UBTV Quốc hội cho ý kiến các dự án luật về tiền tệ
Việc ban hành Luật phòng, chống rửa tiền nhằm khắc phục những bất cập của các quy định pháp luật hiện hành vì Nghị định 74/2005/NĐ-CP chưa phải là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất nên chưa giải quyết được một số quy định không đồng bộ với các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, việc ban hành Luật phòng, chống rửa tiền có điều chỉnh lĩnh vực chống tài trợ khủng bố là cần thiết vì trên thực tế, tài trợ khủng bố thường gắn với các hoạt động rửa tiền. Việc điều chỉnh này không chỉ đáp ứng yêu cầu minh bạch nền tài chính quốc gia mà còn thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản, đáp ứng nhu cầu hội nhập và tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền và phòng chống tài trợ khủng bố.
Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị thể hiện rõ hơn quan điểm xây dựng luật, nhất là quan điểm về bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia, không gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Để có tính thuyết phục cao, cần có báo cáo tổng kết nêu rõ hơn thực trạng hoạt động rửa tiền và công tác phòng chống rửa tiền ở Việt Nam.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, tuy nhiên chưa nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả lĩnh vực chống tài trợ khủng bố. Về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng mở rộng phạm vi điều chỉnh như vậy sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong quá trình triển khai phòng, chống tội phạm rửa tiền và chống tài trợ khủng bố đồng thời giúp Việt Nam tuân thủ các quy định và chuẩn mực quốc tế về các lĩnh vực có liên quan.
Tuy vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu và nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc nội luật hóa các cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền là cần thiết nhưng phải phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của nước ta. Nhiều ý kiến đồng tình chỉ quy định về phòng, chống rửa tiền như tên gọi của Luật bởi tài trợ khủng bố tuy có liên quan đến rửa tiền nhưng gắn kết trực tiếp và mật thiết với hoạt động khủng bố, do đó cần quy định trong Luật phòng, chống khủng bố (đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa, dự thảo Luật đề cập vấn đề “tài trợ khủng bố” trong khi khái niệm “khủng bố” chưa được nêu rõ; mặt khác, quan niệm về khủng bố của mỗi nước là khác nhau. Tài trợ khủng bố là vấn đề có liên quan đến an ninh quốc gia trong khi mục tiêu của dự án Luật này là điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh trong lĩnh vực tài chính.
Ông Nguyễn Kim Khoa cho rằng, nhiều điểm trong dự thảo Luật chỉ liên quan đến rửa tiền chứ chưa phù hợp nội dung chống tài trợ khủng bố. Ông Nguyễn Kim Khoa và nhiều đại biểu khác đồng tình với thẩm tra của Ủy ban Kinh tế: Luật cần bảo đảm có thể áp dụng và có hiệu quả với tình hình thực tiễn của Việt Nam đồng thời trên cơ sở thực hiện tốt các khuyến cáo và cam kết quốc tế của nước ta nhưng không phải vì vậy mà xây dựng những quy định không phù hợp với thực tiễn trong nước.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đây là đạo luật xuất phát từ thực tiễn và cũng từ yêu cầu pháp lý của nước ta, cần cân nhắc kỹ việc có đưa vấn đề chống tài trợ khủng bố vào phạm vi điều chỉnh của Luật này hay nên đưa vào Luật phòng, chống khủng bố.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố là vấn đề phức tạp, có nhiều cách hiểu khác nhau. Luật cần làm rõ các khái niệm, đảm bảo tính khả thi trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình, vấn đề chống tài trợ khủng bố chỉ nên được đề cập ở một mức độ trong Luật này bởi sẽ được điều chỉnh tại Luật phòng, chống khủng bố.
Cũng trong chiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật bảo hiểm tiền gửi. Điểm đáng chú ý của dự án Luật này là hoàn thiện hơn nữa các quy định về nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi; nâng cao giá trị pháp lý của các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi nhằm giúp hoạt động này hiệu quả hơn, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, Luật xác định rõ vị trí của của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nhằm tránh chồng chéo nhiệm vụ với các cơ quan khác.
Thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, việc ban hành Luật này sẽ góp phần duy trì và nâng cao niềm tin của người gửi tiền, tăng cường giám sát hiệu quả hoạt động của các tổ chức tham gia nhận tiền gửi, tạo cơ chế xử lý minh bạch và theo nguyên tắc thị trường đồng thời tạo môi trường hoạt động bình đẳng, lành mạnh cho hệ thống ngân hàng, đảm bảo thực hiện tốt chính sách tiền tệ.
Ủy ban Kinh tế cũng đồng tình với quy định của dự thảo Luật, chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân, không bảo hiểm tiền gửi của tổ chức vì mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người dân không có điều kiện tham gia sản xuất-kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin./.
Nâng cao chất lượng tuyên truyền về công tác tổ chức xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng  (12/10/2011)
Nâng cao chất lượng tuyên truyền về công tác tổ chức xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng  (12/10/2011)
Tuyên bố chung Hà Nội: Việt Nam và Đức - Đối tác chiến lược vì tương lai  (12/10/2011)
Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa  (12/10/2011)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc  (12/10/2011)
Việt Nam – Đức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược  (11/10/2011)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển