TCCSĐT - Theo các chuyên gia phân tích chính trị quốc tế, chiến lược mới của Mỹ để tiến hành “cuộc chiến tranh chống khủng bố” là biến thể của một chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ mà trong thời gian gần đây, được giới quân sự gọi là “chiến lược chiến tranh mạng”.

Cuộc phản công toàn diện

Ngày 6-8-2009, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Mỹ, ông Giôn Bren-nan (John Brennan), cố vấn cấp cao của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, đưa ra tuyên bố về chiến lược dài hạn của Mỹ nhằm tiến hành cuộc đấu tranh chống mạng lưới khủng bố An-ke-đa. Theo đó, Oa-sinh-tơn sẽ dựa nhiều hơn vào “sức mạnh mềm”. Hiện chưa rõ Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ dùng thuật ngữ nào để thay cho thuật ngữ “cuộc chiến tranh chống khủng bố” do cựu Tổng thống G. Bu-sơ đã từng “phát minh” ra sau vụ 11-9-2001, nhưng giới phân tích chính trị quốc tế tỏ ra chấp nhận cách tiếp cận mới của ông chủ hiện nay ở Nhà Trắng. Còn Văn phòng Nhà Trắng cho rằng, bài phát biểu của ông Giôn Bren-nan là cách lý giải đầy đủ nhất về nội dung trong chiến lược mới chống khủng bố của Mỹ, theo đó, Mỹ cần phải xem xét lại một cách căn bản phương thức tiến hành “cuộc chiến tranh chống khủng bố” mang tính toàn cầu do cựu Tổng thống G. Bu-sơ phát động.

Hiện nay, sau 8 năm “đánh vật” với cuộc chiến cam go này mà chưa mang lại chiến thắng, chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đang tập trung nỗ lực vào hang ổ của các tổ chức khủng bố ở khu vực biên giới giữa Áp-ga-ni-xtan với Pa-ki-xtan, ở Y-ê-men và Xô-ma-li. Theo hướng đó, Oa-sinh-tơn có ý định kết hợp sử dụng các đòn tiến công quân sự với các biện pháp tình báo, kinh tế, ngoại giao, chính trị, văn hoá để tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa hồi giáo cực đoan, nghĩa là kết hợp “sức mạnh cứng” với “sức mạnh mềm”. Ông Giôn Bren-nan cho rằng, đây đã không còn là “cuộc chiến tranh chống khủng bố” và lúc này, Mỹ không thể lấy cớ chống khủng bố để hành động và hiện diện ở các khu vực khác nhau trên thế giới.

Nhận xét về chiến lược mới của Oa-sinh-tơn trong thực hiện “cuộc chiến tranh chống khủng bố”, Đa-vít Li-vinh-xtơn, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Quan hệ quốc tế ở Luân Đôn (Anh), cho rằng, trong 20 năm gần đây, bản chất các cuộc xung đột đã thay đổi. Chủ nghĩa khủng bố đã toàn cầu hoá mạnh mẽ và trở thành nguy cơ thực sự đối với xã hội ở tất cả các quốc gia. Trong tình hình đó, nếu chỉ sử dụng sức mạnh quân sự là chưa đủ. Ở nhiều nước, đã xuất hiện các lực lượng và tổ chức cực đoan có thể phổ biến ảnh hưởng và liên kết khắp toàn cầu thông quan các kênh truyền thông xuyên hành tinh. Để đạt kết quả, cần sử dụng mạng thông tin toàn cầu để định hướng cho mọi người tự quyết định cách thức tạo lập cuộc sống, chứ không thể áp đặt “các giá trị” cho họ. Để đạt mục đích đó, cần sử dụng “sức mạnh mềm”, để mọi người hiểu được rằng, “hoà bình” và “dân chủ” là tốt hơn các hành động bạo loạn và xung đột. Theo nhận xét của ông Xơ-vi Ma-gen, cộng tác viên khoa học của Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia thuộc Đại học Ten A-víp (I-xra-en), chiến lược mới của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma là “cuộc phản công toàn diện trên các mặt trận chính trị, kinh tế và ngoại giao trong cuộc chiến tranh chống khủng bố”(1).

Biến thể của “chiến lược chiến tranh mạng”

Theo các chuyên gia phân tích chính trị quốc tế, chiến lược mới của Mỹ để tiến hành “cuộc chiến tranh chống khủng bố” là biến thể của một chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ mà trong thời gian gần đây, được giới quân sự gọi là “chiến lược chiến tranh mạng”. “Cuộc chiến tranh chống khủng bố” ở Áp-ga-ni-xtan và ở I-rắc, được các chuyên gia quân sự gọi là “chiến tranh chống bạo loạn”, đã làm tiêu tan sức mạnh quân sự được coi là “không có đối thủ cạnh tranh” của nước Mỹ. Hoá ra, sức mạnh quân sự “truyền thống” đã từng được mô tả trong các sách giáo khoa quân sự kinh điển và được giảng dạy trong các học viện quân sự của Mỹ, đã không giúp được gì cho các tướng lĩnh Mỹ giành chiến thắng trong các “cuộc chiến tranh chống bạo loạn” - một loại hình chiến tranh sẽ rất phổ biến trong thế kỷ XXI. Theo nhiều chuyên gia quân sự ở Mỹ, trong thời đại ngày nay, cần có một chiến lược tiến hành chiến tranh kiểu mới và họ gọi đó là chiến lược chiến tranh mạng. Như vậy, có thể nói, tư duy mới về chiến lược “cuộc chiến tranh chống khủng bố” được đúc rút từ “chiến lược chiến tranh mạng” mà Mỹ đã đưa ra áp dụng trong hai cuộc chiến tranh gần đây.

Khái niệm "chiến tranh bạo loạn" đã từng được Ép-ghe-nhi Mét-nơ (Evghenhi Messner), một nhà khoa học quân sự Nga di cư sang Mỹ, đề xuất vào đầu những năm 1960. Theo Ép-ghe-nhi Mét-nơ, "chiến tranh bạo loạn" có những đặc điểm rất mới so với các loại hình chiến tranh truyền thống, như không có đường phân giới chiến tuyến; không có ranh giới rõ ràng giữa các "đối tác" và "đối tượng"; nhận thức xã hội trở thành mục tiêu tiến công chủ yếu của các bên đối địch; không gian chiến tranh trải rộng ra trên bốn chiều, ngoài ba chiều truyền thống còn có chiều tư tưởng - tâm lý. Tuy nhiên, do hạn chế về điều kiện lịch sử, Ép-ghe-nhi Mét-nơ chưa thể mô tả một cách đẩy đủ phương pháp đối phó với những đối phương lựa chọn chiến lược "chiến tranh bạo loạn". Sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, một số chuyên gia quân sự ở Mỹ đã khắc phục khiếm khuyết này và phát triển quan niệm "chiến tranh bạo loạn" thành luận thuyết mới về chiến tranh, được gọi là "chiến tranh mạng", hoặc "chiến tranh lấy mạng làm trung tâm".

Luận thuyết chiến tranh mạng dựa trên cơ sở phân loại các chu trình phát triển lịch sử loài người thành ba thời đại: thời đại văn minh nông nghiệp, thời đại văn minh công nghiệp và thời đại văn minh thông tin. Những thời đại này được mô ta bằng những khái niệm tương ứng mang tính xã hội học là premodern, modern postmodern. Thời đại văn minh thông tin hiện nay mà loài người đang trải qua được gọi là thời đại postmodern, khi các nước phát triển cao đang chuyển dần sang thời đại hậu công nghiệp, tiếp sau thời đại văn minh công nghiệp (thời đại modern).

Khái niệm cơ bản của luận thuyết về chiến tranh mạng là "nguyên tắc mạng", thể hiện ở cơ chế trao đổi thông tin, mở rộng tối đa các hình thức sản xuất thông tin, tiếp cận thông tin, phân bố thông tin và các mối liên hệ thông tin ngược. Dựa trên nguyên tắc tổ chức mạng, đang hình thành một không gian mới, gọi là không gian thông tin, trong đó diễn ra các “chiến dịch chiến lược”, chủ yếu có nội dung tình báo, quân sự, thông tin đa phương tiện, ngoại giao, kinh tế, văn hoá - xã hội, khoa học - công nghệ và bảo đảm kỹ thuật. Các đơn vị chiến đấu, hệ thống truyền thông, bảo đảm thông tin cho chiến dịch và chiến đấu, sự hình thành dư luận xã hội, các hoạt động ngoại giao, các quá trình xã hội, tình báo và phản tình báo, tâm lý học sắc tộc, tâm lý học tôn giáo và tâm lý học cộng đồng, hoạt động bảo đảm kinh tế, v.v. được xác định như là các yếu tố phụ thuộc và gắn kết lẫn nhau trong một mạng thống nhất, trong đó không ngừng diễn ra quá trình trao đổi thông tin.

Theo quan niệm của các chuyên gia quân sự Mỹ, nhiệm vụ trung tâm của “chiến lược chiến tranh mạng” là xác định mô hình ứng xử của các đối thủ tiềm tàng, của đồng minh và bạn bè, các lực lượng trung lập trong thời bình, trong thời gian xảy ra khủng hoảng và khi có chiến tranh. Nghĩa là, xác lập quyền kiểm soát toàn bộ và tuyệt đối đối với tất cả các thành viên đang và sẽ tham gia các hoạt động chiến đấu, quản lý toàn diện các mặt hoạt động của họ trong mọi tình huống: trong điều kiện hoà bình, khi chiến tranh sắp tới gần và khi chiến tranh đang diễn ra.

Mục tiêu của “chiến lược chiến tranh mạng” của Mỹ là tước bỏ quyền hành động độc lập của các quốc gia, các dân tộc, các quân đội và các chính phủ trên thế giới, biến họ thành những mắt xích trong hệ thống vận hành đã được lập trình và có thể kiểm soát được, tiến tới kiểm soát mọi hoạt động của tất cả các chủ thể trên quy mô toàn cầu. Thực chất, đó là sự thống trị thế giới kiểu mới, trong đó hoạt động quản lý và chỉ huy không chỉ bao quát các chủ thể riêng biệt mà còn khống chế nội dung hoạt động, động cơ, hành động và ý định của các chủ thể đó. Đó là cuộc chạy đua để giành ưu thế ngay trước khi xảy ra chiến tranh.

Với “chiến lược chiến tranh mạng”, Mỹ không nhất thiết phải chiếm đóng trực tiếp, không nhất thiết phải sử dụng lực lượng quân sự một cách ồ ạt hoặc đánh chiếm lãnh thổ các quốc gia khác. Mạng là một thứ vũ khí cực kỳ linh hoạt, uyển chuyển trong thời bình và sẽ được áp dụng để kiểm soát, điều khiển các hành động bạo lực và sức mạnh quân sự trong trường hợp tối cần thiết. Trong điều kiện thời bình, mục đích của “chiến lược chiến tranh mạng” là gây ảnh hưởng đến mọi hoạt động của các chủ thể trên quy mô toàn cầu như thông tin, xã hội, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, v.v., làm cho tất cả các chủ thể trên thế giới nhận thấy khó có thể cạnh tranh với Mỹ bởi sự cạnh tranh đó không dẫn tới kết quả mong muốn. Hiện nay, một số thế lực ở Mỹ đang tiến hành “chiến tranh mạng” chống lại tất cả các quốc gia và dân tộc khác, bất kể đó là kẻ thù, bạn bè, hay các lực lượng trung lập. Trước hết, cuộc chiến tranh này đang được Mỹ thực hiện để chống lại các đối thủ tiềm tàng không đi theo quỹ đạo của Mỹ.

Một trong những nội dung “chiến tranh mạng” trên quy mô toàn cầu của Mỹ là hoạt động lôi kéo, mua chuộc các nhà chính trị, các chuyên gia, nhất là các chuyên gia phân tích, hoạch định chính sách và các chuyên gia công nghệ có thái độ ủng hộ Mỹ hiện đang hằng ngày, hằng giờ làm tham mưu, tư vấn cho các cơ quan quyền lực của chính phủ các nước trên thế giới, cũng như nhiều quỹ của Mỹ hoạt động ở nước ngoài. Các phương tiện thông tin đại chúng hằng ngày, hằng giờ "bắn phá giữ dội" vào độc giả và khán giả ở các quốc gia bằng các luồng thông tin được xây dựng theo kịch bản của Mỹ.

Dựa vào luận thuyết “chiến tranh mạng”, Mỹ đang xúc tiến thực hiện các cải cách quân sự, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống mạng tổng hợp, thống nhất, toàn diện, có quy mô toàn cầu, làm thay đổi tư duy về chiến lược quân sự. Trong hệ thống đó, các đội quân chính quy, các hoạt động tình báo, kỹ thuật và công nghệ cao, hoạt động tuyên truyền báo chí và ngoại giao, các quá trình kinh tế và sự chuyển hoá xã hội, cộng đồng dân cư, các nhóm lực lượng độc lập, v.v., tất cả liên kết với nhau thành một mạng thống nhất, không ngừng diễn ra quá trình thu thập, xử lý, phân tích, tổng hợp và truyền tải thông tin dưới vô vàn các hình thức khác nhau. Xây dựng hệ thống mạng này là nội dung quan trọng của cuộc cải cách quân sự ở Mỹ hiện nay và trong tương lai.

Trong những năm gần đây, các chuyên gia quân sự Mỹ phối hợp với Cục Các hệ thống thông tin của Bộ Quốc phòng xây dựng mạng thông tin toàn cầu của Bộ Quốc phòng, làm cơ sở chủ yếu để tiến hành “chiến tranh mạng”. Đồng thời, chủ đề “chiến tranh mạng” được thảo luận tại nhiều cuộc hội nghị và hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia Lầu Năm Góc. Đã có rất nhiều công trình của các trung tâm phân tích hàng đầu thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ tập trung nghiên cứu những nội dung khác nhau của “chiến tranh mạng”. Kết quả nghiên cứu được dùng làm cơ sở để xây dựng các lực lượng vũ trang Mỹ theo đề án mang tên "Tầm nhìn liên hợp 2020", nhằm đối phó với các mối đe doạ trong thế kỷ XXI. Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, các mối đe doạ trong thế kỷ XXI sẽ không chỉ xuất phát từ các đội quân chính quy ở các nước khác nhau mà còn từ các tổ chức khủng bố, các tổ chức tội phạm và các tổ chức khác liên kết với nhau thành cấu trúc giống như cấu trúc mạng. Những tổ chức tương tự không có sự ràng buộc rõ ràng giữa cơ quan chỉ huy và lực lượng thuộc quyền, thậm chí đôi khi không có sự chỉ huy thống nhất, nhưng lại phối hợp hoạt động thông qua các phương tiện truyền thông toàn cầu. Để thể hiện những cấu trúc mạng đặc biệt này, các chuyên gia quân sự Mỹ sử dụng khái niệm mạng nhiều thành phần, đa trung tâm thống nhất với nhau về mặt tư tưởng. Đứng trước các mối đe doạ xuất phát từ tổ chức mạng tương tự, vai trò và vị trí của các lực lượng vũ trang cũng thay đổi, trong đó sẽ phải thực hiện các chiến dịch khác với chiến tranh, yêu cầu có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức dân sự, trong đó có các tổ chức phi chính phủ và “sức mạnh mềm” đã phát huy tác dụng khá hiệu quả.

