Biểu tình ở châu Âu

Hoàng Mai
19:22, ngày 02-10-2012

TCCSĐT - Trong những ngày vừa qua, hàng chục nghìn người ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp đã xuống đường biểu tình phản đối chính phủ. Tuy không được phối hợp tổ chức, biểu tình phản đối chính phủ ở ba nước châu Âu này giống nhau về hình thức, mục tiêu và yêu sách. Ở Tây Ban Nha, những người biểu tình thậm chí còn đòi chính phủ của Thủ tướng Ma-ri-a-nô Ra-hôi (Mariano Rajoy) từ chức.

Ở Tây Ban Nha, ba lần liên tiếp trong vòng 5 ngày, hàng chục nghìn người ở thủ đô Ma-đơ-rít (Madrid) đã biểu tình ở gần trụ sở Quốc hội để phản đối chính sách tiết kiệm chi tiêu ngặt nghèo của chính phủ, nêu yêu cầu đòi chính phủ từ chức, giải tán quốc hội và soạn thảo hiến pháp mới. Vì cuộc biểu tình này không được chính quyền cho phép nên lực lượng cảnh sát và an ninh đông đảo đã được bố phòng để ngăn ngừa người biểu tình xông vào chiếm trụ sở quốc hội. Xô xát bạo lực đã xảy ra giữa hai bên và đã có một số người bị thương vong.

Tại thủ đô Lít-xbon (Lisbon) của Bồ Đào Nha cũng đã diễn ra biểu tình tương tự, nhưng yên bình hơn. Cuộc biểu tình này do công đoàn CGTP tổ chức. Thủ lĩnh công đoàn CGTP, ông Ác-mê-ni-ô Các-lốt (Armenio Carlos) cáo buộc chính phủ lừa dối nhân dân. Ông A. Các-lốt phát biểu trước những người biểu tình: "Cách đây một năm, thủ tướng quả quyết với chúng ta rằng thoả thuận với EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là giải pháp cho tất cả mọi vấn đề của đất nước. Nhưng bây giờ chúng ta thấy chính phủ đang đưa đất nước vào bế tắc - như Hy lạp đang bị bế tắc".

Năm 2011, Bồ Đào Nha nhận được 78 tỉ ơ-rô tiền cứu trợ từ gói cứu trợ tài chính của EU, ECB và IMF. Công bằng mà nói thì việc lành mạnh hoá nền tài chính ngân sách của nhà nước đã đạt được kế quả ban đầu nhất định. Tuy nhiên, Bồ Đào Nha nay cả trong năm 2012 cũng sẽ vẫn không đáp ứng được những điều kiện bị áp đặt, kể cả sau khi những điều kiện ấy đã được EU, ECB và IMF nới lỏng. Thực trạng đó và viễn cảnh ảm đạm đã khiến người dân mất lòng tin vào chính phủ và phẫn nộ về những điều kiện áp đặt ngặt nghèo của EU, ECB và IMF. Công đoàn CGTP dự định kêu gọi và tiến hành tổng đình công trong khắp cả nước.

Trong khi biểu tình phản đối chính sách tiết kiệm chi tiêu khắc khổ của chính phủ ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha xảy ra không phải lần đầu tiên thì ở Pháp đã diễn ra những cuộc biểu tình đầu tiên phản đối chính sách của Tổng thống Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (Francois Hollande). Liên minh của 60 đảng cánh tả, tổ chức công đoàn và phi chính phủ đã kêu gọi và tổ chức cuộc biểu tình này. Cuộc biểu tình được tổ chức 2 ngày trước khi Quốc hội Pháp tiến hành thảo luận về chính sách tài chính, tiền tệ của EU với nội dung mấu chốt nhất là ghi rõ mục tiêu hạn chế chi tiêu và không tăng nợ công trong hiến pháp quốc gia của các thành viên.

Cuộc biểu tình này là một thử thách đối với ông và đã gây tổn hại tởi cả thể diện lẫn uy tín của ông Ph. Ô-lăng đơ ở Pháp. Trong tranh cử, ông Ph.Ô-lăng-đơ đã cam kết làm cho "nước Pháp xã hội hơn", từ bỏ những dự kiến chính sách tiết kiệm chi tiêu quá ngặt nghèo và đàm phán lại với EU về toàn bộ đường lối chính sách khắc phục khủng hoảng tài chính. Bây giờ, người biểu tình bất bình khi thấy ông Ph.Ô-lăng-đơ không thực hiện cam kết tranh cử mà dần từng bước chịu khuất phục trước áp lực từ EU.

Ở Bỉ cũng diễn ra biểu tình phản đối chính sách tiết kiệm chi tiêu của chính phủ liên hiệp do Thủ tướng Ê-li-ô đi Ru-pô (Elio di Rupo) đứng đầu và đòi chính phủ phải có những biện pháp chính sách khẩn cấp nhằm giảm thất nghiệp trong thanh niên. Tuy nhiên, số lượng người tham gia biểu tình không đông.

Tuy chưa hẳn đã trở thành phong trào và lan rộng khắp, biểu tình ở những thành viên EU nói trên trong những ngày vừa qua đã cho thấy đối sách khắc phục khủng hoảng chung của EU chưa đưa lại kết quả như mong đợi và không nhận được sự tán đồng, càng chưa có được sự chấp thuận của người dân ở các quốc gia thành viên./.