Khai thông thị trường tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long
Vai trò tín dụng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL
Hơn 10 năm gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn cả nước, trong đó có vùng ĐBSCL. Đó là: Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg ngày 30-3-1999 “Về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn”; Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17-4-2009 “Về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn”; Quyết định số 2213/QĐ-TTg ngày 31-12-2009 “Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 497/ QĐ-TTg ngày 17-4-2009”; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 “Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp”; Quyết định số 63/2010/ QĐ-TTg “Về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản”; Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 2-12-2011 “Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 63/2010/ QĐ-TTg”. Những chủ trương này đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thị trường tín dụng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, từng bước nâng cao đời sống nông dân vùng ĐBSCL.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong khoảng 10 năm qua, hệ thống ngân hàng đã tích cực triển khai kịp thời, đồng bộ các cơ chế, chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm tăng cường vốn tín dụng đầu tư phát triển vùng ĐBSCL. Giai đoạn 2002-2011, tổng dư nợ tín dụng của vùng ĐBSCL tăng trưởng bình quân 27,3%/năm (lớn hơn gấp 10 lần so với 10 năm trước) và đến năm 2011 chiếm tỷ trọng 9,4% trong tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế. Vốn tín dụng ngân hàng thực sự trở thành nguồn vốn đầu tư quan trọng, thúc đẩy toàn vùng tăng trưởng kinh tế nhanh (bình quân 10,5%/năm trong giai đoạn 2001-2011); phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo (tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng ĐBSCL (theo chuẩn mới) đến năm 2010 giảm còn 13,4%), cải thiện chất lượng cuộc sống và an sinh xã hội ở nhiều địa phương.
Những điểm “nghẽn” trên thị trường tín dụng
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, song hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn ĐBSCL vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là:
Tốc độ tăng trưởng huy động vốn hàng năm của hệ thống các tổ chức tín dụng vùng ĐBSCL khoảng trên 20%. Tuy nhiên tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn chỉ mới đáp ứng khoảng 67% tổng nhu cầu vốn của toàn vùng. Mức tín dụng/đầu người chỉ bằng 50% so với bình quân chung cả nước; huy động vốn/đầu người chỉ khoảng 30%. Theo một khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, ĐBSCL hiện chỉ mới khai thác tiềm năng tài chính, đầu tư theo chiều rộng; đối tượng chính cần vốn là doanh nghiệp lại không tiếp cận được nguồn vốn mà họ cần.
Nhiều năm qua, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn ở ĐBSCL chiếm tỷ trọng tương đối cao so với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế (năm 2010 chiếm 28%) nhưng chủ yếu do hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số ngân hàng thương mại nhà nước, quỹ tín dụng nhân dân và hệ thống các ngân hàng chính sách xã hội đảm nhận. Các ngân hàng thương mại cổ phần khác chưa quan tâm đúng mức hoặc còn e ngại trong việc cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ở ĐBSCL phát triển chậm - chủ yếu chỉ là tín dụng truyền thống. Các dịch vụ thanh toán, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng nông nghiệp… còn rất hạn chế, nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm vì nhiều tổ chức tín dụng sợ rủi ro cao.
Nhiều tổ chức tín dụng chưa bố trí điểm giao dịch ở khu vực nông thôn; mức đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn còn rất ít; suất đầu tư cho kinh tế trang trại, gia trại thấp; thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng còn rườm rà, nhiêu khê (chẳng hạn như đòi hỏi nông dân khi vay phải có tài sản thế chấp, phải có phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả trong khi trên thực tế yêu cầu này vượt quá khả năng của họ), chưa tạo thuận lợi cho khách hàng, hộ nông dân vay vốn
Thời gian cho vay chủ yếu là ngắn hạn, không phù hợp với tính chất, mùa vụ sản xuất của nhiều loại đối tượng cây trồng, vật nuôi, dẫn đến hạn chế việc chuyển đổi cơ cấu canh tác theo hướng chuyên sâu, gia tăng giá trị, hiệu quả.
Hạn mức cho vay quá thấp, không đủ để đầu tư sản xuất theo quy mô lớn. Cụ thể, muốn nuôi cá tra trên diện tích 1 ha, người nông dân cần phải có nguồn vốn 4-5 tỷ đồng, thế nhưng ngân hàng chỉ cho vay đến 200 - 300 triệu đồng.
Lãi suất cho vay còn cao. Thời gian qua lãi suất tín dụng ở các tổ chức thương mại vẫn trên 20%/năm. Mức lãi suất này có thể nói là quá sức chịu đựng đối với đối với những người sản xuất nông nghiệp, thủy sản.
Nhu cầu vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng khu vực nông nghiệp, nông thôn như giao thông, thủy lợi… rất lớn nhưng mức độ đáp ứng của các tổ chức tín dụng còn rất hạn chế.
Những tồn tại, hạn chế trong phát triển tín dụng khu vực nông nghiệp, nông thôn ở ĐBSCL đã kéo theo nhiều hệ lụy trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Nổi lên là:
Sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL tuy phát triển nhưng thiếu tính bền vững, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt các nguồn lực cho phát triển sản xuất. Các hình thức tổ chức sản xuất chậm được đổi mới; phương thức sản xuất chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, phân tán, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh sản xuất hàng hóa; thiếu sự gắn kết giữa nhà nông với doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, dẫn đến tình trạng phổ biến là khối lượng nông sản hàng hóa làm ra lớn nhưng giá trị không cao, phần lớn hàng hóa xuất khẩu bán với giá thấp hơn nhiều nước có trình độ phát triển tương đương.
Nông nghiệp, nông thôn phát triển trong bối cảnh thiếu quy hoạch, thiếu tính liên kết vùng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém; môi trường ngày càng ô nhiễm; năng lực thích ứng đối phó với thiên tai, biến đổi khí hậu còn rất hạn chế. Đời sống của người dân - nhất là nông dân trong vùng tuy đã được cải thiện một bước, song chưa tương xứng với tiềm năng của vùng và có nguy cơ tụt hậu (từ năm 2004 đến nay, thu nhập bình quân đầu người của vùng ĐBSCL dần thấp hơn mức bình quân chung cả nước. Năm 2004 bằng 97,3%, năm 2008 chỉ còn bằng 94,5%). Khoảng cách giàu - nghèo giữa nhóm thu nhập cao và nhóm thu nhập thấp cách biệt nhau trên 7 lần.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Trong đó, đáng quan tâm là:
Chưa có chiến lược, quy hoạch tổng thể toàn vùng cũng như từng địa phương về sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Thiếu sự liên kết vùng; nhiều cơ chế chính sách chưa đồng bộ, thiếu nhất quán, không ổn định khiến việc phát triển thị trường tín dụng gặp nhiều khó khăn.
Tại một số địa phương trong vùng ĐBSCL, nhiều dự án đầu tư triển khai chậm tiến độ do cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Chính sự yếu kém về hạ tầng giao thông đã cản trở sức hút đầu tư và sự phát triển thị trường tín dụng, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn
Nguồn vốn huy động còn thấp do nhiều người dân có thu nhập thấp và chưa có thói quen hoặc chưa muốn gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Một kết quả khảo sát gần đây của tổ chức JICA (Nhật Bản) cho thấy, tỷ lệ tiết kiệm qua ngân hàng ở ĐBSCL chỉ bằng 12,5% tổng mức tiết kiệm, trong khi tỷ lệ để dành bằng cách mua vàng ở mức khá cao. Hậu quả là nhiều tổ chức tín dụng khó mở rộng phạm vi hoạt động, khiến nguồn vốn cung ứng cho các nhu cầu trung và dài hạn để đầu tư phát triển thiếu trầm trọng.
Thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng những năm gần đây làm tăng mức độ rủi ro trong sản xuất nông, lâm, thủy sản, khiến nhiều tổ chức tín dụng có tâm lý ngại cho vay vào khu vực này.
Nguồn vốn riêng có của các ngân hàng thương mại cổ phần chưa thực sự phù hợp với đặc thù tín dụng trong khu vực nông nghiệp, nông thôn (thường có chu kỳ sản xuất dài đòi hỏi phải vay nguồn vốn tín dụng dài hạn trong nhiều ngân hàng lại rất hạn chế nguồn vốn này khi mà các điều kiện kinh tế vĩ mô chưa ổn định, các công cụ tài chính dài hạn chưa phát triển).
Khai thông thị trường tín dụng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL bền vững
Để mở rộng thị trường tín dụng cho nông nghiệp nói chung, trong đó có vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, thủy sản ĐBSCL, theo ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - mục tiêu quan trọng cần đạt được là: “Phải nâng tỷ lệ tín dụng cho nông nghiệp tính theo tổng nguồn vốn trên thị trường tiền tệ (bao gồm tín dụng, mức vốn hóa của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, các quỹ đầu tư) tối thiểu bằng tỷ trọng GDP của nông nghiệp trong tổng GDP”.
Để đạt được mục tiêu đó, cần chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:
- Chính phủ xem xét, tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho nông nghiệp, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn vùng ĐBSCL theo hướng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; sớm khắc phục tình trạng thiếu và yếu của hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu (giao thông, thủy lợi, các công trình thoát lũ, ngăn mặn, điện, bưu chính viễn thông…) nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Cần có cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sạch, dài hạn vào lĩnh vực nông nghiệp, hướng tới sự phát triển bền vững. Có chính sách cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi ở nông thôn vay tổ chức tín dụng thông qua sự bảo đảm bằng ngân sách nhà nước và sẽ thanh toán dần nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
- Tăng cường các chính sách hỗ trợ cho nông dân trước những rủi ro do thiên tai, hạn hán, lũ lụt, dịch hại… ngày càng tăng, thông qua việc mở rộng đối tượng bảo hiểm trong nông nghiệp, nhằm hạn chế thiệt hại cho nông dân. Có như thế, rủi ro trong hoạt động đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn của các tổ chức tín dụng sẽ giảm, thúc đẩy các tổ chức này mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vốn vào nông nghiệp, nông thôn.
Chính phủ xem xét, phân phối lại lợi tức phù hợp như: có thể sử dụng một phần lợi tức thu được từ các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy, hải sản để phân phối trở lại cho nơi trực tiếp sản xuất ra các loại hàng hóa đó để tái đầu tư, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho người dân ĐBSCL mà chủ yếu là nông dân.
- Nhà nước nên tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở đó quy định lại tỷ lệ mà ngân hàng này phải cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ưu tiên tái cấp vốn với lãi suất phù hợp cho các ngân hàng tăng được mức cho vay trong khu vực nông nghiệp. Ngân hàng Nhà nước xem xét, bổ sung cơ chế ưu đãi mạnh hơn đối với các tổ chức tín dụng có tỷ trọng vốn đầu tư tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để các tổ chức tín dụng này mở rộng mạng lưới hoạt động và tăng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
- Khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới kinh doanh trên địa bàn nông thôn theo các phương thức: ưu đãi về tỷ lệ dự trữ bắt buộc; khuyến khích cho vay nhằm thúc đẩy hình thành các liên kết trong một chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ (mức vay cao hơn, lãi suất ưu đãi hơn…); tạo liên kết giữa hệ thống kho bảo quản, dự trữ với các tổ chức tín dụng (khi giá nông sản thấp, nông dân mang sản phẩm đến gửi vào kho và dùng hóa đơn gửi hàng để vay tiền từ tổ chức tín dụng. Khi lấy hàng ra bán, nông dân sẽ trả lại tiền vay cho tổ chức tín dụng).
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí trang trại, tổ chức tập huấn và cấp giấy chứng nhận cho các chủ trang trại, giúp các chủ trang trại dễ dàng quan hệ, giao dịch với ngân hàng, tạo điều kiện cho loại hình kinh tế này phát triển để gia tăng quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao trong nông nghiệp. Song song đó, cần có cơ chế hợp lý để củng cố, chấn chỉnh hoạt động của các hợp tác xã - nhất là các hợp tác xã trong nông nghiệp - để các tổ chức này phát triển mạnh hơn, đáp ứng yêu cầu tổ chức sản xuất lớn, tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập./.
CPI tháng 5 cả nước tăng 0,18%  (24/05/2012)
Bảo hiểm tiền gửi góp phần ổn định thị trường tài chính, tăng lòng tin đối với hệ thống tài chính  (24/05/2012)
Nga phóng thành công tên lửa đạn đạo và triển khai trạm ra-đa mới  (23/05/2012)
Thông báo Nghị quyết Trung ương 5, triển khai Nghị quyết Trung ương 4  (23/05/2012)
Thông báo Nghị quyết Trung ương 5, triển khai Nghị quyết Trung ương 4  (23/05/2012)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay