1. Cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần thứ 2 giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ

Hai ứng cử viên B.Ô-ba-ma (trái)
và G.Mác-kên

Ngày 7-10-2008 diễn ra cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần thứ 2 giữa ứng cử viên Tổng thống Mỹ là Giôn Mác-kên và Ba-rắc Ô-ba-ma. Cuộc tranh luận lần này diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới trong cơn khủng hoảng nghiem trọng, còn tình hình kinh tế Mỹ trong hai tuần qua đang chuyển theo hướng có lợi cho ứng cử viên Ba-rắc Ô-ba-ma. Hiện tại, ông Ba-rắc Ô-ba-ma đang dẫn điểm trong các cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc và tại những “bang chiến trường” then chốt. Lần này, ứng cử viên Giôn Mác-kên tranh luận dưới sức ép phải tìm được thế thượng phong để vực lại cuộc chạy đua. Theo nhận xét của giới phân tích ở Mỹ, nếu không có những yếu tố bất ngờ xảy ra, ông Giôn Mác-kên đang ở trong thế thất cử. Trong bối cảnh đó, ông Giôn Mác-kên cần có một cuộc tranh luận nhằm “thay đổi cục diện cuộc chơi”. Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận ngày 7-10-2008, ông Giôn Mác-kên không tạo ra được những chuyển biến đáng kể và đây thực sự là khó khăn đối với ông. Kết quả thăm dò cho thấy ứng cử viên Ba-rắc Ô-ba-ma đã có cuộc tranh luận tốt hơn so với ông Giôn Mác-kên.

2. Diễn đàn kinh tế thế giới công bố Chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm 2008- 2009

Ngày 8-10-2008, Diễn đàn kinh tế thế giới WEF (World Economic Forum) đã công bố Chỉ số cạnh tranh toàn cầu GCI (The Global Competitiveness Index) năm 2008-2009. Theo đó, 4 nước đứng ở vị trí đứng đầu bảng xếp hạng năm 2007 là Mỹ, Thụy Sỹ, Đan Mạch và Thụy Điển vẫn duy trì được thứ hạng của mình. Còn Xinh-ga-po từ vị trí thứ 3 năm 2007 xuống vị trí thứ 5 trong năm 2008. Mặc dù có những lợi thế quy mô thị trường, sự ổn định chính trị nhưng do chỉ số lạm phát cao trong năm 2008 cùng với những hạn chế còn tồn tại trong nhiều năm về kết cấu hạ tầng, còn thiếu nhiều lực lượng lao động đã qua đào tạo v.v.. nên kinh tế Việt Nam trong năm 2008 bị hạ thấp 2 bậc so với năm 2007, chỉ được xếp thứ 70 trong tổng số 134 nền kinh tế được xếp hạng trong năm nay.

3. Các nước Mỹ La-tinh áp dụng các biện pháp chống khủng hoảng

Ngày 8-10-2008, tiếp theo các nước Mỹ La-tinh, Chính phủ Cô-lum-bia và Mê-hi-cô đã thông báo các biện pháp chống khủng hoảng tài chính và thiếu tính thanh khoản hiện nay. Cô-lum-bia quyết định rút bỏ mọi hạn chế đối với đầu tư nước ngoài, cho ứng vốn tín dụng nước ngoài của 3 năm tới và tháo khoán việc hồi vốn về nước nhằm tạo điều kiện bảo vệ Cô-lum-bia chống lại mọi rủi ro. Còn Mê-hi-cô có kế hoạch chống khủng hoảng và mời gọi đầu tư mới, đồng thời hạ chỉ tiêu tăng trưởng năm 2008 từ 2,4% xuống 2%, và năm 2009 từ 3% xuống 1,8%. Ngân hàng trung ương Bra-xin quyết định giảm các yêu cầu bắt buộc ký quỹ đối với các công ty tài chính, cho phép dành ra khoảng 10,1 tỉ USD để giảm nhẹ những hạn chế về tính thanh khoản của các ngân hàng địa phương. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ La-tinh và vùng Ca-ri-bê năm 2008 là 4,5%, và năm 2009 sẽ ở mức 3,25% do tác động của xu thế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, giá cả nguyên liệu xuống thấp và các điều kiện tín dụng bên ngoài hạn chế hơn. Theo đánh giá phân loại của World Economic Forum 2008-2009, Chi-lê đứng ở vị trí 28/134 nền kinh tế thế giới về tính cạnh tranh toàn cầu, giảm 2 bậc so với năm 2007, nhưng vẫn dẫn đầu khu vực Mỹ La-tinh, được xếp trên Pu-ê-tô Ri-cô (41), Pa-na-ma (58), Cô-xta Ri-ca (59), Mê-hi-cô (60), Bra-xin (64), Cô-lum-bia(74), Pê-ru (83), Ác-hen-ti-na (88), Vê-nê-du-ê-la (105) và Bô-li-vi-a(118).

