TCCSĐT - Sáng 15-3-2012, phiên họp toàn thể Hội nghị FAO khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 31 với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp của trên 40 quốc gia là thành viên của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO); đại diện các tổ chức của Liên Hợp quốc, các nhà tài trợ… đã khai mạc chính thức tại Hà Nội. Đây là sự kiện quan trọng trong các hoạt động nông nghiệp của khu vực và được tổ chức hai năm một lần. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu khai mạc Hội nghị. 
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự Hội nghị Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 31.



Theo chương trình nghị sự, nội dung chính của Hội nghị lần này xoay quanh chủ đề an ninh lương thực và giảm đói nghèo ở nông thôn. Đây được coi là những vấn đề rất thiết thực và cấp bách, bởi hiện còn gần một tỉ người trên thế giới đang phải chịu đói. Trước đó, trong hai ngày 12 và 13-3-2012, các quan chức cấp cao của các nước thành viên FAO trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã thảo luận về các vấn đề liên quan nói trên, cũng như tư vấn cho các Trưởng đoàn về các chiến lược, biện pháp để thông qua trong Phiên họp toàn thể của Hội nghị vào hai ngày 15 và 16-3 tới. Theo FAO, chỉ số giá lương thực thế giới tháng trước đã tăng 1%, đây là lần tăng giá đầu tiên trong sáu tháng vừa qua. FAO và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, giá các hàng hóa chủ yếu trên thế giới sẽ tăng ở mức chóng mặt vào cuối thập kỷ này như: giá gạo được dự báo sẽ tăng 40%, ngô tăng 48%, lúa mỳ tăng 27% và hạt có dầu tăng 36% . 

Phát biểu tại Hội nghị, đánh giá cao chủ đề an ninh lương thực và giảm đói nghèo ở nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng Hội nghị của FAO khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tìm ra những giải pháp hữu hiệu và mạnh mẽ hơn cho vấn đề này và khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt thông qua chương trình hợp tác Nam - Nam do FAO hỗ tợ và điều phối. Theo Thủ tướng, trong nhiều thập kỷ qua, nhờ sự nỗ lực của mỗi quốc gia và sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, đứng đầu là FAO, sản xuất lương thực trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn, an ninh lương thực được cải thiện, nhiều quốc gia đã vươn lên tự túc được lương thực. 

Tuy nhiên, việc bảo đảm an ninh lương thực và giảm đói nghèo vẫn đang gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt tại các nước đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay trên thế giới vẫn còn gần 1 tỉ người thiếu đói, trong đó 60% thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong khi dân số thế giới đã vượt 7 tỉ người và tiếp tục gia tăng, đất nông nghiệp suy giảm cả về diện tích và độ phì nhiêu, nguồn nước cho nông nghiệp trở nên khan hiếm hơn, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng gay gắt. Nhiều quốc gia còn phải đối mặt với việc đầu tư cho sản xuất nông nghiệp giảm sút do khủng khoảng kinh tế, những rào cản về thương mại nông sản trên thế giới và thu nhập thấp của người nghèo làm hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận lương thực của họ;…Do vậy, việc phấn đấu giảm một nửa số người nghèo đói vào năm 2015 - 1 trong 8 mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc - còn là một thách thức rất lớn và đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất cao của các tổ chức quốc tế và các quốc gia.


 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng đỉnh: Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn



Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoanh nghênh và đánh giá cao Hội nghị đã lựa chọn chủ đề an ninh lương thực và giảm đói nghèo ở nông thôn, tập trung thảo luận nhiều vấn đề rất thiết thực đang đặt ra nhằm bảo đảm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân trong khu vực và đóng góp vào nỗ lực giảm đói nghèo trên thế giới. Theo Thủ tướng, Việt Nam là một quốc gia mà nông nghiệp có vị trí rất quan trọng, gắn liền với cuộc sống của 70% dân số nông thôn và chiếm tới gần 50% lực lượng lao động, quyết định việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần tích cực vào giảm đói nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và tạo điều kiện cho công nghiệp hóa, hiện hoá hóa đất nước. Sau 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nổi bật là sản xuất lương thực, thuỷ sản, cây công nghiệp. Việt Nam đã vươn lên từ một nước thiếu lương thực trở thành một nước không những có đủ lương thực cho tiêu dùng trong nước với mức tăng dân số mỗi năm khoảng một triệu người, bảo đảm được an ninh lương thực quốc gia, mà còn là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới.

Trong 23 năm qua, Việt Nam đã đóng góp vào thị trường gạo thế giới trên 80 triệu tấn và hiện nay còn xuất khẩu nhiều nông, lâm, thủy sản với khối lượng lớn, xếp vị trí cao trên thế giới. Việt Nam còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm của mình cho nhiều nước về phát triển nông nghiệp, được Chính phủ, nhân dân nước bạn và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Bước sang giai đoạn phát triển mới, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2011-2020, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững đất nước, với mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Trong đó, phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, kinh tế nông thôn phát triển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, xã hội nông thôn ổn định, đời sống của dân cư nông thôn không ngừng được nâng cao. 

Để thực hiện được mục tiêu đó, Việt Nam đang tích cực cơ cấu lại nền nông nghiệp, tập trung khai thác tốt nhất các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm tổn thất trong sản xuất và sau thu hoạch; đổi mới chính sách đất đai để khuyến khích mạnh mẽ nông dân đầu tư và tổ chức lại sản xuất gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường bảo vệ môi trường và đối phó với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng… Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam được dự báo là một trong số ít các nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng. Do vậy, sự hỗ trợ Việt Nam ứng phó với với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp, sản xuất lương thực hiệu quả, bền vững cũng chính là góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới vì hiện nay xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm 1/5 lượng gạo xuất khẩu toàn cầu và nhiều nông sản khác với khối lượng lớn.

Nhấn mạnh trong nhiều thập kỷ qua, sự hỗ trợ của FAO dành cho Việt Nam là rất thiết thực, hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của FAO, của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Việt Nam cũng như trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo nói riêng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt thông qua chương trình hợp tác Nam - Nam do FAO hỗ trợ và điều phối. Với sự tham gia đông đảo và trách nhiệm cao quý của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng, Hội nghị sẽ tiếp tục tìm ra những giải pháp hữu hiệu và mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề an ninh lương thực và giảm đói nghèo, nhất là ở khu vực nông thôn./.