Thông cáo báo chí về một số nội dung của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2012
Ngày 31-3 và 01-4-2012, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 03-2012, thảo luận và quyết nghị về một số nội dung chủ yếu sau:
1. Về kinh tế - xã hội tháng 03 và ba tháng đầu năm 2012, Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong tháng 03 và ba tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03-01-2012 của Chính phủ và các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nên đã đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng.
GDP quý I/2012 ước tăng 4%. Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng số doanh nghiệp thành lập mới lớn hơn số doanh nghiệp giải thể và đăng ký ngừng hoạt động (số doanh nghiệp thành lập mới trên 15.300 doanh nghiệp, trong khi đó số doanh nghiệp đã làm thủ tục giải thể là trên 2.200 doanh nghiệp và có trên 9.700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế). Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,9 triệu lượt, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2011.
Giá cả, thị trường khá ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2012 chỉ tăng 0,16% so với tháng 02-2012; so với tháng 12-2011, CPI tháng 3-2012 tăng khoảng 2,55%, là mức tăng thấp nhất so với nhiều năm qua.
Về tiền tệ và tín dụng: Ngana hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực để bình ổn tiền tệ, tín dụng. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã có bước chuyển tích cực. Kim ngạch xuất khẩu tăng dần theo từng tháng trong quý I/2012, tăng 23,6% so với quý I/2011. Xuất khẩu gạo đã cải thiện đáng kể, quý I/2012 đã xuất khẩu trên 1 triệu tấn và đang có thêm nhiều đơn đặt hàng từ Trung Quốc, Nhật Bản...
Kim ngạch nhập khẩu tăng 6,9% so với quý I/2011. Nhập siêu trong quý I/2012 là 251 triệu USD, tương đương 1% kim ngạch xuất khẩu, là mức thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm gần đây.
Thu ngân sách tăng khá. Các nhiệm vụ chi cơ bản được đáp ứng, đặc biệt là các khoản chi thường xuyên. Tổng vốn đầu tư xã hội tăng 12,8% so với quý I/2011. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 2,52 tỉ USD bằng cùng kỳ năm 2011.
Về việc làm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội: Trong ba tháng đầu năm 2012, đã tạo việc làm cho khoảng 341,4 nghìn người. Các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, như: thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công nhân dịp Tết Nguyên đán; triển khai hỗ trợ giá điện, hỗ trợ về nhà ở, xóa nhà dột nát; hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số để ổn định chỗ ở, phát triển sản xuất; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn; tích cực triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới;… Đã thực hiện hỗ trợ lương thực cho học sinh các trường dân tộc nội trú và học sinh ở vùng cao. Công tác y tế dự phòng và an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm; phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tích cực ngăn chặn kịp thời và giảm thiểu việc xâm nhập, lây truyền dịch bệnh... Các bộ, ngành chức năng và các địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông. So với cùng kỳ, quý I/2012 số vụ tai nạn giao thông giảm, số người chết giảm và số người bị thương đã giảm.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2012 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, tiêu thụ chậm, tồn kho còn ở mức cao, dẫn đến quy mô sản xuất thu hẹp, nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất hoặc phá sản, giải thể. Rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc, dịch bệnh gia súc, gia cầm đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, tiến độ gieo cấy lúa vụ đông xuân bị chậm lại, chăn nuôi gia súc bị ảnh hưởng. Lãi suất giảm nhưng còn cao, việc tiếp cận vốn còn khó khăn.
Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực khắc phục những khó khăn, tồn tại; chủ động bám sát tình hình kịp thời đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp ứng phó kịp thời với tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra theo hướng ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời cần chú trọng nhiệm vụ duy trì tăng trưởng hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội.
Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất linh hoạt, phù hợp với yêu cầu kiềm chế lạm phát, tăng trưởng tín dụng, giải quyết thanh khoản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy thị trường trong nước, đưa hàng hóa dịch vụ về thị trường nông thôn.
Các bộ, ngành địa phương khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; kế hoạch đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ năm 2012. Đẩy mạnh huy động các nguồn vốn trong nước, tạo điều kiện để giải ngân các nguồn vốn đã cam kết trong các dự án FDI đã được cấp phép; ưu tiên vốn đối ứng để giải ngân nhanh nguồn vốn đã được các nhà tài trợ cam kết trong các Hiệp định ODA. Đẩy nhanh hoàn thiện các Đề án tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước một cách đồng bộ và hiệu quả.
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với các gia đình chính sách, người nghèo không để tình trạng thiếu đói xảy ra, nhất là trong thời gian giáp hạt sắp tới; tiếp tục tăng cường các giải pháp chống ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn giao thông và trật tự xã hội.
2. Chính phủ nghe dự thảo Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình.
Chính phủ yêu cầu các các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục làm rõ hơn những nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ của cơ quan mình; cần bám sát định hướng, quan điểm chỉ đạo về tái cơ cấu kinh tế; đánh giá thực trạng, thuận lợi, khó khăn của quá trình tái cơ cấu; làm rõ mục tiêu của tái cơ cấu, nội dung của tái cơ cấu, giải pháp thực hiện; để hoàn thiện đề án này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội.
3. Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2012 - 2020 với mục tiêu đến năm 2020 khoa học và công nghệ Việt Nam có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, đáp ứng yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; phấn đấu đưa Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ.
4. Chính phủ cho ý kiến bước đầu về các dự án: Luật Phòng, chống khủng bố; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Việc làm để các Bộ: Công an, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chuẩn bị./.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm hữu nghị chính thức Cuba và thăm cấp Nhà nước Brazil  (01/04/2012)
Các địa phương chủ động hỗ trợ người dân phòng, chống bão số 1  (01/04/2012)
Bác sỹ Cần Thơ khám bệnh miễn phí ở Campuchia  (01/04/2012)
Năm 2012 không thu phí lưu hành giờ cao điểm  (01/04/2012)
Khám phá tiềm năng hợp tác Việt Nam - Sri Lanka  (01/04/2012)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên