Giải pháp tài chính - tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm
TCCSĐT - Hơn 100 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, tài chính và ngân hàng trong nước đã tham gia Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp tài chính - tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm”, tổ chức ngày 10-11-2009, tại Hà Nội, do Tạp chí Ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức.
Chuẩn bị gì cho thời kỳ "hậu khủng hoảng"
Theo các chuyên gia, khủng hoảng tài chính đã dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, song những dấu hiệu tăng trưởng, phục hồi nhanh chóng trong thời gian gần đây từ các nền kinh tế lớn trên thế giới khiến chúng ta có cơ sở vững chắc để hy vọng, sự suy giảm đã chạm đáy, kinh tế thế giới đang bắt đầu bước vào thời kỳ “hậu khủng hoảng”. Bản thân nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng đang xuất hiện một số dấu hiệu phục hồi, cho dù vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn và nguy cơ khó lường, như xuất khẩu giảm, nhập siêu cao, tái lạm phát... Tuy nhiên, hiện nay chưa ai có thể nói chính xác được rằng, bao giờ cuộc khủng hoảng toàn cầu sẽ kết thúc và kinh tế thế giới phục hồi. Cho dù đã xuất hiện vài dấu hiệu ở nước này hay nước khác, ở khâu này hay khâu khác cho thấy sự tụt dốc có phần chững lại, song chưa thể nói tới sự phục hồi.
Theo các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, xử lý các vấn đề "hậu khủng hoảng" không kém phần cấp bách, phức tạp so với việc đối phó với khủng hoảng. Điều này đòi hỏi một kế hoạch tổng thể, sự tiến hành một cách chủ động, tích cực. Vì vậy, đi đôi với những biện pháp chống suy giảm kinh tế, chúng ta cần tích cực, chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho thời kỳ "hậu khủng hoảng" thông qua việc chủ động xâm nhập thị trường xuất khẩu, tạo môi trường hấp dẫn mọi nguồn vốn đầu tư và phòng, chống nguy cơ tái lạm phát.
Chủ động xâm nhập thị trường xuất khẩu: Sau khủng hoảng, sự cạnh tranh sẽ càng gay gắt vì nước nào cũng ra sức tận dụng thị trường bên ngoài sôi động trở lại để tiêu thụ sản phẩm ứ đọng, tháo gỡ khó khăn nội tại tích tụ trong cơn khủng hoảng; giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới sẽ tăng đi đôi với sản xuất, tiêu dùng trong nước và dòng vốn FDI sống động trở lại, làm nảy sinh nguy cơ tái nhập siêu cao. Để đón “lõng” những cơ hội mới mở ra trong thời kỳ "hậu khủng hoảng", theo các nhà kinh tế, có lẽ nên theo dõi sát sao và cố gắng dự báo xem nước nào và lĩnh vực nào hồi phục trước để chủ động, tranh thủ xâm nhập thị trường cho đúng lúc và đúng chỗ.
Tạo môi trường hấp dẫn mọi nguồn vốn đầu tư: Một hướng khác sẽ xuất hiện trong thời kỳ "hậu khủng hoảng" là dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài sẽ tái gia tăng. Bởi vậy, cần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn nữa, nhất là giảm tối đa các thủ tục rườm rà để gia tăng cơ hội thu hút nguồn lực này.
Phòng chống nguy cơ tái lạm phát: Một trong những vấn đề nổi lên là đề phòng khả năng lạm phát cao quay trở lại vì một loạt nhân tố. Sản xuất hồi phục, thu nhập, kể cả tiền lương đưa tới tiêu dùng gia tăng sẽ đòi hỏi thêm vốn, thêm tiền. Giá cả trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại cũng tạo lực đẩy mới. Dòng vốn nước ngoài vào nhiều hơn sẽ đặt ra yêu cầu nội tệ hoá... Vấn đề là ở chỗ, làm thế nào để vừa tiếp sức cho nền kinh tế tận dụng được những khả năng mới của thời kỳ hậu khủng hoảng, lại vừa phanh bớt các gói hỗ trợ để giảm bội chi ngân sách. Theo các chuyên gia, cần tìm ra mối tương quan hợp lý giữa chính sách nới lỏng tiền tệ để chống suy giảm kinh tế và thắt chặt lại tiền tệ để ngăn ngừa lạm phát cao.
Ưu tiên cho tái cơ cấu
Theo các nhà kinh tế, một trong những cơ sở để dự báo triển vọng kinh tế năm tới và dài hạn hơn là xác định khả năng phản ứng chính sách của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới tuy có những dấu hiệu phục hồi nhưng còn nhiều bất ổn, rủi ro và khó dự đoán. Chính phủ đã quyết định triển khai tiếp gói kích cầu thứ 2. Điều này mang lại triển vọng tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô của năm 2010 và các năm sau. Thêm vào đó, trong giai đoạn tới, phải lựa chọn ưu tiên giữa các mục tiêu cải cách dài hạn hay là chỉ nhằm mục tiêu khôi phục kinh tế ngắn hạn trước mắt, giúp cân bằng lại tình hình. Theo các chuyên gia, những nền móng của cơ cấu kinh tế nước ta đã ngày càng lộ rõ nhiều điểm yếu cơ bản, nhất là trong hai năm 2007 - 2008. Nền kinh tế đang nỗ lực cho các mục tiêu “hồi sức, cấp cứu”, ổn định ngắn hạn. Hiện nay, những mục tiêu ngắn hạn đã đạt được kết quả tích cực nhưng những điểm yếu cơ bản vẫn còn nguyên, thậm chí, xét tổng thể thì có phần còn nghiêm trọng hơn. Vì thế, sang năm 2010, nền kinh tế nước ta cần chuyển hướng ưu tiên sang nhiệm vụ tái cơ cấu. Nếu định hướng như vậy, có thể dự đoán, kinh tế Việt Nam năm sau vẫn có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, giảm thâm hụt ngân sách, giữ lạm phát ở mức 7 - 8% mà không gây áp lực quá lớn lên chính sách tiền tệ và giảm nguy cơ mất ổn định.
Triển vọng kinh tế trong năm 2010: lạc quan nhưng cần thận trọng
Về vấn đề định hướng mục tiêu ưu tiên trong năm 2010, các nhà kinh tế cho rằng, mục tiêu đầu tiên là cần phải ổn định nền kinh tế vĩ mô và tập trung vào những mục tiêu cụ thể. Theo giới chuyên gia, kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2009 có những dấu hiệu chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn yếu ớt và chưa rõ rệt. GDP quý I tăng trưởng 3,14%, sang quý II tăng 4,46%, quý III ước tăng 5,76%, quý IV dự báo tăng 6,8% và cả năm dự báo tăng khoảng 5,2. Điều đó cho thấy, trong tháng 10 và 10 tháng năm 2009, nền kinh tế nước ta mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực. Việc triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội đạt được những kết quả đáng khích lệ là kết quả của nhiều yếu tố, đáng chú ý là tác dụng của các chương trình kích cầu với tổng giá trị lên tới 8 tỉ USD mà Chính phủ đang triển khai, bao gồm các chương trình hỗ trợ lãi suất, miễn giảm, giãn một số loại thuế, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, chính sách hỗ trợ lãi suất giai đoạn đầu... đã có tác dụng tích cực trong việc bảo đảm luân chuyển tín dụng cho nền kinh tế, giúp doanh nghiệp giảm nhiều căng thẳng trong kinh doanh cũng như cải thiện hoạt động kinh doanh, của các hệ thống các ngân hàng thương mại. Trong các chương trình đang triển khai, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được xem là một trong những ưu tiên quan trọng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết, như: Nền kinh tế đang từng bước thoát khỏi thời kỳ suy giảm và lúc này, dường như mọi quan tâm đều hướng về chính sách tiền tệ: nới lỏng hay thắt chặt? Bởi chống suy giảm kinh tế và chống lạm phát trở lại là hai việc đối nghịch nhau và khó triển khai. Chống suy giảm, hiện chúng ta đã và đang thực hiện được. Nếu tiếp tục nới lỏng, tổng lượng tiền trong nền kinh tế sẽ tăng thêm trong khi các yếu tố tiềm ẩn của lạm phát như chi phí đẩy, cầu kéo vẫn còn hiện hữu và sẽ kích hoạt lạm phát trở lại. Còn nếu thắt chặt thì sản xuất chưa kịp thoát khỏi đình trệ, doanh nghiệp đã phải đối mặt với tình trạng “thiếu vốn đúng vào lúc cần vốn” và “vốn chạy lòng vòng” như từng xảy ra giữa năm 2008 do cuộc đua lãi suất.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến nhấn mạnh, trong thời gian này, Quốc hội và Chính phủ đang có những đánh giá hết sức quan trọng, và kết thúc kỳ họp này, Quốc hội sẽ có những nghị quyết quan trọng về vấn đề phát triển và quản lý kinh tế vĩ mô trong thời gian tới. Tuy nhiên, những diễn biến về kinh tế thế giới cũng như những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế đối với nước ta biến đổi rất nhanh, đang diễn ra hằng ngày và liên tục. Sau mỗi tuần, mỗi tháng, hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế, quá trình phục hồi và những triển vọng kinh tế đều có những sự đánh giá khác nhau.
Hiện nay, các đánh giá về cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cũng như những hiệu quả của các giải pháp kích thích kinh tế của Chính phủ trong năm 2009 còn có rất nhiều ý kiến khác nhau dù cho gần đây nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức xung quanh vấn đề tài chính - tiền tệ này. Phó Thống đốc Nguyễn Đình Tiến hy vọng, hội thảo này sẽ là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà kinh tế có thể đánh giá một cách có hệ thống, toàn diện, sâu sát diễn biến khủng hoảng tài chính, những nguy cơ cũng như thách thức của cuộc suy thoái kinh tế thế giới và suy giảm kinh tế Việt Nam hiện nay; đưa ra những dự báo và đặc biệt là những giải pháp ở tầm vĩ mô nhằm phục vụ việc điều hành các chính sách tài chính - tiền tệ cho nền kinh tế đất nước sau thời kỳ suy giảm, góp thêm tiếng nói với các nhà lãnh đạo, quản lý, điều hành vĩ mô trong các mục tiêu phát triển của đất nước.
Bên cạnh những vấn đề vừa nêu, các tham luận gửi tới Hội thảo và các ý kiến thảo luận trực tiếp tại Hội thảo còn tập trung phân tích, đánh giá và bàn luận những vấn đề “nóng” trong việc quản lý cũng như điều hành kinh tế, thực hiện các chính sách tài chính - tiền tệ hiện nay./.
Thông cáo số 17 Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XII  (10/11/2009)
APEC thảo luận khôi phục kinh tế và chống biến đổi khí hậu  (10/11/2009)
Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi giảm chi tiêu quân sự  (10/11/2009)
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nước G20  (10/11/2009)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam