mồi” trong lần đối thoại đầu tiên để mặc cho ứng cử viên Mít Rôm-ni bộc lộ hết các ưu, nhược điểm và ông sẽ chuyển sang thế “vồ mồi” trong các lần đối thoại sau.

Theo dư luận ở Mỹ, thế bị động của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma trong phiên tranh luận đầu tiên đã khiến nhiều người cho rằng: cuộc “chạm trán” trong lần hai tại trường Đại học Hofstra ở thành phố Niu Oóc sẽ rất “nóng”. Đương kim Tổng thống Mỹ sẽ phải tận dụng tối đa cơ hội này để "lấy lại thể diện" đã mất trong suốt hai tuần qua, trong bối cảnh đối thủ Đảng Cộng hòa Mít Rôm-ni đã xuất sắc vượt lên trước trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây trên toàn quốc.

Hai là, lần đối thoại thứ hai này đề cập tới những chủ đề lẽ ra ứng cử viên Mít Rôm-ni có thế mạnh nhưng Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma lại có nhiều kinh nghiệm sau 4 năm cầm quyền, nên hai ông sẽ đấu với nhau trong thế ngang ngửa.

Ba là, cả hai ứng cử viên phải dốc hết “túi khôn” của mình nếu như không muốn thất bại. Do đó, cuộc đối thoại lần hai sẽ “nảy lửa” và căng thẳng hơn lần đầu. Bản thân Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cũng nhận thấy, ông đã "quá khiêm nhường” trong lần tranh luận trực tiếp đầu tiên, do vậy ông cần tỏ ra quyết liệt hơn trong lần hai. Còn ứng viên Mít Rôm-ni sẽ tiếp tục thể hiện phong thái vững vàng mà ông đã có được trong "hiệp một" của trận đấu.

Cuộc tranh luận lần hai kéo dài trong khoảng 90 phút dưới hình thức tranh cãi khác so với lần đầu, theo đó ngoài các câu hỏi của nữ phóng viên Can-di Crâu-li (Candy Crowley) của kênh truyền hình CNN, một số cử tọa dự cuộc tranh luận cũng đưa ra câu hỏi cho hai ứng cử viên. Chủ đề tranh luận lần này là các chính sách đối nội, đối ngoại của Mỹ, trong đó tâm điểm là vấn đề thuế, việc làm, năng lượng và vụ Lãnh sự quán Mỹ tại Li-bi bị tấn công.

Đúng như dự đoán của giới phân tích, lần này Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã thể hiển rõ sự chuyển hướng chiến thuật từ “rình mồi” sang “vồ mồi” với phong thái hoàn toàn khác so với vẻ “khiêm nhường” trong cuộc đối thoại trước. Ứng cử viên Đảng Dân chủ đồng thời là đương kim tổng thống đã liên tiếp công kích đối phương nhằm vào những sơ hở và tính thiếu thực tế trong chính sách phục hồi kinh tế của ứng viên Mít Rôm-ni đưa ra trong các lần đi vận động tranh cử. Cuộc tranh luận cuốn hút các ứng cử viên tới mức đã có lúc cả hai vừa diễn giải vừa chỉ tay về phía nhau. Thậm chí, nhiều lần Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma ngắt lời ứng viên Mít Rôm-ni để chỉ trích lập luận của ông này.

Lý lẽ có phần nghiêng về Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma?


Về chính sách kinh tế: Ngay trong phần mở đầu, đương kim Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma liên tục tung ra các đòn chỉ trích kịch liệt các kế hoạch kinh tế của ứng cử viên Mít Rôm-ni và cho rằng các kế hoạch đó sẽ gây tổn thương tầng lớp trung lưu, tầng lớp vốn có tiếng nói rất quan trọng ở Mỹ. Ông Ba-rắc Ô-ba-ma đã phê phán đối thủ lấy phiếu cử tri bằng những “hứa hẹn lỏng lẻo”, không có sức thuyết phục, thiếu cụ thể về sách lược kinh tế, rút cuộc sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sự phục hồi của nước Mỹ và đặt thêm gánh nặng lên chính đôi vai người dân Mỹ. Lần này, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã “ra đòn” quyết định khi chỉ trích mạnh mẽ tuyên bố được coi là "vạ miệng" của ứng cử viên Mít Rôm-ni khi ông này nhận xét có tới 47% người dân Mỹ đang “sống bám” vào Nhà nước.

Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma còn chỉ trích đối thủ Mít Rôm-ni khi ông này từng phản đối gói cứu trợ của Chính phủ dành cho ngành công nghiệp xe hơi, đồng thời phản đối đề xuất giải pháp kinh tế của ứng viên Mít Rôm-ni vì "bóp nghẹt" tầng lớp trung lưu. Ngoài ra, đương kim Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cho biết, các chính sách của ông sẽ góp phần ngăn nền kinh tế Mỹ rơi vào suy giảm thê thảm và đưa nền kinh tế trở lại con đường hồi phục.

Trong khi đó, ứng cử viên Mít Rôm-ni lại cho rằng, đương kim Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã thất bại trong việc phục hồi nền kinh tế và đã đến lúc nước Mỹ cần một nhà lãnh đạo mới. Tuy nhiên, ứng viên Mít Rôm-ni chỉ đưa ra giải pháp không căn bản là ông sẽ điều chỉnh thuế, cắt giảm chi tiêu lãng phí và đã bị Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đáp trả rằng những đề xuất của ông Mít Rôm-ni thật mơ hồ và sẽ chỉ mang lại lợi ích cho người giàu chứ không phải cho người nghèo hoặc tầng lớp trung lưu.

Về chính sách xã hội: Đối với vấn đề nhập cư, trong khi ứng viên Mít Rôm-ni cho rằng, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma không thể theo đuổi một đạo luật hoàn chỉnh như ông đã hứa trước khi nhậm chức, thì đương kim Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cho rằng, chính sự cản trở của những người trong Đảng Cộng hòa đã khiến đạo luật này không thể ra đời.

Khi bàn về giá năng lượng, ứng viên Mít Rôm-ni lên tiếng chỉ trích tình trạng giá nhiên liệu tăng gấp đôi trong vòng 4 năm qua. Đáp lại, ông Ba-rắc Ô-ba-ma giải thích lý do bắt nguồn từ cuộc suy thoái kinh tế hồi đầu năm 2009 và chỉ trích chủ trương hạ giá xăng dầu của ông Mít Rôm-ni như trước sẽ giống như chính sách từng nhấn chìm nền kinh tế Mỹ. Hai đối thủ cũng bất đồng trong các quan điểm về thuế khóa, biện pháp giảm thâm hụt ngân sách, năng lượng, trợ cấp cho phụ nữ và các vấn đề phúc lợi y tế, trong đó lập luận của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma có sức thuyết phục hơn.

Về chính sách đối ngoại: Lần đầu tiên các ứng cử viên tranh luận và công kích nhau về chủ đề này. Cả hai ứng cử viên đã phải liên tục rời khỏi chỗ ngồi và tiến về phía đối thủ để bác bỏ lập luận của nhau.

Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cáo buộc ứng viên Mít Rôm-ni thay đổi ý kiến trong những vấn đề như năng lượng và kiểm soát vũ khí và tỏ ra giận dữ - một kiểu phản ứng hoàn toàn bất ngờ ở một người nổi danh là điềm tĩnh, khi ứng cử viên Mít Rôm-ni chỉ trích cách phản ứng của đương kim Tổng thống Mỹ về cuộc tấn công Lãnh sứ quán Mỹ ở Ben-ga-di (Li-bi) khiến Đại sứ và 3 nhân viên ngoại giao Mỹ khác thiệt mạng.

Trong chính sách đối ngoại, theo ứng viên Mít Rôm-ni, nhiệm vụ hàng đầu của bất kỳ tổng thống Mỹ nào cũng phải là “loại bỏ tham vọng gây hại của Nga và Trung Quốc” và “chuyển hóa họ thành các quốc gia dân chủ”, cần phải “nhào nặn Nga thành một lực lượng ôn hòa hơn”. Vì thế, ứng viên Mít Rôm-ni cho rằng chủ trương của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma khi "cài đặt lại" quan hệ với Nga chứng tỏ chính sách của Mỹ đã thất bại trong việc đưa Nga hòa nhập vào quan hệ có lợi hơn với Mỹ và đồng minh. Ứng viên Mít Rôm-ni còn cáo buộc Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma về “tội” từ bỏ kế hoạch của người tiền nhiệm, bố trí lá chắn tên lửa ở cộng hòa Séc và Ba Lan do không đạt được sự nhân nhượng từ phía Nga. Tuy nhiên, ứng viên Mít Rôm-ni không nhận thấy rằng, kết quả điều tra dư luận xã hội chứng tỏ, chỉ có 2% người Mỹ cho rằng “Nga là kẻ thù số một của Mỹ” và trong chính sách đối ngoại của mình, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã làm được khá nhiều việc và nâng cao đáng kể vị thế của Mỹ trên thế giới so với tổng thống tiền nhiệm.

Trong quan hệ với Bắc Kinh, ứng viên Mít Rôm-ni cho biết, ông sẽ "mạnh tay” đối với những gì mà ông gọi là những quy định thương mại bất công của nước đông dân nhất thế giới, nhưng ông lại không hiểu được rằng, chính đương kim Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma lại là Tổng thống Mỹ đầu tiên có những tuyên bố cứng rắn nhất đối với Trung Quốc.

Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma thay đổi cục diện trận đấu?


Theo kết quả thăm dò của Hãng Truyền hình CNN và Tổ chức thăm dò quốc tế ORC, công bố ngày 16-10-2012, có 46% số người được hỏi cho rằng, ứng cử viên Ba-rắc Ô-ba-ma đã “chiến thắng” trong cuộc tranh luận lần hai này, trong khi chỉ có 39% ủng hộ ứng viên Mít Rôm-ni. Còn theo kết quả thăm dò cùng ngày của Reuters/Ipos, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma vẫn dẫn trước đối thủ Mít Rôm-ni với khoảng cách 48% so với 33%.

Với những gì thể hiện trong cuộc đối đầu tại cuộc tranh luận lần hai này, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã lấy lại được ưu thế trước đối thủ. Như vậy, nếu trong lần tranh luận đầu, "tỷ số" giữa 2 ứng cử viên là 1:0 nghiêng về Mít Rôm-ni, thì trong lần 2, tỷ số này đã đảo chiều thành 0:1 nghiêng về phía Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. Như vậy, sau 2 lần đối thoại, tỷ số chung đang là 1:1. Có lẽ mọi chuyện sẽ được định đoạt tại lần tranh luận tới ở bang Phlo-ri-đa./.