Một số giải pháp để Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới
TCCS - Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính, gấp rút triển khai hàng loạt các chính sách của Trung ương và thành phố, nỗ lực tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Riêng 3 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động là 4.240 đơn vị (tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019). Trong bối cảnh đó, thành phố Hà Nội thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển, như sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch (thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế); thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ: thông tin, truyền thông; thương mại điện tử; thanh toán online; giáo dục trực tuyến… Cùng với đó, thành phố triển khai hiệu quả nhiều giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19.
Kiên trì công cuộc cải cách hành chính
Cải cách hành chính của Thủ đô trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt được nhiều điểm nhấn quan trọng, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển trong xã hội, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, đời sống và an sinh xã hội được quan tâm. Thành phố Hà Nội đã trở thành điểm đến thân thiện, an toàn, tin cậy; đã tổ chức thành công nhiều sự kiện mang tầm vóc quốc tế, nhiều lĩnh vực chuyển biến tích cực, như quản lý đô thị, chiếu sáng, cây xanh. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ phát triển. Kết cấu hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh đầu tư, từng bước hình thành những yếu tố cơ bản của chính quyền điện tử và thành phố thông minh.
Công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố tiếp tục thực hiện theo hướng sâu sát, cụ thể, quyết liệt theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt” và có nhiều đổi mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả rõ rệt. Chất lượng tham mưu được nâng cao, chú trọng chiều sâu, giải quyết nhiều việc khó, việc mới, phức tạp, chưa có tiền lệ. Kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và chất lượng phục vụ nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền cải cách hành chính được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tầng lớp nhân dân về công tác cải cách hành chính.
Công tác xây dựng, ban hành và rà soát văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành thường xuyên, kịp thời, có chất lượng. Công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, rà soát, kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy trình giải quyết theo thẩm quyền và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước.
Cải cách tổ chức bộ máy được triển khai thực hiện quyết liệt, bài bản, có hệ thống và khoa học. Đây là lần kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế lớn nhất từ trước đến nay, Hà Nội là điểm sáng, một trong địa phương đầu tiên triển khai quyết liệt và thành công, được Trung ương và dư luận đánh giá cao.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ, giải quyết công việc với người dân được nâng cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được đặc biệt chú trọng. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được chuẩn hóa, có sự chuyển biến mạnh về tư duy, phong cách làm việc, trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân.
Cải cách tài chính công được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt với nhiều điểm đột phá. Việc thực hiện cơ chế tự chủ đã tạo quyền chủ động cho các cơ quan, đơn vị trong quản lý biên chế, kinh phí, góp phần động viên cán bộ, công chức, viên chức phát huy năng lực công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành của thành phố; phục vụ nhân dân, doanh nghiệp mang lại hiệu quả rõ nét. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền được quan tâm, tổ chức thường xuyên, có chiều sâu, tập trung vào những vấn đề bức xúc của người dân, doanh nghiệp, chú trọng xử lý các vấn đề sau kiểm tra, tăng cường kiểm tra đột xuất. Thành phố kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra sai phạm.
Kết quả cụ thể, năm 2019 và đầu năm 2020, công tác cải cách hành chính của thành phố Hà Nội tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Thành phố hoàn thành xây dựng và công bố 1.717 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các sở, cơ quan tương đương sở, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn (đạt 100%). Đến nay, thành phố Hà Nội đã đơn giản hóa được 481 thủ tục hành chính với số chi phí tiết giảm thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân khoảng trên 91 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, trong thời gian diễn ra đại dịch bệnh COVID-19, tổng số hồ sơ dịch vụ công mức độ 4 đạt 23,6%. Thành phố đã kết nối 48 dịch vụ công trực tuyến lên cổng dịch vụ công quốc gia. Cùng với đó, Hà Nội chủ động xây dựng kế hoạch, tiến hành triển khai khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công tại 22/22 sở, ngành, 30/30 quận, huyện, thị xã với 16.000 phiếu; khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong cung cấp 4 lĩnh vực dân sinh cơ bản: cung cấp nước sạch; vệ sinh môi trường; giáo dục; y tế, với 12.000 phiếu...
Đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
Từ năm 2014 đến nay, thành phố Hà Nội tổ chức hàng trăm chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý. Điển hình như chương trình cung cấp tín dụng giúp doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn giá, phục vụ tiêu dùng dịp lễ, tết ở Hà Nội đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Kết quả dư nợ cho vay theo Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp kể từ đầu Chương trình đến nay đạt hơn 500 nghìn tỷ đồng.
Năm 2019, trong tổng dư nợ 2.112.090 tỷ đồng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội, dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh đạt 1.891.918 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 89,42% và tăng trưởng 14,44% so với năm 2018. Dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Hà Nội hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong, sau Tết... Mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, không tính lãi suất quá hạn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Từ nay đến hết tháng 9-2020, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) sẽ triển khai chương trình lãi suất ưu đãi 6%/năm, với khách hàng là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, VietinBank cũng dành 10.000 tỷ đồng cho các khách hàng vay vốn trung, dài hạn với lãi suất chỉ từ 8,1%/năm, thời gian ưu đãi lên tới 24 tháng.
Theo kế hoạch, trong năm 2020 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua công cụ điều hành. Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống dưới 6%/năm, tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn nhiều so với trước. Không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các chương trình tín dụng còn gắn kết với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Không ngừng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và thành lập mới
Tính đến ngày 10-3, thành phố có 4.607 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 90.383 tỷ đồng, tăng 4% về số doanh nghiệp và tăng 156% về vốn so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, tính chung đến hết quý I-2020, trên toàn địa bàn thành phố có gần 290.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kết quả trên có được nhờ quá trình cải thiện môi trường kinh doanh liên tục, có hiệu quả của thành phố Hà Nội, trong đó, đáng kể nhất là việc các cấp, ngành chủ động triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Vừa qua, thành phố đã triển khai chương trình tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp, từ đào tạo nguồn nhân lực, khởi nghiệp kinh doanh đến ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại... Bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ được thực hiện từ năm 2018, như hỗ trợ phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu, phí làm con dấu cho doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh (dự kiến kinh phí hỗ trợ trong năm 2020 khoảng 40 tỷ đồng),... Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tiếp tục đề xuất trao quyền tự quyết về con dấu (số lượng, hình thức, nội dung) cho doanh nghiệp; bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu doanh nghiệp; nghiên cứu đề xuất bãi bỏ quy định doanh nghiệp phải báo cáo định kỳ 6 tháng về tình hình lao động...
Về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thành phố yêu cầu các sở, ngành tăng cường liên thông thủ tục hành chính, rút gọn đầu mối, thời gian nhận, xử lý và trả hồ sơ. Trước mắt, mở rộng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đơn giản hóa các thủ tục cho vay vốn sản xuất, kinh doanh, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, giải quyết việc làm... Đặc biệt, để triển khai hiệu quả đề án hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, thành phố miễn lệ phí môn bài và tư vấn miễn phí các thủ tục hành chính thuế trong 3 năm, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, miễn giảm tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp mới thành lập...
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động đến hầu hết các lĩnh vực, việc thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4-3-2020, về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch bệnh COVID-19 đang được các cấp, ngành của Thủ đô đẩy mạnh. Hàng loạt giải pháp được thực hiện, như không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm; hoàn thuế, gia hạn nộp thuế, giãn thời gian trả nợ, giảm lãi suất tín dụng...
Việc hỗ trợ doanh nghiệp thành lập, phát triển là hoạt động không có điểm dừng của chính quyền thành phố, và càng có ý nghĩa hơn trong giai đoạn kinh tế - xã hội gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 như hiện nay.
Nhờ có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, từ tháng 5-2020, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đã dần phục hồi, các chỉ tiêu tăng cao. Tổng sản phẩm của Hà Nội ước tăng 3,39%, mức tăng khá cao so với các tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước (đạt 1,81%)./.
Đảng bộ huyện Thanh Oai tiến hành thành công đại hội cấp cơ sở, hướng tới Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII  (23/07/2020)
Hà Nội đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân trong lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc  (15/07/2020)
Kiên trì cải cách tăng “sức sống” cho nền kinh tế Thủ đô  (15/07/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển