TCCSĐT - 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng đạt thấp (0,76%) so với cuối năm 2011. Các ngân hàng thương mại sẽ linh hoạt để tích cực chủ động tìm kiếm và cho vay các dự án hiệu quả từ nay đến cuối năm.
Theo thông tin Ngân hàng Nhà nước công bố tại hội nghị toàn ngành ngày 7-7, trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng đạt thấp (0,76%) so với cuối năm 2011, nếu tính cả số đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác thì tăng khoảng 1,4%, trong đó tăng trưởng ở những ngành khuyến khích cao hơn. 

Trước thực tế đó, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đưa dòng vốn vào những dự án đầu tư hiệu quả. Tại Hội nghị, đa số các ngân hàng tham gia tham luận đều đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 10-12% đến cuối năm.

Về vấn đề lãi suất, Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Phước Thanh cho biết, Vietcombank hiện chỉ có 25% khối lượng tín dụng có lãi suất trên 15%-năm nên  ngân hàng hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu mà lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Đại diện ngân hàng này cam kết lãi suất cho vay lưu động đối với các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn sẽ không quá 15%-năm, kể cả tín dụng dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không khuyến khích.

Với lĩnh vực ưu tiên lãi suất cho vay của Vietcombank lãi suất không quá 11%-năm và 12-13%-năm với các doanh nghiệp thông thường khác.

Còn đại diện Ngân hàng Công thương (Vietinbank) Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, Vietinbank là một trong những ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhanh. Với khoản vay ngắn hạn, đa số là 11-12%, một số ít là 13%, ngay cả khoản vay trung hạn cũng dưới 15%, chỉ còn số ít khoản vay cũ lãi suất 16% và sẽ sớm điều chỉnh.

Ông Hùng nhấn mạnh, hiện tại, với những dự án chỉ cần “tương đối hiệu quả”, Vietinbank cũng sẵn sàng cho với với lãi suất 12% trở xuống. Còn Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (Seabank) cho rằng, dù chỉ là một ngân hàng cỡ vừa nhưng các khoản cho vay của Seabank chỉ dao động trong khoảng 12-13%.

Sát cánh cùng doanh nghiệp 

Bên cạnh việc yêu cầu lãnh đạo các ngân hàng phải sớm chỉ đạo các chi nhánh điều chỉnh lãi suất cho vay với khách hàng cũ xuống dưới 15%-năm, bảo đảm chất lượng, Thống đốc cũng yêu cầu ngân hàng phải kề vai sát cánh, thật sự đồng hành, làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, đánh giá tình hình, phân tích dự án. Từ đó, tìm giải pháp phù hợp, cụ thể.

Ngân hàng Nhà nướ sẽ có hội nghị với lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa bàn trọng điểm, biến tinh thần hành động vào thực tế.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng Quản tr (Seabank) cho biết, đối với những doanh nghiệp có tiềm lực,  nhưng tạm thời khó khăn, Ngân hàng đều có tổ tư vấn xuống tận doanh nghiệp đóng góp giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tham gia hỗ trợ quản lý dòng tiền. 

Dưới góc độ vĩ mô, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc Vietcombank cho rằng, muốn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cần phải tính đến cả các chính sách tài khóa, thực tế, lũy kế 6 tháng, vốn giải ngân so với dự tóan còn thấp, thật sự cần triển khai nhiều dự án đầu tư hơn từ nay đến cuối năm.

Về cơ chế chính sách khơi thông tín dụng, đại diện một số ngân hàng cũng đề nghị giảm tiến độ trích lập dự phòng nợ xấu, đẩy nhanh việc cải tiến các thủ tục thu hồi nợ, nới rộng giới hạn tín dụng cho vay.

67.000 tỉ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.

Tại Hội nghị,  Ngân hàng Nhà nước cho biết, các tổ chức tín dụng đã trích khoảng 67.000 tỉ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.

Đến cuối tháng 5-2012 theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tổng nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng chiếm 4,47 % tổng dư nợ các tổ chức tín dụng. Nguyên nhân của việc nợ xấu tăng lên so với đầu năm phát sinh từ các khoản nợ trước đây, thời gian qua do thị trường không thuận lợi, tồn kho cao, tình hình tài chính của bên vay ngày của một yếu đi, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ cho ngân hàng.  

Tuy nhiên, theo số liệu giám sát của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, 84% nợ xấu của hệ thống ngân hàng được bảo đảm bằng tài sản thế chấp và tổng giá trị của các tài sản thế chấp này bằng 135% giá trị nợ xấu (cao hơn giá trị nợ xấu).

Dự phòng rủi ro tín dụng là khoản tiền được trích lập để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra do khách hàng của tổ chức tín dụng không thực hiện nghĩa vụ theo cam kết./.