Về xã hội hóa hoạt động văn học - nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay

Trần Hoài Anh
PGS,TS, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh
06:08, ngày 13-11-2019

TCCS - Văn học - nghệ thuật là một trong những thành tố tinh hoa góp phần quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống con người. Hoạt động văn học - nghệ thuật có tính quần chúng rộng rãixã hội hóa là xu hướng tất yếu, khách quan của sự phát triển văn học - nghệ thuật. 

Đường sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - một mô hình xã hội hóa hoạt động văn học - nghệ thuật hiệu quả_Nguồn: zing.vn)

Yêu cầu tất yếu

Ngay từ rất sớm, Đảng ta đã đề cao vai trò của văn hóa trong đời sống tinh thần của xã hội. Văn hóa thể hiện trình độ phát triển chung của một đất nước, dấu ấn một thời đại, là lĩnh vực sản xuất tinh thần, tạo ra những giá trị văn hóa, những công trình nghệ thuật, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, làm giàu đẹp thêm cuộc sống con người. Trong văn hóa, văn học - nghệ thuật là một lĩnh vực vô cùng đặc biệt, là một trong những hình thái ý thức xã hội chi phối rất lớn đến việc hình thành nhân cách con người. Song, để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn học - nghệ thuật của nhân dân trong tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn là một việc không đơn giản.

Vì vậy, để giải quyết vấn đề này một cách hữu hiệu, Nghị quyết số 04-NQ/HNTW về “Một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt” đã được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII thông qua ngày 14-1-1993, nêu rõ quan điểm chỉ đạo: Văn hóa, văn nghệ là sự nghiệp của toàn xã hội; phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ của Nhà nước, tập thể và cá nhân theo đường lối của Đảng và sự quản lý của Nhà nước; khắc phục tình trạng “hành chính hóa” các tổ chức văn hóa, văn nghệ. Nghị quyết này là sự mở đầu cho chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ ở nước ta và là tiền đề để Chính phủ ra Nghị quyết số 90-CP, ngày 21-8-1997, về “Phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa”. Đây là cơ sở để thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, trong đó có lĩnh vực văn học - nghệ thuật, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn học - nghệ thuật của nhân dân, là nhân tố quan trọng tác động đến sự phát triển văn học - nghệ thuật trên nhiều bình diện từ sáng tác, phân phối, tiêu dùng sản phẩm văn học - nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường.

Trong thời kỳ bao cấp, do quan niệm “nhà nước hóa” mọi hoạt động, trong đó có hoạt động văn học - nghệ thuật, nên tất cả các khâu của quá trình sản xuất văn học - nghệ thuật bao gồm sáng tác, bảo quản, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm văn học - nghệ thuật đều do các cơ quan nhà nước “độc quyền” quản lý. Trong khi văn học - nghệ thuật là một hoạt động mang tính đặc thù, đòi hỏi có sự tham gia của toàn xã hội nên cách quản lý theo kiểu “bao cấp” đã đi ngược lại với đặc thù của hoạt động văn học - nghệ thuật, dẫn đến cản trở quá trình phát triển văn học - nghệ thuật, trong đó có niềm đam mê sáng tạo của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm nhưng không có điều kiện công bố tác phẩm cho dù họ có thể tìm nguồn kinh phí hoặc tự bỏ kinh phí ra xuất bản tác phẩm bởi không được cấp phép do không nằm trong kế hoạch đã định sẵn của nền kinh tế kế hoạch hóa. Về phần Nhà nước, vì không có đủ kinh phí cấp cho các đơn vị để xuất bản tác phẩm nên dẫn đến tình trạng không đủ sản phẩm văn học - nghệ thuật đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng. Đây là nguyên nhân làm cho văn học - nghệ thuật chậm phát triển, món ăn tinh thần của công chúng có lúc thiếu thốn (thậm chí khan hiếm).

Vì vậy, muốn cho văn học - nghệ thuật phát triển, đòi hỏi phải xã hội hóa hoạt động văn học - nghệ thuật mà trước tiên là xã hội hóa quyền tổ chức và điều hành hệ thống sản xuất văn học - nghệ thuật theo hướng đa dạng hóa chủ thể quản lý, nhằm thu hút đông đảo lực lượng xã hội, tập thể và cá nhân tham gia hoạt động văn học - nghệ thuật, tổ chức, điều hành, quản lý sản xuất văn học - nghệ thuật theo đúng quy định pháp luật của Nhà nước. Xã hội hóa hoạt động văn học - nghệ thuật không phải là làm hạn chế quyền quản lý của Nhà nước về văn học - nghệ thuật mà là làm phong phú hơn, đa dạng hơn quyền quản lý của Nhà nước. Đây cũng là một phép thử đối với năng lực lãnh đạo và điều hành của các cấp quản lý văn học - nghệ thuật. Thực tế, thành tựu của hoạt động văn học - nghệ thuật từ thời kỳ đổi mới đến nay là một minh chứng đầy thuyết phục cho chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa hoạt động văn học - nghệ thuật. Đây là một quy luật tất yếu khi nền kinh tế đất nước vận hành theo cơ chế thị trường.

Điều kiện để phát triển thị trường văn học - nghệ thuật

Chủ trương xã hội hóa hoạt động văn học - nghệ thuật là chiếc “chìa khóa” mở “cánh cửa” cho văn học - nghệ thuật phát triển, khi đất nước bước vào thời kỳ kinh tế thị trường. Hoạt động văn học - nghệ thuật là hoạt động thuộc lĩnh vực tinh thần, có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để xác lập được điều đó, chúng ta đã trải qua một quá trình đổi mới tư duy nhận thức về lĩnh vực hoạt động mang tính đặc thù của văn học - nghệ thuật. Thực chất, tác phẩm văn học - nghệ thuật cũng là một sản phẩm hàng hóa, nên mang những thuộc tính thương mại của hàng hóa và chịu sự chi phối theo quy luật cung - cầu của thị trường, từ khâu in ấn, quảng bá, phân phối, tiêu dùng. Bởi nói như Te-ri I-a-glê-tôn (Terry Eagleton): “Sách không chỉ là những cấu trúc ý nghĩa, chúng cũng là hàng hóa được sản xuất bởi những nhà xuất bản và được bán trên thị trường để kiếm lợi nhuận”(1). Còn C. Mác thì cho rằng: “Một nhà văn là một công nhân không phải ở cái phạm vi anh ta sản xuất ra các tư tưởng, mà ở phạm vi anh ta làm giàu cho các nhà xuất bản, ở phạm vi anh ta đang làm việc để kiếm một đồng lương”(2). Thực tiễn sự phát triển văn học - nghệ thuật những năm qua khi chúng ta thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học - nghệ thuật đã cho thấy rõ vấn đề này.

Trong lĩnh vực sản xuất tác phẩm văn học - nghệ thuật, từ khi đa dạng hóa chủ thể quản lý cũng như đa dạng hóa các hình thức xuất bản, đặc biệt là việc liên kết giữa các nhà xuất bản với các đối tác có nhu cầu, thị trường xuất bản đã sôi động, linh hoạt hẳn lên. Nhiều ấn phẩm văn học - nghệ thuật ra đời đã đáp ứng nhu cầu của người đọc, tạo điều kiện cho họ chọn lựa sản phẩm theo yêu cầu. Đây cũng là một trong những nhân tố góp phần phát triển văn hóa đọc.

Sự năng động và linh hoạt của văn học - nghệ thuật theo xu hướng xã hội hóa còn thể hiện ở hoạt động của các nhà xuất bản và các đối tác mà phần lớn là các công ty sách đang nắm thị phần xuất bản các ấn phẩm văn học - nghệ thuật. Họ đã mạnh dạn đầu tư mua bản quyền để xuất bản tác phẩm của nhà văn, nhất là các nhà văn được bạn đọc trẻ yêu thích hoặc độc quyền xuất bản bằng cách mua bản quyền tác phẩm của các nhà văn đã có tiếng trong lòng công chúng để khai thác phục vụ bạn đọc và thực tế đã thành công.

Một hình thức hoạt động khác cũng khá ấn tượng là tổ chức hoạt động Đường sách Nguyễn Văn Bình ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hình thức hoạt động hoàn toàn xã hội hóa. Các công đoạn từ in ấn, quảng bá, phân phối, tiêu dùng các sản phẩm văn học - nghệ thuật đều do các nhà xuất bản, các đơn vị tư nhân, các nhà văn tự tổ chức và đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc trong và ngoài nước. Đường sách Nguyễn Văn Bình đã trở thành một hình mẫu cho sự phát triển văn học - nghệ thuật theo chủ trương xã hội hóa. Điều này thể hiện rõ qua doanh thu cũng như các hình thức hoạt động của các đơn vị tham gia kinh doanh trên Đường sách. Theo thống kê của báo Tuổi trẻ online, doanh thu năm 2016 của Đường sách là 26,4 tỷ đồng với số sách bán ra là 5 triệu bản và số lượt người đến Đường sách là 1,5 triệu lượt; con số này năm 2017 lần lượt là 39, 51 tỷ đồng, 746.311 bản, 2,4 triệu lượt người. Nếu trong đầu năm 2016 cả Đường sách có 4 đơn vị đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng, thì đến năm 2017 trong số 15 đơn vị tham gia có đến 12 đơn vị đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng. Ngoài doanh thu từ việc tiêu thụ sách, các sự kiện được tổ chức ở Đường sách, như giới thiệu sách, giao lưu với văn nghệ sĩ, triển lãm, trao đổi, mua bán sách, báo cũ và nhiều sự kiện khác liên quan đến văn hóa đọc cũng được tổ chức khá sôi nổi… Nếu năm 2016 có 133 sự kiện thì đến năm 2017 có 167 sự kiện được tổ chức, thu hút hàng nghìn người đến tham dự.

Bên cạnh đó còn có hoạt động hội sách được tổ chức hai năm một lần cũng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tính đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức được 10 lần hội sách, thu hút hàng triệu người đến tham quan, mua sách và tham gia các hoạt động tôn vinh văn hóa đọc. Theo báo Sài Gòn online, Hội sách lần thứ 10 năm 2018 được đánh giá là hội sách tổ chức có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 900 gian hàng (hội sách lần 9 có 800 gian hàng) với 300 nghìn đầu sách và 30 triệu bản sách được bán tại hội sách đạt doanh thu 60 tỷ đồng (tăng 20% so với hội sách lần thứ 9). Hội sách cũng thu hút hơn 1 triệu lượt người đến tham quan, mua sách và tham gia 100 sự kiện liên quan đến hoạt động văn học - nghệ thuật.

Độc giả đọc sách tại Đường sách Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu_Ảnh: baobariavungtau.com.vn

Như vậy, chỉ cần điểm qua hai hoạt động liên quan đến xuất bản, tiêu dùng các tác phẩm văn học - nghệ thuật ở Đường sách Nguyễn Văn Bình, Hội sách ở Thành phố Hồ Chí Minh chúng ta cũng thấy được hiệu quả của chủ trương xã hội hóa trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển văn học - nghệ thuật. Đến nay, việc tổ chức Đường sách và Hội sách theo mô hình của Thành phố Hồ Chí Minh đã nhân rộng ra một số tỉnh, thành, như Thủ đô Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gần đây là thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế)… và hiệu ứng của nó đối với sự phát triển văn học - nghệ thuật là điều đáng ghi nhận. Bởi, khi xem tác phẩm văn học - nghệ thuật là một sản phẩm hàng hóa chịu sự chi phối của quy luật cung - cầu của thị trường tức là phải quan tâm đến đầu vào và đầu ra của sản phẩm ấy. Vì thế, khi đã tìm được thị trường tiêu thụ thì chắc chắn sản phẩm ấy sẽ có sự tăng trưởng. Phân tích từ góc nhìn này, để thấy rằng khi vấn đề xã hội hóa hoạt động văn học - nghệ thuật đi đúng hướng thì sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của văn học - nghệ thuật.

Những định hướng phát triển

Xã hội hóa hoạt động văn học - nghệ thuật là một trong những chính sách quan trọng của Ðảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới. Hội nhập kinh tế quốc tế trong thời kỳ toàn cầu hóa, nhất là thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của đất nước, nhưng cũng là thách thức lớn. Trong quá trình hội nhập quốc tế cần nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế song song với việc phát triển văn hóa - xã hội, trong đó có văn học - nghệ thuật, góp phần phát triển bền vững đất nước. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhận thức rõ trách nhiệm xây dựng và phát triển nền văn học - nghệ thuật lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc để góp phần quan trọng tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

Xã hội hóa là yêu cầu mang tính tất yếu đối với sự phát triển của văn học - nghệ thuật, nhưng đó không phải là điều kiện duy nhất. Quan trọng hơn, cần định hướng phát triển văn học - nghệ thuật theo đúng những chuẩn mực các giá trị Chân - Thiện - Mỹ, không đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu không nhận thức đúng đắn về vấn đề xã hội hóa dễ dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý hoặc thương mại hóa các hoạt động văn học - nghệ thuật; không thấy được vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc hình thành nhân sinh quan, thế giới quan của con người, một hệ giá trị không thể thay thế trong việc góp phần xây dựng nhân cách.

Xã hội hóa các hoạt động văn học - nghệ thuật, nhưng không tuyệt đối hóa khía cạnh “hàng hóa” của nó, không xem đây là sản phẩm chỉ thuần túy để bán, kiếm lợi nhuận, sẽ dẫn đến thả nổi tác phẩm văn học - nghệ thuật. Trong thực tế, tình trạng này đã xảy ra và gây những tác hại không nhỏ. Sẽ là sai lầm khi quy mọi sản phẩm văn học - nghệ thuật vào quá trình thương mại hóa. Một số hoạt động văn học - nghệ thuật đỉnh cao, đặc thù, không thích hợp với tính chất thương mại, sẽ khó tồn tại. Bên cạnh đó, thả nổi sản phẩm văn học - nghệ thuật sẽ làm lẫn lộn thật - giả, thậm chí tạo “điều kiện” cho những sản phẩm phi đạo đức, phi nhân văn, những sản phẩm đi ngược lại với những giá trị tốt đẹp của dân tộc, của nhân loại, có cơ hội phát triển. Vì thế, việc định hướng, quản lý để phát huy những mặt tích cực của quá trình xã hội hóa hoạt động văn học - nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hạn chế những mặt tiêu cực của nó là việc làm cần thiết, mà các cấp quản lý cần đặc biệt quan tâm hiện nay.

Xã hội hóa hoạt động văn học - nghệ thuật là đánh thức các tiềm năng của xã hội, nghĩa là không chỉ huy động sự đóng góp về kinh phí mà còn phát huy tiềm năng sáng tạo của nhân dân, biến các hoạt động văn học - nghệ thuật trở thành công việc, niềm quan tâm và nuôi dưỡng của toàn xã hội. Không những thế, cần sáng tạo ra nhiều hình thức hoạt động văn học - nghệ thuật có chất lượng, phù hợp với truyền thống, phong tục, tập quán văn hóa của dân tộc. Ngoài ra, để nền văn học - nghệ thuật nói chung và một thị trường văn học nói riêng phát triển theo đúng chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước, cần nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác văn học - nghệ thuật, nhất là năng lực thích ứng với điều kiện phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.

-----------------------------

(1) Terry Eagleton (Lê Nguyên Long dịch): Chủ nghĩa Mác và phê bình văn học, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2009, tr. 109

(2) Terry Eagleton (Lê Nguyên Long dịch): Chủ nghĩa Mác và phê bình văn học, Sđd, tr. 100