Sáng 12-7-2012, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã chọn ra hai nhóm vấn đề chính mà cử tri bức xúc để chất vấn các thành viên Ủy ban nhân dân thành phố. Đó là vấn đề quản lý đô thị và các giải pháp để thực hiện các Nghị quyết 11, 13 của Chính phủ.


* Quản lý công viên Tuổi trẻ: Vẫn chưa làm rõ trách nhiệm

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố chất vấn: Vấn đề quản lý đầu tư, khai thác, sử dụng công viên Tuổi trẻ đều được cả hai khóa Hội đồng nhân dân trước đây đưa ra chất vấn. Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã trả lời và thừa nhận do năng lực quản lý yếu kém của chủ đầu tư nên đã xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trong công viên bị buông lỏng trong thời gian dài, chậm được xử lý, giải quyết. Thành phố cũng đã hứa sẽ thay thế chủ đầu tư, tuy nhiên đến nay vẫn không làm được. Tương tự, cách đây 4 năm, thành phố đã có kết luận sẽ chỉ đạo kiên quyết, triệt để dỡ bỏ những công trình sai phạm ở Công viên Thủ Lệ, nhưng tại sao đến nay vẫn còn nhà hàng lấn chiếm công viên?

Trả lời về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Khôi tiếp tục thừa nhận những tồn tại, hạn chế và vi phạm tại Công viên Tuổi trẻ là do năng lực tài chính cũng như năng lực quản lý của chủ đầu tư và nhấn mạnh: Tới đây, Công ty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội - chủ đầu tư phải thực hiện ngay việc quản lý mặt bằng, tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an ninh trật tự, không để tình trạng người dân tái lấn chiếm và xây dựng tại khu vực đã và chuẩn bị giải phóng mặt bằng. Đồng thời trong quý III/2012, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng khẩn trương chủ trì, chỉ đạo cưỡng chế, giải tỏa tháo bỏ 7 công trình tái lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích. Đặc biệt, thành phố đã giao cho Sở Xây dựng lập phương án trình Ủy ban nhân dân thành phố về quản lý Công viên Tuổi trẻ theo mô hình quản lý công trình công ích dưới sự quản lý nhà nước của Sở Xây dựng, sẽ được thực hiện từ 1-11-2012.

Tuy có lời hứa trên, nhưng nhiều đại biểu vẫn cho rằng, nếu thành phố vẫn “xử sự” như trước, không chỉ ra trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân vi phạm thì chắc chắn vấn đề này sẽ lại phải “tái chất vấn”. Đại biểu Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố bức xúc: Các câu hỏi của các đại biểu nêu rất rõ, rất cụ thể nhưng qua 2 lần trả lời của Phó Chủ tịch, chúng tôi thấy chưa rõ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố. Nếu không thay đổi thì e rằng lần này chúng ta chất vấn rồi lần sau lại chất vấn, cử tri cứ mong hoài. Do đó phải xem xét trách nhiệm cụ thể theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, kiểm điểm làm rõ và xem xét trách nhiệm từ trên xuống.

* Quản lý khu chung cư: Trách nhiệm của thành phố ở đâu?


Trả lời nội dung chất vấn về vấn đề quản lý khu chung cư, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng giải thích nguyên nhân dẫn đến việc quản lý nhà chung cư còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong nhân dân là do cơ chế quản lý còn chồng chéo, quan hệ giữa chủ đầu tư, đơn vị được giao quản lý và người dân chưa rõ ràng dẫn đến phát sinh mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người dân về giá dịch vụ hoặc quyền quản lý sử dụng như tại chung cư Keangnam, The Maner (thuộc huyện Từ Liêm), khu chung cư Golden Westlake (quận Ba Đình), khu chung cư 93 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng).

Chưa hài lòng với câu trả lời này, đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân đặt câu hỏi: Luật Nhà ở đã quy định rất rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong quản lý nhà chung cư nhưng đến nay thành phố chưa ban hành được quy chế quản lý chung về nhà chung cư. Do đó thành phố cần phải làm rõ trách nhiệm, trước hết là của cơ quan tham mưu giúp việc về vấn đề này và cần trả lời rõ bao giờ thành phố làm được điều này? Tiếp lời đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng khẳng định: “Trong quý 3 năm nay sẽ hoàn thành xây dựng quy chế quản lý nhà chung cư để có cơ sở giải quyết triệt để những vấn đề bất cập hiện nay”.

Một trong những lý do gây bức xúc cho cử tri hiện đang sống ở các khu chung cư là vấn đề cấp “sổ đỏ”. Đại biểu Nguyễn Văn Tài (tổ Tây Hồ) nêu câu hỏi tại sao người dân đến ở nhà tái định cư rất lâu nhưng vẫn không được cấp giấy chứng nhận? Cụ thể như ở khu đô thị Nam Trung Yên, người dân đến ở 6-7 năm rồi mà cho tới nay vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận sở hữu nhà mặc dù đã chấp hành đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Câu hỏi này cũng được Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng trả lời rằng “Vấn đề này, thành phố đã giao cho Sở Tài nguyên Môi trường thực hiện”.

Cũng tại buổi chất vấn, nhiều đại biểu đặt vấn đề, ngoài những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 11, 13 của Chính phủ, thành phố Hà Nội đã có những giải pháp riêng của mình chưa? Trong khi đó gói hỗ trợ doanh nghiệp năm 2011 được bố trí 50 tỉ đồng mới giải ngân được 20 tỉ; năm 2012 được bố trí 100 tỉ thì liệu Hà Nội có giải pháp hữu hiệu gì để “cứu doanh nghiệp”?

Kết thúc buổi chất vấn, bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố và các ngành liên quan nghiêm túc thực hiện những điều đã cam kết tại phiên chất vấn. Bà Thanh cho biết, tất cả những lời hứa của các thành viên Ủy ban nhân dân tại buổi chất vấn này sẽ được đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của Thủ đô để cử tri được biết, có điều kiện theo dõi, giám sát; đặc biệt các đại biểu đều có trách nhiệm đôn đốc tiến độ giải quyết những vấn đề ở những lĩnh vực liên quan đến địa bàn mình ứng cử./.