Dưới hình thức "mềm mại", “chiến tranh mạng” đã được các chuyên gia quân sự Mỹ áp dụng ở Gru-di-a, U-crai-na, Môn-đô-va và các nước cộng hoà khác trong không gian hậu Xô-viết. Cuộc "cách mạng da cam" ở U-crai-na là thí dụ điển hình về việc áp dụng phương thức “chiến tranh mạng” của Mỹ. Nhiệm vụ tách U-crai-na khỏi ảnh hưởng của nước Nga đã được thực hiện một cách quyết liệt, kiên trì, bằng cách sử dụng nhiều công cụ mà không cần sử dụng các phương pháp sức mạnh truyền thống. Trong đó, công cụ quan trọng nhất là "mạng da cam" được xây dựng theo các nguyên tắc “chiến tranh mạng”. Mỗi một thành viên tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống đầy kịch tính mùa thu năm 2004 ở Ki-ép, thủ đô U-crai-na, được kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp từ một trung tâm chỉ huy mạng. Các "chiến binh chiến tranh mạng" được điều khiển thông qua Nga, các nước châu Âu, hoặc thông qua các đòn bẩy kinh tế, tôn giáo, văn hoá, tài chính, kinh tế, các tổ chức phi chính phủ, các quỹ tài trợ, v.v.

Thất bại của các lực lượng đối lập với các “lực lượng da cam” ở U-crai-na đã được tiền định từ trước khi xảy ra cuộc "cách mạng sắc màu” ở quốc gia này. Ở U-crai-na diễn ra cuộc xung đột của các lực lượng hoàn toàn không đối xứng với nhau, trong đó các công nghệ thời đại văn minh công nghiệp tỏ ra kém hiệu quả khi phải đương đầu với các công nghệ thời đại văn minh thông tin. Liên minh “mạng da cam" ở U-crai-na đã phần nào chứng tỏ hiệu lực và tính chất nguy hiểm của chiến lược “chiến tranh mạng”. Trên con đường hướng đến sử dụng “sức mạnh mềm” để khống chế mạng toàn cầu, Mỹ đã tiến được một bước trong cuộc thử nghiệm thành công "cách mạng da cam" ở U-crai-na.

Theo các chuyên gia phân tích chính trị và quân sự ở Nga, lúc này Mỹ đang có ý định thực hiện chiến tranh mạng ở một số quốc gia khác. Mô hình “mạng đa cực” của bà An-ne-Ma-ri Xlâu-tơ (Anne-Marie Slaughter), Trưởng khoa Quan hệ quốc tế của Trường Đại học Tổng hợp Prin-xe-tơn, người hiện là cố vấn đặc trách việc hoạch định các kế hoạnh chiến lược cho Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn, là sản phẩm của “chiến lược chiến tranh mạng” được vận dụng ở cấp độ cao hơn, theo đó, chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cần phải xây dựng quan hệ liên minh và đối tác với tất cả các nước, các tổ chức và các cá nhân có chung mối quan tâm về một vấn đề cụ thể. Theo mô hình “mạng đa cực”, Mỹ phải chia tay với chủ nghĩa đơn phương đã từng chứng tỏ ít hiệu quả trong việc quản lý một thế giới trong đó Mỹ chiếm vị thế lãnh đạo.

Ngày 15-7-2009, trong bài diễn thuyết gây sự chú ý đặc biệt tại Hội đồng về các quan hệ quốc tế ở Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn đã phác họa những đường nét về tư duy mới trong chiến lược đối ngoại của Nhà Trắng trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. Tư duy mới này được đúc kết từ những thất bại của Mỹ trong thời gian hai nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống G. Bu-sơ, trong đó nội dung quan trọng nhất khẳng định, trong thế giới ngày nay có quá nhiều thách thức phức tạp có tính toàn cầu mà không một quốc gia đơn độc nào có thể hoá giải được. Vì thế, Mỹ cần có một liên minh mới rộng khắp, dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bao gồm chính phủ các nước, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ, phối hợp các nỗ lực dân sự và quân sự, tạo nên “hệ thống liên minh theo kiểu mạng”.

Một số cảnh báo đối với thế giới

“Chiến tranh mạng” đặt ra trước giới nghiên cứu chiến lược quốc phòng và chiến lược quân sự thế giới một số vấn đề cần quan tâm.

Một là, “chiến tranh mạng” đã làm lu mờ ranh giới giữa chiến tranh và hoà bình. Ngày nay, trong điều kiện hoà bình đã ẩn chứa các yếu tố và nội dung của chiến tranh. Nếu như trước đây, khi nói về "chiến tranh kinh tế", "chiến tranh thương mại", "chiến tranh văn hoá", "chiến tranh thông tin - tư tưởng", "chiến tranh ngoại giao", mọi người thường đặt hai chữ "chiến tranh" trong dấu ngoặc kép, thì ngày nay, trong thời đại “chiến tranh mạng” đã có thể bỏ dấu ngoặc kép đó đi vì những loại hình chiến tranh này thuộc nội dung một cuộc chiến tranh thực sự có tầm toàn cầu, không có ranh giới chiến tuyến, không phân biệt biên giới quốc gia, không phụ thuộc vào hoàn cảnh hoà bình hay chiến tranh. Từ đó, có thể thấy, chưa bao giờ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quốc gia có sự gắn bó mật thiết, biện chứng, phụ thuộc lẫn nhau như trong thời đại “chiến tranh mạng”. Yêu cầu củng cố quốc phòng và bảo vệ quốc gia đặt ra trước từng dự án đầu tư và hợp tác với nước ngoài, thậm chí trước từng công dân. Tư duy này đang được giới nghiên cứu và hoạt động thực tiễn ở các nước quan tâm.

Hai là,chiến tranh mạng” không phân biệt rạch ròi "đối tượng" và "đối tác". Trong đối tượng có các yếu tố đối tác, trong đối tác có các yếu tố đối tượng, không dễ gì phân biệt được. Điều này phần nào phản ánh đặc điểm của thời đại toàn cầu hoá, trong đó các quốc gia vừa hợp tác, vừa cạnh tranh.

Ba là, lực lượng chiến tranh ngày nay không đơn thuần là các đơn vị vũ trang, mà còn bao gồm cả các lực lượng phi vũ trang, thậm chí trong nhiều trường hợp, các lực lượng phi vũ trang đóng vai trò rất quan trọng. "Cách mạng da cam" và chống "cách mạng da cam" là thí dụ điển hình về phương diện này. Với cách tiếp cận đó, "diễn biến hoà bình" và chống "diễn biến hoà bình" thực sự là một cuộc chiến tranh quyết liệt diễn ra ngay trong thời bình.

Bốn là, trong tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang, ngoài sức mạnh vật thể như vũ khí, trang bị và các phương tiện vật chất cần thiết khác, cần đặc biệt chú ý xây dựng sức mạnh phi vật thể như trạng thái tư tưởng - tâm lý; kiến thức về văn hoá và tôn giáo; hiểu biết về pháp luật trong nước và quốc tế; kiến thức về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, v.v. Trong điều kiện hiện nay và trong tương lai, lực lượng vũ trang sẽ phải là lực lượng tinh nhuệ, có trình độ và kỹ năng chuyên nghiệp rất cao.

Năm là, để đối phó với “chiến tranh mạng”, cần soạn thảo “chiến lược chiến tranh mạng” và “chống chiến tranh mạng”, trong đó sử dụng sức mạnh tổng hợp của các lực lượng vũ trang, hệ thống lãnh đạo và quản lý nhà nước, các tổ chức kinh tế, thương mại, ngoại giao, khoa học - giáo dục, pháp luật, hành chính, thông tin - tuyên truyền, v.v., và sử dụng các công nghệ thời đại văn minh thông tin. Sau Mỹ, nhiều quốc gia khác đã xây dựng “chiến lược chiến tranh mạng” để đối phó với các nguy cơ đối với quốc phòng và an ninh quốc gia trong kỷ nguyên kinh tế hậu công nghiệp./.

----------------------------

(1). An-đrây Tê-rê-khốp: Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma từ bỏ “cuộc chiến tranh chống khủng bố”, Báo “Độc Lập” (Nga), số ra ngày 7-8-2009