Phụ nữ nông thôn trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Phụ nữ nông thôn là những người phụ nữ sinh sống và làm việc ở nông thôn. Trong cơ cấu dân số, gần 80% phụ nữ Việt Nam sống ở nông thôn. Phụ nữ nông thôn là một cộng đồng người phong phú, đa dạng gồm những dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, trình độ học vấn khác nhau và sinh sống ở những vùng nông thôn khác nhau. Họ hoạt động ở mọi ngành nghề - kể cả những ngành nghề nặng nhọc và độc hại. Theo thống kê, lao động nữ nông thôn chiếm 58,02% lực lượng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp (riêng nông nghiệp, lao động nữ chiếm 56,29%) và họ, hiện đang sản xuất ra hơn 60% sản phẩm nông nghiệp. Phụ nữ nông thôn Việt Nam là một trong hai chủ thể kinh tế quan trọng nhất mang lại thu nhập cho các hộ gia đình.
Xu hướng biến đổi của phụ nữ nông thôn
Do tác động mạnh mẽ của công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), phụ nữ nông thôn đang có sự biến đổi không chỉ về vị trí, vai trò mà cả về qui mô, cơ cấu và tính chất. Trên thực tế, dòng chảy lao động từ nông thôn đến các đô thị, khu công nghiệp, trung tâm kinh tế của cả nước thời gian qua đã làm thay đổi tương đối toàn diện đội ngũ lao động nông thôn.
Tìm hiểu thực trạng lao động nông thôn gần đây, cho thấy: Đa số lao động nam - nữ, trẻ, khỏe, có trình độ học vấn ở nông thôn đã di chuyển đến tìm kiếm việc làm tại các đô thị, trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, các vùng đất mới khai thác. |
Cùng với quá trình CNH, HĐH mạnh mẽ hiện nay, lao động nữ nông thôn đang từng bước chuyển đổi việc làm của mình, từ đó sẽ làm biến đổi cơ cấu nghề nghiệp, cơ cấu thu nhập của gia đình. Đó là, tỷ lệ hộ kinh tế thuần nông sẽ giảm và hộ hỗn hợp - đa ngành nghề sẽ tăng, tỷ lệ lao động nông nghiệp sẽ giảm và tỷ lệ lao động nữ tham gia các ngành nghề thương mại, dịch vụ, thủ công nghiệp và công nghiệp ngày càng tăng. Xu hướng biến đổi trong thời gian tới là phụ nữ nông thôn sẽ ngày càng tham gia tích cực hơn vào thị trường lao động chung của cả nước, nhất là các ngành kinh tế như: thương mại - dịch vụ, công nghiệp và du lịch ở ngay nông thôn hay ở các trung tâm kinh tế lớn.
Như vậy, trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, lao động nữ nông thôn đang có những biến đổi mạnh mẽ. Hiện tại, phụ nữ nông thôn nói chung và lao động nữ nông thôn nói riêng đang có vai trò và vị trí đặc biệt trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn. Biến đổi của lao động nữ nông thôn đang diễn ra theo ba xu hướng cơ bản là: thứ nhất, nâng cao chất lượng lao động nữ nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của thời kỳ mới; thứ hai, từng bước chuyển dần từ lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, thương mại và dịch vụ; và, thứ ba, chủ động, tích cực tham gia thị trường lao động quốc tế (cả trong nước và nước ngoài).
Đặc điểm, lao động của phụ nữ nông thôn
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, phụ nữ nông thôn nước ta có một số đặc điểm sau: là lực lượng đông đảo nhất trong cơ cấu dân cư, cơ cấu lao động ở nông thôn; là nạn nhân của những hủ tục, tập quán truyền thống lạc hậu, của tệ phân biệt đối xử trọng nam, khinh nữ vẫn tồn tại thâm căn cố đế trong xã hội nông thôn; là người gánh chịu nặng nề nhất những mất mát, tai họa do hậu quả của các cuộc chiến tranh mấy chục năm qua; vừa là người sản xuất nuôi sống gia đình, vừa là người nội trợ trong gia đình, vừa là người tham gia các hoạt động quản lý, hoạt động cộng đồng; là người sinh đẻ, chăm sóc con cái, người già, người ốm trong gia đình; trình độ học vấn thấp, sự hiểu biết về kinh tế - xã hội hạn chế, ít có điều kiện tiếp cận và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, khoa học và công nghệ; ít có điều kiện thụ hưởng các giá trị văn hóa tinh thần; bất bình đẳng với nam giới trong việc tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực phát triển kinh tế gia đình, cũng không phải là người quyết định những vấn đề quan trọng của gia đình.
