Phát động Đợt cao điểm toàn dân thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”
TCCSĐT - Từ ngày 19-5 đến ngày 27-7-2012 là Đợt cao điểm toàn dân tham gia phong trào "Đền ơn đáp nghĩa”. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chăm sóc người có công với cách mạng và hoạt động đền ơn đáp nghĩa.
Tại Hà Nội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động Đợt cao điểm toàn dân tham gia phong trào "Đền ơn đáp nghĩa”. Tới dự Lễ phát động có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân - Phó Thủ tướng Chính phủ, Huỳnh Đảm - Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phạm Thị Hải Chuyền – Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trưởng ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương, cùng lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan Trung ương, các hiệp hội…
Tri ân người có công với cách mạng là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân. Hơn 60 năm qua, Đảng và Nhà nước đã không ngừng hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công. Các cơ quan đoàn thể và nhân dân cùng với các cơ quan nhà nước đã tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công. Đến nay, hơn 96% gia đình người có công đã có mức sống trung bình trở lên và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước.
Hiện nay, cả nước có khoảng trên 8,8 triệu đối tượng người có công, chiếm khoảng 10% dân số. Hiện còn trên 1,47 triệu đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước. Các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công ngày càng được bổ sung, hoàn thiện và mở rộng. Mặc dù hàng năm Nhà nước đã bố trí 21.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Tuy nhiên, so với nhu cầu và thực tế cuộc sống của người có công thì rất cần sự chung tay chia sẻ của toàn xã hội để người có công ngày càng ổn định hơn.
Tại Lễ phát động, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Cùng với chính sách của Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được phát triển rộng khắp. Trong 5 năm qua (2007-2011), Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cả nước vận động được 1.263 tỉ đồng, trong đó Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Trung ương đạt 17,5 tỉ đồng. Với số tiền vận động trên, hằng năm Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Trung ương đã phân bổ, hỗ trợ các tỉnh, thành trong cả nước để xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, ủng hộ gia đình chính sách gặp thiên tai bão lụt, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa… tổng trị giá lên tới 14,567 tỉ đồng; đồng thời hỗ trợ cho 187 thương, bệnh binh nặng của các trung tâm nuôi dưỡng về sinh sống tại gia đình, trị giá hơn 5,2 tỉ đồng.
Đồng chí Huỳnh Đảm đã thông báo các nội dung trọng tâm của Đợt cao điểm toàn dân thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” gồm:
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên Mặt trận phối hợp với các cấp chính quyền tuyên truyền sâu rộng về truyền thống yêu nước và đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn” trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ nhằm làm cho mọi người nhận thức sâu sắc và trân trọng tri ân công lao to lớn của các anh hùng – liệt sĩ và những người có công với nước.
2. Phối hợp với các cấp chính quyền, ngành Lao động, Thương binh, Xã hội vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực để phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước như: thăm hỏi, tặng quà; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; tôn tạo, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ… Cùng với Nhà nước tập trung các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách đều có nhà ở ổn định và có mức sống trên mức trung bình ở địa phương.
3. Tất cả các khu dân cư, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đều coi việc hưởng ứng Đợt cao điểm là dịp để đẩy mạng và thực hiện tốt chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”; là một trong những nội dung trọng tâm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” năm 2012.
Trước đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị Triển khai các hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2012). Tại Hội nghị, Quyết định thành lập Ban tổ chức hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ đã được công bố và phân công nhiệm vụ các thành viên cũng như kế hoạch hoạt động của Ban tổ chức nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ các hoạt động chăm sóc người có công với Cách mạng và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong thời gian tới.
Theo đó, các hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ năm nay bao gồm: Mít tinh kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ tại Hà Nội vào ngày 27-7; Cầu truyền hình trực tiếp trên VTV1 với 4 đầu cầu: Hà Nội (trường quay), Quảng Trị (Nghĩa trang đường 9), Tây Ninh (Trung ương Cục miền Nam), Kiên Giang (Nhà tù Phú Quốc) vào 26-7; Hội nghị biểu dương Người có công tiêu biểu toàn quốc tại Đà Nẵng vào đầu tháng 7; Phát động phong trào toàn dân chăm sóc nghĩa trang Liệt sỹ và công bố danh sách các trường nhận chăm sóc hơn 3000 nghĩa trang liệt sỹ trên toàn quốc trước ngày 27-7; Thi sáng tác ca khúc ca ngợi Thương binh, Liệt sỹ và Người có công; Giao lưu thế hệ trẻ tri ân các anh hùng Liệt sỹ tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Khen thưởng các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, thực hiện các hoạt động kỷ niệm thiết thực, trang trọng./.
Hội thảo khoa học “Bác Hồ với Thái Nguyên”  (20/05/2012)
Chủ tịch Hồ Chí Minh - một nhân cách mẫu mực  (20/05/2012)
Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Argentina  (19/05/2012)
Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp  (19/05/2012)
Trao giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật  (19/05/2012)
Người nữ thanh niên xung phong ba lần gặp Bác Hồ  (19/05/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển