TCCSĐT - Làn sóng đình công ở Nam Phi đã lan rộng tới mức nguy hiểm khiến giới truyền thông Nam Phi phải miêu tả như một “trận cháy rừng” mà cảnh sát và quân đội có thể sẽ lại được huy động để dập tắt.
1. Kỷ niệm 20 năm thành lập Diễn đàn các nước nhỏ

Ngày 1-10-2012, tại trụ sở ở Niu-Oóc (Mỹ), Liên hợp quốc đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Diễn đàn các nước nhỏ. Phát biểu tại đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) khẳng định, Liên hợp quốc là một tổ chức của các nước lớn và các nước nhỏ, mọi quyết định do Liên hợp quốc thông qua đều dựa trên cơ sở các cuộc thảo luận bình đẳng, bất kể là nước lớn hay nước nhỏ và đạt được sự thỏa thuận chung. Trong 20 năm qua, kể từ khi diễn đàn này ra đời, các nước nhỏ đã có những đóng góp to lớn vào việc thúc đẩy các cuộc đối thoại quốc tế. Ông Ban Ki-mun cho biết, các thành viên của diễn đàn gồm cả những nước giàu và nghèo, cấp và nhận viện trợ nhưng đại đa số là các quốc gia đang phát triển, rất cần sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc chia sẻ những khó khăn, thách thức mà các nước nhỏ, đặc biệt là các quốc đảo, đang phải đối mặt trước tình trạng biến đổi khí hậu, đang và sẽ còn gây ra những hậu quả nặng nề cho con người và môi sinh. Vì thế, ông kêu gọi cộng đồng quóc tế, đặc biệt là các nước giàu có, nơi phải chống chọi với khó khăn này ít hơn so với các nước nhỏ và nghèo, cùng hợp tác, chia sẻ và giúp đỡ các nước bị tác động nặng nề từ tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Diễn đàn các nước nhỏ được thành lập năm 1992 theo sáng kiến của Xin-ga-po, gồm các quốc gia có dân số dưới 10 triệu người.

2. Hội nghị cấp cao lần thứ ba các nước Nam Mỹ và A-rập


 
 Hội nghị cấp cao lần thứ ba các nước Nam Mỹ và A--rập
 
Trong hai ngày 1 và 2-10-2012, Hội nghị cấp cao lần thứ ba các nước Nam Mỹ và A-rập (ASPA) đã diễn ra tại thủ đô Li-ma (Lima), Pê-ru nhằm thúc đẩy mối quan hệ thương mại, chính trị và văn hóa giữa hai khu vực. Hội nghị đã mở màn bằng cuộc họp cấp ngoại trưởng và hội nghị của các giám đốc điều hành công ty (CEO), với trọng tâm thúc đẩy thương mại và đầu tư. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Pê-ru Ôn-lan-ta Hu-ma-la (Ollanta Humala) nhận định đây là “cơ hội đặc biệt” để các nước Nam Mỹ và A-rập tăng cường quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pê-ru Ra-pha-en Rôn-ca-li-ô-lô (Rafael Roncagliolo) cũng khẳng định, Hội nghị ASPA lần này nhằm thúc đẩy sự hội nhập giữa 22 quốc gia A-rập với 12 quốc gia Nam Mỹ, thông qua việc thu hẹp khoảng cách địa lý giữa hai khu vực khi các nước tiến tới hình thành một khối chính trị và kinh tế mới. Cả hai khu vực Nam Mỹ và A-rập đang tìm kiếm các cơ hội vào thời điểm các đối tác thương mại truyền thống châu Âu và Mỹ đang lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính đe dọa các nền kinh tế toàn cầu. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa các nước Nam Mỹ và A-rập đã tăng hơn gấp đôi từ 13,6 tỉ USD năm 2005 lên 27,4 tỉ USD trong năm 2011.

3. Hội nghị HACGAM lần thứ tám

Ngày 3-10-2012, Hội nghị lần thứ tám những người đứng đầu các Cơ quan bảo vệ bờ biển châu Á (HACGAM) đã khai mạc tại thủ đô Niu Đê-hi (New Delhi) của Ấn Độ. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K.An-tô-ni (A.K.Antony) cho rằng, các quốc gia trong khu vực có thể ngăn chặn các loại tội phạm ngoài khơi thông qua việc tăng cường trao đổi thông tin, hỗ trợ huấn luyện và có các biện phối hợp với nhau. Ông cho biết, Ấn Độ đã cam kết bảo
đảm an ninh của khu vực Ấn Độ Dương bằng việc thực hiện các quy định của quốc tế, xây dựng pháp luật cho an toàn, an ninh hàng hải, cơ chế hợp tác với các quốc gia và xây dựng năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật. HACGAM là diễn đàn tập hợp tất cả các cơ quan bảo vệ bờ biển chủ chốt của khu vực châu Á, theo tinh thần sáng kiến được đưa ra tại Tô-ki-ô (Nhật Bản) năm 2004 nhằm thảo luận các biện pháp hợp tác chống cướp biển. Phạm vi của các cuộc thảo luận đã được mở rộng sang lĩnh vực thực thi luật biển, an ninh hàng hải, phòng ngừa thảm hoạ và tăng cường năng lực cứu trợ. Hiện có 21 Cơ quan bảo vệ bờ biển từ 18 nước và vùng lãnh thổ đã tham gia HACGAM, gồm Việt Nam, Băng-la-đét, Bru-nây, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Ma-lai-xi-a, Mi-an-ma, Pa-ki-xtan, Phi-líp-pin, Xin-ga-po, Xri Lan-ka, Thái Lan và Đặc khu Hành chính Hồng Kông (Trung Quốc).

4. Báo động tình trạng đình công ở Nam Phi

Làn sóng đình công ở Nam Phi đã lan rộng tới mức nguy hiểm khiến giới truyền thông Nam Phi phải miêu tả như một “trận cháy rừng” mà cảnh sát và quân đội có thể sẽ lại được huy động để dập tắt. Ngày 3-10-2012, trong khi 75.000 công nhân tại nhiều mỏ bạch kim và mỏ vàng vẫn không quay lại với công việc sau bảy tuần đình công và 28.000 tài xế xe tải vẫn tiếp tục phá hoại những xe tải chạy trên đường và hành hung tài xế không tham gia đình công, công nhân tại mỏ sắt Si-xen (Sishen) của Công ty Kum-ba (Kumba), mỏ vàng Ku-xa-xa-lê-thu (Kusasalethu) của Công ty Harmony Gold và mỏ an-tra-xit Xôm-khê-lê (Somkhele) của Công ty Petmin cũng đã từ chối làm việc. Thậm chí tại mỏ Xôm-khê-lê, trong một cuộc xô xát, một nhân viên bảo vệ đã thiệt mạng. Hồi trung tuần tháng 9 vừa qua, Lực lượng Quốc phòng Nam Phi (SANDF) cũng đã từng phải triển khai khoảng 1.000 binh sỹ đến mỏ bạch kim của Công ty Lonmin ở Ma-ri-ka-na (Marikana), gần thành phố Giô-han-nét-xbớc (Johannesburg), nhằm giúp chấm dứt tình trạng bạo lực phát sinh từ các cuộc đình công của công nhân. Cũng trong ngày 3-10-2012, Đài truyền hình SABC của Nam Phi đưa tin các trạm xăng khô kiệt, các siêu thị, hiệu thuốc thiếu hàng hóa và nếu tình trạng này kéo dài, các máy rút tiền tự động ATM cũng sẽ trống rỗng. Trong khi hàng hóa chất đống tại các cảng biển thì các nhà máy lại lâm vào tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và dồn ứ hàng hóa đầu ra. Hoạt động giao thương bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo các nhà kinh tế, làn sóng đình công hiện nay đã làm cho GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Phi này sụt giảm 0,5%. Và nếu đình công lan sang lĩnh vực khai thác than thì mức độ sẽ hết sức nghiêm trọng, bởi nhiệt điện đang đóng góp tới 85% sản lượng điện của Nam Phi. Theo kế hoạch, Phòng Khai mỏ (COM - tổ chức tập hợp đông đảo chủ mỏ) sẽ nhóm họp trong ngày 9-10-2012 và đưa ra một số đề xuất để giải quyết vấn đề.

5. Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu lần thứ bảy thành công tốt đẹp

 
 Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu lần thứ bảy tại Lào

Chiều 4-10-2012, Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu lần thứ bảy (ASEP 7) đã thành công tốt đẹp sau hai ngày làm việc. Hội nghị đã kết nạp bốn nước thành viên mới gồm Ô-xtrây-li-a, Mi-an-ma, Niu Di-lân và Nga. Hội nghị đã ra Tuyên bố 37 điểm nêu rõ, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nỗ lực toàn cầu đảm bảo an ninh lương thực và bày tỏ lo ngại về những diễn biến gần đây của cuộc khủng hoảng nợ công và thiên tai đã tác động tiêu cực đến phát triển bền vững; ghi nhận rằng các nền kinh tế và thị trường tài chính châu Á và châu Âu ngày càng phụ thuộc lẫn nhau trong tiến trình hội nhập và nhấn mạnh đến ý nghĩa quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa châu Á và châu Âu để vượt qua hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay; ủng hộ sáng kiến của G20 về cải cách cơ cấu tài chính quốc tế; cam kết mạnh mẽ về hợp tác tăng cường vai trò giám sát đối với các chính sách tiền tệ của chính phủ, quản lý thị trường tài chính và các chi tiêu ngân sách nhà nước; kiên quyết ủng hộ các cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế như Cơ quan chiến lược quốc tế của Liên hợp quốc về giảm thiên tai (UNISDR), Hiệp định Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp (ADDMER), Trung tâm giảm thiểu thiên tai châu Á (ADRC)… Tuyên bố nêu rõ, các nghị sĩ ASEP ủng hộ các hoạt động quan trọng của Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM), đặc biệt là Chính phủ Lào trong việc chuẩn bị ASEM 9 sẽ diễn ra trong hai ngày 5 và 6-11-2012 tại thủ đô Viêng Chăn, dưới chủ đề “Bằng hữu vì hòa bình, Đối tác vì phồn vinh” nhằm tăng cường hợp tác và đối tác ASEM cùng nhiều vấn đề quan trọng khác.

6. In-đô-nê-xi-a thành lập Trung tâm Nghiên cứu ASEAN


Ngày 4-10-2012, In-đô-nê-xi-a đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á) nhằm tạo điều kiện cho các học giả và cộng đồng trao đổi kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến các vấn đề quan trọng trong khu vực cũng như nghiên cứu về các nước ở Đông Nam Á. Tổng Vụ trưởng Hợp tác ASEAN, Bộ Ngoại giao In-đô-nê-xi-a cho biết, Trung tâm Nghiên cứu ASEAN có vai trò rất quan trọng vì In-đô-nê-xi-a đã thành lập các trung tâm nghiên cứu về nhiều đối tác như Nhật Bản, Trung Quốc, song chưa có một trung tâm nghiên cứu tập trung vào các vấn đề ASEAN, trong khi ASEAN đang phải đối măt với rất nhiều thách thức để hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 trên cơ sở ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Theo thỏa thuận hợp tác giữa bộ trên và Đại học Gadjah Madah (UGM), ở thành phố Y-ô ghi-a-ca-ta (Yogyakarta) của In-đô-nê-xi-a, trung tâm sẽ được đặt tại ngay tại UGM. Theo ông Uy-xa-ca Pu-gia, Trung tâm Nghiên cứu ASEAN sẽ không chỉ tập trung vào lĩnh vực an ninh chính trị và văn hóa xã hội, mà còn vào xây dựng một nền kinh tế phát triển và bền vững. Trung tâm tại UGM sẽ là cơ sở đầu tiên của Indonesia nghiên cứu toàn diện về ASEAN. Trước đây, UGM cũng có một bộ phận nghiên cứu về ASEAN, song chỉ chuyên về các nền văn hóa-xã hội của các nước ở Đông Nam Á.

7. Diễn đàn hàng hải ASEAN mở rộng lần đầu

Ngày 5-10-2012, Diễn đàn Hàng hải mở rộng (EAMF) lần thứ nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã diễn ra tại thủ đô Ma-ni-la (Manila) của Phi-líp-pin. Chủ tọa Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Phi-líp-pin Ơ-lin-đa Ba-si-li-ô (Erlinda Basilio) cho biết, các cuộc thảo luận trong ngày 5-10 tập trung vào các cơ hội tăng cường kết nối hàng hải trong khu vực, nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, tập huấn cho thủy thủ... Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Cô-gi Chư-rư-ô-ca (Koji Tsuruoka), EAMF cần phải tìm ra các cách thức để củng cố và thiết lập các cơ chế hiệu quả nhằm phòng tránh xung đột và giải quyết tranh chấp. Việc này có thể áp dụng cả trong quản lý nguồn tài nguyên cá, thông qua đó chấm dứt vòng luẩn quẩn của cải tiến công nghệ, đánh bắt thái quá làm ảnh hưởng tới môi trường và sinh thái, gây ô nhiễm biển. EAMF là một sáng kiến của Nhật Bản, đưa ra tại Hội nghị Cấp cao Đông Á tại đảo Ba-li (In-đô-nê-xi-a), năm 2011, nhằm cho phép Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và các đối tác đối thoại khác của ASEAN tham gia Diễn đàn Hàng hải ASEAN. Diễn đàn có sự tham gia của các quan chức chính phủ, các chuyên gia, học giả và các tổ chức phi chính phủ để thảo luận các vấn đề hàng hải, bao gồm cả nạn cướp biển và buôn người, đồng thời vạch ra đường hướng bảo vệ môi trường biển và thúc đẩy du lịch sinh thái và phát triển nghề cá tại Đông Á.

8. Khu vực an ninh tập thể Trung Á tiến hành tập trận

Ngày 5-10-2012, các nước thành viên Khu vực an ninh tập thể Trung Á đã bắt đầu cuộc tập trận tác chiến-chiến thuật chung của lực lượng Không quân mang tên “Bầu trời trong sáng-2012” trên lãnh thổ Ca-dắc-tan (Kazakhstan), Cư-rơ-gư-dơ-xtan (Kyrgyzstan) và Ta-di-ki-xtan (Tajikistan). Cuộc tập trận với sự tham gia của Nga này sẽ kết thúc vào ngày 16-10-2012. Theo người phát ngôn của lực lượng Không quân Nga, Trung tá Vla-đi-mia Đê-ri-a-bin (Vladmir Deryabin), tham gia cuộc tập trận này có các lực lượng phòng không, không quân với tổng cộng 20 máy bay, gồm máy bay lên thẳng, máy bay chiến đấu MiG-31, máy bay định vị và dẫn hướng A-50, máy bay vận tải quân sự Il-76, cũng như các tổ hợp tên lửa tầm xa và các phương tiện kỹ thuật vô tuyến của các nước tham gia tập trận. Trung tá V.Đê-ri-a-bin cho biết tập đoàn quân của Nga tham gia tập trận sẽ hoàn thiện các kỹ năng phối hợp hành động với các nước thành viên Khu vực An ninh tập thể Trung Á về giáng trả đòn tấn công bằng tên lửa và máy bay của kẻ thù giả định.

9. Quỹ Cứu trợ dài hạn châu Âu sẽ chính thức đi vào hoạt động


Các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng chung đồng tiền châu Âu (Eurozone) sẽ chính thức cho ra mắt Quỹ Cứu trợ dài hạn châu Âu trị giá 500 tỉ ơ-rô vào đầu tuần tới, hai năm sau khi ý tưởng thành lập một Cơ chế bình ổn châu Âu được các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) thông qua. Việc Quỹ Cứu trợ này đi vào hoạt động sẽ giúp khu vực tăng cường khả năng chống đỡ trước cuộc khủng hoảng nợ. Cơ chế bình ổn châu Âu được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho các nước đang gặp nhiều khó khăn trong khu vực và đổi lại họ phải tiến hành các cải cách tài chính và cấu trúc để thúc đẩy nền kinh tế. Ngoài mục đích chính duy trì sự ổn định tại châu Âu bằng cách hỗ trợ tài chính cho các nước gặp khó khăn, Cơ chế bình ổn châu Âu còn có thể bơm tiền trực tiếp cho những ngân hàng thiếu vốn trong khu vực đồng ơ-rô, đồng thời cũng được phép mua trái phiếu tại thị trường thứ cấp, giúp giảm sức ép đối với các nước Eurozone gặp khó khăn khi phải vay mượn tiền với lãi suất cao. Dự kiến Cơ chế bình ổn châu Âu sẽ chỉ rót tiền cho Tây Ban Nha vào tháng 10-2012, sau khi cơ quan đánh giá của Ủy ban châu Âu thông qua chi tiết của việc tái cấp vốn các ngân hàng Tây Ban Nha.

10. Chính phủ Phi-lip-pin và MILF đạt thỏa thuận lịch sử

Ngày 7-1-2012, Tổng thống Phi-líp-pin Bê-ni-nhô S A-ki-nô (Benigno S Aquino) cho biết, sau nhiều vòng đàm phán tại thủ đô Cua-la Lăm-pơ (Kualar Lumpur) của Ma-la-xi-a, chính phủ nước này và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Mô-rô (Moro) (MILF) đã đạt được một thỏa thuận hòa bình cho khu vực miền Nam bất ổn. Thoả thuận làm dấy lên hy vọng sẽ chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 40 năm qua khiến hơn 150.000 người thiệt mạng và làm tê liệt nền kinh tế khu vực này.Tổng thống B.A-ki-nô nêu rõ thỏa thuận trên mở đường cho việc thành lập một khu bán tự trị mới mang tên “Nhà nước Bang-xa-mô-rô (Bangsamoro)” trong số các khu vực có đa số dân theo đạo Hồi ở miền Nam Phi-líp-pin, đất nước chủ yếu theo Công giáo, trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2016. Tuy nhiên, chính phủ dân tộc sẽ nắm quyền kiểm soát về quốc phòng, an ninh cũng như chính sách đối ngoại và tiền tệ. Để chính thức có hiệu lực, thỏa thuận này phải nhận được sự ủng hộ của người dân Phi-líp-pin thông qua một cuộc trưng cầu ý dân. Với hơn 10.000 tay súng, MILF hiện là nhóm vũ trang Hồi giáo lớn nhất tại Phi-líp-pin. Lực lượng này đã tiến hành các hoạt động chống chính phủ từ những năm 1970 của thế kỷ trước với mục tiêu thành lập chính quyền độc lập trên đảo Min-đa-nao và một số hòn đảo khác. Hoạt động của MILF chống chính phủ trong hơn bốn thập kỷ qua đã khiến ít nhất 120000 người thiệt mạng, hơn hai triệu người ở miền Nam Phi-líp-pin phải tha hương./.