TCCS - Lời Bộ Biên tập: Ngày 14-12-2011, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 1439/QĐ-TLĐ, về chế độ phụ cấp cán bộ công đoàn; Quyết định có hiệu lực từ ngày 01-01-2012. Nhân dịp này, phóng viên của Tạp chí Cộng sản đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Ngàng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa đồng chí Phó Chủ tịch, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) hiện nay, trực tiếp là phát triển toàn diện đội ngũ công nhân, Công đoàn tiếp tục làm gì và làm thế nào nhằm góp phần bảo vệ, giải quyết các vấn đề thiết thực, liên quan đến đời sống công nhân, viên chức, người lao động, gắn liền với tiến bộ, công bằng xã hội?

Đồng chí Nguyễn Văn Ngàng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kể từ ngày thành lập đến nay, Công đoàn Việt Nam luôn trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân và dân tộc; đã tổ chức, vận động công nhân, viên chức, người lao động đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục tổ chức, động viên công nhân, viên chức, người lao động đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bởi vậy, xây dựng giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của các cấp công đoàn hiện nay. Đó cũng là cơ sở để xây dựng khối liên minh công - nông - trí thức bền vững ở nước ta. Giai cấp công nhân Việt Nam là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, hội nhập quốc tế và đã có nhiều cố gắng để phát huy vai trò nòng cốt trong liên minh giữa GCCN với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong những năm qua, GCCN nước ta đã có những bước phát triển tích cực, mạnh mẽ, đang tăng nhanh về số lượng, ngày càng đa dạng về cơ cấu; đồng thời, chất lượng đội ngũ được nâng lên và đã xuất hiện bộ phận công nhân trí thức. Cùng với các giai cấp, giai tầng xã hội khác trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, GCCN đã có đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) của Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, khẳng định: “Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Mục tiêu phấn đấu của chúng ta đến năm 2020, là đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp, theo hướng hiện đại. Do vậy, sự nghiệp CNH, HĐH đất nước phải đẩy mạnh hơn, bảo đảm kinh tế phát triển bền vững, môi trường được bảo vệ, an sinh xã hội được tăng cường, xã hội phát triển hài hòa, nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng, trình độ cao. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và chăm lo xây dựng GCCN; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa công nhân và người sử dụng lao động, Nhà nước và toàn xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách đang đặt ra của GCCN. Xây dựng GCCN nước ta lớn mạnh, ngang tầm với sự nghiệp CNH, HĐH, chủ động vững bước vào quá trình hội nhập quốc tế là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hiện nay, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cũng như mỗi người công nhân; mà nòng cốt là các cấp ủy và chính quyền các cấp cùng tổ chức công đoàn cần ra sức quán triệt và thực hiện sáng tạo tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa X).

Để góp phần bảo vệ, giải quyết các vấn đề thiết thực, liên quan đến đời sống công nhân, viên chức, người lao động, gắn liền với tiến bộ, công bằng xã hội, thời gian tới, các cấp công đoàn cần quan tâm thực hiện tốt một số việc sau:

Một là, cùng với các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa X); sử dụng tổng hợp các biện pháp đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, làm cho công nhân viên chức, lao động cảm nhận được những thay đổi tích cực, khi thực hiện Nghị quyết.

Hai là, chủ động trong việc nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Tham gia có hiệu quả xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi); Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế; chủ động nghiên cứu, đề xuất những nội dung phải sửa đổi, bổ sung. Việc sửa đổi, bổ sung các luật trên vừa phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vừa phải tạo điều kiện để Công đoàn năng động, tự chủ và sáng tạo trong hoạt động, thực sự trở thành người đại diện tin cậy, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Ba là, tham gia cùng với các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách đối với người lao động; thể chế hóa những quan điểm, chủ trương lớn đã được thể hiện trong nghị quyết của Đảng thành cơ chế chính sách cụ thể, nhằm giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách của người lao động, tạo chuyển biến mạnh mẽ và rõ rệt trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Trước mắt, cần giải quyết những bức xúc hiện nay đối với công nhân, như nhà ở, nhà trẻ, nhà văn hóa tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động...

Bốn là, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Phóng viên: Ngày 14-12-2011, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 1439/QĐ-TLĐ về chế độ phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn các cấp. So với trước đây, Quyết định này có gì mới và nhằm giải quyết vấn đề cấp bách gì?

Đồng chí Nguyễn Văn Ngàng: Trước đây, đã có quy định về phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ công đoàn các cấp. Trong bối cảnh hiện nay, các quy định cũ không còn phù hợp. Do đó, cần ban hành quy định mới đáp ứng được với thực tiễn về nội dung này, nhằm nâng cao vị thế của Công đoàn các cấp đủ sức tập hợp, lãnh đạo GCCN thực hiện sứ mệnh cách mạng, mà cụ thể là thực hiện mục tiêu CNH, HĐH đất nước, hội nhập quốc tế.

Quyết định số 1439/QĐ-TLĐ, ngày 14-12-2011, do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành về chế độ phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ công đoàn, nhằm thu hút cán bộ làm công tác công đoàn không chuyên trách (nhất là khu vực ngoài nhà nước, có đông lao động, quan hệ lao động phức tạp). Đây là một trong những nội dung nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) và Kết luận số 80/KL-TW, ngày 29-7-2010, của Ban Bí thư Trung ương Đảng và khắc phục những hạn chế của những quy định trước đây. Cụ thể là, nâng mức phụ cấp để động viên, khuyến khích, thu hút cán bộ tham gia hoạt động công đoàn; căn cứ lương tối thiểu các khu vực khác nhau để tính chế độ phụ cấp trách nhiệm; Công đoàn cấp trên được điều chỉnh mức phụ cấp, kỳ chi trả phụ cấp cho phù hợp; nâng mức phụ cấp để động viên, khuyến khích kế toán chuyên môn kiêm nhiệm kế toán công đoàn.

Ban hành kèm theo Quyết định này là Quy định mới về mức phụ cấp: Công đoàn cơ sở, hệ số phụ cấp kiêm nhiệm theo Quy định cũ, thấp nhất là 0,1, cao nhất là 0,5 (so với lương cơ bản); nay tương ứng là 0,2 và 0,7. Phụ cấp trách nhiệm, trước đây là 0,11 và 0,14; nay tương ứng là 0,19 và 0,3. Tương tự như vậy, Công đoàn cấp trên cơ sở, phụ cấp kiêm nhiệm trước đây là 0,1 và 0,5; nay là 0,2 và 0,7. Phụ cấp trách nhiệm trước đây là 0,11 và 0,19; nay là 0,14 và 0,3. Kế toán kiêm nhiệm ở những đơn vị có thu ngân sách lớn được hưởng phụ cấp bằng phó chủ tịch cùng cấp. Công đoàn cấp trên được căn cứ khả năng nguồn kinh phí và thực tế của đơn vị để điều chỉnh mức phụ cấp trách nhiệm cho phù hợp. Nguồn kinh phí được sử dụng chi lương, phụ cấp cán bộ công đoàn chuyên trách và phụ cấp cán bộ công đoàn tối đa bằng 30% nguồn thu kinh phí và đoàn phí công đoàn được sử dụng, nếu sử dụng không hết thì chi cho hoạt động phong trào.

Phóng viên: Trong việc thực hiện Quyết định số 1439/QĐ-TLĐ ngày 14-12-2011, cần lưu ý vấn đề gì?

Đồng chí Nguyễn Văn Ngàng: Trong thực hiện Quyết định số 1439/QĐ-TLĐ, ngày 14-12-2011, công đoàn cơ sở cần lưu ý:

- Căn cứ Quy định ban hành kèm theo Quyết định này, công đoàn cơ sở ban hành quy chế chi tiêu của công đoàn cơ sở; trong đó, có chế độ phụ cấp cán bộ công đoàn cho phù hợp.

- Quy chế quy định chế độ phụ cấp chú ý đối tượng phụ cấp, mức phụ cấp, quy trình xây dựng quy chế phải công khai, minh bạch, thanh quyết toán theo đúng quy định của Tổng Liên đoàn. Thực hiện kiểm tra tài chính đồng cấp và của cấp trên đối với cấp dưới để sử dụng tài chính công đoàn chi phụ cấp có hiệu quả, động viên được cán bộ công đoàn tham gia hoạt động công đoàn ở cơ sở.

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn đồng chí !