TCCSĐT - Nhân ngày lễ Sen Dolta truyền thống năm 2012 của đồng bào Khmer, tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh đã tổ chức nhiều hoạt động chào mừng để giúp đồng bào Khmer tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có dịp vui chơi, giải trí, thi tài năng.

* Sóc Trăng: Trong các đêm từ 12,13-10, thành phố Sóc Trăng tổ chức hội thi tiếng hát Khmer và liên hoan các dàn nhạc ngũ âm. Hội thi không chỉ là dịp để các đội thi tài năng mà còn góp phần gìn giữ và phát huy việc học nhạc cụ truyền thống trong giới trẻ.

Tại huyện Trần Đề đã diễn ra hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục giữa các địa phương trong huyện. Hội thi đã quy tụ được sự tham gia của các thanh thiếu niên và nghệ nhân phum sóc. Riêng ngày 15-10 sắp tới, tại chùa Pong Tức Chắs (xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị) sẽ diễn ra chương trình văn nghệ chào mừng ngày lễ Sen Dolta năm 2012 cấp tỉnh.

Trước đó, tại nhiều huyện đã tổ chức buổi gặp mặt nhân dịp lễ Sen Dolta như huyện Long Phú (ngày 5-10), huyện Mỹ Tú (ngày 10-10) và huyện Mỹ Xuyên (ngày 12-10). Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo các huyện gửi lời chúc mừng đến những cán bộ người dân tộc Khmer, những gia đình chính sách, các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức và các vị Achar tại các chùa cùng những người có uy tín trong cộng đồng người Khmer tại các địa phương. Thông qua buổi gặp mặt, các cán bộ Khmer, các vị chức sắc tôn giáo đã bày tỏ sự vui mừng trước sự thay đổi ngày càng nhanh chóng của phum sóc, cũng như sự đầu tư to lớn của Đảng, Nhà nước trong việc quan tâm chăm lo cho đời sống đồng bào các dân tộc.

Cũng trong dịp lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer Nam bộ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ do đồng chí Bùi Ngọc Sương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ làm Trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà tại Sóc Trăng. Đoàn đã đến thăm, tặng quà cho Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Trường Bổ túc văn hóa trung cấp Pali Nam bộ, chùa Khleang (phường 6, thành phố Sóc Trăng) và chùa Prek On Đơk (xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên), gia đình chính sách, cán bộ hưu trí và hộ Khmer nghèo của tỉnh.

Lễ Sen Dolta (lễ cúng ông bà) của đồng bào Khmer Nam bộ là một trong ba lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer, cùng với Tết Chôl Chnăm Thmey (Tết vào năm mới) và lễ Ok Om Bok (cúng trăng). Năm nay, Lễ Sen Dolta sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 15-10. Riêng tại Sóc Trăng, sẽ có hơn 400.000 đồng bào Khmer sẽ đón Lễ Sen Dolta tại hơn 90 ngôi chùa ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

* An Giang: Trong những ngày này, đồng bào dân tộc Khơmer tỉnh An Giang cũng tập trung đón Lễ Sen Dolta trong niềm phấn khởi. Nhà nhà đều treo ảnh Bác Hồ, chuẩn bị chu đáo các nghi thức mừng lễ với mong ước tiếp tục có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, luôn được mùa bội thu, phum sóc phát triển. Trong Lễ năm nay còn có lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tỉnh và các huyện, thị trong tỉnh đến chúc mừng, vui lễ cùng đồng bào và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao vui chơi lành mạnh, đặc biệt là “Lễ hội đua bò Bảy Núi” chỉ có ở An Giang.

Năm nay, đồng bào Khơmer An Giang đón lễ vui hơn vì được mùa, thu nhập khá. Trong thời gian qua, đồng bào dân tộc Khơmer An Giang luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo, triển khai nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho đồng bào phát triển kinh tế gia đình, an sinh xã hội. Trẻ em được đến trường, được chăm sóc sức khỏe; gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đảng và Nhà nước đã ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở những nơi có đồng bào dân tộc Khơmer sinh sống như: đường, trường, trạm...

Trong năm 2012, An Giang đã chi hàng chục tỷ đồng cấp 1.640 căn nhà giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho đồng bào; triển khai chính sách hỗ trợ trực tiếp 47.823 người nghèo Khơmer trên 3,94 tỷ đồng, với mức chi 80.000 - 100.000đồng/người/năm. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng đầu tư cho các chùa thành lập tủ sách với nhiều loại sách, báo; kỹ thuật trong sản xuất nuôi trồng và tăng cường các trạm truyền thanh giúp đồng bào nắm bắt thông tin. Hiện nay, An Giang đang chuẩn bị triển khai Dự án Điện mặt trời cho 107 hộ dân tộc huyện Tịnh Biên và hỗ trợ các chùa xây dựng 20 lò hỏa táng theo yêu cầu với tổng kinh phí 12 tỷ đồng...

Với đặc thù đồng bào Khơmer sinh sống trên triền núi, phát triển nông nghiệp là chính, tỉnh An Giang đã tranh thủ hợp tác với các viện khoa học và Trường Đại học Cần Thơ đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp. Trung tâm khuyến nông, Sở Khoa học và công nghệ An Giang giới thiệu mô hình mới kết hợp với tổ chức hội thảo; trồng khảo nghiệm; chuyển giao kỹ thuật nuôi, trồng gắn với bảo vệ môi trường, xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu…. nhằm cải thiện điều kiện canh tác cho hiệu quả cao. Tỉnh cũng khuyến cáo đồng bào tận dụng địa hình phát triển vườn, rừng trồng các loại cây thích nghi với thổ nhưỡng như: xoài cát Hòa Lộc, xoài bưởi, thanh Long ruột đỏ, quýt Tiều...cho năng suất cao, chất lượng vượt trội giống địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Giờ đây, trong đồng bào Khơmer An Giang ngày càng có nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi như anh Chau Lao ở xã Văn Giáo với mô hình trồng lạc đạt doanh thu 150 triệu đồng/năm, trong đó có 60 triệu đồng lợi nhuận. Ông Chao Cho ở xã An Cư (huyện Tịnh Biên) chăn nuôi bò, mỗi năm thu nhập cho gia đình trên 400 triệu đồng. Ông Chau Keng ở xã Cô Tô (huyện Tri Tôn) với 5 ha trồng lúa mỗi năm cũng thu về trên 400 triệu đồng. Anh Chau Sóc ở xã An Tức (cùng huyện Tri Tôn) chọn chăn nuôi bò truyền thống của người dân tộc Khơmer cũng thu vào 900 triệu đồng/năm...

Được sự quan tâm của Đảng Nhà nước, các chùa Phật giáo Nam tông Khơmer được xây mới, trùng tu, được tự do hành đạo theo pháp luật, thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các huyện đã tổ chức nhiều lớp phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý trong đồng bào dân tộc. Trong các ngày lễ lớn của đồng bào Dân tộc Khơmer, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều trực tiếp đến chúc mừng.

* Trà Vinh: Hơn 300.000 người Khmer hiện đang sinh sống ở Trà Vinh đang chuẩn bị đón lễ Sen Dolta với nhiều niềm vui mới: Đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, bà con đang cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới.

Ông Sơn Canh, ngụ tại ấp Đôn Chụm, xã Tân Sơn (huyện Trà Cú) phấn khởi cho biết: Trước đây, vùng này thiếu điện thắp sáng, nước sinh hoạt cũng thiếu, đường giao thông đi lại khó khăn nên việc phát triển sản xuất chưa bảo đảm cuộc sống. Từ các chính sách của Đảng và Nhà nước, các công trình đã được đầu tư trên địa bàn xã. Nhiều hộ chí thú làm ăn vươn lên khá giàu, nhà cửa khang trang có nơi thờ cúng, sản vật dâng cúng ông bà vào dịp lễ Sen Dolta phong phú hơn. Xã Tân Sơn được tỉnh Trà Vinh chọn làm điểm xây dựng xã nông thôn mới nên người dân nơi đây càng phấn khởi hơn và sẵn sàng hiến đất, vật liệu, ngày công để thực hiện các công trình dân sinh và tham gia các mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao.

Những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10, theo tỉnh lộ 25 chúng tôi về thăm lại các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống như: Tân Hiệp, Long Hiệp, Ngọc Biên, Hàm Giang (huyện Trà Cú); Long Sơn (huyện Cầu Ngang). Theo tỉnh lộ 914 từ xã Ngũ Lạc (huyện Duyên Hải) về các xã: Đôn Châu, Đôn Xuân, Đại An (huyện Trà Cú), những con những con đường liên xã “nắng bụi, mưa sình” ngày nào, nay được nhựa hóa, những tuyến kênh thủy lợi nội đồng thẳng tắp, được thi công bằng cơ giới theo phương thức: Nhà nước đầu tư thuê cơ giới, người dân vùng hưởng lợi hiến đất.

Từ năm 2010 đến nay, nhờ người dân tự nguyện hiến đất (đa số là đồng bào Khmer) nên hệ thống thủy lợi nội đồng trên địa bàn xã từng bước được hoàn thiện. Trong số 1.200 ha đất ruộng của xã hiện có 900 ha trồng 3 vụ lúa/năm, 300 ha còn lại trồng 2 vụ lúa luân canh 1 vụ màu hoặc 1 vụ lúa - 2 vụ màu. Năng suất lúa từ 4-4,5 tấn/ha/vụ trước đây nay tăng vọt lên 6-7 tấn/ha/vụ. Xã đang tiếp tục thi công bằng cơ giới 10 tuyến kênh nội đồng, có tổng chiều dài khoảng 6,5 km, trong đó, người dân địa phương hiến đất có tổng giá trị khoảng 3 tỷ đồng. Nếu hoàn thành các tuyến kênh này, Long Hiệp sẽ chủ động tưới tiêu 100% diện tích đất trồng lúa.

Trà Vinh là một tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dân số hiện có hơn 1 triệu người; trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm khoảng 30%. Từ đầu mới tái lập tỉnh (tháng 5-1992), Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành nhiều Nghị quyết phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer. Điều này cho thấy, Đảng bộ và Chính quyền Trà Vinh luôn quan tâm và có nhiều nỗ lực đưa chính sách dân tộc đi vào cuộc sống. Bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư xây dựng trên 600 km đường láng nhựa, bê tông hóa trên 1.500 km đường giao thông nông thôn. Hơn 91% hộ dân sống vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc Khmer sử dụng nước hợp vệ sinh. 100% xã vùng đồng bào dân tộc Khmer có điện lưới quốc gia, số hộ sử dụng điện chiếm hơn 90%. Ngoài ra, Trà Vinh đang triển khai Dự án cung cấp điện cho gần 19.000 hộ dân - chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer, sinh sống ở vùng sâu hiện chưa có điện lưới quốc gia để sử dụng với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến 228 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp 85% (thông qua vay vốn ADB), tương đương 192,9 tỷ đồng và vốn của Tổng Công ty Điện lực miền Nam là 15%, tương đương 34 tỷ đồng. Ngoài ra, hơn 40.000 hộ Khmer nghèo được Nhà nước hỗ trợ cất nhà và hàng ngàn hộ khác được hỗ trợ đất sản xuất, đào tạo nghề.

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp và sự nỗ lực của bà con, hằng năm Trà Vinh đã giảm được 4% số hộ Khmer nghèo, nhiều hộ nghèo trước đây nay trở nên khá giả. Chính vì vậy, hàng năm cứ vào dịp lễ, Tết cổ truyền của dân tộc, đồng bào Khmer sinh sống ở Trà Vinh luôn có thêm nhiều niềm vui mới. /.