“Mùa xuân Ả rập” ập vào Phố U-ôn

Nguyễn Sơn
18:32, ngày 21-10-2011
TCCSĐT - Khó khăn kinh tế đang thổi bùng ngọn lửa bất bình âm ỉ trong lòng người Mỹ bình dân thành một phong trào đấu tranh rộng lớn. Đáng chú ý là cái “công nghệ” đã tạo nên “Mùa xuân Ả-rập” lại đang được áp dụng triệt để nhằm vào chính những người đã “sáng tạo” ra nó.
Khi người Mỹ nói đến đấu tranh giai cấp

Trong những ngày này, nước Mỹ đang tràn ngập tinh thần phản kháng của phong trào biểu tình "Chiếm lấy Phố U-ôn" (Occupy Wall Street). Những người biểu tình đều có chung một nỗi bất bình: 1% những người giàu nhất nắm giữ nhiều tài sản hơn 99% còn lại.

Thoạt tiên, phong trào "Chiếm lấy Phố U-ôn" chỉ thu hút được một ít thanh niên bất mãn tham gia. Thế nhưng, càng ngày phong trào càng thu hút thêm được nhiều người thuộc đủ mọi giai tầng trong xã hội Mỹ. Đó là những sinh viên, giáo viên, cựu quân nhân, người thất nghiệp… thuộc đủ mọi sắc tộc, tôn giáo và màu da. Họ coi mình là đại diện của 99% dân số Mỹ bị thiệt thòi phải đứng lên chống lại 1% những người giàu có đang ngự trị trên Phố U-ôn.

Những người biểu tình dựng lều trong công viên Zuccotti, tích trữ thực phẩm, thuốc men, máy tính, nồi niêu, xoong chảo... Họ còn xuất bản báo "Chiếm lấy Phố U-ôn" để động viên nhau đồng lòng gắng sức “chiếm đóng” khu vực này lâu dài. Các bài báo của họ bày tỏ sự bất bình sâu sắc với “sự lộng hành của giai cấp thống trị”, “sự xa hoa của giới tài phiệt giữa lúc quần chúng đang bần hàn”, “sự ăn cắp không phải bằng súng đạn mà bằng các công cụ tài chính”. Họ không chấp nhận “người giàu ngày càng giàu hơn, người nghèo ngày càng nghèo hơn”. Họ nói đến “cuộc đấu tranh giai cấp”. Họ đòi hỏi “đổi thay và cách mạng”.

“Mùa xuân Ả-rập” trên đường phố Mỹ

Đáng chú ý là những người biểu tình đã áp dụng triệt để chính cái “công nghệ” đã làm lên “Mùa xuân Ả-rập” vào cuộc đấu tranh giai cấp trong lòng nước Mỹ của họ. Họ sử dụng in-tơ-nét, mở tài khoản trên twitter làm công cụ quy tập và điều phối các cuộc biểu tình. Họ kêu gọi những người ủng hộ nhấp chuột bình chọn những yêu sách nào cần đẩy lên hàng đầu và truyền bá những yêu sách đó cũng theo đúng đường in-tơ-nét.

Những người lãnh đạo phong trào yêu cầu phải tiến hành đấu tranh tuyệt đối hòa bình để chính quyền không có cớ đàn áp. Tuy nhiên, cảnh sát đã không cho họ dựng lều trên Phố U-ôn và khi họ tuần hành qua những tuyến giao thông trọng yếu của Niu-Oóc, ít nhất 700 người đã bị cảnh sát bắt giữ.

Thông qua in-tơ-nét, phong trào “Chiếm lấy Phố U-ôn” lan nhanh ra các thành phố lớn khác của Mỹ. Những người bất mãn với sự bất công giàu nghèo ở các thành phố khác cũng “chiếm lấy Lốt An-giơ-lét”, “chiếm lấy Chi-ca-gô”, chiếm lấy Bốt-xtơn”,… Họ tập trung trước cổng các chi nhánh của Cục Dự trữ Liên bang (Ngân hàng Trung ương) Mỹ theo sự kêu gọi và điều phối của các trang mạng “Chiếm lấy…” của họ. 

Trong lúc các cuộc biểu tình sôi sục ngoài đường phố, các “tin tặc” cũng hết sức sốt sắng ủng hộ phong trào. Họ mò mẫm bẻ khoá thâm nhập sâu vào các trang mạng của J.P. Morgan Chase, Goldman Sachs và cảnh sát Niu-Oóc, kịp thời phát hiện và thông báo cho những người biểu tình các hành động mà cảnh sát đang chuẩn bị để đối phó. Chính giới truyền thông Mỹ cũng không khỏi ngạc nhiên khi thấy đồng bào của mình am hiểu “công nghệ” tạo nên “Mùa xuân Ả-rập” như vậy.

Từ tia lửa sẽ bùng lên ngọn lửa

Sau những cuộc biểu tình “Chiếm lấy Phố U-ôn” sục sôi khí thế, phong trào bắt đầu nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức chính trị - xã hội: Nhóm Hạ nghị sỹ Tiến bộ, Hội Hạ nghị sỹ da đen, Đảng Gia đình Lao động Niu-Oóc, Liên đoàn Giáo viên Liên bang, Hội Y tá liên bang, Liên đoàn Lao động Đông Bắc Pennsylvania, Hội Truyền thông CWA... Một số nhóm bắt đầu quyên tiền hỗ trợ những người biểu tình. Mục tiêu đấu tranh chống bất công của phong trào đang nhận được sự ủng hộ rộng khắp của quần chúng nhân dân Mỹ.

Nhận xét về phong trào “Chiếm lấy Phố U-ôn”, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, phong trào “bắt nguồn từ tâm trạng thất vọng của giới bình dân với giới “ăn trên ngồi trốc” trong xã hội Mỹ, được nhân lên bởi cảm giác bất công, nỗi lo thất nghiệp và niềm tin vào triển vọng kinh tế quốc gia hoàn toàn tan vỡ”.

Tia lửa bất bình cháy âm ỉ trong lòng người Mỹ bình dân suốt bấy lâu nay, nay có cơ được bùng lên thành ngọn lửa. Và khi ngọn lửa đấu tranh giai cấp đã bùng lên, sẽ không dễ gì dập tắt được. Giới phân tích đã bắt đầu đánh giá tác động của phong trào “Chiếm lấy Phố U-ôn” đối với cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm sau.

Cũng như Đảng Trà, phong trào “Chiếm lấy Phố U-ôn” chỉ bắt đầu như một tia lửa nhỏ ngẫu hứng của một nhóm người không mấy ảnh hưởng trong xã hội. Thế nhưng, nó đã nhanh chóng lan rộng, trở thành một phong trào rầm rộ, có ảnh hưởng ngày càng sâu rộng trong đời sống chính trị Mỹ. Từ những tia lửa bất bình nho nhỏ, phong trào đã thổi bùng lên thành một ngọn lửa đấu tranh, làm lung lay hệ thống đẳng cấp xã hội bất thành văn nhưng vẫn luôn tồn tại như một thực tế hiển nhiên của chủ nghĩa tư bản Mỹ - một nước Mỹ hai tầng với tầng trên là sự giàu sang phú quý của 1% dân số, và tầng dưới là sự nghèo khổ, bất mãn, vô vọng của 99% còn lại./.