Ngày 11-10, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1502/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định này gồm 4 điều quy định rõ quan điểm quản lý, mục tiêu phát triển, quy hoạch tổng thể, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong quy hoạch.

Theo đó, Trạm kiểm tra tải trọng xe di động phải được bố trí trên những đoạn, tuyến đường bộ xuất hiện tình trạng xe quá tải, quá khổ tham gia giao thông nhưng chưa có Trạm kiểm tra trọng tải xe cố định hoạt động hoặc trên những đoạn, tuyến đường bộ có xe quá tải, quá khổ đi vòng để trốn, tránh việc kiểm tra, kiểm soát của Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định.

Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định phải được bố trí trên các tuyến đường bộ trọng điểm, các hành lang vận tải đường bộ lớn, nơi xuất phát các nguồn hàng lớn, kiểm soát tối đa các phương tiện lưu thông trên đường bộ (kể cả phương tiện từ các khu vực lân cận, các đầu mối nguồn hàng, cửa khẩu, bến cảng...).

Quyết định cũng chỉ rõ số lượng và vị trí các Trạm kiểm tra trải trọng xe, từ năm 2012 đến 2013 đầu tư xây dựng 45 trạm kiểm tra tải trọng xe cố định trên hệ thống đường bộ hiện có. Căn cứ vào tình hình giao thông thực tế của các tuyến đường bộ được phân cấp quản lý, cơ quan quản lý đường bộ sẽ quyết định cụ thể vị trí cũng như thời điểm thành lập Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động.

Quy mô của Trạm là kiểm soát được xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn lưu thông ở cả hai chiều trên đường bộ; có đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị phù hợp với nhiệm vụ kiểm tra của từng trạm và bảo đảm điều kiện làm việc cho các lực lượng hoạt động tại Trạm.

Trạm được thiết kế với công nghệ hiện đại, bảo đảm kiểm soát tải trọng, khổ giới hạn xe một cách nhanh chóng chính xác và hiệu quả; hạn chế tối đa sự tác động can thiệp trực tiếp của con người vào quá trình kiểm soát tải trọng, khổ giới hạn xe tại Trạm.

Kinh phí và nguồn vốn đầu tư xây dựng các trạm kiểm soát (bao gồm cả chi phí đền bù giải phóng mặt bằng) dự kiến là 6.468,431 tỷ đồng, được chia thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn từ năm 2012 đến 2015 đầu tư xây dựng 13 trạm kiểm tra tải trọng xe cố định và đầu tư trang bị 142 bộ cân lưu động với kinh phí dự kiến là 1.157,174 tỷ đồng. Quy hoạch có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Quyết định cũng xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương thực hiện triển khai nhiệm vụ. Theo đó, Bộ Giao thông - Vận tải là chủ trì phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xây dựng ban hành "Quy chế phối hợp các lực lượng hoạt động tại Trạm kiểm tra tải trọng xe”; phối hợp với các bộ, ngành có liên quan gồm Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất phương án tài chính, cơ chế, chính sách, hình thức đầu tư nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế, huy động các nguồn vốn tham gia đầu tư xây dựng Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ, kiểm tra, kiểm soát xe quá tải, quá khổ, tuyên truyền sâu rộng và lâu dài trong toàn dân, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2013.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Ban hành kèm theo Quyết định là Phụ lục chi tiết quy hoạch tổng thể Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030./.