TCCSĐT- Cùng với hàng nghìn ý kiến của cử tri gửi đến Quốc hội và 260 chất vấn bằng văn bản của 114 đại biểu Quốc hội ở 44 đoàn gửi đến Thủ tướng và 20 vị bộ trưởng, trưởng ngành, trong 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn đã có 122 lượt đại biểu đăng ký chất vấn và trao đổi trực tiếp tại hội trường. Điều đó nói lên sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội và quy mô của phiên chất vấn.

Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khóa XII, Quốc hội đã giành 2,5 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là hình thức giám sát tối cao, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong các hoạt động giám sát nói riêng và trong toàn bộ chương trình hoạt động của Quốc hội nói chung.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào ngày 17 và 18-11, đã có 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại hội trường, gồm: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn. Kết hợp trả lời với các bộ trưởng, trưởng ngành trong những vấn đề liên quan, có Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên. Trước khi trả lời đại biểu Quốc hội vào những vấn đề cụ thể, các bộ trưởng và trưởng ngành đã báo cáo lại kết quả giải quyết, thực hiện kiến nghị của đại biểu Quốc hội và ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XII.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời xung quanh các vấn đề: giá trị đồng tiền Việt Nam; công tác điều hành chính sách tiền tệ; mức lãi suất ngân hàng; việc triển khai chính sách cho nông dân vay vốn; việc ban hành, lưu thông đồng tiền xu; hiệu quả của gói kích cầu kinh tế; chính sách hỗ trợ lãi suất; dư nợ tín dụng; cơ chế quản lý tỷ giá ngoại hối; quỹ dự trữ ngoại hối…

Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời các vấn đề: quản lý phát triển thị trường nội địa, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam và thực hiện có hiệu quả chủ trương người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; công tác xúc tiến thương mại, điều hành xuất khẩu; công tác chống nhập siêu, đặc biệt là một số chính sách liên quan đến tiêu thụ sản phẩm nông sản như gạo, thủy sản; việc quản lý thị trường, chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; việc chưa bảo đảm được vệ sinh an toàn thực phẩm và các biện pháp khắc phục; công tác phát triển thủy điện, quy hoạch thủy điện, thực hiện quy hoạch thủy điện; việc khai thác tài nguyên khoáng sản.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời các vấn đề: đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức về chuyên môn, nâng cao đạo đức công vụ; trách nhiệm và biện pháp khắc phục hiện tượng tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách chung đối với cán bộ, công chức; trách nhiệm quản lý nhà nước và chấn chỉnh lệch lạc trong công tác thi đua, khen thưởng, bảo đảm khách quan, trung thực, đúng đối tượng, khắc phục tình trạng "xin cho", “chạy danh hiệu”; các giải pháp đột phá nâng cao hiệu quả việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời các vấn đề: công tác quản lý báo chí (báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử) và việc kiểm tra, xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật về báo chí; kiểm soát và ngăn chặn tác hại của các website có nội dung xấu, các trò chơi trực tuyến có yếu tố không lành mạnh trên lnternet; hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông nói chung và việc xây dựng các trạm thu phát sóng điện thoại di động ở những khu vục đông dân cư nói riêng.

Về cơ bản, những nội dung trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành tại kỳ họp này đã đáp ứng được yêu cầu của đông đảo cử tri và đại biểu Quốc hội. Các bộ trưởng, trưởng ngành đã phân tích, giải trình và chỉ rõ những kết quả đã đạt được cũng như những yếu kém, và nhất là đề ra những giải pháp quan trọng cần thực hiện trong thời gian tới nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực quản lý, điều hành vĩ mô và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sau phần trả lời của các bộ trưởng, trưởng ngành, sáng nay 19-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có báo cáo giải trình và trả lời chất vấn, nói rõ thêm và trực tiếp trả trước Quốc hội những vấn đề cử tri cả nước quan tâm. Báo cáo tập trung vào ba nhóm vấn đề quan trọng: Nhóm vấn đề thứ nhất: Về các giải pháp nhằm khôi phục tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhóm vấn đề thứ hai: Tập trung chỉ đạo giải quyết một số vấn đề bức xúc về xã hội. Nhóm vấn đề thứ ba: Làm tốt công tác chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện.

Đánh giá chung phiên chất vấn trong 2,5 ngày qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh những vấn đề sau:

Thứ nhất, phiên chất vấn được sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội, của cử tri và nhân dân cả nước, có sức thu hút và hấp dẫn nhất định: Trong 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, có 95% số đại biểu Quốc hội tham dự; cùng với sự tham gia của hầu hết các vị bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên của Chính phủ, kể cả Thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng không phải là đại biểu Quốc. Ngoài ra còn có sự tham gia của nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ; sự tham gia của các vị khách quý; sự quan tâm của báo chí; sự theo dõi, chứng kiến của hàng triệu cử tri và nhân dân trong cả nước qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Nội dung chất vấn lần này tiếp tục đề cập đến những vấn đề bức xúc, nóng hổi của cuộc sống, phản ánh tâm tư nguyện, vọng của nhân dân, vừa cụ thể, vừa bao quát, mang tầm vóc quốc gia, có ý nghĩa chỉ đạo thiết thực. Có thể nói, đó là những vấn đề bật lên từ thực tiễn cuộc sống mà các đại biểu Quốc hội với tâm huyết, trình độ, trách nhiệm và kinh nghiệm của mình đã cảm nhận và nắm bắt, được phản ánh thành những câu chất vấn và đối thoại tại hội trường. Cho nên, đây không phải là ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội mà chính là những vấn đề đặt ra từ thực tiễn cuộc sống.

Việc chất vấn theo nhóm vấn đề đã đem lại sự tập trung hơn, mạch lạc hơn, bớt hẳn sự dàn trải, tản mạn hoặc đề cập tới những vụ việc quá cụ thể, vụn vặt ở địa phương mà nhiều kỳ họp trước đây vẫn còn mắc phải.

Thứ hai, về không khí chất vấn: Nhìn chung, không khí chất vấn là thực sự dân chủ, thẳng thắn, có tính xây dựng và trách nhiệm cao. Những câu hỏi và trả lời đã đi vào trọng tâm, tập trung vào những vấn đề có trao đi đổi lại, có tranh luận, đối thoại rõ hơn trước. Có đại biểu trao đi đổi lại 2, 3 lần; kể cả với Thủ tướng cũng có những đại biểu trao đổi đến 2 lần.

Việc giảm bớt số lượng bộ trưởng trả lời chất vấn đã tạo điều kiện và thời gian cho việc đối thoại nhiều hơn, với sự tham gia của nhiều bộ trưởng hơn. Nhiều vị bộ trưởng có sự chuẩn bị rất nghiêm túc, công phu, cả về báo cáo kết quả thực hiện lời hứa tại kỳ họp lần trước lẫn việc trả lời chất vấn cho từng đại biểu và theo nhóm vấn đề tại kỳ họp lần này, mặc dù thời gian rất gấp. Nhiều đại biểu đã nắm đúng thực tiễn, lắng nghe ý kiến của cử tri và nghiên cứu khá sâu để có những câu hỏi sắc sảo, trao đổi đến cùng, nói hết ý kiến của mình.

Việc Thủ tướng tham dự đầy đủ các phiên chất vấn, có báo cáo và trực tiếp trả lời các câu hỏi đã làm rõ thêm nhiều vấn đề, tạo nên điểm nhấn trong phiên chất vấn rất quan trọng này. Một số bộ trưởng được mời tham gia trao đổi, trả lời cũng đã góp phần làm tăng thêm không khí sôi động trong phiên chất vấn và tạo điều kiện làm rõ thêm các vấn đề mà các bộ trưởng trực tiếp trả lời chưa có điều kiện trả lời đầy đủ.

Có thể thấy, qua chất vấn, trao đổi, thảo luận, cọ sát, một số vấn đề lớn đã được làm rõ thêm ở nhiều góc độ, gắn sát với việc làm sâu sắc thêm những vấn đề đã nêu ra thảo luận tại các phiên thảo luận trước đây về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh..., giúp chúng ta hiểu sâu hơn bản chất của vấn đề, thấy rõ hơn trách nhiệm của người được chất vấn và cả người chất vấn trên cương vị công tác của mình. Đồng thời, gợi mở thêm những giải pháp và hướng xử lý, góp phần thúc đẩy thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, khắc phục được những thiếu sót, khuyết điểm./.