Bên cạnh đó, lao động nữ nông thôn có một số hạn chế: Nhìn chung vóc dáng, sức mạnh, tốc độ, sức chịu đựng áp lực kém; tính cơ động, sự thích ứng của lao động nữ nông thôn không cao, do đó khó cạnh tranh trong điều kiện thị trường lao động nhiều biến động; do gắn liền với thiên chức mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ, chăm sóc người già, người ốm, nội trợ gia đình… nên thường gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm; trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghề nghiệp, hiểu biết xã hội hạn chế; tính quyết đoán, tự chủ, nhanh nhạy, nắm bắt thời cơ, mạo hiểm, của lao động nữ nông thôn thường kém..., do đó tính cạnh trạnh khi tham gia thị trường lao động không cao...
|
Lao động nữ nông thôn có một số ưu điểm: chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu lao động nông thôn; là dạng lao động đa năng (có thể đồng thời làm tốt ở nhiều lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh, nội trợ, nuôi dạy con, chăm sóc người già, người ốm, tham gia quản lý, lãnh đạo xã hội và cộng đồng...); có mặt ở mọi loại hình lao động trong đời sống xã hội nông thôn; lao động nữ vượt trội về sự dẻo dai, bền bỉ, chăm chỉ, cần cù, kiên nhẫn; nhiều sáng tạo, năng động, khéo léo và luôn tuân thủ, phục tùng các nguyên tắc, các qui định của người sử dụng lao động và của đặc trưng ngành nghề; phù hợp với những việc làm ổn định có thu nhập chắc chắn, đều đặn;...
Vai trò và vị trí của phụ nữ nông thôn
Trong xã hội chuyển đổi và nhiều biến động hiện nay, phụ nữ nông thôn thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc cả về kinh tế, tâm lý, tinh thần cho các thành viên gia đình.
|
Trong quá trình CNH, HĐH diễn ra mạnh mẽ ở nước ta hiện nay, khi mà đa số nam giới và phụ nữ trẻ, khỏe, có trình độ học vấn đều đi tìm kiếm việc làm ở các thị trường lao động ngoài nông thôn, thì ở nông thôn, mặc dù đội ngũ lao động cơ bản là lao động nữ và với chất lượng không cao nhưng họ có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội nông thôn. Điều này được thể hiện cụ thể: Phụ nữ đang là lực lượng đông đảo nhất trong cơ cấu dân cư và cơ cấu lao động nông thôn; lao động nữ có vị trí trung tâm và đóng vai trò quyết định trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, cộng đồng ở nhiều vùng nông thôn; phụ nữ là người đảm nhiệm hầu như toàn bộ công việc nội trợ gia đình, nuôi con cái và chăm sóc người già, người ốm ở các gia đình; là người quản lý thực tế các nguồn lực gia đình, có vai trò quan trọng cùng với chồng quyết định các đầu tư, chi tiêu lớn trong sản xuất, kinh doanh, trong xây dựng nhà cửa và mua sắm các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền của gia đình; là lực lượng chủ yếu trong các lĩnh vực hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, tuyên truyền, lãnh đạo, quản lý cộng đồng; phụ nữ nông thôn vừa đóng vai trò xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực mới vừa là nguồn nhân lực trực tiếp tham gia vào quá trình biến đổi cơ cấu lao động, cơ cấu việc làm, cơ cấu ngành nghề và cơ cấu kinh tế - xã hội nông thôn. Vì vậy, có thể khẳng định họ là một chủ thể quan trọng tích cực thúc đẩy quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Phụ nữ nông thôn: thách thức và giải phápTrong điều kiện biến động về lực lượng lao động bất thường như hiện nay ở nông thôn và khi người phụ nữ nông thôn - mà cơ bản lại không phải là lực lượng lao động ưu tú - trở thành chủ nhân chính ở nông thôn thì rất nhiều gánh nặng đang chồng chất lên vai người phụ nữ. Do khối lượng công việc sản xuất, kinh doanh quá lớn, công việc nội trợ gia đình quá nhiều, việc nuôi dạy con và chăm sóc người già, người ốm... không có người chia xẻ đã buộc người phụ nữ phải làm việc quá tải, không còn thời gian dành cho cá nhân mình. Trước bối cảnh đó, phụ nữ nông thôn hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Có thể nêu một số thách thức chính sau:
1. Do cùng lúc phải đóng nhiều vai trò, nhất là vai trò thay thế nam giới hầu như trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội nông thôn nên dẫn đến một số hậu quả sau: - Lao động quá sức, không có thời gian nghỉ ngơi để phục hồi sức lao động đang ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe; - Do đời sống các gia đình nông thôn còn nghèo, phụ nữ thường là người phải hy sinh bản thân mình trong sự nghèo khổ đó; - Phụ nữ không có điều kiện học tập, giao lưu, thụ hưởng các giá trị văn hóa tinh thần..., vì vậy, trình độ văn hóa vốn đã thấp lại không có điều kiện bổ sung, nâng cao, sự hiểu biết xã hội hạn chế, lạc hậu; - Khi sức khỏe của người phụ nữ nông thôn bị suy kiệt sẽ ảnh hưởng nặng nề đến việc thực hiện chức năng sinh sản và nuôi con của chính họ...
2. Do sức khỏe kém, trình độ văn hóa thấp, sự hiểu biết xã hội hạn chế... phụ nữ nông thôn sớm muộn sẽ rơi vào các tình trạng sau: - Tự ti, mặc cảm, không hòa nhập được với sự biến đổi mạnh mẽ của đời sống kinh tế - xã hội, từ đó từng bước xa rời quá trình CNH, HĐH; - Chất lượng lao động kém không đáp ứng được nhu cầu về việc làm của CNH, HĐH; - Không có điều kiện, khả năng tham gia thị trường lao động ở các đô thị, các khu công nghiệp và thị trường lao động quốc tế; - Từng bước mất dần vai trò và vị trí của mình trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, hoạt động quản lý, lãnh đạo, cộng đồng ở nông thôn.
3. Do những thách thức nêu trên, cùng với quá trình vợ, chồng do phải bươn chải kiếm sống thường xuyên xa nhau nên những tác động tiêu cực của xã hội trong điều kiện hiện nay có thể dẫn đến nguy cơ ly hôn tăng cao, đời sống người phụ nữ trở nên bấp bênh, không được bảo đảm, bản thân người phụ nữ cũng không có điều kiện chăm sóc chồng, con... Đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với hôn nhân và gia đình nông thôn trong giai đoạn hiện nay.
Để khắc phục những thách thức nêu trên là cả một quá trình nan giải, lâu dài bởi những thách thức này về cơ bản xuất phát một cách khách quan cùng với sự vận động và biến đổi sâu sắc của nông thôn thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Quá trình này, thường tạo ra những đột biến trong sự chuyển đổi của các xã hội quá độ, điều này càng trầm trọng hơn bởi những đặc thù riêng của xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, trước mắt để hạn chế phần nào những khó khăn, cản trở đối với người phụ nữ nông thôn và góp phần tạo ra những cơ hội phát triển mới cho họ trong tương lai, cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Xây dựng, hoàn thiện chiến lược và quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách toàn diện vừa mang tính trước mắt vừa mang tính lâu dài; CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trước hết phải vì sự phát triển của nông thôn, của người dân nông thôn. Cần tạo việc làm, sử dụng lao động tại chỗ của cả lao động nam và nữ.
- Phát triển các khu công nghiệp phù hợp với tính chất và chất lượng lao động nông thôn, nhất là lao động nữ, tạo ra việc làm tại chỗ có thu nhập phù hợp, từng bước điều chỉnh và hạn chế xu hướng lao động nông thôn di cư tự do tìm kiếm việc ở các đô thị, các khu công nghiệp.
- Có chính sách ưu đãi giúp cho các gia đình nông thôn có điều kiện phát triển kinh tế gia đình - phát triển kinh tế tại chỗ. Đó là chính sách hỗ trợ vốn, thành lập tổ sản xuất hoặc công ty, phát triển trang trại, ngành nghề và sử dụng tốt nhất các nguồn lực địa phương, như lao động, đất đai, mặt nước, rừng, khoáng sản...
- Có chính sách phù hợp hướng vào tạo điều kiện và cơ hội tốt nhất cho người phụ nữ nông thôn thực hiện tốt các thiên chức của họ. Đồng thời, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hệ thống dịch vụ xã hội ở nông thôn vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người phụ nữ vừa san sẻ bớt gánh nặng công việc nội trợ gia đình. Qua đó, từng bước thay đổi quan niệm của xã hội về công việc nội trợ gia đình, và xã hội cần phải thừa nhận lao động nội trợ là một dạng lao động xã hội và mang giá trị xã hội như lao động sản xuất, kinh doanh.
- Có chính sách nâng cao trình độ dân trí nói chung, trình độ văn hóa, trình độ nhận thức và hiểu biết xã hội của người phụ nữ nông thôn, để họ có điều kiện và cơ hội ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò và chức năng quan trọng của mình trong đời sống xã hội nông thôn, đồng thời có điều kiện chủ động và tích cực tham gia vào quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
- Để người phụ nữ nông thôn ngày càng phát huy được tiềm năng sáng tạo to lớn của mình, ngày càng trở thành chủ nhân đích thực của xã hội nông thôn thời kỳ CNH, HĐH vấn đề mang ý nghĩa quyết định là những chính sách, những chương trình, kế hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn, về gia đình và người phụ nữ nông thôn cần thấm nhuần quan điểm giới. Quan điểm giới hơn lúc nào hết đó là chìa khóa cho sự tiến bộ và phát triển thực sự của phụ nữ nông thôn trong giai đoạn hiện nay./.
Nga và 7 thành viên trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thỏa thuận thành lập khu vực mậu dịch tự do  (20/10/2011)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên