Một số góp ý cho Luật Hợp tác xã hiện hành
Bản chất và vai trò của hợp tác xã trong phát triển kinh tế hộ
Ngay từ khi tạo dựng hình hài HTX đầu tiên, những nhà sáng lập đã chọn lọc những ưu việt trong nguyên tắc hoạt động của hiệp hội tự nguyện và doanh nghiệp, biến thể chúng để tạo ra tổ chức “hợp tác xã” với những đặc trưng riêng biệt. HTX là một tổ chức rất đặc thù, mang tính “nhị nguyên”, thể hiện ở vai trò kép với hai cơ cấu cùng tồn tại song hành: (1) khía cạnh hiệp hội được hình thành trên cơ sở các cá nhân tự nguyện, liên kết với nhau trên tinh thần tương trợ, dân chủ, minh bạch, bình đẳng, bác ái, trách nhiệm cộng đồng; và (2) khía cạnh doanh nghiệp được thể hiện ở việc huy động vốn góp của xã viên để tổ chức hoạt động kinh doanh có hiệu quả vì mục tiêu gia tăng thêm tài sản của xã viên và tích luỹ nội bộ trong HTX.
Trong Bản tuyên ngôn về các đặc trưng của HTX, Liên minh Hợp tác xã quốc tế định nghĩa HTX như sau: “Hợp tác xã là một hiệp hội tự chủ do các cá nhân tự nguyện liên kết với nhau nhằm thỏa mãn nhu cầu và nguyện vọng chung về kinh tế, xã hội và văn hóa thông qua việc hình thành doanh nghiệp do tập thể xã viên đồng sở hữu và quản lý dân chủ.”
Trong HTX, tập hợp xã viên có tính chất rất đặc biệt. Xã viên thành lập “doanh nghiệp” HTX để mưu tìm cách thức thỏa mãn nhu cầu chung. Mục đích tối thượng của HTX không phải là tối đa hoá lợi nhuận, mà để đáp ứng tốt nhất nhu cầu và lợi ích của xã viên. Điều này có nghĩa là xã viên vừa là người đồng sở hữu, quản lý HTX theo nguyên tắc dân chủ, vừa là người sử dụng dịch vụ của HTX. Đặc tính này làm nổi bật sự khác biệt cơ bản giữa bản chất HTX so với công ty cổ phần. Ở công ty cổ phần, các cổ đông liên kết vốn với mục đích tối đa hóa lợi nhuận và họ không nhất thiết phải giao dịch mua, bán với công ty mà mình mua cổ phần.
Ở nước ta, HTX đầu tiên được thành lập cách đây hơn 50 năm và Luật Hợp tác xã đầu tiên có hiệu lực từ năm 1997. Đến 30-6-2010, cả nước có 18.244 HTX, 53 liên hiệp HTX và khoảng 360.000 tổ hợp tác. Sự phát triển của phong trào HTX hội tụ nhiều lợi ích, đáp ứng được các nhu cầu kinh tế, xã hội và văn hóa của xã viên. Xã viên tham gia vào HTX để tiết kiệm chi phí, gia tăng giá trị và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm làm ra hoặc để có việc làm ổn định. HTX là một phương tiện thiết thực nhằm huy động các nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, đồng thời đóng góp lớn trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn.
Vì sao phải sửa đổi Luật hợp tác xã hiện hành?
Rất nhiều người biết HTX, nhưng không phải ai cũng hiểu đúng về nó. Mọi sự ngộ nhận đều dẫn đến hậu quả là làm lu mờ bản chất tốt đẹp của HTX và kìm hãm sự phát triển của HTX.
Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hợp tác xã năm 2003, kèm theo tờ trình số 107/TTr-CP, ngày 7 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ, năm 2007 trong lĩnh vực công nghiệp có 4.744 HTX với gần 1 triệu xã viên, nhưng cung cấp tới hơn 90% doanh thu cho thị trường bên ngoài xã viên và tạo việc làm cho chỉ 6% xã viên. Trong đó, rất nhiều HTX mang bản chất của công ty, chứ không phải là HTX đích thực.
Câu chuyện có thực sau đây là một bằng chứng thực tế về cách hiểu, cách diễn giải lệch lạc của một số người về khái niệm “hợp tác xã”. Có 9 người cùng ý tưởng góp vốn để mua đất, sắm thiết bị, vật liệu… và thành lập HTX sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tọa lạc trong khuôn viên gần 19 ha đất, với tổng tài sản trên 22 tỉ đồng, HTX sản xuất trên 500 loại sản phẩm và sản lượng tiêu đến 100.000 tấn/năm thức ăn chăn nuôi. HTX có mạng lưới tiêu thụ gồm 150 đại lý cấp I ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Đây là mô hình kinh doanh vô cùng thành công và đáng được vinh danh. Nhưng xét về bản chất, đây là công ty hợp danh, chứ không phải là HTX đích thực.
Mục đích của những người góp vốn thành lập HTX này không phải là để sử dụng dịch vụ của HTX, mà duy nhất để tìm kiếm lợi nhuận. Đội ngũ cán bộ, công nhân làm việc cho HTX không phải là xã viên. Lượng khách hàng chính mà HTX này giao dịch (người cung ứng nguyên liệu sản xuất và người mua thức ăn chăn nuôi) cũng không phải là xã viên.
Tuy nhiên, nếu căn cứ vào những quy định tại Luật Hợp tác xã hiện hành (năm 2003), thì trường hợp này thoả mãn đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của một HTX. Vì vậy, việc làm cần thiết hiện nay là nhận thức đúng bản chất và đặc trưng của HTX, phân định rõ ràng sự khác biệt giữa HTX với các loại hình doanh nghiệp khác, định hình chuẩn về khuôn khổ pháp luật để làm điểm tựa cho HTX phát triển bền vững và công tác quản lý nhà nước đối với HTX có hiệu quả.
Những nội dung trong Luật Hợp tác xã cần sửa đổi, bổ sung
Hai khái niệm quan trọng cần được diễn giải trước khi phân tích những nội dung cần được sửa đổi, bổ sung trong Luật Hợp tác xã. Thứ nhất, giao dịch giữa HTX với xã viên là quan hệ mua, bán hàng hóa vật phẩm và dịch vụ giữa HTX và xã viên. Thứ hai, tỷ lệ giá trị giao dịch giữa HTX và xã viên là phần giá trị giao dịch giữa HTX và xã viên trong tổng số giá trị giao dịch (với xã viên và với cộng đồng bên ngoài xã viên) mà HTX thực hiện trong một năm.
1. Về phân loại hợp tác xã
Hiện nay ở nước ta, các HTX được phân loại theo lĩnh vực hoạt động như: HTX nông nghiệp, HTX công nghiệp, HTX thương mại – dịch vụ, HTX giao thông vận tải… Cách phân loại này gây ra không ít khó khăn trong quản lý nhà nước và lúng túng trong việc xác định tỷ lệ giá trị giao dịch giữa HTX với xã viên.
Luật Hợp tác xã sửa đổi cần bổ sung các loại hình của HTX. Việc phân loại HTX nên dựa trên tính chất quan hệ giao dịch giữa HTX với xã viên. Theo đó có 4 loại hình HTX như sau:
- Hợp tác xã của người sản xuất. Đây là HTX do những người sản xuất (nông dân nuôi bò sữa, trồng thanh long, sản xuất lúa, những người làm hàng thủ công, mỹ nghệ… ) thành lập nên để tiêu thụ, gia tăng thêm giá trị sản phẩm của mình bằng chế biến, xây dựng hương hiệu… HTX này do những người sản xuất sở hữu nên tìm cách tối đa hoá giá bán trong điều kiện thị trường cho phép và tối thiểu hoá chi phí hoạt động để mua hàng từ xã viên với giá càng cao càng tốt. Như vậy, xã viên là người bán hàng hay người cung ứng (thành phẩm hoặc nguyên liệu) cho HTX. Việc xác định tỷ lệ giá trị giao dịch của HTX với xã viên trong trường hợp này là số lượng hàng hoá (sữa bò, thanh long, lúa, hàng mỹ nghệ…) hay giá vốn hàng bán mà HTX giao dịch với xã viên so với tổng lượng hàng hoá hay giá vốn hàng bán mà HTX thực hiện trong vòng một năm.
- Hợp tác xã của người tiêu dùng. Trái ngược với trường hợp trên, HTX của người tiêu dùng tìm cách tối thiểu hoá giá vốn hàng bán và chi phí hoạt động để có thể bán hàng hóa vật phẩm hay dịch vụ cho xã viên của mình với giá càng thấp càng tốt. Trong trường hợp này, xã viên là người mua hàng (nguyên vật liệu, vật tư hay hàng tiêu dùng) từ HTX. Tỷ lệ giá trị giao dịch của HTX với xã viên được xác định trên phần doanh số mà HTX bán cho xã viên trong tổng số doanh số mà HTX thực hiện trong một năm.
- Hợp tác xã của người lao động do tập thể người có nhu cầu tìm kiếm việc làm thành lập nên. Thông qua phương thức quản lý, HTX tìm cách trả lương cho xã viên của mình (những người lao động và cũng là người sở hữu HTX) càng cao càng tốt và cung cấp điều kiện lao động tốt nhất. Ví dụ HTX làm răng giả, HTX dịch vụ bệnh viện, HTX xây dựng… không thể là HTX tiêu dùng vì khách hàng chỉ “mua” dịch vụ của HTX một vài lần trong suốt cuộc đời của mình. Sẽ hợp lý hơn nếu xem đây là HTX của người lao động. Điều này có nghĩa là xã viên chính là người lao động trong HTX. Như vậy, việc xác định tỷ lệ giá trị giao dịch của HTX với xã viên được tính toán trên tỷ lệ xã viên trong tổng số người lao động trong HTX.
+ Hợp tác xã hỗn hợp là HTX có nhiều hơn một loại hình. Trong một số HTX, xã viên có thể có 2 hoặc 3 loại quan hệ với HTX. Ví dụ, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có thể cung ứng vật tư cho xã viên và tiêu thụ nông sản do xã viên sản xuất. Trong trường hợp này, xã viên vừa là người cung ứng, vừa là người tiêu thụ, có thể vừa là người lao động trong HTX. Lúc này việc phân định tỷ lệ giá giao dịch giữa HTX với xã viên khá phức tạp. HTX cần phân loại các dịch vụ và xác định tỷ lệ giá trị giao dịch với xã viên trong từng loại dịch vụ khác nhau.
2. Về phân loại xã viên
Luật Hợp tác xã sửa đổi cần bổ sung thêm cách phân loại xã viên. Điều này đặc biệt hữu ích khi xác định đối tượng được hưởng ưu đãi (điều 7) hoặc khi xác định tỷ lệ giá trị giao dịch giữa HTX với xã viên (Điều 9).
Tham khảo Luật Hợp tác xã Quebec (Canada), xã viên được chia thành hai loại: Xã viên chính thức và xã viên liên kết. Xã viên chính thức là những người trực tiếp sử dụng dịch vụ của HTX. Thí dụ, công ty nuôi bò sữa (được xếp loại là doanh nghiệp quy mô vừa) bán sản phẩm do mình trực tiếp sản xuất ra cho HTX thì hẳn nhiên họ là xã viên chính thức của HTX. Xã viên liên kết là người trung gian giữa HTX và người trực tiếp sử dụng dịch vụ của HTX. Ví dụ, một công ty thu mua sữa (thuộc quy mô nhỏ) mua sữa bò từ những người nông dân sản xuất nhỏ lẻ và sau đó bán lại cho HTX thì công ty này chỉ là xã viên liên kết (chứ không phải là xã viên chính thức) của HTX. Xã viên liên kết được sử dụng dịch vụ của HTX, được phân phối thặng dư theo mức độ sử dụng dịch vụ, nhưng không được quyền biểu quyết, không có quyền tham gia vào hội đồng quản trị hay ban kiểm soát …
Điều 7 về chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước quy định: ”Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập phát sinh từ việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ của HTX cho thành viên đối với HTX chỉ có thành viên là cá nhân, hộ gia đình và pháp nhân không phải là doanh nghiệp vừa và lớn”. Việc ưu đãi cho xã viên không thể dựa vào quy mô doanh nghiệp, mà nên dựa vào tính chất thành viên. Từ phân tích trên, Điều 7 khoản 1 của dự thảo luật Luật Hợp tác nên quy định: “Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập phát sinh từ việc cung ứng hàng hoá, dịch vụ của HTX cho xã viên chính thức”.
3. Về xác định tỷ lệ dịch vụ tối thiểu mà hợp tác xã cung cấp cho xã viên
Điều 9, khoản a trong (dự thảo lần 7) Luật Hợp tác xã sửa đổi quy định: “HTX, liên hiệp HTX có quyền cung ứng sản phẩm, dịch vụ và việc làm cho thị trường bên ngoài cộng đồng thành viên trên cơ sở bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu, lợi ích chung của các thành viên theo quy định trong điều lệ và hướng dẫn của Chính phủ”.
Như đã phân tích ở trên, trong HTX, tập hợp xã viên có tính chất rất đặc biệt. Xã viên vừa là người đồng sở hữu, quản lý HTX theo nguyên tắc dân chủ, vừa là người sử dụng dịch vụ của HTX. HTX được hình thành để đáp ứng nhu cầu của xã viên đi đôi với việc xã viên có quyền và có nghĩa vụ quan hệ giao dịch (mua, bán hay sử dụng dịch vụ) với HTX khi có nhu cầu. Đây là bản chất kinh tế rất quan trọng làm cho HTX phát triển bền vững. Chính vì vậy, Luật Hợp tác xã cần quy định tỷ lệ giá trị giao dịch tối thiểu mà HTX buộc phải giao dịch với xã viên chính thức của mình (không tính xã viên liên kết), không dưới 50% tổng giá trị giao dịch hàng năm của HTX.
Khi Luật Hợp tác xã quy định rõ ràng về tỷ lệ dịch vụ tối thiểu mà HTX giao dịch với xã viên thì các HTX với hơn 90% doanh thu từ giao dịch với thị trường ngoài xã viên như đã được miêu tả trong báo cáo tổng kết thi hành luật Hợp tác xã năm 2003 (của Bộ Kế hoạch – Đầu tư) sẽ chuyển đổi thành HTX đích thực bằng cách kết nạp ngày càng nhiều hơn người lao động trong HTX để họ trở thành xã viên và đồng chủ sở hữu HTX. Hoặc là các HTX này chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty và chịu chi phối bởi Luật Doanh nghiệp.
4. Về phân phối thu nhập theo mức độ sử dụng dịch vụ
Về mặt từ ngữ, một số quốc gia dùng khái niệm “surplus” (thặng dư) để chỉ phần tiền chênh lệch giữa doanh thu và chi phí trong HTX và khái niệm tương ứng trong doanh nghiệp là “profit” (lợi nhuận, lãi). Ở Việt Nam, trong các văn bản pháp luật cũng như trong cuộc sống thực tiễn, hai khái niệm “lợi nhuận” và “lãi” được sử dụng cho cả HTX lẫn doanh nghiệp. Trong HTX, khái niệm “thặng dư” phản ánh đúng bản chất hơn, bởi vì đó là khoản chênh lệch giữa doanh thu và chi phí có nguồn gốc từ giao dịch giữa HTX với các chủ sở hữu của nó (xã viên vừa là chủ sở hữu, vừa là người sử dụng dịch vụ của HTX). Trong dự thảo lần 7 của Luật Hợp tác xã, khái niệm “thu nhập” được sử dụng để chỉ khoản chênh lệch này.
Hiện tại, đại đa số HTX phân phối lại thu nhập theo vốn góp. Điều này làm xói mòn tinh thần hợp tác, đề cao tư tưởng lợi nhuận, dễ biến HTX thành mô hình công ty cổ phần. Lúc này, HTX không còn có lợi thế riêng trong việc khuyến khích tinh thần hợp tác trong cộng đồng. Thứ nhất, có nguy cơ của việc phân phối lãi cho xã viên theo vốn góp là các HTX có xu hướng “đóng cửa” không muốn kết nạp xã viên mới. Thứ hai, xã viên tham gia vào HTX không phải muốn sử dụng dịch vụ của HTX mà vì “cổ tức” kỳ vọng. Một khó khăn khác là HTX này trong tình trạng thiếu vốn để đầu tư tái sản xuất, nhưng ban quản trị không dám thực hiện phương án tăng tỷ lệ trích lập quỹ phát triển sản xuất để gia tăng tích luỹ nội bộ. HTX không thể vượt qua khó khăn vì tâm lý xã viên sẽ phản đối nếu phần lãi nhận được năm sau thấp hơn năm trước.
Phân phối thu nhập cho xã viên cần được thực hiện theo mức độ sử dụng dịch vụ. Xã viên nào càng giao dịch nhiều với HTX thì phần phân phối lại càng cao. Điều này góp phần gia tăng “mức độ trung thành” của xã viên với các dịch vụ của HTX. Quan trọng hơn, đây là bản chất nhân văn và mang đậm bản sắc riêng biệt của HTX.
Một băn khoăn chung của nhiều HTX trong thực tế là, nếu áp dụng nghiêm ngặt nguyên tắc phân phối thu nhập theo mức độ sử dụng dịch vụ thì HTX khó huy động vốn. Lời giải cho bài toán huy động vốn được nhiều nơi tìm kiếm trong việc tạo lập tài khoản tiết kiệm cho xã viên và phát hành cổ phiếu ưu đãi, chứ không phải bằng con đường chia lãi theo vốn góp như công ty cổ phần. Luật nên cho phép HTX phát hành cổ phiếu ưu đãi với mức lãi suất huy động và thời hạn hoàn trả được ấn định khi phát hành. Luật cũng nên khuyến khích các HTX tạo tài khoản tiết kiệm của xã viên để huy động vốn cho hoạt động của HTX.
Tóm lại, từ những kinh nghiệm thành công trong và ngoài nước, chúng ta có thể tin tưởng một cách chắc chắn rằng với vai trò kép vừa là tổ chức hiệp hội vừa là doanh nghiệp, HTX có thể hoạt động tốt như bất kỳ doanh nghiệp nào. Thậm chí, HTX có thể hoạt động tốt hơn công ty, nếu chúng ta am hiểu tường tận bản chất của nó, biết cách sử dụng và khai thác công cụ tập thể độc đáo này. HTX là phương tiện hữu hiệu giúp kinh tế gia đình của mỗi xã viên nâng cao sức cạnh tranh và phát triển./.
Uy tín thương hiệu - yếu tố nâng cao sức cạnh tranh  (03/01/2012)
Bộ Quốc phòng Philippines lên kế hoạch tái cơ cấu  (03/01/2012)
Thái Lan trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp  (03/01/2012)
Châu Á-Thái Bình Dương là điểm tựa của nền kinh tế toàn cầu  (03/01/2012)
Dứt khoát phải làm được  (02/01/2012)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay