Cuộc khủng hoảng Cáp-ca mà đỉnh điểm là sự đụng độ quân sự Nga - Gru-di-a (từ ngày 7 đến 11-8-2008) đang làm cho quan hệ giữa phương Tây, đứng đầu là Mỹ với Nga trở nên cực kỳ căng thẳng. Trong những ngày qua, cả hai bên đều đưa ra những lời lẽ và tiến hành các hành động thách thức, đe doạ trừng phạt nhau.

Dư luận quốc tế đang rất lo ngại về nguy cơ xảy ra các cuộc chiến tranh quy mô lớn, kể cả phải đề phòng một cuộc chiến tranh thế giới mới. Cuộc khủng hoảng ở khu vực Cáp-ca đang làm thay đổi trật tự “nhất siêu đa cường” vừa mới manh nha hình thành. Đây là tín hiệu cho thấy, thế giới không chấp nhận trật tự đơn cực do Mỹ chỉ huy. Sự trỗi dậy của các nước lớn, đặc biệt là sự quay lại địa vị siêu cường của Nga và sự lớn mạnh của Trung Quốc có thể sẽ làm tiêu tan mưu đồ thống trị thế giới của Mỹ.

Chiến lược thiết lập trật tự thế giới đơn cực mang tên Hoa Kỳ

Sau gần hai mươi năm kể từ ngày Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ (cha) và Tổng thống Liên-xô M. Goóc-ba-chốp đặt bút ký thoả thuận kết thúc “Chiến tranh Lạnh”, đến nay, thế giới đã trải qua nhiều biến động. Trật tự thế giới mới - trật tự “nhất siêu đa cường” (nhiều cường quốc do siêu cường Mỹ là hạt nhân) đang trong quá trình hình thành thay cho trật sự lưỡng cực Xô - Mỹ trước đây. Tuy nhiên, do không còn đối thủ tiềm tàng và cho rằng cơ hội thực hiện âm mưu bá chủ toàn cầu đã đến, Mỹ đang ráo riết triển khai chiến lược nhằm thiết lập trật tự một cực duy nhất - trật tự đơn cực Hoa Kỳ.

Ngay sau trật tự hai cực tan vỡ, Mỹ đã tuyên bố rằng, đã đến lúc người Mỹ phải đảm nhận vai trò lãnh đạo thế giới. Sa-mu-en R. Béc-gơ, một chiến lược gia của Mỹ cho rằng, sự lãnh đạo của nước Mỹ đối với thế giới vào lúc này là sự cần thiết và cấp bách. Văn bản chỉ đạo chính sách quốc phòng 1992-1994 cũng vạch rõ nhiệm vụ của Mỹ là “phải ngăn chặn” mọi đối thủ chiếm giữ các vùng có nguồn lực giúp cho họ trở thành đại cường quốc, phải “làm nản lòng” các nước công nghiệp phát triển thách thức địa vị lãnh đạo của Mỹ. Các chuyên gia nghiên cứu chiến lược thuộc Hội đồng Chính sách đối ngoại Hoa Kỳ cho rằng, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có “sứ mệnh” như một đầu tàu của quá trình “mở rộng dân chủ” trên phạm vi toàn thế giới. Lập luận này là sự tiếp nối quan điểm của Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 1901-1909 rằng, nước Mỹ có nghĩa vụ phải phán xét các dân tộc khác về hành vi của họ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Như vậy là, không phải bây giờ mà từ rất lâu, Mỹ đã tự cho mình cái quyền “được phán xét” các dân tộc khác, điều này trái với Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ: mọi dân tộc đều sinh ra có quyền bình đẳng.

Trên thực tế, Mỹ đã từng bước triển khai các bước của chiến lược toàn cầu mới trên mọi phương diện và ở mọi mặt trận, làm cho thế giới không lúc nào được yên ổn.

Về quốc phòng, Mỹ đang sắp xếp lại lực lượng quân sự toàn cầu, xiết chặt vòng vây xung quanh các đối thủ, chủ động đánh đòn phủ đầu. Ngày 16-8-2004, Tổng thống G.Bu-sơ tuyên bố tái cơ cấu toàn diện quân đội Hoa Kỳ ở nước ngoài. Đây là cuộc tái cơ cấu quân sự lớn nhất kể từ sau chiến tranh Triều Tiên. Tuyên bố của G.Bu-sơ nêu rõ: trong thập niên tới, Mỹ sẽ triển khai một lực lượng cơ động và linh hoạt hơn, sẽ chuyển một số quân và tiềm lực quân sự sang những địa điểm mới để có sự phản ứng mau lẹ với những nguy cơ mà Mỹ cho là “các mối đe doạ bất ngờ”.

Tại châu Âu, Mỹ ưu tiên cho việc cải tổ Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO): các lực lượng tiền tiêu có thể triển khai nhanh để tham gia xung đột sớm ở cả châu Âu và những nơi khác, triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) xung quanh Nga, mở rộng NATO sát biên giới nước này. Mỹ đã có kế hoạch triển khai 10 hầm tên lửa đánh chặn đặt ở Ba Lan và xây dựng một hệ thống ra-đa cảnh báo sớm dải tần X ở Cộng hoà Séc. Trước đó, Mỹ đã thiết lập các trạm ra-đa cảnh báo sớm ở Na Uy, Anh. Mặc dù, Oa-sinh-tơn luôn trấn an Nga về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu là không nhằm vào Nga mà để đối phó với I-ran và Bắc Triều Tiên, nhưng Nga luôn cho rằng nó chỉ nhằm vào nước Nga. Bởi một khi hoàn thành, độ che phủ của hệ thống này có thể vươn tới tận dãy U-ran, đặt toàn bộ khu vực lãnh thổ châu Âu của Nga trong phạm vi bị uy hiếp. Ngoài ra, biên giới Liên minh châu Âu (EU) đã được mở rộng gấp đôi, NATO đã kết nạp thêm 10 nước thành viên nữa, chủ yếu là các nước trước đây chịu sự chi phối của Mát-xcơ-va.

Ở châu Á, Mỹ đã xúc tiến việc nâng cao khả năng ngăn chặn, đẩy lùi và đánh bại các thách thức ở châu Á thông qua các năng lực tấn công từ tầm xa, tăng cường thêm các lực lượng trên biển ở nước ngoài và các căn cứ tấn công hiện đại được bố trí ở Thái Bình Dương. Mỹ đang xem xét khả năng thiết lập một liên minh quân sự như kiểu NATO ở phương Đông, bao gồm: Mỹ, Nhật Bản, Ố-xtrây-li-a, Ấn Độ và một số nước ở Đông Nam Á, lôi kéo các nước này tham gia hệ thống NMD xung quanh Trung Quốc.

Mặc dù, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố rằng, “Trung Quốc quyết không xưng bá”, nhưng trong tư duy của các nhà cầm quyền phương Tây vẫn ám ảnh cái gọi là “mối đe doạ từ Trung Hoa lục địa”. Mỹ luôn coi Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng, mặc dù, về ngoại giao vẫn nói Trung Quốc là đối tác chiến lược. Kiên trì theo đuổi chính sách kiềm chế Trung Quốc, ngăn chặn nước này trở thành “siêu cường khu vực hay toàn cầu lớn hơn”, vẫn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương. Để đối phó với Trung Quốc, Mỹ tăng cường quan hệ đồng minh truyền thống ở Đông Bắc Á. Một liên minh quân sự mới ở Thái Bình Dương bao gồm Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc - Ố-xtrây-li-a đã được hình thành nhằm khống chế mọi nguồn ngạch trên biển và ngăn chặn chiến lược hải quân “màu nước lục” của Trung Quốc.

Về chính trị, Mỹ xúc tiến mạnh mẽ cái gọi là “thúc đẩy dân chủ tại các quốc gia”. Thực chất là áp đặt “giá trị Mỹ” trên phạm vi toàn cầu, can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia có chủ quyền, đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hoà bình” nhằm xoá bỏ các nước xã hội chủ nghĩa còn lại và thủ tiêu phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đang có dấu hiệu hồi phục. Trong Chiến lược an ninh quốc gia cũng như Chiến lược quốc gia chống khủng bố của mình, Mỹ luôn coi “thúc đẩy nền dân chủ”, là biện pháp lâu dài mà thực chất, là sự tiếp tục chính sách thực dân văn hoá nhằm truyền bá và áp đặt hệ tư tưởng Mỹ, cái gọi là “giá trị của thế giới tự do”, thủ tiêu các giá trị văn hoá của các dân tộc, phá vỡ bức tranh văn hoá thế giới.

