Hà Nội đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân trong lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc
TCCS - Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội có mối quan hệ chặt chẽ với các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, công dân và các tổ chức, các doanh nghiệp về lĩnh vực quy hoạch xây dựng, kiến trúc và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác. Vì vậy, Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác định thực hiện tốt công tác cải cách hành chính là khâu đột phá để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của tổ chức, công dân và doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần phấn đấu thực hiện, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội là cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch xây dựng, kiến trúc và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố và theo quy định của pháp luật. Nhận thức tầm quan trọng của công tác này, trong thời gian qua, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã tăng cường các giải pháp trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính và đạt được một số kết quả bước đầu rất đáng khích lệ.
Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc Chương trình số 08-Ctr/TU, ngày 26-4-2016, của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020”.
Trong những năm qua, Đảng ủy cơ quan và tập thể lãnh đạo Sở đã nghiêm túc trong triển khai, thực hiện Chương trình 08-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội, tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng sâu sát, quyết liệt; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả” và “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Theo đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có nhiều đổi mới, giải pháp đồng bộ, hiệu quả đem lại thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân theo các mô hình, như: Tăng cường công tác chỉ đạo kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân nhũng nhiễu, gây chậm trễ trong giải quyết công việc cho các cá nhân, đơn vị; khẩn trương khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành công việc. Cử cán bộ thường trực tại bộ phận “một cửa” để chủ động hướng dẫn tổ chức, công dân lập hồ sơ thủ tục hành chính, qua đó giúp cho tổ chức, công dân dễ dàng chuẩn bị đầy đủ thành phần hồ sơ, quy cách thể hiện bản vẽ, quy trình thực hiện thủ tục. Lập phiếu hướng dẫn thủ tục hành chính một lần với nội dung đầy đủ, đơn giản, giúp cho người nộp hồ sơ dễ hiểu, tiếp cận trực quan, dễ dàng thực hiện, giúp giảm nhiều thời gian lập hồ sơ và thời gian đi lại. Thực hiện hiệu quả mô hình “A lô, Sở Quy hoạch - Kiến trúc xin nghe” qua điện thoại, đường dây nóng, qua đó tiếp nhận và kịp thời xử lý thông tin, tạo được thiện cảm và niềm tin của tổ chức, công dân. Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ thủ tục hành chính qua điện thoại, email; chủ động gọi điện thoại cho tổ chức, công dân khi có kết quả giải quyết thủ tục hành chính để tổ chức, công dân chủ động thời gian, công việc.
Thứ hai, thường xuyên rà soát và kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ, xây dựng các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Thực hiện Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, ngày 8-6-2011, của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính, Kế hoạch số 244/KH-UBND, ngày 28-12-2018, của Ủy ban nhân dân Thành phố về công tác kiểm soát thủ tục hành chính năm 2019 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã ban hành Kế hoạch số 380/KH-QHKT, ngày 18-1-2019, về kiểm soát thủ tục hành chính năm 2019 tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Theo đó, Sở thường xuyên rà soát các quy định nhằm phát hiện những thủ tục hành chính không đáp ứng các tiêu chí về sự cần thiết, phù hợp, tính hợp pháp. Trên cơ sở kết quả rà soát, lập danh sách những quy định, thủ tục hành chính cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ, bãi bỏ; xây dựng phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng gọn, đơn giản, dễ thực hiện; bảo đảm 3 giảm: giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí. Trong thời gian qua, Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu điều chỉnh, đề xuất giảm thời gian giải quyết thủ tục thẩm định “Đồ án quy hoạch” từ 30 ngày làm việc xuống còn 25 ngày làm việc, thủ tục “Chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng” và “Phương án kiến trúc” từ 25 ngày giảm xuống còn 20 ngày làm việc; bãi bỏ các thủ tục hành chính về giới thiệu địa điểm quy hoạch, cung cấp thông tin quy hoạch; đồng thời, đề xuất đơn giản hóa thành phần hồ sơ, trong đó không yêu cầu nộp bản sao chứng thực, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân trong công tác chuẩn bị hồ sơ, giảm thời gian đi lại và giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính.
Thứ ba, thực hiện tốt cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính.
Thực hiện Quyết định số 5298/QĐ-UBND, ngày 4-10-2018, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, ngày 23-4-2018, của Chính phủ về thực hiện cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc ban hành Kế hoạch số 6720/KH-QHKT, ngày 31-10-2018, để thực hiện. Sở tổ chức triển khai áp dụng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong thực hiện các thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm giải quyết và chỉ đạo tổ chức thực hiện trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong điều hành quản lý nhà nước và thực hiện hành chính. Nhờ đó, chất lượng phục vụ ngày càng được nâng cao thông qua thực hiện và duy trì cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đồng thời kết hợp với thái độ phục vụ tận tình, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức đã tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các cá nhân, tổ chức đến liên hệ làm việc, lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ. Thủ tục hành chính được giải quyết kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật, công bằng, bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền. Không làm phát sinh chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân ngoài quy định của pháp luật.
Thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” cũng góp phần tăng cường năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức và cơ quan quản lý nhà nước; nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hành chính, cũng như tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức của Sở nhằm xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Mặt khác, cơ chế “một cửa liên thông” góp phần điều chỉnh mối quan hệ giữa nhân dân và công chức, tạo cơ chế giám sát, quản lý của nhân dân đối với cán bộ, công chức cơ quan nhà nước, giữa lãnh đạo với cán bộ, công chức.
Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và tổ chức, doanh nghiệp.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành công việc là một nhiệm vụ quan trọng góp phần đổi mới phương thức làm việc và nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhằm rút ngắn thời gian giải quyết và nâng cao chất lượng giải quyết công việc. Duy trì và nâng cao hiệu quả triển khai áp dụng, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào giải quyết thủ tục hành chính. Triển khai, ứng dụng nhận và gửi văn bản điện tử có chữ ký điện tử trong giao dịch hành chính và họp trực tuyến. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ việc tra cứu, tiếp nhận, xử lý, giải quyết, theo dõi tiến độ giải quyết công việc của tổ chức, công dân bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, thuận tiện, kịp thời, chính xác.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, quy hoạch kiến trúc, cung cấp thông tin quy hoạch nhằm phục vụ kịp thời, tốt nhất nhu cầu của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Hiện trạng đô thị luôn biến động trong khi nhu cầu của các cấp lãnh đạo, của các sở, ban, ngành cũng như của người dân về một thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, trật tự đã đặt ra cho các cơ quan quản lý những trách nhiệm mới và nặng nề. Đặc biệt, lĩnh vực quản lý đất đai, giao thông đô thị, quy hoạch kiến trúc, cấp thoát nước là những lĩnh vực then chốt trong quản lý kết cấu hạ tầng đô thị đang có những đòi hỏi cấp bách về việc nâng cao năng lực quản lý. Những nhiệm vụ này chỉ có thể được hoàn thành tốt nếu các công cụ quản lý tiên tiến và phù hợp được xây dựng trên nền tảng cơ sở dữ liệu không gian với độ chính xác cao, có tính đồng bộ, bảo đảm mức độ chi tiết và tính cập nhật được đưa vào khai thác sử dụng.
Thứ năm, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
Thực hiện Quyết định số 4003/QĐ-UBND, ngày 6-8-2018, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020; Kế hoạch số 117/KH-UBND, ngày 27-5-2019, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố năm 2019, Sở Quy hoạch - Kiến trúc triển khai thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân, nhằm nắm được thông tin phản ảnh về chất lượng phục vụ, thái độ, hành vi ứng xử của cán bộ, công chức Sở Quy hoạch - Kiến trúc, cũng như những yêu cầu, mong muốn của các cá nhân, tổ chức để kịp thời có biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ, chấn chỉnh những hành vi tiêu cực (nếu có) để cung cấp dịch vụ mang lại sự hài lòng ngày càng cao cho tổ chức, công dân; qua đó, xây dựng hình ảnh thân thiện của cán bộ, công chức Sở Quy hoạch - Kiến trúc và mô hình cơ quan hành chính văn minh, tiện ích; phát huy hiệu quả vai trò giám sát của công dân, tổ chức đối với công tác cải cách hành chính.
Với phương châm “Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo trong đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính”, các tổ chức, công dân đến giao dịch tại Sở được đón tiếp và hướng dẫn chu đáo, lịch sự, môi trường thân thiện, chuyên nghiệp. Đây được coi như bước đột phá trong cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Từ những kết quả đã đạt được và kinh nghiệm thực tiễn về đổi mới phương thức làm việc và nâng cao hiệu quả công việc tại cơ quan, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất một số biện pháp nhằm tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, cụ thể như sau:
Một là, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ của cơ quan, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn, trình độ chuyên nghiệp, ứng xử văn minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức làm tiêu chuẩn đánh giá hằng năm.
Hai là, tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công việc, trong đó, ứng dụng hiệu quả “Văn phòng điện tử liên thông, các dịch vụ công trực tuyến”. Công khai, minh bạch, dân chủ trong mọi hoạt động của cơ quan, đặc biệt là công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn; thi đua, khen thưởng; nâng lương trước thời hạn.
Ba là, thường xuyên rà soát và kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, các thủ tục hành chính (đặc biệt đơn giản hóa thủ tục hành chính) thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật./.
Kiên trì cải cách tăng “sức sống” cho nền kinh tế Thủ đô  (15/07/2020)
Một số kinh nghiệm từ đại hội đảng bộ cơ sở ở Hà Nội: Thành công và những bài học rút ra  (13/07/2020)
Vai trò của văn hóa công sở với sự phát triển nền hành chính công vụ ở nước ta hiện nay  (07/07/2020)
Hà Nội: Bứt phá bằng nỗ lực thu hút, kêu gọi đầu tư  (05/07/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên