Tắt đèn

Nhân Đăng
15:49, ngày 24-11-2008

Xin không nói chuyện "tắt đèn" theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngô Tất Tố. Chuyện cũ thời phong kiến ấy mà.

Tắt đèn ở đây là chuyện mới, chuyện thời sự, chuyện về tiết kiệm điện.

Đất nước ta đang trong quá trình điện khí hóa toàn quốc. Nhà máy điện mọc lên mỗi ngày một nhiều. Nhưng điện vẫn cứ thiếu. Thiếu cho sản xuất. Thiếu cho cả sinh hoạt. Nhất là vào mùa hè.

Cơ quan điện lực hô hào tiết kiệm. Tiền điện tính theo lũy tiến, một phần cũng là để hạn chế các hộ xài sang. Chính phủ kêu gọi sử dụng tiết kiệm điện trong các cơ quan nhà nước. Để góp phần kiềm chế lạm phát, nhiều biện pháp cắt giảm chi tiêu công đã được áp dụng, trong đó có biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Ây thế mà cái bệnh xài sang trong các cơ quan công quyền vẫn không giảm. Cơ quan càng được xây mới, càng thêm hiện đại thì điện mắc càng sáng, quạt máy và máy điều hòa nhiệt độ càng nhiều. Sự tiến bộ theo hướng văn minh là điều đáng mừng. Chỉ có cách sử dụng là chưa văn minh. Điện không mất tiền túi bỏ ra, cho nên không ít người vung tay quá trán. Dùng trong giờ làm việc đã đành, người ta còn thắp sáng ngay trong những thời gian không làm việc. Ra khỏi phòng, ít ai chịu tắt đèn, tắt quạt, tắt điều hòa nhiệt độ mặc dù đó là những động tác rất dễ làm. Ai cũng nghĩ: Đáng gì! Chỉ ra một tí thôi mà. Đi vệ sinh một chút xíu rồi trở lại. Nhưng rồi cái một tí, một chút xíu ấy thành ra nhiều tí, nhiều chút xíu. Cái không đáng gì trở thành cái rất đáng gì. Bởi đột nhiên người ta ghé lại phòng bên cạnh chuyện gẫu. Hoặc bị một cuộc làm việc nào đó bất ngờ ấp tới. Thế là điện sáng trong phòng mất toi cả buổi. Đó là chưa kể đến việc người ta quên tắt đèn sau buổi làm việc. Để mặc điện thắp khống thâu đêm suốt sáng.

Cứ tưởng tiết kiệm điện là chuyện vặt. Vặt mà ở một nước giàu có như nước Nhật Bản, một vị thủ tướng đã từng ra quyết định cho phép vào mùa hè, viên chức nhà nước đến công sở có thể mặc áo sơ mi, không thắt cà vạt để đỡ dùng các phương tiện chống nóng. Cũng có nước quy định điều hòa nhiệt độ làm mát không được đặt dưới 28oC.

Thủ trưởng cơ quan tôi là người rất nghiêm. Ông lệnh cho mọi người trong cơ quan, khi ra khỏi phòng làm việc đều phải tắt đèn, tắt quạt, tắt máy điều hòa nhiệt độ. Nhiều người hưởng ứng hoặc miễn cưỡng chấp hành. Nhưng cũng không ít người ngọt nhạt: Gì mà căng ke với nhau thế? Quá ư là "khốt-ta-bít"! Nhân đó, một anh bạn có vẻ đọc nhiều nghĩ kỹ, đã kể về một câu chuyện "khốt-ta-bít" của Lê-nin.

Chuyện rằng: Có lần một Bộ trưởng dân ủy đến phòng làm việc của Lê-nin trong điện Crem-li. Ông thấy trong phòng đèn tắt nhưng cửa vẫn mở. Nhìn vào, thấy Lê-nin vẫn đang ngồi trước bàn làm việc. Ông đánh tiếng: Sao đồng chí không bật đèn? Lê-nin trả lời: Tôi đang nghĩ.

Anh bạn tôi bình luận: Suy nghĩ chứ có phải đọc và viết đâu mà cần đèn. Rồi anh nhắc lại: Sau Cách mạng Tháng Mười, chính Lê-nin là người đề xướng quyết sách điện khí hóa toàn quốc đối với nước Nga. Và chính Người đã đưa ra công thức nổi tiếng: "Chính quyền Xô viết + điện khí hóa = chủ nghĩa xã hội". Con người ấy lại là người tiết kiệm điện đến từng ki-lô-oát/giờ, xin lỗi, đến từng oát/giờ!