TCCSĐT - Sáng 23-2-2012, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh về môi trường kinh doanh (gọi tắt là PCI). Đây là tập hợp tiếng nói của các doanh nghiệp ở địa phương, đánh giá chất lượng điều hành thực tế của điều hành kinh tế cấp tỉnh. 
Điểm số trung bình của các tỉnh năm 2011 là 59,15, tăng so với các năm 2010 và 2009. Như vậy, mặc dù điều kiện kinh tế rất khó khăn nhưng chất lượng điều hành của các tỉnh năm 2011 đã tăng theo hướng tích cực.

Về thứ hạng, so với năm ngoái, có một số thay đổi. Sau khi ở vị trí thứ 2 trong năm 2010, tỉnh Lào Cai đã vươn lên vị trí đầu bảng trên bảng xếp hạng PCI 2011 với 73,53 điểm. Tiếp đến là tỉnh Bắc Ninh với 67,27 điểm. Long An và Đồng Tháp đứng ở vị trí thứ ba và bốn. Với việc tụt 4 bậc, xếp thứ 5 với 66,98 điểm, Đà Nẵng sau 3 năm liên tiếp giữ ngôi quán quân đã không còn ở trong Top 3 tỉnh, thành có năng lực cạnh tranh tốt nhất. Sau khi liên tiếp rớt hạng trong các năm trước, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng lần lượt 6 và 3 bậc trên bảng xếp hạng PCI 2011. Hà Nội tăng 6 bậc từ 43 lên 36 với 58,28 điểm. Thành phố Hồ Chí Minh tăng từ vị trí thứ 23 lên 20 với 61,93 điểm.

Điểm mới của PCI 2011 là việc đưa vào điều tra, nghiên cứu cả khối doanh nghiệp FDI. Với việc điều tra 1.970 doanh nghiệp FDI đến từ 47 quốc gia (chiếm tới 20% tổng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam) tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo đã đưa ra những số liệu vừa tổng quát vừa cụ thể về cảm nhận của khối doanh nghiệp này đối với môi trường kinh doanh của từng địa phương và của cả Việt Nam. Tuy những chỉ số, số liệu về cảm nhận của doanh nghiệp khối này vẫn chưa đưa vào xếp hạng năng lực cạnh tranh của từng tỉnh. Nhưng, đây là những nội dung quan trọng giúp các cơ quan hoạch định chính sách tham khảo và hiểu được tâm tư nguyện vọng của các doanh nghiệp FDI, từ đó, các cơ quan hoạch định chính sách cũng như chính quyền địa phương có những điều chỉnh thích hợp. 

 Kết quả PCI 2011 được VCCI thực hiện cùng đối tác là Phòng Thương mại Mỹ và Phòng Thương mại châu Âu. Nhận xét về kết quả bảng xếp hạng PCI 2011, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - ông David B.Shear - cho rằng: “Việc đánh giá PCI là công cụ hữu ích để xác định hướng cải cách của bộ máy các tỉnh trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Trong PCI 2011, thứ hạng của một số tỉnh, thành có sự thay đổi nhanh. Như vậy, nếu biết điểm yếu của mình, các tỉnh sẽ cải thiện chỉ số PCI rất tốt”.
Nhìn tổng thể, cả doanh nghiệp và chính quyền các địa phương đều cùng chung một cảm nhận về sự cần thiết và tính hữu ích của PCI. Chỉ số PCI được các tỉnh quan tâm, đánh giá cao và chuyển biến tích cực sau từng năm. Nhiều tỉnh cho biết, qua công cụ này, lãnh đạo tỉnh có được sự phản ánh khách quan từ cộng đồng doanh nghiệp để nhận rõ được những điểm mạnh và điểm yếu trong môi trường kinh doanh của tỉnh, tạo sức ép và động lực cho bộ máy chính quyền các cấp trong tỉnh tiến hành những cải cách để cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh. 

Báo cáo PCI những năm tới dự kiến sẽ đề cập nhiều hơn về tình hình cải cách thủ tục hành chính, cảm nhận về cải cách thủ tục hành chính tại các địa phương trong cả nước. Bộ chỉ số PCI được cân nhắc để đưa thêm các chỉ số liên quan đến thủ tục hành chính nhằm đánh giá được tiến trình cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam./.