5 lĩnh vực cử tri kiến nghị tới Quốc hội

Hoàng Đạt
05:02, ngày 22-05-2012
TCCSĐT - 1.204 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới Quốc hội thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:

Phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân

Trước những hạn chế về phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, cử tri cả nước kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động. Cụ thể, cử tri kiến nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý, kiểm sóat giá cả thị trường, xử lý nghiêm những trường hợp tự ý nâng giá, tăng giá bất hợp lý. 

Làm rõ trách nhiệm việc khiếu nại tố cáo đông người 

Cử tri cả nước hoan nghênh Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong lĩnh vực này nhưng cũng chỉ ra những nguyên nhân tồn tại đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo giải quyết tới nơi tới chốn những vụ việc khiếu tố tồn đọng, bức xúc, kéo dài; chỉ đạo người đứng đầu chính quyền các cấp dành thời gian để tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; làm rõ trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không thực hiện đúng pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, đùn đẩy, né  tránh để xảy ra tình trạng khiếu nại đông người, khiếu nại vượt cấp; xử lý nghiêm đối với những trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động người khác tụ tập đông người trái pháp luật, gây rối an ninh trật tự. 

Cử tri và nhân dân cả nước kiến nghị Quốc hội sớm ban hành luật về tiếp công dân và sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Giải pháp đồng bộ, quyết liệt kiềm chế tai nạn giao thông 

Cử tri hoan nghênh nỗ lực, quyết tâm của ngành giao thông vận tải và chính quyền một số địa phương đã đề ra các giải pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, những giải pháp vừa qua chưa căn bản, đồng bộ, hiệu quả không cao, tình hình tai nạn còn diễn biến phức tạp. Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo có giải pháp đồng bộ, quyết liệt kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; quan tâm đến việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, phương tiện giao thông công cộng, tổ chức, quản lý, điều hành giao thông; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao ý thức, tự giác chấp hành luật lệ giao thông đi đôi với việc tăng cường các biện pháp xử phạt nghiêm những người cố tình vi phạm luật lệ giao thông.

Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng

Công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua mặc dù có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trong các lĩnh vực và hoạt động liên quan đến đất đai, khoáng sản; đầu tư công; xây dựng cơ bản; quản lý vốn và tài sản của doanh nghiệp Nhà nước; tín dụng, ngân hàng; thu chi ngân sách, mua sắm tài sản công; công tác cán bộ… Cử tri và nhân dân cho rằng số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện xử lý chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng đang diễn ra; việc xử lý các vụ án tham nhũng chưa nghiêm. Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và có giải pháp đồng bộ, tập trung phòng chống tham nhũng, lãng phí; sớm cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; sớm tổ chức lại cơ quan phòng chống tham nhũng đủ mạnh; sớm thực hiện chủ trương lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội

Cử tri và nhân dân hoan nghênh những đổi mới bước đầu về tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XIII. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng việc tiếp xúc cử tri, thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri của nhiều đại biểu Quốc hội còn hạn chế, đại biểu Quốc hội mới chỉ tiếp xúc cử tri qua hình thức hội nghị trước và sau mỗi kỳ họp; chưa quan tâm tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, vì vậy chưa nắm bắt được hết những bức xúc trong các tầng lớp nhân dân. Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội quan tâm hơn nữa đến việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri; đẩy mạnh hoạt động giám sát; các đại biểu Quốc hội cần thực hiện tốt chương trình hành động của mình; thường xuyên giữ mối liên hệ và dành nhiều thời gian tiếp dân, tiếp xúc với cử tri; nêu gương trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có bản lĩnh và dũng khí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.../.