TCCS - Từ khi khởi đầu cho đến nay, ý tưởng về cải cách hành chính ở nước ta đã có khoảng 15 năm phiêu du trong một đất nước đang thẳng tiến về hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nếu nhu cầu về một nền hành chính hiện đại là cấp thiết bao nhiêu, thì sự hy vọng sớm có một nền hành chính đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của người dân và doanh nghiệp hình như còn rất xa vời. Và đã có không ít người khi phải đối mặt với hệ thống hành chính đã sử dụng một kỹ thuật cổ xưa nhưng được hiện đại hóa: đưa phong bì. Kỹ thuật này tuy hữu hiệu nhưng, nói một cách nhẹ nhàng, là không văn minh, là phạm pháp. Trong khi đó, minh bạch lại là đòi hỏi cấp thiết của nước nhà nếu muốn bước vào sân chơi toàn cầu rộng lớn hơn.

Vậy cần làm gì trong cải cách hành chính bên cạnh một bước tiến lớn vừa đạt được là đã công khai hóa các bộ thủ tục hành chính của các bộ và các địa phương? Và việc thực thi các bộ thủ tục đó sẽ như thế nào cho đúng để giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp? (Lưu ý là hiện tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vẫn đang đề nghị một số bộ, địa phương thực hiện ngay việc rà soát 261 thủ tục hành chính đang gây bức xúc cho các doanh nghiệp như cho vay hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa...). ít nhất, ở đây cũng có hai cách tiếp cận: lớn và nhỏ trong điều kiện nước ta hiện nay.

Theo cách tiếp cận lớn, hiện nay Việt Nam cần xây dựng một triết lý phát triển căn bản để dựa vào đó mà các cải cách hành chính có thể tiến hành được. Điều này dễ hiểu vì hành lang pháp lý cùng các thủ tục thường ngày được thiết kế và vận hành nhằm đạt được các mục tiêu mà triết lý đó theo đuổi. Có nhiều điều trong triết lý này có thể đề cập tới nhưng có một điều mà triết lý phát triển này cần theo đuổi là phải hạn chế cho được sự lạm quyền của các cơ quan công quyền. Để làm điều này, trước hết bộ máy nhà nước phải có sự kiểm soát và giám sát lẫn nhau một cách hữu hiệu và không hình thức. Nếu không, chúng ta sẽ có những đoàn giám sát cồng kềnh với đủ các loại ban, ngành như hiện đang hoạt động, làm nhiều nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu. Ví dụ như đoàn giám sát các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước vừa kết thúc với các kết luận cũng khá chung chung, vô tư không muốn mếch lòng ai, khiến cho nhiều vị chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội phải bức xúc.

Tiếp đó, phải làm sao để xã hội, những tổ chức và những hoạt động không thuộc nhà nước, có thể giám sát được các hoạt động của bộ máy công quyền. Đây là điều tối quan trọng vì bộ máy công quyền được sinh ra để phục vụ xã hội, nhưng là một hệ thống tổ chức, nó cũng có những mục tiêu của riêng mình. Và với quyền lực mà xã hội trao cho, các tổ chức công quyền thường có nhiều điều kiện để theo đuổi các mục tiêu của mình, làm biến dạng hoạt động của cả hệ thống.

Cuối cùng, phải có bộ máy phân xử hoạt động hữu hiệu để bảo đảm những quy định trên thực thi trong thực tế và phán xét công bằng khi có tranh chấp. Điều này là cần thiết vì nếu không các nhóm lợi ích khác nhau với các đại diện hợp pháp của họ sẽ diễn dịch những phân xử này theo cách có lợi cho họ. Còn các nhà khoa học thì sẽ tranh luận mãi không thôi. Khi đó, sự lạm quyền của bộ máy công quyền là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động hằng ngày nảy sinh vô vàn tình huống mà sự phân xử dù khách quan và vô tư đến đâu cũng phải bó tay. Ví dụ như những tình huống thực tế đặt vào tay người hành xử trong bộ máy hành chính có thể có nhiều sự lựa chọn khác nhau và, đặc biệt là, cách hành xử nào cũng đúng theo những quy định hành chính hiện hành. Tình huống đó hiện đang được xử lý chủ yếu bằng cách kêu gọi đến đạo đức của người thừa hành công vụ. Có điều, đạo đức bao giờ cũng là khái niệm khá mềm dẻo và nhiều khi thay đổi theo hoàn cảnh. Cho nên nếu kêu gọi đạo đức là cần thiết thì một cách tiếp cận nhỏ và cụ thể cũng là cần thiết.

Hoạt động đầu tiên của cách tiếp cận nhỏ chính là những gì chúng ta đang làm: rà soát lại các quy định và thủ tục hành chính hiện hành. Sự rà soát đó cho phép xác lập lại quy trình hợp lý cần để giải quyết vấn đề. Có điều, các quy trình và thủ tục hành chính thường gắn với những đặc quyền, đặc lợi nên khiến cho sự rà soát đó lâu mà sự loại bỏ những quy trình đó còn lâu hơn. Cứ xem việc rà soát các "giấy phép con" đã gần 10 năm nay thì rõ. Có lẽ vì thế nên Thủ tướng Chính phủ mong muốn cắt giảm đi tới 30% trong các bộ thủ tục hành chính đang được công bố cũng là việc hợp tình, hợp lý.

Trong khi chờ đợi sự rà soát đó có thể sẽ rất lâu, thì có một hoạt động khác trong cách tiếp cận nhỏ này có thể làm ngay được: xác lập nguyên tắc ứng xử trong những trường hợp có nhiều cách giải quyết những tình huống mà phần nhiều đang gây bức xúc và... tốn tiền của người dân và doanh nghiệp hiện nay. Nguyên tắc này rất đơn giản nhưng cực kỳ hữu hiệu: Đó là để cho người dân và doanh nghiệp tự chọn cách giải quyết nào mà họ ưng ý nhất.

Khi đó, sẽ giảm thiểu được rất nhiều những băn khoăn của dân và doanh nghiệp vì họ sẽ có căn cứ pháp lý để bảo vệ lợi ích của mình. Mà doanh nghiệp cụ thể là gì nếu như không phải là những lợi ích mà họ phải theo đuổi. Và điều này rất quan trọng vì khi đó doanh nhân có thể có thêm thế chủ động tính được các chi phí mà họ cần phải chi trong hoạt động của doanh nghiệp và nhờ đó kế hoạch hóa được các dòng tài chính của mình. Đồng thời, lỗ hổng lớn cho tham nhũng cũng bị ngăn lại. ở đây, nếu Nhà nước không có lợi trực tiếp thì người dân và doanh nghiệp sẽ có lợi, như thế tức là xã hội sẽ có lợi. Nhưng nhất thiết không tạo cơ hội cho các viên chức hành chính tha hóa, thủ lợi bất chính.

Cải cách hành chính là một công việc lớn lao và phức tạp đòi hỏi công sức của nhiều thế hệ. Cả hai cách tiếp cận đều là cần thiết. Nhưng cách tiếp cận lớn thường chỉ được triển khai trong những hoàn cảnh thay đổi lớn còn cách tiếp cận nhỏ là những thay đổi mà chúng ta có thể làm ngay được. Chính những thay đổi hằng ngày như vậy mới góp phần tạo dựng được các điều kiện cần và đủ cho thay đổi lớn. Và lúc này cũng chính là lúc chúng ta cần triển khai cách tiếp cận nhỏ để tạo một môi trường thông thoáng hơn cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp, từng bước tạo tiền đề hiện thực cho cải cách hành chính lớn sau này./.