Những toan tính nguy hiểm

Vân Hương
14:52, ngày 22-10-2011

TCCSĐT - Quan hệ Iran - Saudi Arabia, vốn không êm ả, nay lại trở nên căng thẳng, khiến Teheran có nguy cơ đối mặt với các biện pháp trừng phạt mới. Nguyên nhân xuất phát từ cáo buộc của Mỹ cho rằng, Iran âm mưu sát hại Đại sứ Saudi Arabia tại Washington Adel al-Jubei.

Chính quyền Washington cho biết, lực lượng an ninh Mỹ đã bắt giữ Mansor Arbabsiar, 56 tuổi, công dân Mỹ gốc Iran ngày 29-9-2011 ngay tại sân bay quốc tế John Kennedy ở New York, vì bị tình nghi là thủ phạm tiến hành vụ mưu sát bất thành đó. Tại cơ quan điều tra, phần tử này khai đã nhận nhiệm vụ từ một người với bí danh: Gholam Shakuri - thành viên của một đơn vị mang tên Quds thuộc lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iran, ám sát Đại sứ Adel al-Jubei bằng bom. Hắn liên hệ với một nhóm tội phạm Mexico và đã chuyển vào tài khoản của nhóm này 100.000 USD tiền đặt cọc để thực hiện vụ mưu sát trên. Abasia cũng thừa nhận đã báo cáo chi tiết kế hoạch ám sát Đại sứ Adel al-Jubei cho các quan chức cao cấp của lực lượng vệ binh Cộng hòa Iran.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, hai phần tử này đã lên kế hoạch ám sát Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ từ đầu năm nay và đã khởi tố họ. Trong một tuyên bố, Chính quyền Mỹ khẳng định, hai người này đã bị cáo buộc tội danh âm mưu ám sát quan chức nước ngoài, sử dụng vũ khí hủy diệt quy mô lớn và có hành vi khủng bố xuyên quốc gia. Tuyên bố cũng nhấn mạnh các nhân viên ngoại giao và quan chức Iran đứng sau âm mưu sát hại này. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Eric Holder còn cho biết, sẽ trừng phạt những nghi phạm đó một cách thích đáng và phía Iran cũng phải chịu trách nhiệm. Tổng thống Barack Obama thì tỏ ra cứng rắn và quyết liệt hơn khi cho biết, sẽ gia tăng sức ép để áp dụng thêm các biện pháp cứng rắn nhằm trừng phạt Iran. Hiện tại Nhà trắng đã lên kế hoạch đóng băng tài sản của Hãng hàng không Iran Mahan Air ở Mỹ với lý do hãng hàng không này đã bí mật vận chuyển các phần tử liên quan đến khủng bố.

Teheran đã bác bỏ tất cả những lời cáo buộc này và gọi đó là trò hề lố bịch có động cơ chính trị đen tối nhưng cả Mỹ và Saudi Arabia đều yêu cầu đưa vấn đề này lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, khiến hai mối quan hệ song phương là Mỹ - Iran, Iran -Saudi Arabia, tiếp tục ở vào những nấc thang nguy hiểm mới.

Thực tế những diễn biến này càng cho thấy rõ hơn những xung đột về lợi ích chính trị và kinh tế giữa Mỹ và Iran, giữa Iran và Saudi Arabia tại vùng Vịnh và Trung Đông - khu vực được coi là điểm nóng của thế giới trong suốt hàng chục năm qua, đang ngày càng gay gắt, nguy hiểm hơn.

Điều đáng chú ý là cáo buộc của Mỹ đưa ra ngay trong thời điểm quan hệ Iran và Saudi Arabia đang xảy ra những mâu thuẫn, bất đồng và nghi kỵ nhau. Saudi Arabia - nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới và được Mỹ hậu thuẫn cho rằng, chính Iran - quốc gia từng bị Mỹ liệt vào “ trục ma quỷ” - đã kích động các cuộc biểu tình tháng 9 vừa qua ở các tỉnh miền đông và cả quốc gia láng giềng Baranh, nhằm gây bất ổn ở Saudi Arabia và đồng minh của nước này.

Còn Iran cũng cho rằng, Saudi Arabia đang đứng sau những cuộc bạo loạn hiện nay ở Syria. Thậm chí mối thù địch và nghi kỵ nhau giữa hai quốc gia được coi là hùng mạnh nhất ở khu vực này, ngày càng gia tăng, khi Iran mở rộng chương trình hạt nhân và Saudi Arabia trở thành đồng minh thân thiết của Mỹ.

Rõ ràng, quan hệ Saudi Arabia - Iran đã và đang bị chi phối bởi những diễn biến căng thẳng ngay tại hai quốc gia này và ở Baranh, Syria, thậm chí cả do cách hành xử của Mỹ đối với các nước trong khu vực. Nhưng tình hình này cũng chưa đến mức dẫn tới việc hai nước phải có những biện pháp tiêu cực như triệu hồi Đại sứ hay áp đặt các lệnh trừng phạt lẫn nhau. Vì dù sao, cả hai quốc gia này đều không muốn bị coi là những nhân tố bất ổn tại khu vực. Bởi vậy, các nhà phân tích chính trị quốc tế không tin Teheran lại có thể gây thêm thù chuốc oán giữa hai nước bằng cách sát hại nhà ngoại giao hàng đầu của Saudi Arabia ngay trên đất Mỹ. Ngay Iran cũng có những lập luận không thể bỏ qua.

Ngoại trưởng Iran ông Ali Akbar Salehi hôm 18-10-2011 cho rằng, những cáo buộc của Mỹ là thiếu cơ sở, với những nguồn tin từ Gholam Shakuri - một nhân vật mà Mỹ cho là quan trọng, nhưng danh tính thật lại không được tiết lộ. Mohammed Qadri Saeed, chuyên gia chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Al – Ahram tại Cairo, nhận định: “Tôi không tin Iran ám sát Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ, bởi họ chẳng được lợi ích chính trị nào”. Dư luận ở khu vực này cũng cho rằng, những bằng chứng của Mỹ về vụ việc này chưa đủ thuyết phục.

Trong khi đó, dư luận chung lại hoài nghi về thời điểm Mỹ đưa ra cáo buộc đó và cho rằng, vì sao Washington không công bố thông tin đó từ cách đây 5 tháng – thời gian Nhà Trắng đã được thông báo về âm mưu này. Và Giáo sư khoa Chính trị tại Đại học Mỹ - Lebanon Walid Moubarak cũng phải đặt câu hỏi: “Phải chăng Mỹ cần một cái cớ để làm điều gì đó chống lại Iran”?

Ai cũng biết, hiện nay, Mỹ là nước đi đầu trong số các nước phương tây thúc đẩy các biện pháp trừng phạt kinh tế và gây sức ép về chính trị đối với Iran, nhằm buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân mà Teheran khẳng định vì mục đích hòa bình. Nhưng Mỹ luôn nghi ngờ và cho rằng, Iran đã bảo trợ và cung cấp vũ khí, thậm chí cả vũ khí hạt nhân cho các lực lượng chống Mỹ ở khu vực này. Giờ đây, khi Mỹ đang muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Syriaa Bashar al - Assad theo đúng kịch bản ở Lybia, Washington rất muốn chặn mọi sự trợ giúp đó của Teheran đối với Syria nhằm nhanh chóng hoàn tất mục tiêu chính trị đó.

Cho nên, cũng xác đáng khi cho rằng, đưa ra những lời cáo buộc đối với Iran, Mỹ hy vọng giúp các lực lượng chống đối ở Syria có cơ hội thuận lợi lật đổ chế độ chính quyền hiện nay ở nước này, tạo dựng chính quyền mới thân Mỹ, chia rẽ thêm mối mâu thuẫn căng thẳng giữa Iran - Saudi Arabia, giúp Washington lấy lại vị thế tại Trung Đông.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Mỹ không dễ thực hiện những toan tính đó. Sau gần 10 năm phát động cuộc chiến tranh xâm lược Iraq, lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hutxen, đến nay, quốc gia vùng Vịnh này vẫn chưa có hòa bình, ổn định với một chính quyền vững mạnh. Trái lại, những ý đồ chính trị đó của Mỹ là rất nguy hiểm, không chỉ thổi bùng thêm ngọn lửa bất hòa xung đột và kích động sự bất ổn ở khu vực này, mà còn đẩy Iran vào tình thế có những hành động mới trong chương trình hạt nhân của nước này.

Thậm chí, nó cũng gây nguy hiểm đối với chính quyền Washington, bởi điều này cho thấy, thêm một lần nữa, Mỹ thất bại trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân ở Iran, ảnh hưởng tiêu cực tới chính sách đối ngoại của Washington tại Trung Đông. Và đó chắc chắn cũng gây thêm khó khăn cho ông B. Obama trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 năm 2012./.