Tiền Giang đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực - khâu đột phá để phát triển

Trần Thế Ngọc TS, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang
21:51, ngày 08-05-2012
TCCS - Nhận thức rõ nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, Tiền Giang xác định tiếp tục ưu tiên đầu tư cho giáo dục - đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phát triển nhân tài, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành,… tạo bước đột phá để góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Tạo động lực phát triển từ nguồn nhân lực

Nằm liền kề với Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang là nơi giao thoa giữa 2 địa bàn kinh tế lớn của cả nước: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các trục giao thông kinh tế quan trọng trên địa bàn như quốc lộ 1A, quốc lộ 50, quốc lộ 60, quốc lộ 30, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, có bờ biển dài 32km, nối liền với hệ thống đường thủy, như sông Soài Rạp, sông Tiền, kênh Chợ Gạo, cảng Mỹ Tho,... đã tạo nhiều thuận lợi để tỉnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Với những điều kiện tự nhiên đó, Tiền Giang có nhiều lợi thế trong phát triển sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng cường khả năng hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch với các tỉnh trong vùng, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh thế mạnh về sản xuất lúa, tỉnh còn được mệnh danh là “Vương quốc trái cây” với gần 70.000ha vườn cây ăn trái, đạt sản lượng hằng năm gần 1 triệu tấn trái cây các loại. Chăn nuôi, thủy sản của tỉnh cũng phát triển khá.

Để khai thác tốt những lợi thế phát triển đó, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tiền Giang luôn xác định một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực quan trọng để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Tính đến năm 2010, dân số của tỉnh gần 1,7 triệu người, chiếm 9,7% dân số vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, lực lượng lao động là  khoảng 1,1 triệu người, đa số ở lứa tuổi trẻ (25 - 44 tuổi), chiếm gần 60%. Đây là lợi thế của tỉnh trong việc đáp ứng nguồn lao động cho các hoạt động kinh tế, xã hội.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 23,1% năm 2005 đã tăng lên 35% năm 2010; trong đó, lao động qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học trở lên) chiếm 8,9% (năm 2009), cao hơn mức trung bình của vùng đồng bằng sông Cửu Long (6,6%). Trong cơ cấu nhân lực theo ngành nghề, lao động giản đơn ở đồng bằng sông Cửu Long tuy còn chiếm tỷ lệ lớn nhưng có xu hướng giảm và lao động có trình độ tay nghề cao tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do gần đây tỉnh quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo công nhân kỹ thuật và lao động trong nông nghiệp, nông thôn. 

Phần lớn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh ở độ tuổi từ 30 - 50. Trong tổng số 23.405 cán bộ, công chức, viên chức, có 2,3% số cán bộ, công chức có trình độ sau đại học, 68,5% có trình độ đại học; riêng lực lượng viên chức có trình độ đại học chiếm 36,9%.

 

Lao động trong các khu công nghiệp phát triển khá nhanh, đến năm 2010 có 14.700 lao động, tăng bình quân 35,6%/năm; trong đó lao động có trình độ trung học trở lên là 30%, lao động có trình độ từ lớp 9 trở xuống
chiếm 39%.

 

Nhờ quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực kết hợp với nhiều giải pháp đồng bộ khác, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân tăng 9%/năm giai đoạn 2001- 2005 và 11%/năm giai đoạn 2006 - 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người từ 478 USD (năm 2005) tăng lên 1.100 USD (năm 2010) và gần 1.300 USD (năm 2011).

Năm 2011, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của tình trạng lạm phát, lãi suất tăng cao, lũ lụt cao nhất trong thập niên gần đây, phát sinh dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi,… nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Giang đã nỗ lực phấn đấu vượt khó,  đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu so với kế hoạch; hệ thống chính trị được củng cố; công tác cải cách hành chính chuyển biến đáng kể; quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên,...

Thiếu gắn kết giữa đào tạo và sử dụng

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Tiền Giang vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội. Nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế (năm 2011 là 46,4%); nhiều nguồn lực, tiềm năng chưa được khai thác đầy đủ do kết cấu hạ tầng còn yếu kém; các huyện phía tây thường xuyên bị ngập trong mùa mưa lũ và khu vực phía đông còn thiếu nguồn nước ngọt vào mùa khô. Tình trạng đó đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân... Một trong những nguyên nhân chủ yếu được xác định là do chất lượng và số lượng nguồn nhân lực thời gian qua tuy có được nâng lên, nhưng về cơ bản vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đang đặt ra.

Hạn chế lớn nhất hiện nay của tỉnh về nguồn nhân lực là số lao động phổ thông chiếm đại bộ phận, số lao động đã qua đào tạo không đáp ứng được về cơ cấu ngành nghề, khả năng lao động.

Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết là năng lực dự báo nhu cầu lao động xã hội cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và lĩnh vực thương mại - dịch vụ còn yếu. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở đào tạo hiện còn nhỏ lẻ, phân tán theo nhiều trục quản lý (ngành lao động - thương binh và xã hội, ngành giáo dục và đào tạo, các ngành khác); cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị trường học xuống cấp, nội dung giảng dạy chậm đổi mới, lực lượng giáo viên ở các trường dạy nghề ít được bồi dưỡng để cập nhật những kiến thức chuyên môn mới. Tính liên kết giữa các trung tâm đào tạo không chặt chẽ, thiếu sự phối hợp đồng bộ trong đào tạo nguồn nhân lực giữa các trung tâm giảng dạy và các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Chưa hình thành được sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo và nhu cầu của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đào tạo nghề chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp và phát triển kinh tế. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư để đào tạo tại chỗ.

Mặt khác, việc phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đang đứng trước những thách thức không kém phần gay gắt. Hội nhập kinh tế quốc tế dẫn đến di chuyển lao động tự do quy mô lớn, là điều kiện để một bộ phận lao động nước ngoài xuất hiện trong tỉnh. Đồng thời quá trình hội nhập kinh tế cũng tạo ra thách thức trong việc thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực chung trên địa bàn tỉnh.

Trong xu thế xã hội hóa giáo dục - đào tạo, việc khuyến khích hình thành các trung tâm đào tạo đã dẫn đến tình trạng một số nơi chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng, thiếu tính liên kết giữa đào tạo và sử dụng, tạo ra thách thức đối với lao động trong việc tiếp nhận kiến thức, kỹ năng lao động…

Bước đột phá để phát triển nhân lực toàn diện

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi; đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ, văn hóa đầu đàn; đội ngũ doanh nhân và lao động lành nghề. Đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu phát triển của xã hội, có cơ chế và chính sách thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở đào tạo. Xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, đồng thời chú trọng đào tạo nghề cho nông dân”.

Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 01-10-2007 về “Phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến 2015”. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015, cũng đã xác định một trong ba khâu đột phá là đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó, ngày 25-8-2011, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07/2011/NQ-HĐND về “Chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và thu hút nguồn nhân lực tỉnh Tiền Giang”; Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành quyết định thực hiện Nghị quyết trên.

Tiền Giang xác định một trong những ưu tiên hàng đầu trong đầu tư phát triển là phát triển nhân lực toàn diện cả về thể lực, trí lực, kỹ năng, hành vi và ý thức chính trị, xã hội theo yêu cầu phát triển toàn diện và bền vững, phát triển nhân lực có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng đào tạo nhân tài, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Một trong những mục tiêu lớn của tỉnh là  nâng tỷ trọng lao động qua đào tạo từ 35% (năm 2010) lên 45% (năm 2015) và 51% (năm 2020).

Những năm tới, Đảng bộ tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức về phát triển nhân lực gắn với thị trường. Phát triển nguồn nhân lực phải theo xu hướng thời đại, có định hướng gắn với nhu cầu thị trường; hình thành và phát triển thị trường lao động ổn định, nâng cao chất lượng và trình độ lao động là điều kiện tất yếu thúc đẩy tăng trưởng, vượt ra khỏi tình trạng thu nhập thấp. Chuyển nhanh hệ thống đào tạo nhân lực từ thói quen truyền thống sang hoạt động theo cơ chế đào tạo căn cứ nhu cầu của xã hội và thị trường lao động, nhất là các ngành trọng điểm. Để đạt được yêu cầu này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục, đào tạo và pháp luật về phát triển nhân lực. Tập trung xây dựng xã hội học tập, bảo đảm cho tất cả mọi người có cơ hội bình đẳng trong học tập, đào tạo.

Hai là, hoàn thiện, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý phát triển nhân lực. Trong đó tập trung đổi mới căn bản cơ chế quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo theo hướng hoàn chỉnh các quy định quản lý nhà nước về điều kiện thành lập và chuẩn mực chung về hoạt động của các cơ sở giáo dục; về đánh giá chất lượng của các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh phân cấp, thực hiện quyền tự chủ, nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo nhân lực trên cơ sở quản lý của Nhà nước và giám sát của xã hội. Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, nhằm chuyển mạnh hệ thống đào tạo theo chỉ tiêu áp đặt sang hoạt động theo cơ chế đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo.

Có thể nghiên cứu thí điểm đổi mới quản lý nhà nước về đào tạo theo hướng thành lập bộ phận tham mưu, trung tâm dự báo về cung cầu lao động, quản lý thị trường lao động của Tiền Giang, có nhiệm vụ tập hợp thông tin về nhu cầu lao động từ các doanh nghiệp, các ngành kinh tế, các thông tin từ các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh; gắn kết giữa cung và cầu lao động. Từ đó tham mưu, tư vấn cho Ủy ban nhân dân tỉnh các vấn đề về nguồn nhân lực và xây dựng kế hoạch 5 năm, hằng năm, đề xuất các biện pháp về phát triển nhân lực.

Thí điểm hợp nhất trung tâm hướng nghiệp, các cơ sở dạy nghề công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên thành một đơn vị do một sở, ngành quản lý, nhằm có điều kiện tập trung đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên, học viên... để nâng cao chất lượng đào tạo, tránh dàn trải, hiệu quả thấp. Thí điểm hợp nhất trường trung cấp nghề và trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật để có thể khai thác hiệu quả cơ sở vật chất dùng chung như thư viện, ký túc xá, cán bộ giảng dạy, có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy, nguồn đầu vào, chương trình học.

Xã hội hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích các cơ sở dạy nghề tư nhân tham gia hệ thống đào tạo nhân lực của tỉnh. Thí điểm mô hình đặc cách đào tạo liên thông đối với các lao động đạt chuẩn cao tại các cơ sở dạy nghề tư nhân lên bậc cao đẳng, đại học. Kiến nghị cho phép liên thông đào tạo nghề từ trung cấp lên cao đẳng, đại học.

Ba là, đổi mới chính sách, cơ chế, phương thức sử dụng nhân lực. Đổi mới, cải tiến các chính sách, cơ chế, phương thức và triển khai thực hiện tốt để phát triển nhân lực, bao gồm môi trường làm việc, chính sách việc làm, thu nhập, bảo hiểm, bảo trợ xã hội, điều kiện nhà ở cho người lao động, nhất là lao động trong các khu, cụm công nghiệp và các điều kiện sinh sống, định cư. Đổi mới chính sách sử dụng nhân lực căn cứ vào những quy định của pháp luật, đóng góp của người lao động và nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, phù hợp với tiến trình hình thành và phát triển thị trường lao động, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

Phát triển thị trường lao động, xây dựng những cơ chế và công cụ thích hợp để sử dụng nhân lực có hiệu quả, tạo động lực cho sự phát triển của chính bản thân nguồn nhân lực. Thực hiện quyền tự chủ, tự quyết định và nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm cho tất cả các doanh nghiệp, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế trong việc quản lý, sử dụng nhân lực theo những quy định của pháp luật và tác động của cơ chế thị trường.