Mỹ vẫn duy trì các trung tâm chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng bằng hệ thống truyền thông khổng lồ ở mọi nơi, nhằm vào các nước xã hội chủ nghĩa và các nước đang phát triển. Nhiệm vụ của hệ thống truyền thông này, không gì khác là truyền bá “giá trị Mỹ”, với rất nhiều nội dung xúc phạm giá trị truyền thống và các giá trị phổ biến được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Hãng Thống tấn Liên bang, Hãng Thông tấn Hợp chủng quốc, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Đài châu Á tự do… đang phát tin 24/24 giờ/ngày với hơn 100 thứ tiếng nhằm vào quá nửa số quốc gia trên thế giới. Phim ảnh, sách báo và các sản phẩm văn hoá khác của Mỹ có mặt khắp nơi, len lỏi vào mọi ngõ ngách. Mỹ đang biến các phương tiện thông tin đại chúng của các quốc gia, kể cả của chính phủ thành các kênh chuyển tiếp của mình. Ở các nước nghèo khó, những đồng đô-la, những “đội hoà bình xanh”, những tổ chức phi chính phủ (NGO) của Mỹ đã có mặt rất đúng lúc để thực hiện “sứ mệnh nhân đạo” núp dưới vỏ bọc những dự án hỗ trợ phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, cải thiện tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và báo chí...

Tóm lại, Hoa kỳ muốn mọi dân tộc phải đi theo những tiêu chuẩn của nước Mỹ, nếu không theo sẽ bị liệt vào danh sách “các nước cứng đầu”, “các quốc gia tài trợ khủng bố” hay “các quốc gia thất bại”.

Về kinh tế, Mỹ vẫn theo đuổi chính sách “cây gậy và củ cà rốt”, dùng kinh tế để chuyển hoá chính trị (cách gọi của Mỹ là thúc đẩy dân chủ). Viện trợ kinh tế đi kèm với các điều kiện về chính trị, dùng đồng đô-la làm mồi nhử, gây ra các cuộc bạo động, lật đổ. Điển hình là các cuộc “cách mạng màu sắc” diễn ra ở các nước Đông Âu. Với tiềm lực của nền kinh tế hàng đầu thế giới, Mỹ nắm giữ và khống chế các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF)… Với sức mạnh kinh tế của mình, Mỹ có thể ra lệnh trừng phạt, cấm vận kinh tế - thương mại với bất cứ quốc gia nào, kể cả EU và Nhật Bản, nếu không tuân theo chiếc gậy chỉ huy của Oa-sinh-tơn. Thậm chí, vào những thời điểm cần thiết, Mỹ có thể tạo ra những cuộc khủng hoảng cục bộ để “nắn gân” nền kinh tế thế giới. Thế giới ngày càng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào sự ổn định của nền kinh tế Mỹ. Cuộc khủng hoảng tài chính, năng lượng, lương thực đang diễn ra hiện nay có nhiều nguyên nhân bắt nguồn từ chính sách của Mỹ, sự suy yếu của đồng đô-la và sụt giảm của thị trường bất động sản ở Mỹ. Điều này lý giải, tại sao thế giới đang một ngày giàu lên, nhưng số nước nghèo (LCD) không những không giảm mà lại tăng lên từ 25 nước ở thế kỷ trước lên 49 nước hiện nay.

Đó là những lý do để nhà cầm quyền Oa-sinh-tơn tin vào sự thành công của chiến lược thiết lập trật tự đơn cực mang tên Hoa Kỳ trong thế kỷ XXI.

Mưu đồ “đơn cực” đang bị phá sản

Mặc dù là siêu cường duy nhất, nhưng Mỹ chưa đủ mạnh để giải quyết các vấn đề trong nội bộ nước Mỹ cũng như các vấn đề toàn cầu mà không có sự tham gia của cộng đồng quốc tế, bởi các nước lớn và các liên minh khu vực đóng vai trò hết sức quan trọng. Đây là những đối thủ tiềm tàng đáng gờm, bởi thế, muốn đạt được địa vị duy nhất lãnh đạo thế giới, Mỹ phải làm suy yếu các đối thủ này. Tuy nhiên sự thật đã cho thấy, các đối thủ đe doạ địa vị “lãnh đạo” thế giới của Mỹ không những không bị suy yếu mà càng ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ, đặc biệt là Nga và Trung Quốc.

Nước Nga ngày nay không còn là nước Nga của thời Tổng thống B.En-xin nữa, “con gấu” Nga đã bừng tỉnh sau giấc ngủ đông. Chỉ trong 8 năm dưới thời V. Pu-tin, nước Nga đã thanh toán xong toàn bộ số nợ nước ngoài và hiện nằm trong nhóm 10 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nguồn dự trữ liên bang của nước này vào khoảng600 tỉ USD, đứng thứ ba thế giới. Một học giả phương Tây cảnh báo rằng: phương Tây đang đối mặt với người Nga, bởi vũ khí chính của Nga hiện nay lại là điểm yếu lớn nhất của phương Tây, đó là tiền. Ông cho rằng, trước đây, phương Tây lo lắng về sức mạnh của bộ máy chiến tranh Xô-viết, còn bây giờ, điều lo sợ chính là tiềm lực kinh tế của nước này - “hàng chục tỉ đô-la trong kho bạc của họ”. Nước Nga đang kiểm soát những mũi nhọn có tính chiến lược của nền kinh tế quốc tế có thể làm vũ khí để răn đe phương Tây, nếu phương Tây gây hấn. Hiện EU đang phải dùng 30% lượng khí đốt từ Nga. Bất cứ hành động trừng phạt nào của EU nhằm vào Nga, Nga sẽ dùng vũ khí này để trả đũa. Phương Tây luôn hiểu rằng họ cần nước Nga hơn là nước Nga cần họ.

Về quân sự, không ai nghi ngờ địa vị cường quốc thứ hai của Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Nga X.I-va-nốp tuyên bố nước này sẽ chi 189 tỉ USD cho chương trình hiện đại hoá các lực lượng vũ trang giai đoạn 2007-2015 và về cơ bản, Nga sẽ hoàn thiện việc hiện đại hoá quân đội vào năm 2020. Ngày 28-8-2008, Nga đã thử thành công tên lửa xuyên lục địa Topol-M. Đây là loại tên lửa hiện đại nhất hiện nay, có khả năng thay đổi độ cao, quỹ đạo bay trên đường tới mục tiêu, xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa hiện có trên thế giới.

Năm 2007, Nga cũng đã hạ thuỷ chiếc tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới đầu tiên kể từ sau khi Liên-xô tan rã có ưu thế vượt trội so với tàu ngầm hạt nhân Ô-hai-ô của Mỹ về tốc độ, khả năng lặn sâu và trang bị vũ khí. Để giáng trả hành động phát triển hệ thống NMD ở châu Âu của Mỹ, Nga đang triển khai các kế hoạch chĩa tên lửa vào phương Tây, chuẩn bị cho chiến tranh ở Bắc cực. Mát-xcơ-va sẽ tái triển khai tên lửa hạt nhân ở Ka-li-nin-grát, Bê-la-rút và không loại trừ cả ở Cu-ba, Vê-nê-xu-ê-la và Xi-ri (nếu đạt được thoả thuận). Một quan chức cấp cao quân đội Nga cho hay, nếu Mỹ triển khai NMD ở Séc và Ba Lan, thì máy bay chiến lược TU-160 và TU-95MS của Nga sẽ đổ bộ vào Cu-ba. Ông cảnh báo: “Mỹ sẽ cảm thấy thế nào nếu chúng tôi cũng đặt tên lửa đánh chặn ở Cu-ba hay Vê-nê-xu-ê-la?”.

Tổng thống Xi-ri tuyên bố, nước này sẵn sàng thảo luận việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga trên lãnh thổ của mình. Trước đó, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Hu-gô Cha-vét cũng tuyên bố, nước ông sẵn sàng hợp tác quân sự với Nga. Để đáp trả dự định triển khai 30 tên lửa đánh chặn của Mỹ tại A-lat-ka, Nga đã điều tàu ngầm, máy bay, chiến hạm đến tuần tiễu ở Bắc cực, các đơn vị chiến đấu đặc biệt đang được bố trí ở S. Pê-téc-pua, Xi-bê-ri và vùng Viễn Đông đã được lệnh sẵn sàng tham chiến tại Bắc cực.

Về phương diện chính trị, địa vị cường quốc chính trị của nước Nga vẫn được khẳng định, tiếng nói của Nga ngày càng có giá trị hơn. Nga tham gia vào giải quyết nhiều vấn đề quốc tế. Các vấn đề quốc tế lớn, đặc biệt là việc duy trì hoà bình, an ninh thế giới nếu không có Nga, không giải quyết được. Là một đất nước lớn nhất thế giới về diện tích, lại có bề dày lịch sử truyền thống văn hoá cộng với hệ tinh thần đại Nga, Nga hoàn toàn có điều kiện tái lập vai trò siêu cường. Theo nhận xét của H. Kít-xinh-giơ, cựu ngoại trưởng Mỹ, thì dường như Mỹ đã sai lầm khi cản trở sự hồi phục của nước Nga. Ông cho rằng, việc can thiệp thô bạo vào những điều người Nga coi là đặc tính cá nhân của mình, chỉ làm tổn hại việc đạt được các mục tiêu địa chính trị cũng như “đạo đức” của Mỹ.

Rõ ràng, việc Mỹ và EU dự định trừng phạt Nga nhân sự kiện Gru-ri-a sẽ là hành động sai lầm hết sức tai hại. Phát biểu trong tuyên bố công nhận độc lập của hai vùng đất ly khai Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a ngày 26-8-2008, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép nêu rõ, Nga không lo ngại bất cứ điều gì, kể cả nguy cơ về một cuộc chiến tranh lạnh, mặc dù không muốn điều đó nhưng nước Nga đã sẵn sàng cho mọi tình huống.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc, một nước lớn nhất thế giới về dân số và có bề dày hơn 5 nghìn năm lịch sử là vật cản lớn cho giấc mộng bá chủ toàn cầu của Mỹ. Dường như Trung Quốc đã trải qua giai đoạn “chờ thời”, chuyển sang một giai đoạn phát triển mới cạnh tranh ngang ngửa với Mỹ trên nhiều phương diện, ở phạm vi khu vực và trong tương lai gần sẽ ở phạm vi toàn cầu.

Hiện nay, Trung Quốc là nước có nền kinh tế đứng thứ ba thế giới, sau Mỹ và Nhật Bản, nhiều tiêu chí chỉ đứng sau Mỹ. Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra chỉ tiêu: tổng giá trị của nền kinh tế (GNP) sẽ đạt 4000 tỉ USD vào năm 2020, gấp 4 lần năm 2000; trong 20 năm đầu thế kỷ XXI xây dựng thành công xã hội tiểu khang với trình độ cao hơn cho hơn 1 tỉ người. Tuy nhiên, đến năm 2007, tổng GNP của Trung Quốc đã đạt con số 4.500 tỉ USD, chỉ đứng sau Mỹ và Nhật. Một Trung Quốc với tổng lực quốc gia đứng thứ hai thế giới trong một tương lai gần sẽ ảnh hưởng như thế nào, điều đó Mỹ biết rõ.

Với sức mạnh về kinh tế hiện có, Trung Quốc đang hướng tới hiện đại hoá quân đội để đối phó với các nguy cơ xung đột và chiến tranh. Triết lý về hoà bình của Trung Quốc thật đơn giản, “cách giữ gìn hoà bình tốt nhất là chuẩn bị chiến tranh”. Từ năm 1990 đến nay, Trung Quốc đã không ngừng tăng kinh phí quốc phòng từ 10 đến 20% mỗi năm. Hiện chi phí quốc phòng của Trung Quốc đã là 44, 94 tỉ USD, chiếm 7,5% ngân sách nhà nước. Trên 40 tỉ USD so với 400 tỉ USD của Mỹ chỉ là con số khiêm tốn, nhưng ở trong khu vực lại là con số khổng lồ. Nước Mỹ lo ngại nhất là ngân sách quốc phòng của Trung Quốc được tăng đều đặn hằng năm. Từ năm 1996 Trung Quốc đã liên tục mua tàu chiến loại lớn và tàu ngầm loại mới của Nga, nâng tổng số tàu ngầm Trung Quốc từ 70 chiếc đầu năm 2005 lên 100 chiếc vào cuối năm 2008. Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, trong vòng 15-20 năm nữa, hải quân Trung Quốc sẽ vượt các nước trong khu vực và có khả năng cạnh tranh với Mỹ và Nga, đến năm 2025 số lượng tàu ngầm của Trung Quốc ở Thái Bình Dương sẽ lớn hơn gấp 5 lần số lượng tàu ngầm của Mỹ ở khu vực này. Bởi vậy, trong tương lai gần (xa nhất là vào năm 2025), hải quân của Trung Quốc sẽ có thể làm chủ Thái Bình Dương. Cũng cần nói thêm rằng, Trung Quốc là một cường quốc về vũ khí hạt nhân và đã bắt tay vào lĩnh vực chinh phục khoảng không vũ trụ. Mỹ thực sự lo ngại vì mấy năm gần đây, Trung Quốc đã liên tiếp giành những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ và tên lửa đạn đạo (phóng thành công tàu vũ trụ và thử nghiệm vũ khí tấn công vệ tinh trên quỹ đạo trái đất).

Về phương diện chính trị, Trung Quốc nổi lên như một cường quốc chính trị, tham gia giải quyết nhiều vấn đề của thế giới. Nhiều vấn đề khu vực châu Á-Thái Bình Dương và quốc tế, Mỹ phải dựa vào Trung Quốc để giải quyết như: cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề Đài Loan, mâu thuẫn Ấn Độ - Pa-ki-xtan… Tương lai, Trung Quốc sẽ là một siêu cường với đầy đủ phẩm chất của nó.

Như vậy, hai đối thủ tiềm tàng nguy hiểm nhất của siêu cường Mỹ là Nga và Trung Quốc đã trỗi dậy một cách đầy ngoạn mục bất chấp sự kiềm chế của Mỹ và đồng minh. Mục tiêu “ngăn chặn sự trỗi dậy của các đối thủ tiềm tàng có mưu đồ bá chủ khu vực và toàn cầu lớn hơn” của Hoa Kỳ về cơ bản là không đạt được.

Ngoài ra, ý đồ “trật tự đơn cực” của Mỹ cũng không được đồng minh EU và Nhật Bản đồng tình. Với mục tiêu “xây dựng một châu Âu không chia cắt, dân chủ, hoà bình, ổn định và vững mạnh”, Liên minh châu Âu đang tìm cách thoát khỏi vòng cương toả của Mỹ. Cựu ngoại trưởng Pháp Vin-lơ-panh cho rằng, cần phải có một thế giới đa cực, một cường quốc độc nhất sẽ không bảo đảm được trật tự thế giới. Cũng như EU, Nhật Bản đang tìm cách thoát khỏi cái ô an ninh của Mỹ, tích cực xây dựng hình ảnh nước lớn về chính trị để có thể “đứng ngay, ngồi thẳng với Mỹ”.

Có thể coi cuộc xung đột Nga - Gru-di-a hay cuộc chiến 5 ngày ở Bắc Cáp-ca là một mốc lịch sử trong thế kỷ XXI, đánh dấu sự biến đổi cán cân so sánh lực lượng quốc tế, vừa có tác động tích cực vừa có yếu tố tiêu cực cho hoà bình thế giới. Rô-bớt Kê-gân, đại biểu của phái bảo thủ trong Đảng Cộng hoà Mỹ cho rằng, đây còn là một bước ngoặt trong lịch sử thế giới không kém gì sự kiện dỡ bỏ bức tường Béc-linh ngày 9-11-1989.

Cái lợi là, thế giới sẽ không phải lo ngại về sự hình thành trật tự đơn cực do Mỹ chi phối. Nguy cơ thế giới phải đối mặt với một đế chế mới đã giảm đi trông thấy. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Áp-đu-la Gun cho rằng, cuộc xung đột Gru-di-a chứng tỏ Mỹ không thể chỉ đạo chính trị toàn cầu theo ý riêng mà phải chia sẻ trách nhiệm trong một trật tự thế giới mới (đa cực). Cựu thủ tướng Đức G.Schoi-đơ thì cho rằng, thời kỳ quá độ thống trị của người Mỹ đã chấm dứt.

Tuy vậy, cuộc khủng hoảng này đang đe doạ nghiêm trọng hoà bình, an ninh thế giới. Nếu các bên cứ tiếp tục các cuộc đấu khẩu đe doạ trừng phạt nhau, ra sức chạy đua vũ trang, ráo riết chuẩn bị chiến tranh thì nguy cơ nhân loại đứng trên bờ cuộc chiến tranh quy mô lớn, kể cả chiến tranh thế giới vẫn có thể là một hiện thực. Trật tự “nhất siêu đa cường” đang được thay thế bằng trật tự đa cực, một trật tự hoàn toàn phù hợp với xu thế của thời đại./.