Bản chất của khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng ơ-rô

Lê Văn Cương, Thiếu tướng, PGS, TS, Viện Chiến lược và khoa học công an, Bộ Công an Đồng Xuân Thọ, TS, Công an tỉnh Đồng Nai
19:13, ngày 02-10-2012
TCCS - Là một trong những sự kiện nổi bật của tình hình thế giới năm 2011, cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu đã được phân tích, lý giải trong rất nhiều bài viết và công trình nghiên cứu. Tùy theo góc độ tiếp cận vấn đề và quan điểm kinh tế chính trị của các tác giả mà có những cách lập luận, nhận xét, đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, vẫn còn rất ít công trình đi sâu nghiên cứu bản chất, cội nguồn sâu xa của cuộc khủng hoảng này.

Cuộc “đại khủng hoảng” của chủ nghĩa tư bản hậu công nghiệp

Nếu lấy trình độ phát triển kinh tế làm tiêu chí chủ yếu để phân loại, 217 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thường được xếp vào ba khu vực. Khu vực 1 gồm Mỹ, Nhật Bản và các nước phát triển Tây Âu, trong đó, Liên minh châu Âu (EU) là trung tâm, Mỹ là đầu tàu. Các quốc gia thuộc khu vực này có trình độ phát triển khác nhau, nhiều nước đã bước vào giai đoạn phát triển hậu công nghiệp và đang dẫn đầu trong phát triển kinh tế tri thức. Có thể coi khu vực này là trung tâm của nền kinh tế toàn cầu, bởi sở hữu tới trên 80% số bằng phát minh sáng chế khoa học, công nghệ của thế giới. Khu vực 2 gồm các nước có trình độ phát triển công nghiệp khá cao, nhưng chưa bước vào giai đoạn hậu công nghiệp, gồm: Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Bra-xin, Mê-hi-cô, Ác-hen-ti-na, Nam Phi…, nòng cốt của khu vực này là các nền kinh tế mới nổi, như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Bra-xin, Nam Phi. Khu vực 3, còn gọi là “khu vực ngoại vi”, gồm các quốc gia còn lại. Hầu hết các nước trong khu vực này đều phát triển kinh tế thị trường và đang trong quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại với trình độ, quy mô, tốc độ và phương pháp khác nhau.

Việc xếp các nền kinh tế của các quốc gia và vùng lãnh thổ vào ba khu vực trên chỉ có ý nghĩa tương đối nhằm giúp chúng ta có cái nhìn khái quát và tìm hiểu bản chất của các sự kiện và hiện tượng kinh tế hiện nay.

Từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc (năm 1991), tại trung tâm của chủ nghĩa tư bản phát triển, Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu trong giai đoạn phát triển hậu công nghiệp, dẫn đầu thế giới về phát triển kinh tế tri thức. Trong thập niên cuối cùng của thế kỷ XX (1991 - 2000), kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng trì trệ, còn Mỹ, Tây Âu phát triển mạnh và có thể nói là khá rực rỡ. Nhiều học giả và chính khách phương Tây, kể cả một số học giả phương Đông, đã tán thưởng và vội vàng cho rằng, chủ nghĩa tư bản hậu công nghiệp sẽ có khả năng tránh được khủng hoảng và đem lại cho nhân loại một cuộc sống tốt đẹp.

Thực tế đã bác bỏ nhận định đó.

Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới khởi phát từ đầu tàu của chủ nghĩa tư bản là Mỹ, bắt đầu từ năm 2008, thực chất là sự khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản hậu công nghiệp. Từ ngày 15 đến ngày 21-9-2008, thị trường chứng khoán phố Uôn sụp đổ, và như hiệu ứng đô-mi-nô, ngay sau đó, thị trường chứng khoán ở hầu hết các nước tư bản phát triển từ Tô-ki-ô, Pa-ri, Luân-đôn, Phran-phuốc đến Am-xtéc-đam lần lượt chao đảo, tuột dốc. Ba trung tâm của chủ nghĩa tư bản hiện đại rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện, sâu sắc và lớn nhất trong suốt gần một thế kỷ qua (kể từ cuộc đại khủng hoảng 1929 - 1933).

Trước thực tế đó, các chính phủ Mỹ, Tây Âu đã đưa ra các gói cứu trợ trị giá hàng ngàn tỉ USD, trong đó có tiền đóng thuế của người dân, với hy vọng các tập đoàn tư bản sẽ đầu tư, cơ cấu lại sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Nhưng, các tập đoàn kinh tế tư bản đã dùng tiền cứu trợ của chính phủ đầu tư vào các dự án kinh tế khác để thu lợi nhuận. Trong khi đó, người lao động trên chính quê hương họ đang rơi vào khổ cực, đói nghèo vì không có việc làm.

Với các chính sách và định chế tài chính sai lầm, không phục vụ lợi ích của đa số người dân - lực lượng sản xuất chủ yếu, chủ nghĩa tư bản không những không phát triển như các chính khách và học giả tư sản mong đợi, mà rơi vào khủng hoảng trầm trọng và kéo dài. Ba trung tâm kinh tế thế giới là Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản - nơi được coi là đã chuyển dần từ văn minh công nghiệp sang văn minh hậu công nghiệp - kỹ thuật số - đều rơi vào khủng hoảng, bế tắc. Sau hai thập niên (từ năm 1991 đến nay), nền kinh tế thứ hai thế giới - Nhật Bản - gần như vẫn dẫm chân tại chỗ, chưa tìm ra lối thoát. Tại Tây Âu, nợ công, lạm phát tăng cao đang đẩy khu vực đồng ơ-rô đến bờ vực sụp đổ, mọi giải pháp cứu vãn, cho đến nay, chưa mang lại hiệu quả thực tế. Các nền  kinh tế lớn ngoài khu vực đồng ơ-rô ở Tây Âu cũng đang vật lộn với nợ công, lạm phát, tăng trưởng thấp.

Cần lưu ý rằng, có một sự khác biệt lớn về mặt xã hội giữa cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 và cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay. Cuộc khủng hoảng 1929 - 1933 làm cho nền kinh tế thế giới nói chung, các nước tư bản phát triển nói riêng, rơi vào đình đốn, tiêu điều. Hậu quả là hàng trăm ngàn công ty, doanh nghiệp tư nhân tư bản chủ nghĩa phá sản và hàng trăm triệu lao động làm thuê lâm vào cảnh khốn đốn, khó khăn. Còn cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009 và khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng ơ-rô hiện nay thì khác. Đại đa số giới chủ doanh nghiệp tư nhân tư bản chủ nghĩa, kể cả giới tài phiệt - công nghiệp, được nhà nước bảo trợ bằng các gói kích cầu hàng ngàn tỉ USD nên không khốn đốn như thời kỳ 1929 - 1933, thậm chí, một số còn giàu thêm. Hậu quả nặng nề nhất do cuộc khủng hoảng này gây ra lại đổ lên đại đa số người lao động, kể cả tầng lớp trung lưu.

Xin dẫn ra đây ý kiến của những người trong cuộc - những người tôn thờ và trung thành với chủ nghĩa tư bản. Theo ông Giắc Đờ-lo (Jacques Delors), một nhà sáng lập EU: “EU hiện do các chủ ngân hàng kiểm soát đang yêu cầu người lao động châu Âu phải cứu trợ các ngân hàng tư nhân bằng việc chấp nhận lương thấp hơn, ít các dịch vụ xã hội hơn và về hưu muộn hơn” và “Liên minh châu Âu chỉ tập trung sự giàu có vào tay một số cá nhân mà hy sinh lợi ích của các công dân châu Âu, những người giống như các công dân Mỹ, đang trở thành “nô lệ” ở thế kỷ XXI”(1)

Khủng hoảng của Liên minh châu Âu

Xét dưới mọi góc độ, bản chất của cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng ơ-rô nằm trong lời giải đáp cho câu hỏi: ai được và ai mất trong cuộc khủng hoảng này?

Ý tưởng xuyên suốt trong quá trình hình thành, phát triển của EU là xây dựng EU thành một trung tâm sức mạnh về kinh tế, chính trị, an ninh, đối ngoại và có khả năng “ngang ngửa” với các cường quốc hàng đầu thế giới. Nói cách khác, mục tiêu của những người thiết kế EU là nhanh chóng làm cho EU trở thành một trung tâm sức mạnh vượt tầm “lục địa già” và vươn tới tầm toàn cầu. Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, các nước châu Âu tăng cường hợp tác, đẩy nhanh quá trình xây dựng EU thành một trung tâm sức mạnh toàn cầu, nhất là về kinh tế. Có thể nói đó là một ý tưởng mới và mang tính tích cực.

Muốn đạt được mục tiêu, cần có giải pháp đúng. Trong các giải pháp để xây dựng EU thành một trung tâm sức mạnh toàn cầu, quan trọng nhất là mô hình tổ chức EU. Trước hết cần trả lời câu hỏi: Liên minh châu Âu hiện nay là liên hiệp các quốc gia độc lập có chủ quyền hay là một nhà nước liên bang như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ?

Cho đến nay, EU là liên hiệp các quốc gia độc lập có chủ quyền vận hành theo nguyên tắc đồng thuận. Chỉ cần một quốc gia (trong số 27 quốc gia thành viên EU) phản đối thì quyết định của EU không có hiệu lực. Hiện nay, EU có Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và một số định chế liên chính phủ khác. Các tổ chức này có chức năng liên kết các quốc gia thành viên, điều phối hoạt động hợp tác giữa các nước về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, đối ngoại.

Như vậy, về hình thức, EU là một khối thống nhất, một thực thể ổn định, vững chắc. Nhưng, trên thực tế không hoàn toàn như vậy. Dưới nền móng của ngôi nhà EU có ba lỗ hổng rất lớn. Một là, trình độ phát triển của các quốc gia thành viên rất khác nhau, một số nước đã bước vào thời kỳ phát triển kinh tế tri thức, trong khi số khác vừa qua giai đoạn công nghiệp hóa. Hai là, chính sách đối nội, đối ngoại của các quốc gia cũng rất khác nhau, nhiều vấn đề trái ngược nhau. Ba là, thiếu vắng một trung tâm quyền lực đủ mạnh để điều hòa, phối hợp hoạt động của các quốc gia thành viên, bảo đảm một hướng đích chung về đối nội và đối ngoại. Điều dễ nhận thấy là, khoảng cách quá xa về trình độ phát triển giữa các nước trong EU đã góp phần làm cho liên kết nội khối thiếu chặt chẽ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là sự thiếu thống nhất của các nước thành viên EU về chính sách đối ngoại. Trong chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia hiện nay, điều quan trọng nhất được thể hiện ở nhận định, đánh giá và cách ứng xử với ba cường quốc là Mỹ, Nga, Trung Quốc. Trong 27 nước thuộc EU, các nước có lợi ích khác nhau, thậm chí rất khác nhau, trong quan hệ với Mỹ, Nga, Trung Quốc. Một số nước có quan hệ khá thân thiết với Nga, nhưng nhiều nước lại tỏ ra dè dặt, thiếu lòng tin, thậm chí âm thầm có thái độ thù địch. Tương tự như vậy đối với Trung Quốc. Một số nước EU cho rằng, sự lớn mạnh của Trung Quốc không phải là mối đe dọa và đề nghị EU bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Trung Quốc, trong khi một số quốc gia khác lại tỏ ra nghi ngờ, thiếu tin tưởng. Ngay đối với Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của EU, 27 nước thành viên cũng ít khi có sự đồng thuận trong nhận định, đánh giá và cách ứng xử. Sự khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau trong chính sách đối ngoại của các nước thuộc EU, suy cho cùng, do sự chi phối lợi ích kinh tế của mỗi quốc gia. Điều đó, tất yếu, là một nhân tố quan trọng tác động đến việc vận hành khu vực đồng ơ-rô và cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng ơ-rô hiện nay.

Ba vấn đề trên đã dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị của khu vực châu Âu, như một học giả phương Tây đã lý giải, “Có một cuộc khủng hoảng chính trị ở cấp độ châu Âu ở chỗ Liên minh châu Âu từng là tổ chức có tầm cỡ để đưa ra giải pháp, song lại không có thể chế, khả năng quyết định và nhanh chóng đưa ra câu giải đáp đầy đủ”(2)

Như vậy, cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng ơ-rô là một biểu hiện đặc trưng của cuộc khủng hoảng chính trị ngay tại “quê hương” của nó - EU. Nghĩa là, chừng nào chưa giải quyết được những vấn đề cơ bản dẫn đến khủng hoảng chính trị của EU, thì chưa thể khắc phục được một cách cơ bản cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung này.

Cuộc khủng hoảng kết cấu của chính khu vực đồng ơ-rô

Vào năm 1969, sáu nước thành viên của Cộng đồng châu Âu cùng nhau đưa ra ý tưởng ban đầu về việc sử dụng một đồng tiền chung nhằm hướng tới hai mục tiêu: một là, củng cố thị trường hàng hóa chung thông qua liên kết nội khối; hai là, nâng cao vị thế của “lục địa già” trên trường quốc tế. Cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973 đã làm chậm lại tiến trình hiện thực hóa ý tưởng đó. Đến năm 1979, hệ thống tiền tệ châu Âu (EMS) được hình thành và đồng tiền các nước thống nhất xung quanh đồng ê-cu, và đến năm 1999, chuyển sang đồng ơ-rô. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc ra đời đồng tiền chung của một lục địa, sẽ rất có ích khi chúng ta chú ý đến lịch sử, bối cảnh và “thân phận” hay vị thế của EU trên sân khấu chính trị thế giới trước khi đồng ơ-rô ra đời.

Giai đoạn 1946 - 1991, trong gần nửa thế kỷ đối đầu Mỹ - Liên Xô, ba trung tâm phát triển của chủ nghĩa tư bản là Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản có đối thủ chung là Liên Xô, và để đối phó với Liên Xô, họ phải hợp tác, đoàn kết chặt chẽ với nhau. Tây Âu phải dựa vào Mỹ và phải chịu núp dưới “chiếc ô an ninh” của Mỹ. Năm 1991, khi Liên Xô tan rã, Tây Âu và Mỹ không còn đối thủ chung, giới tinh hoa của các nước thuộc “lục địa già” đòi hỏi sự độc lập hơn và muốn thoát khỏi sự áp đặt, “bảo hộ” về an ninh của Mỹ. Đây chính là động lực thôi thúc giới tinh hoa các nước Tây Âu, nhất là các quốc gia lục địa có vai trò nòng cốt, như Pháp, Đức, I-ta-li-a, Tây Ban Nha, thúc đẩy việc hình thành một đồng tiền chung cho cả khu vực vào năm 1999.

Về mặt ngoại giao công khai, các sáng lập viên của khu vực sử dụng đồng ơ-rô chỉ nói chung chung là, việc hình thành khu vực đồng ơ-rô là nhằm tăng cường liên kết kinh tế, chính trị nội khối, nâng cao mức sống của người dân và vị thế của châu Âu trên thế giới. Tuy nhiên, mục tiêu thực sự, sâu xa của việc ra đời đồng tiền chung này là, thông qua liên kết, hợp tác nội khối về kinh tế, chính trị, nhanh chóng đưa châu Âu thành trung tâm kinh tế, chính trị hùng mạnh, có thể sánh vai với Mỹ và có khả năng trở thành một bên không thể thiếu trên “sân khấu chính trị” quốc tế khi giải quyết những vấn đề trọng đại của thế giới. Họ cho rằng, đồng ơ-rô phải có sức cạnh tranh “ngang ngửa” với đồng USD.

Đó là mục tiêu và không thể nói rằng đặt mục tiêu như vậy là sai. Vấn đề ở đây là giải pháp. Trong 13 năm vận hành, khu vực đồng ơ-rô bộc lộ hai bất cập lớn. Thứ nhất, các quốc gia (17 quốc gia) thuộc khu vực đồng ơ-rô có trình độ phát triển rất khác nhau, tiềm lực kinh tế khác nhau, và quan trọng hơn, là chính sách đối nội, đối ngoại, nhất là những chính sách liên quan đến việc sử dụng đồng tiền (ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, bảo hiểm, an sinh xã hội, chi tiêu của chính phủ…), rất khác nhau. Thứ hai, thiếu một thiết chế luật pháp chặt chẽ và không có một trung tâm đủ quyền lực đưa ra các quyết định mạnh mẽ, kịp thời để xử lý các tình huống bất trắc, rủi ro (thường xảy ra đối với mọi hệ thống tài chính, tiền tệ). Nguyên tắc đồng thuận đã hủy hoại mọi nỗ lực đưa ra các quyết định mạnh.

Mười bảy quốc gia thuộc khu vực đồng ơ-rô có tổng số 322 triệu dân. Mỗi thành viên thuộc khu vực đồng ơ-rô là một quốc gia độc lập, có chủ quyền đầy đủ (về mọi mặt). Trình độ phát triển kinh tế của các quốc gia khác nhau, cơ cấu kinh tế và cơ chế vận hành nền kinh tế cũng rất khác nhau, đặc biệt là mô hình quản lý hệ thống tài chính, tiền tệ, không giống nhau. Chính sách tín dụng, chính sách an sinh xã hội và cách chi tiêu, sử dụng đồng tiền của các chính phủ cũng khác biệt do các nhân tố chính trị nội bộ chi phối. Chẳng hạn, trong 13 năm tồn tại (1999 - 2012), tại các quốc gia thuộc EU, đã có 2 - 3 lần, thậm chí 4 lần, diễn ra các cuộc bầu cử cơ quan lập pháp, tổng thống, thủ tướng. Trong các cuộc bầu cử đó có các ứng cử viên đại diện cho cánh tả, trung tả, trung hữu, cánh hữu và cực hữu ra tranh cử. Chắc chắn, mỗi thế lực chính trị có những ưu tiên khác nhau và chính sách kinh tế, chính sách an sinh xã hội khác nhau, mà thực chất là khác về quản lý và sử dụng ngân sách. Để tranh thủ lá phiếu của cử tri và thực hiện lời hứa trước bầu cử, một số chính phủ đã hào phóng trong chính sách tín dụng, chi tiêu lãng phí và thực hiện các chính sách an sinh xã hội vượt quá xa khả năng của nền kinh tế. Hậu quả là rơi vào khủng hoảng nợ công lớn. Và, nói một cách nôm na, những người tiết kiệm, chi tiêu đúng mức rất bất bình với những người “vung tay quá trán”. Đây là bản chất của xung đột về lợi ích - cơ sở của sự thiếu đoàn kết, thống nhất về chính trị giữa các nước thuộc khu vực đồng ơ-rô.

Cùng với những khác biệt rất lớn trong việc hoạch định và thực thi chiến lược, chính sách kinh tế, nhất là các chính sách liên quan đến ngân hàng, tài chính, tiền tệ, các nước khu vực đồng ơ-rô còn thiếu một hành lang pháp lý thống nhất, chặt chẽ và không có một trung tâm quyền lực đủ mạnh để kịp thời đưa ra các giải pháp mạnh ứng phó với các bất trắc, rủi ro. Do vậy, khủng hoảng là không thể tránh khỏi, nếu không muốn nói là tất yếu. Có thể ví khu vực đồng ơ-rô như một dàn nhạc, mỗi quốc gia sử dụng một nhạc cụ khác nhau, nhưng không có nhạc trưởng, vì thế loạn âm là điều khó tránh.

Tóm lại, khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng ơ-rô là sự hội tụ của cả ba mâu thuẫn: Mâu thuẫn vốn có trong lòng chủ nghĩa tư bản hậu công nghiệp; mâu thuẫn trong việc liên kết giữa các quốc gia độc lập có chủ quyền ở châu Âu và mâu thuẫn trong cấu trúc và cơ chế vận hành của khu vực đồng tiền chung ơ-rô, đúng hơn là, bất cập giữa mục tiêu và giải pháp vận hành khu vực đồng tiền chung này.

Từ cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng ơ-rô có thể rút ra hai vấn đề về nhận thức:

Một là, những mâu thuẫn sâu sắc giữa lao động và bóc lột không thể được giải quyết trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản, cho dù đó là chủ nghĩa tư bản ở trình độ hậu công nghiệp; và, bản chất bóc lột, ăn bám của chủ nghĩa tư bản không bao giờ thay đổi.

Hai là, không nên choáng ngợp trước sự phát triển của các nước phát triển để rồi ngộ nhận về vấn đề dân chủ trong xã hội tư bản hiện đại. Trong các nước tư bản phát triển, quyền lực bao giờ cũng thuộc về các tổ  hợp tài chính - công nghiệp. Bất kể là người của đảng phái chính trị nào, khi lên cầm quyền đều phải là những người  đại biểu trung thành cho các tập đoàn, các tổ hợp tài chính - công nghiệp của nước họ.

Năm 2012, giới tinh hoa châu Âu sẽ cố gắng hợp tác để cứu vãn và có khả năng tạm thời đưa khu vực đồng tiền chung thoát khỏi hố sâu của khủng hoảng. Tuy nhiên, nếu như không có một sự cải tổ cơ bản, thì trong dài hạn, khu vực này vẫn khó tránh khỏi những hố sâu, vực thẳm ở phía trước./.

----------------------------------------------

(1) Thông tấn xã Việt Nam: Tin tham khảo thế giới, ngày  29-11-2011

(2) Thống tấn xã Việt Nam: Tin tham khảo đặc biệt, ngày 12-10-2011