TCCSĐT - Ngày 29-11, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (OSCAC) đã phối hợp với Đại sứ quán và Bộ Phát triển quốc tế Anh (DFID) tổ chức Đối thoại về phòng, chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 10 với chủ đề “Đánh giá tác động, hiệu quả các kỳ Đối thoại về PCTN tới công tác PCTN của Việt Nam”.

Đến dự và phát biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của Đối thoại lần này là nhằm tổng kết, đánh giá những thành công, hạn chế của quá trình Đối thoại vừa qua làm cơ sở cho những bổ sung, điều chỉnh, nâng cao hiệu quả, tác động của Đối thoại về PCTN đối với công tác PCTN của Việt Nam trong thời gian tới… Đây cũng là dịp để các cơ quan của Chính phủ và các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế chia sẻ quan điểm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của các nhà tài trợ, các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nhân quốc tế đối với Việt Nam.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận: Đối thoại về PCTN đã có những tác động tích cực đến việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ Việt Nam. Những vấn đề được trao đổi, thảo luận tại Đối thoại về PCTN là một kênh thông tin quan trọng được Chính phủ Việt Nam quan tâm khi ban hành chính sách, giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, khắc phục những sơ hở của cơ chế, chính sách, đặc biệt trong những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao. Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ Việt Nam sẽ nghiên cứu, tham khảo những khuyến nghị, kinh nghiệm và sáng kiến PCTN do các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế đưa ra tại Đối thoại, nhằm hoàn thiện các công cụ quản lý, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho phát triển.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với những thách thức to lớn. Suy thoái kinh tế và “khủng hoảng nợ công” là vấn đề nóng hổi của đời sống kinh tế quốc tế, đòi hỏi phải giải quyết các vấn đề xã hội một cách hài hòa với khả năng của nền kinh tế và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài. Để giải quyết vấn đề này, không thể có một hình mẫu thích hợp cho mọi quốc gia. Để ổn định và phát triển đất nước, mỗi Chính phủ, mỗi quốc gia phải tìm tòi, lựa chọn con đường thích hợp cho mình, trên cơ sở tiếp thu những kinh nghiệm, những bài học thành công và thất bại của các nước.

Với những thành tựu và kinh nghiệm của 25 năm đổi mới, với sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đang nỗ lực vượt qua nhiều thách thức để tiếp tục phát triển. Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ một trong những lực cản, thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam là vấn đề tham nhũng. Trên con đường phát triển, Việt Nam luôn mong muốn và trân trọng sự đóng góp, chia sẻ những sáng kiến, kinh nghiệm của các đối tác, của bạn bè quốc tế để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng.

Các đại biểu dự Đối thoại đã sôi nổi thảo luận trên cơ sở các báo cáo, kết luận nghiên cứu, khảo sát của các cơ quan hữu quan do đại diện OSCAC và Thanh tra Chính phủ trình bày; tóm tắt nội dung Hội thảo trước Đối thoại - cách nhìn của nhà tài trợ do đại diện DFID Renwick Irvine trình bày.

Theo OSCAC, công tác PCTN tại Việt Nam đã đạt được những kết quả, chuyển biến rõ nét trong 5 năm thực hiện Luật PCTN. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc hình thành khuôn khổ pháp lý về PCTN và tiến hành các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

Công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng được tăng cường. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Một số vụ việc, vụ án tồn đọng kéo dài được xử lý dứt điểm... Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã được kiềm chế.

Tuy nhiên, công tác PCTN trong 5 năm qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tạo được chuyển biến có tính cơ bản. Tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp. Tệ tham nhũng vẫn là vấn đề bức xúc và là mối quan tâm lớn của toàn xã hội.

Thời gian qua, quá trình Đối thoại được thay đổi theo hướng tích cực, trong đó bước tiến đáng kể là đã tập trung được Đối thoại vào các chủ đề trọng tâm; việc chuẩn bị nội dung đối thoại cũng ngày càng được cải thiện. Tác động của các kỳ Đối thoại được đánh giá là mang tính bổ trợ, góp phần tạo chuyển biến về thể chế, chính sách, thay đổi nhận thức của cán bộ… Hệ thống thể chế và chính sách ở Việt Nam đã ngày càng được củng cố một cách toàn diện và về cơ bản là phù hợp với luật pháp quốc tế về PCTN...
Tuy nhiên, các kỳ Đối thoại vẫn bất cập về cơ chế chỉ đạo và theo dõi thực hiện các gợi ý, khuyến nghị; công tác tổ chức Đối thoại; sự tham gia các bộ, ngành liên quan vào quá trình lập kế hoạch Đối thoại; chiến lược truyền thông cho Đối thoại...

Các nhà tài trợ và các đối tác phát triển đã bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết tâm chính trị và những giải pháp PCTN của Chính phủ Việt Nam; coi Đối thoại là một diễn đàn trao đổi thích hợp, thiết thực giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ. Các nhà tài trợ và các đối tác phát triển một lần nữa khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong công tác đấu tranh PCTN.

Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ và OSCAC sẽ nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định một số thay đổi trong công tác tổ chức các kỳ Đối thoại về PCTN tiếp theo như: Đối thoại được tổ chức một lần/năm trước thềm Hội nghị cuối năm của Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG); kế hoạch khung cho các kỳ Đối thoại trong ba năm được xây dựng với những chủ đề cụ thể; thành phần tham dự Đối thoại được mở rộng có đại diện chính quyền địa phương tham gia. Căn cứ vào chủ đề mỗi kỳ Đối thoại, các cơ quan đồng chủ trì sẽ đánh giá, phát hiện, giới thiệu và cùng thảo luận để lựa chọn được những báo cáo riêng, phù hợp từ các đơn vị, các cấp cơ sở có sáng kiến PCTN nhằm giới thiệu và nhân rộng những điển hình, kinh nghiệm trong công tác PCTN…/.