Tăng cường công tác đào tạo nghề cho thanh niên miền núi Thanh Hóa

Phạm Hữu Hùng Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng
17:55, ngày 08-05-2012
TCCSĐT - Miền núi Thanh Hóa là vùng đất rộng lớn nằm ở phía Tây của tỉnh. Đây là nơi có lực lượng lao động thanh niên đông đảo, có sức khỏe tốt và trình độ ngày một nâng cao, được thừa hưởng bản chất tốt đẹp của đồng bào các dân tộc vùng cao thật thà, chịu thương, chịu khó.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trình độ học vấn của thanh niên miền núi đã được nâng cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng gia tăng. Khả năng lĩnh hội tri thức, ham học hỏi, khả năng truyền thông của thanh niên miền núi chuyển biến theo hướng tích cực… Những năm vừa qua, cùng với xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, miền núi Thanh Hóa đã có những bước phát triển mạnh mẽ, bộ mặt nông thôn miền núi thay đổi không ngừng theo hướng tích cực. Việc thực hiện các chương trình, dự án như 135, 137, 30a… và đặc biệt là việc hoàn thành tuyến đường Hồ Chí Minh (cùng với hệ thống quốc lộ và tỉnh lộ được nâng cấp) đã giúp miền núi Thanh Hóa có những cơ hội mới, cho phép tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Bên cạnh đó, các công trình lớn như công trình thủy lợi, thủy điện Cửa Đặt, thủy điện Hồi Xuân, khu đô thị Ngọc Lặc, khu công nghiệp Thạch Quảng… cùng với những lợi thế về tài nguyên rừng, du lịch, văn hóa đã và đang tạo ra cho thanh niên miền núi những cơ hội nghề nghiệp mới. Tuy nhiên, để có thể nắm bắt được những cơ hội này đòi hỏi phải có sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan hữu quan với hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ và sự nỗ lực của chính lực lượng thanh niên miền núi Thanh Hóa.

Sự lệ thuộc nhiều vào những tập tục và lối sống tự nhiên của đồng bào miền núi làm cho tác phong lao động của bà con, trong đó có thanh niên chậm được đổi mới. Tính năng động, sáng tạo bị hạn chế, cá biệt vẫn còn tồn tại xu hướng khép kín theo kiểu kinh tế tự cung, tự cấp đã gây ra những cản trở không nhỏ trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật, làm chủ và vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình của thanh niên nơi đây. Số đông thanh niên ở miền núi khi đến tuổi lao động đều trở thành những lao động tự do di cư theo làn sóng lao động di chuyển đến các địa phương khác làm việc, trong khi đó ngay tại địa phương lại sử dụng lao động đến từ nơi khác. Bản chất vấn đề này là do lực lượng lao động phần lớn là thủ công, chưa qua đào tạo. Do vậy, họ chỉ có thể tham gia vào quá trình lao động giản đơn, không thể tham gia vào các công đoạn lao động kỹ thuật phức tạp, tạo ra khối lượng giá trị lớn. Đa số lao động trẻ thường có xu hướng rời quê đi tìm việc để chứng tỏ mình và cũng vì muốn nhanh chóng có một công việc với một mức thu nhập có thể chấp nhận bởi ở các trung tâm và khu công nghiệp, điều kiện tuyển dụng lao động phổ thông là khá dễ dàng với nhu cầu tương đối lớn. Hơn nữa, họ cũng không dễ dàng chấp nhận làm những công việc bình thường trước mắt những người thân quen, cho dù khi đi nơi khác, những công việc họ làm cũng tương tự. Do vậy, họ tìm đến các thành phố lớn, các khu công nghiệp nhằm tìm kiếm cơ hội.

Ở Thanh Hóa, tỷ lệ học sinh ở miền núi sau khi tốt nghiệp phổ thông được cử tuyển hoặc thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề là rất thấp; đối với số tốt nghiệp trung học cơ sở không có điều kiện học tiếp trung học phổ thông thì việc theo học tại các trường dạy nghề càng khó. Đối với các trường công nhân kỹ thuật, dạy nghề của tỉnh thì số học sinh dân tộc thiểu số theo học cũng rất ít. Trong khi đó các cấp, các ngành hữu quan của tỉnh và các huyện miền núi cũng chưa có những cơ chế chính sách, giải pháp hữu hiệu trong việc đào tạo nguồn nhân lực ở khu vực này.

Với thực trạng giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề như hiện nay, cơ hội được đào tạo nghề và việc làm cho thanh niên miền núi là rất nhỏ; đại bộ phận dù có cố gắng vượt qua điều kiện khó khăn để tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông thì cũng khó có điều kiện để tiếp tục học lên cao hơn hoặc học nghề. Đây đang là một vấn đề xã hội cấp bách, cần có cơ chế, giải pháp trước mắt cũng như về lâu dài. Bởi nếu không có cơ hội để được đào tạo nghề, có việc làm ổn định, tạo lập cuộc sống cho bản thân, gia đình và tham gia đóng góp hiệu quả cho xã hội thì sẽ dẫn đến tâm trạng thất vọng đối với tầng lớp thanh niên miền núi, tiềm ẩn những bất ổn xã hội. Từ những vấn đề thực tế của tỉnh, thiết nghĩ trước mắt, các cấp, các ngành cần giải quyết một số vấn đề sau:

Miền núi Thanh Hóa là vùng đồi núi rộng lớn, đặc điểm tự nhiên cho phép phát triển ngành lâm nghiệp, chăn nuôi, thủ công nghiệp, du lịch và công nghiệp khai thác, chế biến. Mặt khác, đặc điểm về dân cư cũng tạo ra khả năng phát triển những ngành nghề thu hút nhiều lao động, không đòi hỏi trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao. Vì vậy, công tác đào nghề cần tập trung đào tạo nghề chăn nuôi, trồng trọt và nhóm ngành nghề thủ công nghiệp nhằm tận dụng nhanh nguồn lao động sẵn có tại địa phương.

Các trung tâm giáo dục thường xuyên ở những huyện miền núi, các trường nội trú dân tộc cần gắn việc dạy chữ với dạy nghề một cách thực chất và hiệu quả; nội dung chương trình dạy nghề cần bảo đảm gắn với yêu cầu thực tiễn. Hình thành các trường dạy nghề tập trung trong khu vực, đào tạo các ngành nghề mới như lái xe, cơ khí, sửa chữa dân dụng…

Các cơ quan chức năng ở tỉnh và các huyện miền núi cần có cơ chế ưu tiên hỗ trợ việc tuyển sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi vào học ở các trường trung cấp, trường dạy nghề ở tỉnh. Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ việc dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Về lâu dài và căn bản, nhất thiết phải có kế hoạch đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề đủ sức đảm đương công tác đào tạo nghề cho học sinh, thanh niên ở các huyện miền núi.

Các trung tâm dạy nghề cần bám sát tình hình thực tiễn và nhu cầu của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn cũng như nhu cầu lao động nói chung trên thị trường, lấy đó làm căn cứ xác định mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Kịp thời nắm bắt nhu cầu của thị trường lao động nhằm thực hiện công tác đào tạo đúng hướng, phù hợp nhu cầu thực tiễn. Tăng cường công tác hướng nghiệp, xóa bỏ tự ti, mặc cảm trong việc lực chọn ngành nghề. Công tác hướng nghiệp cho thanh niên cần được tiến hành một cách đồng bộ, kết hợp giữa nhà trường, các cơ quan, đoàn thể và hoạt động của chính quyền địa phương. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn thanh niên trong định hướng, giáo dục và giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên miền núi lập nghiệp ngay tại quê hương mình.

Trên cơ sở đào tạo nghề sẽ hình thành được đội ngũ công nhân, có công nhân bậc thấp, công nhân bậc cao, có công nhân lâm nghiệp, chế biến lâm sản, chăn nuôi, cơ khí, công nhân lao động sản xuất ở ngay chính quê hương miền núi, công nhân xuống đồng bằng cùng tham gia lao động sản xuất tại các khu công nghiệp của tỉnh và các cụm công nghiệp ở các địa phương trong tỉnh, tham gia xây dựng các công trình ở miền xuôi và tham gia thị trường xuất khẩu lao động... Qua đó, mở rộng tầm nhìn, tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong đào tạo nghề cho lực lượng thanh niên miền núi. Về lâu dài đây cũng chính là lực lượng góp phần làm cải biến, nâng cao dân trí, thúc đẩy tiến bộ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi.

Nhanh chóng hoàn thiện cơ chế chính sách rõ ràng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng và đào tạo lao động tại chỗ. Tuyển dụng và đào tạo lao động tại chỗ là hoạt động có ảnh hưởng nhất định đến công tác quản trị doanh nghiệp, đôi khi làm ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Do vậy, các cấp, các ngành cần có những ưu đãi cho các doanh nghiệp giúp họ thấy rõ lợi ích trong việc thực hiện chính sách sử dụng và đào tạo lao động tại chỗ.
 
Trước mắt, cần tập trung phát triển các ngành, các lĩnh vực có vốn đầu tư ít nhưng sử dụng nhiều lao động, tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ để thu hút lao động ngành nông nghiệp chuyển sang. Chú ý đầu tư phát triển một số ngành, nghề như sản xuất giấy, bột giấy, chế biến hoa quả, chế biến cao su, chế biến các sản phẩm cây lâm nghiệp (từ cây tre, luồng, nứa…) để giải quyết việc làm cho một bộ phận lớn lao động nông thôn ở các vùng nguyên liệu, tập trung cho các ngành chế biến trên.

Nhà trường phải gắn với các doanh nghiệp, với các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung để tổ chức đào tạo và tìm đầu ra cho người học nghề. Mặt khác, về lâu dài cần xây dựng và ban hành một số chính sách ưu tiên phù hợp với đặc thù miền núi nhằm khuyến khích tạo mở việc làm cho người lao động như: chính sách cho người lao động vay vốn để học nghề, đóng góp cổ phần, thu hút vào làm việc tại các doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ người sản xuất tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nông sản hàng hóa, tạo điều kiện mở rộng sản xuất để thu hút lao động; chính sách cho vay ưu đãi và hỗ trợ vốn ngân sách để đầu tư, đổi mới công nghệ cho các cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nguyên liệu địa phương, nhất là chế biến nông, lâm sản.

Nếu giải quyết được những vấn đề nêu trên, thiết nghĩ đó sẽ là cơ sở bền vững hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Nhờ vậy, lực lượng con em đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có cơ hội học tập và đào tạo tốt, góp phần mang kiến thức, chuyên môn, tầm nhìn tạo chuyển biến về dân trí ở miền núi. Đây cũng sẽ là lực lượng chuyển tải có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống./.