Đảng bộ huyện Di Linh phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Nguyễn Thị Kim Dung Công ty Truyền thông Đa phương tiện Việt Nam
16:31, ngày 01-10-2012
TCCSĐT - Qua 13 nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng đã lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong huyện đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để chiến đấu bảo vệ tổ quốc, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Phát huy truyền thống anh hùng

Di Linh là huyện miền núi nằm trên cao nguyên Di Linh, có độ cao 800 - 1.000m so với mực nước biển. Thị trấn huyện lỵ cách thành phố Đà Lạt 80km về phía Nam, nằm trên ngã tư giao nhau của quốc lộ 20 từ Dầu Giây đi Đà Lạt và quốc lộ 28 từ Phan Thiết đi Đắc Nông, Đắk Lắk. Di Linh có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng.

Nhân dân Di Linh sớm có phong trào yêu nước và giác ngộ cách mạng, tiêu biểu như phong trào Bà “Mộ Cộ”- người dân tộc K’Ho, không chịu ách đô hộ của thực dân Pháp, tổ chức vận động nhân dân Kinh - Thượng đoàn kết nổi dậy chống Pháp từ năm 1937; phong trào K’Dúi tổ chức xây dựng lực lượng du kích, làm cung tên, bẫy đá đánh Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân các dân tộc, các tôn giáo Di Linh dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, đoàn kết Kinh - Thượng, Lương - Giáo, cùng quân và dân miền Nam nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng đã anh dũng chiến đấu, giải phóng huyện Di Linh ngày 28-3-1975. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang huyện Di Linh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Nhì, Huân chương Thành đồng Hạng Ba; huyện và 3 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có 3 liệt sỹ được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 3 bà mẹ Việt Nam Anh hùng và trên một nghìn người được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương các loại…

Hiện nay, huyện Di Linh gồm 1 thị trấn và 18 xã, với số dân trên 157 nghìn người của 20 dân tộc anh em, trong đó các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm 36%. Toàn Đảng bộ có 72 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, gồm 21 đảng bộ cơ sở (251 chi bộ trực thuộc) và 51 chi bộ cơ sở với tổng số 2.439 đảng viên, trong đó đảng viên nữ 582 đồng chí, đảng viên người dân tộc thiểu số 364 đồng chí.

Xây dựng Đảng, công tác cán bộ và tổ chức bộ máy…

Các cấp uỷ đảng từ huyện đến cơ sở thường xuyên chăm lo công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc; phân định rõ mối quan hệ làm việc của cấp uỷ với các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhằm phát huy vai trò và tính chủ động, sáng tạo của UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị; đồng thời, xác định rõ nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng bộ huyện trên các lĩnh vực: Công tác tư tưởng; công tác tổ chức, xây dựng Đảng; công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; công tác xây dựng chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp.

Trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, Huyện uỷ đã tập trung lãnh đạo các cấp uỷ đổi mới phương thức lãnh đạo; xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng; kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số; tập trung củng cố các tổ chức cơ sở đảng yếu kém và giải quyết những vấn đề “nổi cộm”. Trong 5 năm qua, Đảng bộ đã kết nạp 601 đảng viên, “xoá” thêm 13 thôn “trắng” đảng viên (hiện chỉ còn 2 thôn chưa có đảng viên); 162/194 thôn đã có chi bộ đảng… Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng luôn được quan tâm. Trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện và xử lý 4 tổ chức cơ sở đảng và 93 đảng viên vi phạm, góp phần giáo dục, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; tạo động lực thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Trong công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ là hết sức quan trọng. Đảng bộ xác định rõ cán bộ là gốc của mọi công việc, nên đã tập trung cho công tác cán bộ, đánh giá đúng thực trạng cán bộ để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ, bố trí và sử dụng cán bộ theo hướng trẻ hoá. Đảng bộ đã thường xuyên chăm lo xây dựng mối đoàn kết thống nhất, xây dựng tổ chức cơ sở đảng thật sự trong sạch vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm. Trong nhiệm kỳ qua, đã đào tạo, bồi dưỡng 425 lượt cán bộ, từng bước nâng cao năng lực, trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời, bố trí, sắp xếp cán bộ đúng vị trí, đúng năng lực nhằm tạo ra sức mạnh đồng bộ trong hệ thống chính trị.

Đảng bộ huyện thường xuyên quan tâm phát triển Đảng trong vùng dân tộc thiểu số. Theo quy định chung, việc phát triển Đảng ở đây gặp những khó khăn về trình độ văn hóa và quy định sinh đẻ có kế hoạch. Mặc dù vậy, Huyện uỷ đã có những giải pháp chủ động điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh đặc thù nhằm mục tiêu phát triển được đảng viên là người dân tộc thiểu số, qua đó tạo nguồn đào tạo được cán bộ tại chỗ. Huyện thường xuyên quan tâm đến việc tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ công chức là người dân tộc thiểu số và tuyển dụng học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp ra trường. Hiện tại (chưa tính trong ngành giáo dục và y tế), ở cấp xã đã có 129 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, chiếm 36%; các cơ quan đảng, đoàn thể, hành chính, sự nghiệp cấp huyện có 41 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số.

Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ huyện Di Linh đặt mục tiêu xây dựng từng chi bộ phải thực sự trong sạch vững mạnh. Chi bộ muốn trong sạch vững mạnh thì từng đảng viên phải thực sự gương mẫu, tiên phong trong học tập, rèn luyện để có năng lực và uy tín. Chi bộ phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; phê bình và tự phê bình. Công tác xây dựng Đảng trước hết phải tập trung tại chi bộ. Đầu nhiệm kỳ, từng chi bộ phải có chương trình, kế hoạch công tác, phân công chi ủy viên, đảng viên trong chi bộ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, có kế hoạch tự kiểm tra đảng viên. Qua đó, góp phần nâng cao sức chiến đấu của Đảng, giảm nguy cơ thoái hóa, biến chất và các nguyên nhân khác có thể làm giảm uy tín của Đảng. Chi bộ phải thực hiện tốt nhất các nguyên tắc trong sinh hoạt đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt theo Chỉ thị số 10 CT/TƯ ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế mà Đảng bộ cần tập trung khắc phục: chất lượng hoạt động của bộ máy trong hệ thống chính trị có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, sự phối hợp để thực hiện các nhiệm vụ chính trị chưa thật đồng bộ. Trong đánh giá cán bộ, một số tổ chức cơ sở đảng thực hiện chưa nghiêm túc, chặt chẽ theo quy trình. Một số cán bộ, đảng viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu vươn lên. Việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, vẫn còn cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, chưa “xoá” hết tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Công tác phát triển Đảng ở vùng nông thôn còn chậm, hiện còn 32 thôn chưa có tổ chức đảng. Việc xem xét kỷ luật đảng viên có dấu hiệu vi phạm còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy lên cấp trên. Chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp còn có những hạn chế trên một số lĩnh vực như cải cách thủ tục hành chính có chuyển biến, nhưng chưa thật tốt, còn gây phiền hà cho dân; HĐND một số xã chưa chủ động thực hiện tốt chức năng giám sát; giải quyết thắc mắc, kiến nghị của cử tri còn chung chung. Cơ chế phối hợp giữa Mặt trận và đoàn thể các cấp trong việc thực hiện chức năng phản biện, giám sát… còn lúng túng.

Lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội

Với sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện cùng nỗ lực, cố gắng của chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện, Di Linh đã phát huy mọi nguồn lực, khắc phục và đẩy lùi khó khăn phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Sau 5 năm, kinh tế của huyện phát triển ổn định, chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ thương mại; nông lâm nghiệp cũng có bước phát triển khá, ổn định về diện tích và năng suất cây trồng. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 13,4%/năm, thu nhập bình quân đầu người là 18 triệu đồng/năm, tỷ trọng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp giảm từ 69% xuống còn 62%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 10,6% lên 16%; thương mại - dịch vụ tăng từ 20,4 lên 22%; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 12%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn trong 5 năm đạt 1.068 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với giai đoạn 2000 - 2005. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đặc biệt, 5 năm qua cũng là chặng đường đánh dấu những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền huyện Di Linh trong việc đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống nhân dân, đồng thời thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Phát huy thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm cà phê trên địa bàn, huyện đã đề ra phương án mở rộng diện tích và quy mô sản xuất nông nghiệp, nâng diện tích đất canh tác từ 46.000 ha năm 2005 lên gần 50.000 ha năm 2010, trong đó, diện tích cà phê chiếm trên 40.000 ha. Với việc triển khai tốt chương trình phát triển cà phê bền vững, thương hiệu cà phê Di Linh đã được cấp giấy chứng nhận, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp và người trồng cà phê trên địa bàn. Hiệu quả kinh doanh của cây cà phê và các loại cây trồng khác đã giúp cho bộ mặt từ thị trấn đến nông thôn ngày càng thay da đổi thịt, đời sống của nhân dân trong huyện ngày càng được nâng cao rõ rệt.

Di Linh là vùng đất có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống còn nhiều khó khăn. Do vậy, vấn đề đầu tư, cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống vùng đồng bào dân tộc được địa phương đặc biệt quan tâm. Trong 5 năm qua, với nguồn vốn trên 80 tỷ đồng từ các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc, địa phương đã hỗ trợ sản xuất, xây nhà ở, nâng cấp, xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn và nhiều công trình phục vụ đời sống dân sinh. Nhờ vậy, những khó khăn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước được đẩy lùi, cuộc sống ở các thôn, làng đã ngày càng khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua mỗi năm, đến năm 2010 giảm còn 25% số hộ nghèo so với đầu nhiệm kỳ.

Trong thời gian tới, phát huy truyền thống anh hùng với phương châm đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, kỷ cương, Đảng bộ huyện Di Linh tăng cường công tác lãnh đạo thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 14 - 15%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 39 triệu đồng và tỷ lệ hộ nghèo chung còn dưới 5%, riêng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là dưới 12% và đến năm 2015, thị trấn Di Linh sẽ đạt các tiêu chí đô thị loại IV./.