TCCS - Huyện Ea H'Leo thành lập ngày 8-4-1980 theo Quyết định số 110/QĐ-CP của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ); có 12 đơn vị hành chính (11 xã, 1 thị trấn); số dân 123.700 người (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 40,5%); diện tích tự nhiên 132.512 ha, trong đó đất đỏ ba-zan chiếm 38% và phân bổ đều khắp. Đặc biệt, huyện có quần thể Thủy tùng, loại cây quý hiếm của thế giới cùng nhiều thác nước đẹp và những khu rừng nguyên sinh khá lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển du lịch nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung.

Gần 30 năm qua, kể từ ngày thành lập, nhất là 23 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Ea H’Leo luôn phát huy truyền thống cách mạng, từng bước đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, vượt qua khó khăn, từng bước xây dựng địa phương từ nghèo khó trở thành vùng kinh tế phát triển năng động, vùng trọng điểm sản xuất cà-phê, cao-su, hồ tiêu... của tỉnh Đắk Lắk.

Những trang sử hào hùng

Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất và con người Ea H’Leo gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Những đồ vật phát hiện qua khảo cổ cho thấy, nơi đây là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào Ê Đê và Gia Rai. Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh cách mạng, tuy thuộc nhiều đơn vị hành chính khác nhau, nhưng nhân dân các dân tộc trong huyện luôn đoàn kết, cùng quân và dân cả nước chống giặc ngoại xâm và bọn phản động lập nên những chiến công vang dội, tiêu biểu như chiến thắng đèo Cư Rê. Ngày 17-7-1954, Trung đoàn chủ lực 108 của Liên khuV, được sự phối hợp, giúp đỡ của lực lượng du kích và nhân dân địa phương, tổ chức phục kích, đánh địch trên đèo Cư Rê. Sau 3 giờ chiến đấu, ta đã làm chủ hoàn toàn trận địa, tiêu diệt 300 tên, bắt sống 200 tên, thu và phá hủy 62 xe quân sự và nhiều vũ khí quân dụng khác, xóa sổ Binh đoàn cơ động GM 100 của quân viễn chinh Pháp.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Ea H’Leo tiếp tục cùng quân và dân cả nước đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của Mỹ, ngụy; tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch, phá hủy và thu giữ nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh khác. Tiêu biểu nhất là trận đánh Cẩm Ga - Thuần Mẫn, mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng Buôn Ma Thuột. Ngày 8-3-1975, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 cùng với quân và dân huyện Ea H’Leo tiến công căn cứ Cẩm Ga và quận lỵ Thuần Mẫn, quận quan trọng nằm trên ngã 3 quốc lộ 14 và đường 7B. Sau 1 giờ 30 phút chiến đấu quyết liệt, ta giành chiến thắng hoàn toàn, diệt 219 tên, bắt sống 120 tên, thu 200 khẩu súng các loại, 18 xe quân sự... Ngày 8-3-1975 trở thành Ngày giải phóng huyện Ea H’Leo.

Từng bước phát triển kinh tế - xã hội

Sau ngày giải phóng, tình hình kinh tế - xã hội Ea H’Leo hết sức khó khăn: đất rộng, người thưa; kết cấu hạ tầng yếu kém; tiềm lực kinh tế nhỏ bé, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, phương thức sản xuất lạc hậu; côngnghiệp, tiểu, thủ công nghiệp và tỷ lệ hộ đói nghèo cao; trình độ dân trí thấp, trên 50% số người trong độ tuổi đi học mù chữ; đi lại khó khăn, trắc trở... Tuy nhiên, với truyền thống cách mạng kiên cường, nhân dân các dân tộc trong huyện đoàn kết, từng bước khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, giải quyết vấn đề Phun-rô, giữ vững thành quả cách mạng, biến vùng đất vốn hoang sơ thành quê hương trù phú với những vùng chuyên canh cà-phê, cao-su bạt ngàn; đời sống của nhân dân các dân tộc trong huyệnkhông ngừng được nâng cao.

Về kinh tế, từ một trong những địa phương nghèo và kém phát triển nhất tỉnh Đăk Lắk, nay trở thành một trong những huyện dẫn đầutoàn tỉnh với tốc độ tăng trưởng khá cao: Năm 2006 đạt 13,39%, năm 2007 đạt 15,45%, năm 2008 đạt 13,18%, năm 2009 đạt 13,43%; thu nhập bình quân đầu người năm 2007 đạt 9,9 triệu đồng; năm 2008 đạt 12,62 triệu đồng; năm 2009 đạt 13,4 triệu đồng. Tổng thu ngân sách tăng mạnh qua từng năm (năm 2006 là55.452 triệu đồng, đạt 108,78%; năm 2007 là 102.225 triệu đồng, đạt 177,86%; năm 2008 là 120.310 triệu đồng, đạt 105,64%; năm 2009 là 132.500 triệu đồng, đạt 106% kế hoạch).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; sản xuất công nghiệp tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Cụm công nghiệp Trường Thành- Ea H’Leo được hình thành và bước đầu hoạt động có hiệu quả, giải quyết việc làm cho lao động địa phương và tạo ra nguồn hàng xuất khẩu với khối lượng lớn; hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện diễn ra khá sôi động, các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển và hoạt động theo đúng định hướng. Hiện nay, huyện có 145 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 6 doanh nghiệp quốc doanh, 139 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 13 hợp tác xã và 2.400 hộ kinh doanh cá thể. Giá trị thương mại - dịch vụ năm 2009 đạt 677 tỉ đồng; kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng xây dựng và nâng cấp, bảo dưỡng. Hầu hết các tuyến đường chính của huyện đều được láng nhựa, một số tuyến đường liên xã, liên thôn, buôn cũng được nâng cấp, mở rộng, làm mới, đáp ứng khá tốt nhu cầu lưu thông, buôn bán và đi lại của nhân dân.

Về văn hóa - xã hội, mạng lưới cơ sở giáo dục được mở rộng đến các xã, thị trấn; Đến nay, toàn huyện có 63 trường học, một trung tâm giáo dục thường xuyên và một trung tâm dạy nghề, với tổng số học sinh 32.420 em; chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên. Năm 2008, có 100% số xã, thị trấn hoàn thành phổ cập trung học cơ sở, xây dựng 7 trường đạt chuẩn quốc gia; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được cải thiện, có 6 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Công tác xóa đói, giảm nghèo được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo đầu tư và thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án, nhất là Chương trình 132, 134 về giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số đời sống khó khăn, Chương trình 135, 168, 139, Chương trình trợ giá, trợ cước các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng cho đồng bào các dân tộc thiểu số... Nhờ đó, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt; bộ mặt nông thôn, buôn làng ngày càng khởi sắc; khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng trong huyện được thu hẹp. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm (năm 2005 có trên 29% hộ nghèo, năm 2006 giảm xuống còn 23%; năm 2007 giảm xuống còn hơn 17%; năm 2008 giảm xuống còn 12,9% và năm 2009 giảm xuống còn hơn 10%). Đi đôi với công tác xóa đói, giảm nghèo, huyện còn đẩy mạnh tuyên truyền vận động, khuyến khích nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu chính đáng. Đến nay, cả huyện có 3.000 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận hộ sản xuất - kinh doanh giỏi, chiếm 14% lượt hộ sản xuất kinh doanh giỏi toàn huyện.

Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh được bảo đảm và ngày càng vững mạnh. Huyện kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với củng cố và giữ vững quốc phòng - an ninh, lấy giữ vững an ninh, chính trị làm nền tảng và tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đấu tranh vô hiệu hóa nhiều âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và bọn phản động Phun-rô, giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở không ngừng được củng cố; công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng. Tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên phát triển nhanh về số lượng và bảo đảm chất lượng. Khi mới thành lập huyện, toàn Đảng bộ chỉ có 154 đảng viên, sinh hoạt ở 13 tổ chức cơ sở đảng, đến cuối năm 2009, có 2.332 đảng viên, sinh hoạt ở 49 tổ chức cơ sở đảng, không còn thôn, buôn, trường học "trắng đảng viên". Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên được củng cố và tăng cường, phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới; thường xuyên kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005, của Bộ Chính trị về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020"; thực hiện tốt cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử và của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp.

Với những thành tích xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ea H’Leo vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1984); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2009). Hiện nay, huyện và 2 xã Ea Khal, Ea Hiao đang được đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hướng tới sự phát triển bền vững

Những năm tới, hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp; tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường,... ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước khó khăn, thách thức đó, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Ea H’Leo phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng ngoan cường và những thành tích đạt được, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; chủ động thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát; bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Để hoàn thành tốt mục tiêu đó, huyện tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

- Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và cải biến kinh tế nông thôn; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh có giá trị cao, phù hợp với lợi thế và tiềm năng của từng vùng, từng địa phương. Tập trung đầu tư phát triển mạnh công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp và dịch vụ; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp Trường Thành - Ea H’Leo, gắn với giải quyết lao động và việc làm, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề nông thôn.

- Tăng cường xã hội hóa giáo dục, tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư xây dựng trường học theo hướng chuẩn hóa về cơ sở vật chất, trang thiết bị và chuyên môn; chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống quê hương, đất nước cho giáo viên và học sinh; đẩy mạnh phát triển giáo dục mầm non ở các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ở các ngành học, bậc học.

- Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội; tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu quốc gia, Nghị định số 07/NĐ-CP, của Chính phủ, về cứu trợ xã hội, Nghị quyết số 04-NQ/TU, của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thực hiện chính sách "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn"; chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với nước; ưu tiên đầu tư các thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng và nhà sinh hoạt cộng đồng cho tất cả các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa.

- Tăng cường giáo dục ý thức quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị; xây dựng, củng cố khu vực phòng thủ "cơ bản, liên hoàn, vững chắc"; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; tiếp tục triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo và Nghị định số 22 của Chính phủ.

- Tập trung xây dựng hệ thống chính trị, nhất là tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nhất là xã, thị trấn; triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 37 - CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp; phát huy dân chủ, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội./.