4. Mỹ đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố

Trung tâm hạt nhân Yongbyon
 của CHDCND Triều Tiên 

Ngày 8-10-2008, CHDCND Triều Tiên tiến hành phóng các tên lửa tầm ngắn vào hải phận quốc tế trên biển Hoàng Hải trong một đợt tập trận định kỳ. Sự kiện này khiến các nước trong khu vực không khỏi lo ngại trong bối cảnh tiến trình phi hạt hạt nhân hoá đứng trước nguy cơ tan vỡ. Một quan chức quân sự cấp cao của Hàn Quốc, tướng Kim Tae-young, cho biết, ông tin Bình Nhưỡng đang cố gắng phát triển một loạiđầu đạn hạt nhân thích hợp để lắp đặt cho tên lửa. Trong khi đó, Bình Nhưỡng đưa tin chưa làm được bom đủ nhỏ để trang bị cho tên lửa. Ngày 11-10-2008, Mỹ đã đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố, đánh dấu một bước đột phá lớn trong cuộc hội đàm 6 bên về việc chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này. Quyết định này của Mỹ được đưa ra sau khi CHDCND Triều Tiên chấp nhận các đòi hỏi về thanh tra hạt nhân. Động thái này sẽ cứu vãn thoả thuận giải trừ hạt nhân đang có nguy cơ đổ vỡ, trước khi Tổng thống G.Bu-sơ rời nhiệm sở vào tháng 1-2009. Theo tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, thoả thuận về thanh tra hạt nhân và quyết định của Mỹ loại CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách đen là vì lợi ích an ninh quốc gia và phù hợp với nguyên tắc "hành động đổi lấy hành động" trong quá trình đàm phán 6 bên. Tuy nhiên, CHDCND Triều Tiên sẽ không thấy ngay lập tức những lợi ích có được khi được đưa ra khỏi “danh sách đen” vì nước này hiện vẫn chịu trừng phạt theo một số chương trình khác. Ngoài ra, CHDCND Triều Tiên vẫn có thể bị đưa trở lại vào “danh sách đen” nếu không tuân thủ thoả thuận về thanh tra hạt nhân.

5. Tổng thống G.Bu-sơ ký ban hành Hiệp định hạt nhân Mỹ - Ấn

Ngoại trưởng Mỹ Côn-đô-li-da Rai-xơ và người đồng cấp Ấn Độ Pra-nap Mu-khe-ri-ê
ký kết thoả thuận hạt nhân Mỹ - Ấn

Ngày 8-10-2008, tại Nhà Trắng, trong buổi lễ ký ban hành Hiệp định hạt nhân Mỹ - Ấn, Tổng thống G.Bu-sơ chúc mừng “mối quan hệ ngày càng phát triển giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới” và tuyên bố: “Hiệp định này gửi đi một tín hiệu cho thế giới rằng, những quốc gia đi theo con đường tiến tới dân chủ và không có hành động chuyên quyền sẽ nhận được tình cảm bạn bè từ Mỹ”. Theo Tổng thống G.Bu-sơ, Hiệp định này sẽ giúp Ấn Độ hạn chế được sự thiếu thốn năng lượng cho một nền kinh tế đang phát triển mạnh, đồng thời, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch gây biến đổi khí hậu, còn Mỹ sẽ tiếp cận được thị trường hạt nhân giàu lợi nhuận của Ấn Độ. Hiệp định cho phép Ấn Độ tiếp cận với công nghệ cao của Mỹ và nguồn hạt nhân giá rẻ, đổi lại, Liên hợp quốc có thể thanh sát một số cơ sở hạt nhân dân sự Ấn Độ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, Hiệp định sẽ làm tổn hại các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân của thế giới vì Ấn Độ là quốc gia không ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

6. Hội nghị về nền chính trị thế giới

Ngày 8-10-2008, Hội nghị về nền chính trị thế giới khai mạc tại E-vi-a (Pháp) và diễn ra trong 3 ngày. Các đại biểu tham dự thảo luận về xu thế phát triển chính trị và kinh tế thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa, tiến trình địa - chính trị và tình hình các khu vực trên thế giới. Tại Hội nghị, Tổng thống Nga Đ.Met-vê-đép đã có bài phát biểu gây sự chú ý đặc biệt về các vấn đề quan trọng nhất hiện nay trong nền chính trị và kinh tế toàn cầu, nêu rõ những thách thức nguy hiểm đối với thế giới hiện đại, trong đó có các vấn đề khắc phục khủng hoảng kinh tế thế giới; tình hình Cap-ca và việc triệu tập một Hội nghị quốc tế về an ninh. Ông Đ.Met-vê-đép khẳng định, hệ thống an ninh, chính trị, kinh tế quốc tế trong một thế giới đơn cực là không bền vững.

7. Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG)

Hội nghị thượngđỉnh SNG

Ngày 10-10-2008, Hội nghị thượng đỉnh SNG được tổ chức tại Bi-skét, thủ đô Cộng hoà Kiếc-gi-xtan. Hội nghị xem xét 20 vấn đề, trong đó quan trọng nhất là Chiến lược phát triển kinh tế SNG đến năm 2020. Sau đó, nguyên thủ các quốc gia là thành viên Tổ chức cộng đồng kinh tế Á - Âu tham dự hội nghị tập trung đàm phán về việc tăng cường nhịp độ phát triển của tổ chức, trước hết là việc thành lập Liên minh thuế quan và không gian kinh tế thống nhất. Cũng tại Bi-skét, ngày 9-10-2008, Bộ trưởng Ngoại giao các nước SNG đã có cuộc gặp để xem xét hàng loạt vấn đề quan trọng liên quan đến Cộng đồng, như bảo đảm an ninh, hợp tác trong lĩnh vực nhân văn và kinh tế. Ngoài ra, các bộ trưởng còn bàn thảo về hiệp định phối hợp hành động của các Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên SNG trong việc kiểm soát vũ khí hóa học, sinh học và phương hướng hoạt động trong năm 2009.

8. G-7 ra tuyên bố 5 điểm chống khủng hoảng

Các Bộ trưởng tài chính G-7 nhóm họp
tại Oa-sinh-tơn

Ngày 10-10-2008, Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương các nước trong Nhóm G-7, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản và Ca-na-đa, nhóm họp tại Oa-sinh-tơn nhất trí đưa ra một bản kế hoạch gồm 5 điểm nhằm cùng nhau đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính đang ngày càng lan rộng và trở nên nghiêm trọng hơn trên quy mô toàn cầu. Tuyên bố chung khẳng định, cần hành động dứt khoát và sử dụng mọi biện pháp để bảo hộ các ngân hàng và tổ chức tài chính, tránh để phá sản, có thể tập trung vốn từ các khu vực công và tư nhân. Điều này sẽ bao gồm việc phá “băng” trên các thị trường vay tín dụng và tiền tệ. Tuy nhiên, bản tuyên bố không đưa ra một bước đi cụ thể nào. Ngày 11-10-2008, Tổng thống G.Bu-sơ có cuộc hội đàm với các Bộ trưởng tài chính G-7, lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) để cùng bàn thảo về các giải pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Tổng thống G.Bu-sơ cam kết sẽ có "hành động mạnh mẽ" đối với cuộc khủng hoảng, muốn cùng các quốc gia châu Âu đưa ra một kế sách hoàn hảo nhất. Các nhà phân tích nhận xét, Hội nghị G-7 có ảnh hưởng tốt đến thị trường lãi suất, nếu họ đưa ra bảo đảm đối với những khoản vay ngắn hạn các ngân hàng.

9. Nga hoàn tất việc rút quân khỏi Gru-di-a

Binh sĩ Nga đang rút khỏi một điểm kiểm tra gần Nam Ô-xê-ti-a hôm 8-10

Ngày 10-10-2008, Cao uỷ phụ trách chính sách đối ngoại Liên minh Châu Âu xác nhận, Nga đã hoàn tất việc rút quân khỏi các vùng thuộc Gru-di-a ngoài hai lãnh thổ Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a đúng kế hoạch đã thoả thuận. Người phụ trách ngoại giao EU bày tỏ hy vọng, sự hiện diện của các quan sát viên EU tại những khu vực Nga vừa rút đi sẽ làm giảm căng thẳng, góp phần tăng cường an ninh và tôn trọng các quy định pháp luật. Đầu tháng 10-2008, các quan sát viên EU đã được triển khai ở Gru-di-a để giám sát việc Nga rút quân khỏi 12 điểm kiểm tra và một căn cứ quân sự ở vùng giáp ranh với Áp-kha-di-a và 5 điểm kiểm tra cùng một bốt an ninh thuộc khu vực giáp Nam Ô-xê-ti-a. Theo thỏa thuận ngừng bắn do Pháp làm trung gian, Nga rút hết quân đội khỏi các vùng không bị tranh chấp của Gru-di-a vào ngày 10-10-2008 và tiếp tục giữ quân đội ở Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a.

10. Nga thử tên lửa đường đạn xuyên lục địa ở Thái Bình Dương

Cảnh phóng thử tên lửa “Xi-ne-va”

Ngày 11-10-2008, Hải quân Nga phóng thử thành công đầu tiên đối với một tên lửa chiến lược có tầm bắn xuyên lục địa hướng tới các mục tiêu nằm trên đường xích đạo ở Thái Bình Dương. Đó là tên lửa “Xi-ne-va”, có nghĩa là “Màu xanh xước biển”, được phóng từ tàu ngầm hạt nhân “Tu-la” có căn cứ trên Biển Ba-ren. Tổng thống Đ.Met-vê-đép đã đích thân tới chứng kiến cuộc tập trận này. Liên Xô trước đây và Nga gần đây chỉ thử tên lửa xuyên lục địa ngắm bắn vào các mục tiêu trên trường bắn Cu-ra thuộc bán đảo Cam-chat-ca ở Viễn Đông. Đây là Lần đầu tiên trong lịch sử Hải quân Nga, mục tiêu tên lửa nằm ở vùng xích đạo Thái Bình Dương, cách xa lãnh thổ của Nga hàng ngàn km. Tên lửa “Xi-ne-va” RSM-54 được đưa vào Hải quânNga từ tháng 7-2007, thế hệ tiếp theo tên lửa chiến lược xuyên lục địa thuộc thế hệ thứ ba, sử dụng nhiên liệu lỏng, có tầm xa lên tới 8.300 km, mang theo từ 4 đến 10 đầu đạn hạt nhân có thể độc lập hướng tới các mục tiêu cách xa nhau hàng trăm ki-lô-mét. Dự kiến, trong năm 2008, lực lượng tên lửa chiến lược của Nga sẽ phóng thử ít nhất 11 tên lửa chiến lược xuyên lục địa. Năm 2009, con số này sẽ được tăng lên gấp đôi nhằm tăng cường sức mạnh hạt nhân của Nga./.