Đổi mới căn bản và toàn diện chính sách về sử dụng nhân lực trong khu vực nhà nước phù hợp với những quy luật của nền kinh tế thị trường, từ khâu tuyển dụng, bố trí công việc, trả công lao động, thăng tiến nghề nghiệp và không ngừng cải thiện điều kiện, môi trường lao động để tạo động lực kích thích, khuyến khích làm việc sáng tạo và có hiệu quả cao.

Bốn là, thực hiện chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài. Chú trọng việc bố trí, sắp xếp nhân lực phù hợp với năng lực, sở trường cá nhân. Xây dựng, đổi mới chính sách đãi ngộ đối với nhân lực có trình độ sau đại học phù hợp nhu cầu. Nghiên cứu cơ chế đột phá trong bố trí và sử dụng nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo cơ bản, tạo điều kiện cho công chức, viên chức trẻ được đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Có chính sách phụ cấp và đãi ngộ đặc biệt (nhà ở, đào tạo...) cho nhân lực có trình độ cao, tạo điều kiện cho các tài năng nâng cao thu nhập bằng trí tuệ và năng lực của mình. Có chính sách thu hút các nhà khoa học trình độ cao tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tại các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học - công nghệ. Thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo trong đơn vị sự nghiệp y tế và giáo dục.

Xác định cán bộ nguồn để đầu tư đào tạo bổ sung cho đội ngũ cán bộ khoa học nòng cốt của tỉnh; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng một số chế độ chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn.

Năm là, cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành về phát triển nguồn nhân lực. Coi việc phát triển và quản lý nguồn nhân lực là trách nhiệm chung của tất cả các ngành, các cấp. Do vậy, cần phân công trách nhiệm quản lý thật rõ ràng để tránh chồng chéo, bảo đảm hiệu quả tối ưu cho công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Sáu là, hợp lý hóa việc phân bố cơ sở vật chất dạy nghề theo lãnh thổ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn trong tỉnh. Định hướng giai đoạn tới phát triển mạng lưới đào tạo nhân lực theo hướng tập trung với 3 phân vùng chính. Cụ thể: Vùng trung tâm tỉnh (thành phố Mỹ Tho - Châu Thành - Chợ Gạo), tập trung phần lớn ở thành phố Mỹ Tho, gồm Trường Đại học Tiền Giang, Cao đẳng nghề, Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật, Cao đẳng Y tế, Cao đẳng Văn hóa - nghệ thuật. Vùng các huyện phía tây, bên cạnh các trường trung cấp ở thị xã Cai Lậy (dự kiến), Cái Bè, đặc biệt thu hút đầu tư xây dựng 2 trường là: Cao đẳng Nguyễn Tất Thành và Cao đẳng Cao Thắng ở huyện Tân Phước, phục vụ cho phát triển khu vực công nghiệp đông nam Tân Phước. Vùng các huyện phía đông, các cơ sở đào tạo được phát triển tập trung ở trung tâm của vùng là thị xã Gò Công, phục vụ phát triển khu vực công nghiệp phía đông của tỉnh...

Ngoài thế mạnh về nông nghiệp và vị trí địa lý, cũng như nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang còn có một tiềm lực, nếu được phát huy đúng cách sẽ tạo nên sức bật và động lực rất quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Đó là nguồn nhân lực. Giải quyết bài toán nguồn nhân lực là vấn đề không đơn giản và lời giải bắt đầu từ đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời. Để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát huy nguồn nhân lực, cần những giải pháp đồng bộ ở nhiều phương diện: đơn vị đào tạo, người lao động, đơn vị sử dụng lao động,... và sự hỗ trợ lớn từ phía Nhà nước./.