Hậu Giang thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội
20:51, ngày 22-05-2012
TCCS - So với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Hậu Giang có xuất phát điểm thấp, phát triển kinh tế và đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, ngay từ khi thành lập tỉnh năm 2004, Hậu Giang rất quan tâm đến việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ những đối tượng chính sách, người nghèo, tạo điều kiện để họ có thể bắt nhịp với sự phát triển chung của xã hội trong cơ chế thị trường và xu thế hội nhập toàn cầu.
Thấu suốt chủ trương, sáng tạo cách làm, hiệu quả thiết thực
Đầu tư cho chính sách an sinh xã hội cũng chính là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển. Nghị quyết Đại hội X của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng; phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) một lần nữa nhấn mạnh: “Từng bước mở rộng và cải thiện hệ thống an sinh xã hội để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu đa dạng của mọi tầng lớp trong xã hội, nhất là của nhóm đối tượng chính sách, đối tượng nghèo”.
Quán triệt tinh thần ấy, Tỉnh ủy Hậu Giang xác định: Tinh thần tương thân tương ái là trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân, việc xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đoàn kết tặng gia đình chính sách, hộ nghèo là thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Theo đó, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trước hết là việc xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đoàn kết đã trở thành phong trào từ “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa”, “Quỹ Vì người nghèo”... Những việc làm ý nghĩa đó đã kêu gọi được hảo tâm của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đóng góp… Riêng trong năm 2010, Chương trình an sinh phúc lợi xã hội đã thu hơn 415 tỉ đồng; nhân dân đóng góp xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, chỉnh trang đô thị và hoạt động từ thiện hơn 270 tỉ đồng. Năm 2011, đạt gần 347,490 tỉ đồng, nhân dân đóng góp gần 306,5 tỉ đồng; các hoạt động từ thiện đóng góp chủ yếu bằng hiện vật có giá trị 41 tỉ đồng.
Đặc biệt, “Quỹ Vì người nghèo” năm 2011 đạt tổng giá trị 93,312 tỉ đồng. Từ nguồn đó, đã chi hàng chục tỉ đồng hỗ trợ xây mới 418 căn nhà tình thương, hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo bằng tiền mặt đối ứng theo Quyết định số 167/TTg của Thủ tướng Chính phủ; chi giúp người nghèo phát triển sản xuất, khám, chữa bệnh; giúp học sinh nghèo vượt khó...
Những năm gần đây, cùng với việc thành lập Ban vận động “Ngày Vì người nghèo”, Thường trực Tỉnh ủy ra Quyết định thành lập Ban Vận động Quỹ An sinh phúc lợi xã hội tỉnh Hậu Giang, có mở tài khoản riêng ở kho bạc nhà nước.
Từ sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự hỗ trợ kịp thời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các sở, ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể là động lực rất lớn thúc đẩy công tác thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được những thành quả rất đáng tự hào.
Ngành lao động - thương binh và xã hội kịp thời tham mưu đề xuất với tỉnh thông qua các kế hoạch, chương trình, dự án cụ thể (như chương trình dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo trong 5 chương trình phát triển - kinh tế xã hội trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh; dạy nghề theo Quyết định 1956, kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội…) nhằm cụ thể hóa các hoạt động, đưa chính sách vào cuộc sống, đã phát huy hiệu quả, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Các chính sách và giải pháp xóa đói giảm nghèo được triển khai đồng bộ trên cả 3 phương diện: giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách về bảo đảm đất sản xuất, tín dụng ưu đãi, khuyến nông - lâm - ngư, phát triển ngành nghề; phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn.
Đến nay, công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật: tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23,55% (năm 2006) xuống còn dưới 8% (năm 2011). Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về việc làm với nhiều chính sách trợ giúp thiết thực, số lao động được tạo việc làm mới trên 142.000 người, bình quân hằng năm đạt khoảng 20.000 người. Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống còn 4,4%, giảm tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn xuống còn 12,3%, tăng thời gian sử dụng lao động ở nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân.
Mặc dù mạng lưới cơ sở dạy nghề của Hậu Giang mỏng và chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, song từ 2004 đến nay, số lượt học viên được đào tạo tại các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh là 40.519 lượt người. Hệ thống bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế được quan tâm phát triển với nội dung và hình thức ngày càng phong phú, nhằm chia sẻ rủi ro và trợ giúp thiết thực cho những người tham gia.
Các chính sách ưu đãi đối với người có công đang hướng đến hai mục tiêu cơ bản là: Thực hiện công bằng xã hội, phát huy truyền thống đạo lý cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, nhằm tôn vinh những người đã hy sinh công sức và một phần xương máu của mình cho đất nước; và bảo đảm mức sống của các gia đình người có công bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của người dân địa phương.
Hậu Giang có hơn 30.000 người có công với cách mạng, chiếm khoảng 3,84% dân số toàn tỉnh. Tổng số đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp một lần là gần 16.000 người, trong đó gần 6.000 người hoạt động kháng chiến được tặng huân, huy chương; hơn 7.500 người có công giúp đỡ cách mạng và thân nhân của các liệt sĩ hy sinh trước năm 1975 được trợ cấp. Do việc huy động từ cộng đồng và các nguồn khác, chi ngân sách cho trợ cấp hằng tháng hiện nay kịp thời dù tăng hơn 2 lần so với năm 2004 (năm 2004 gần 47,5 tỉ đồng)… Bằng nguồn vốn vận động từ cộng đồng, việc chăm sóc người có công thông qua các chương trình tình nghĩa ngày càng thiết thực, chu đáo. Từ năm 2004 đến nay, xây dựng mới hơn 3.700 căn nhà tình nghĩa, trị giá hàng tỉ đồng; hỗ trợ 130 người có công sửa chữa nhà ở với số tiền gần 1,3 tỉ đồng.
Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12-12-2008, của Thủ tướng Chính phủ, về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn tỉnh, đến nay tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ được 5.561/6.292 căn, đạt 88,38% so với Đề án Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Giai đoạn 2 của năm 2011, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 731 căn còn lại, với tổng vốn hỗ trợ gần 15,2 tỉ đồng, thời gian dự kiến hoàn thành trước ngày 15-01-2012. Về cơ bản, Hậu Giang đã xóa được nhà ở làm bằng cây lá tạm bợ cho các hộ gia đình người có công. Toàn tỉnh có 526 mẹ được phong, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 70 mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời với số tiền bình quân 300.000 đồng/mẹ/tháng.
Hậu Giang đã hoàn thành công tác xác nhận người có công với cách mạng qua 3 thời kỳ, có 85% xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sỹ (85% xã phường không có hộ chính sách diện nghèo).
Các chính sách trợ cấp, trợ giúp xã hội, cả thường xuyên và đột xuất được triển khai thực hiện rộng hơn về quy mô, đối tượng thụ hưởng với mức trợ giúp ngày càng tăng. Kinh phí trợ giúp thường xuyên từ ngân sách nhà nước và số người được thụ hưởng tăng nhanh: Tổng số đối tượng hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên trên 58.000 lượt người, với kinh phí tăng từ 1.187 triệu đồng (năm 2004) lên khoảng 26.163 triệu đồng (năm 2011).
Những kết quả trên đây đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sống cả về vật chất lẫn tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công bằng, tạo sự đồng thuận xã hội, ổn định chính trị tại địa phương.
Nhận rõ những hạn chế, những thách thức để tiếp tục vượt qua
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, vẫn còn không ít những hạn chế và thách thức đang đặt ra:
Thứ nhất, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ hộ tái nghèo hằng năm cao, số hộ nghèo, cận nghèo còn nhiều; bên cạnh đó, chưa có hệ thống chính sách khuyến khích hộ nghèo, xã nghèo thoát nghèo vươn lên khá giả; xóa đói, giảm nghèo chưa gắn chặt với phát triển cộng đồng và phát triển nông thôn; tư tưởng ỷ lại, bao cấp và bệnh thành tích còn khá phổ biến.
Thứ hai, do giá cả tăng cao, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đã ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến đời sống của người có thu nhập thấp, người nghèo, đối tượng thụ hưởng chính sách xã hội; trong khi đó, mức trợ cấp cơ bản cho các đối tượng xã hội, lương hưu còn ở mức thấp.
Thứ ba, đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; trình độ văn hóa còn một phần hạn chế; tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, ở vùng đô thị hóa, vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thất nghiệp ở thành thị còn nhiều, một bộ phận người dân chưa quan tâm và định hướng cho con em tham gia học nghề, nhằm cải thiện việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Thứ tư, nguồn lực cho an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, trong khi diện bao phủ rộng nhưng mức hỗ trợ còn thấp; chất lượng cung cấp dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu của đối tượng thụ hưởng.
Từ thực tế trên, trong thời gian tới đòi hỏi cần có một hệ thống an sinh xã hội tốt hơn, với những cơ chế phù hợp, tích cực, bền vững, làm chỗ dựa vững chắc cho người nghèo, hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo, tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng, kịp thời khắc phục các rủi ro; huy động được mạnh mẽ sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.
Rất cần những giải pháp đồng bộ
Để thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, Hậu Giang xác định cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau đây:
Một là, có cơ chế khuyến khích rộng mở hơn đối với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, trong việc góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm đồng thời hỗ trợ người dân có việc làm, tăng thu nhập. Đây là giải pháp xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội tích cực, hiệu quả, bền vững. Mặt khác, tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về việc làm gắn với thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (theo Quyết định 1956), với các giải pháp toàn diện, đồng bộ và có hiệu quả; phát triển mạnh thị trường lao động. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho cả người học và cơ sở dạy nghề, như cho vay ưu đãi học nghề, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ, phụ nữ, thanh niên…; đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Hai là, đặc biệt chú trọng đến chính sách về bảo hiểm y tế cho các đối tượng người nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội, người có công. Trong đó, có ưu tiên về viện phí, chất lượng khám chữa bệnh, tiếp tục có mức hỗ trợ phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh của từng loại đối tượng.
Ba là, thực hiện đồng bộ hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015, với các chính sách và giải pháp xóa đói giảm nghèo thiết thực, đồng bộ cả về hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống, tạo việc làm, tiếp cận thị trường; nâng cao khả năng tự vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân. Bảo đảm lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án và nguồn lực trên từng địa bàn; cổ vũ sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng và cơ sở, gắn với phát triển xã nông thôn mới, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các địa bàn có số hộ nghèo cao.
Bốn là, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công và chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo hướng tăng cường trợ giúp thường xuyên và đột xuất từ ngân sách nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng các kênh và hình thức trợ giúp xã hội và cứu trợ xã hội tự nguyện, nhân đạo dựa vào cộng đồng và doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục mở rộng đối tượng và điều kiện hưởng thụ trợ giúp xã hội đến toàn bộ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, với mức trợ giúp phù hợp.
Năm là, đầu tư đúng mức ngân sách vào phát triển các dịch vụ xã hội, trợ giúp mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu về khám chữa bệnh, học hành, nhà ở, điện, nước sinh hoạt, văn hóa, thông tin và truyền thông, bảo đảm vệ sinh môi trường, đi lại…
Sáu là, huy động sự tham gia của toàn xã hội, để thực hiện tốt an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Đặc biệt, cần tiếp tục đây mạnh Cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo” và thực hiện Chương trình an sinh xã hội của tỉnh đã và đang làm rất hiệu quả mấy năm gần đây./.
Quảng Bình đầu tư phát triển huyện miền núi vùng cao Minh Hóa  (22/05/2012)
Quảng Bình đầu tư phát triển huyện miền núi vùng cao Minh Hóa  (22/05/2012)
Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai - khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 8 tại Việt Nam  (22/05/2012)
Tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên  (22/05/2012)
Tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên  (22/05/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển