Tỉnh Lai Châu: Nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn
TCCS - Lai Châu là một tỉnh biên giới thuộc vùng Tây Bắc nước ta, có diện tích lớn thứ 10/63 tỉnh, thành. Với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo, tỉnh Lai Châu đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục, khắc phục những bất cập trong hoạt động giáo dục và đào tạo, đặc biệt là giáo dục vùng đặc biệt khó khăn.
1- Từ nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu để Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giáo dục vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc và chỉ đạo các địa phương thực hiện nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, như Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012, Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011 - 2015 (Quyết định số 1640/QĐ-TTg, ngày 20-9-2011, của Thủ tướng Chính phủ), Đề án tăng cường đầu tư xây dựng ở mỗi tỉnh có ít nhất 1 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh và một số trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, trường phổ thông dân tộc bán trú nhằm thu hút được tất cả trẻ trong độ tuổi đến trường; Quyết định ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú, các chính sách ưu tiên cho phát triển giáo dục dân tộc (Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg, ngày 21-12-2010); Nghị định số 82/2010/NĐ-CP, ngày 15-7-2010, của Thủ tướng Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; Quyết định số 2123/QĐ-TTg, ngày 22-11-2010, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015; thực hiện công bằng trong xã hội và một số chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng, cho vay đi học...
Lai Châu là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc hiện có trên 430 trường các cấp học; với hơn 5.900 lớp, khoảng 133.900 học sinh, trong đó học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số hơn 116.200 em. Ngành giáo dục Lai Châu luôn xác định ưu tiên phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, tập trung hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trong đó quan tâm đầu tư phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú; tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc cấp mầm non, tiểu học... Tuy nhiên, chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn, như tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp, tỷ lệ chuyên cần còn thấp; công tác bán trú chưa chú trọng việc tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh...
Từ năm học 2016 - 2017 đến nay, ngay khi có Quyết định số 150-QĐ/TU, ngày 20-6-2016, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020”, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lai Châu đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường thuộc 75 xã đặc biệt khó khăn. Theo đó, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục, công tác quản lý được tổ chức thực hiện theo quy trình chặt chẽ, khoa học, tự chủ, như xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp; biên chế thời gian, nội dung kế hoạch dạy học; tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng; ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện trong đó chú trọng việc lựa chọn nội dung dạy học phù hợp nhận thức học sinh, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá gắn với phát triển năng lực người học. Ngoài ra còn thành lập các đoàn kiểm tra, tư vấn với cách thức từ lý thuyết gắn thực tiễn đến minh họa cụ thể.
Nhờ đó, nhận thức của nhân dân, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên, hình thành các quan điểm giáo dục hướng tới kết quả đầu ra, lấy trẻ/người học làm trung tâm, dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học... Công tác quản lý và chỉ đạo của ngành giáo dục và đào tạo dần đi vào chiều sâu, trên cơ sở áp dụng hài hòa giữa khoa học quản lý và thực tiễn. Các cấp quản lý giáo dục ý thức rõ tầm quan trọng của công tác tham mưu và nhất là công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và tổ chức nuôi dưỡng học sinh bán trú. Duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Kết quả chất lượng học tập, rèn luyện của học sinh tỉnh Lai Châu vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên rõ rệt. Cụ thể:
Về giáo dục mầm non: đạt 4/4 chỉ tiêu tăng so với năm học 2015 - 2016, huy động trẻ 0 - 2 tuổi (nhà trẻ) ra lớp 18%/17% (đạt 106% chỉ tiêu); huy động trẻ từ 3 - 5 tuổi (mẫu giáo) ra lớp 98,8%/98% (đạt 100,8% chỉ tiêu); trẻ ăn bán trú nhà trẻ 99,2%/90% (đạt 110,2% chỉ tiêu); mẫu giáo 100%/99% (đạt 101% chỉ tiêu).
Về giáo dục tiểu học: đạt 11/11 chỉ tiêu tăng so với năm học 2015 - 2016; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp 99,9%/99,5% (đạt 100,4% chỉ tiêu); trẻ 6 tuổi vào vào lớp 1 đạt 99,9%/99,8% (đạt 100,1% chỉ tiêu); chuyên cần đạt 98,1%/95% (đạt 103,2% chỉ tiêu); học sinh bỏ học chiếm 0,04%/0,05% (đạt 125% chỉ tiêu); đạt mức độ hình thành và phát triển phẩm chất 99,2%/99,1% (đạt 100,1% chỉ tiêu); học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học 99,4%/99% (đạt 100,4% chỉ tiêu).
Về giáo dục trung học cơ sở: 11/11 chỉ tiêu tăng so với năm học 2015 - 2016; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi ra lớp 93,3%/90% (đạt 103,7% chỉ tiêu); học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học vào lớp 6 đạt 98,1%/96% (đạt 102,2% chỉ tiêu), chuyên cần 92,6%/85 (đạt 108,9% chỉ tiêu); bỏ học 0,8%/1,0% (đạt 125% chỉ tiêu).
Về giáo dục trung học phổ thông: đạt 9/10 chỉ tiêu tăng so với năm học 2015 - 2016; tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học lớp 10 đạt 64,5%/60% (đạt 107,5% chỉ tiêu); chuyên cần 94%/92% (đạt 102,2% chỉ tiêu); học sinh bỏ học 1,8%/dưới 2,0% (đạt 111,1% chỉ tiêu).
Trong công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu đã tổ chức kiểm tra kiến thức chuyên môn của giáo viên các cấp học, kiểm tra kiến thức theo vị trí việc làm của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn phòng giáo dục và đào tạo thuộc vùng đặc biệt khó khăn đối với 2.591 cán bộ quản lý, giáo viên; với kết quả điểm từ 5 điểm trở lên đạt 94,4%; tỷ lệ nhà giáo biết một thứ tiếng dân tộc là 52,6% (tăng 13,5%); giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2018 đạt 75,5% số lượng giáo viên dự thi. Kết thúc năm học 2017 - 2018, 75 xã đặc biệt khó khăn có 7.653 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao.
Việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học được chú trọng nhằm nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện của học sinh. Ngoài khung nội dung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu ban hành khung nội dung, chương trình dạy học dành riêng cho học sinh có học lực trung bình và yếu kém của tỉnh nhằm từng bước nâng chất lượng giáo dục học sinh từ yếu - kém lên trung bình, từ trung bình lên khá - giỏi. Đổi mới hoạt động tổ chức dạy học phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh các trường vùng đặc biệt khó khăn, như tạo không khí lớp học nhẹ nhàng, giáo viên gợi mở, dẫn dắt tìm hiểu kiến thức theo lối gần gũi, dễ hiểu, khuyến khích động viên học sinh yếu tự tin tham gia học tập. Thực hiện đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh trong đó khuyến khích việc sử dụng hình thức trắc nghiệm trong kiểm tra.
Để bảo đảm việc ra lớp của học sinh các cấp, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường huy động học sinh ra lớp và nâng cao tỷ lệ chuyên cần; Huyện ủy, Ủy ban nhân dân các huyện bàn các giải pháp huy động học sinh ra lớp và nâng cao tỷ lệ chuyên cần; tổ chức ký cam kết, giao chỉ tiêu huy động học sinh ra lớp và nâng cao tỷ lệ chuyên cần giữa cấp trên với cơ sở; hằng tháng, hằng quý tổ chức đánh giá việc thực hiện huy động học sinh ra lớp và nâng cao tỷ lệ chuyên cần từ cơ sở đến ủy ban nhân xã, huyện và báo cáo huyện ủy. Công tác huy động học sinh ra lớp và nâng cao tỷ lệ chuyên cần được các cấp ủy đảng, chính quyền thực sự quan tâm, vào cuộc. Bên cạnh đơn vị thực hiện tốt, như huyện Than Uyên, nhiều đơn vị có sự bứt phá về cách thức tổ chức huy động và nâng cao tỷ lệ chuyên cần, tiêu biểu là huyện Nậm Nhùn.
Cùng với đó, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng, trang thiết bị dạy học được đầu tư mua sắm. Kết thúc năm học 2017 - 2018, các trường thuộc 75 xã đặc biệt khó khăn có tổng số phòng 4.353 phòng, tăng 555 phòng. Lai Châu bố trí lồng ghép các nguồn lực, nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất còn thiếu, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học; sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục. Xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch. Duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Kết quả 75/75 xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 trở lên, trong đó 8 xã duy trì đạt chuẩn mức độ 2.
Không chỉ vậy, công tác biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh tiêu biểu ở vùng đặc biệt khó khăn trong các phong trào thi đua cũng được đặc biệt quan tâm. Năm học 2017 - 2018 có 171 tập thể đạt danh hiệu lao động xuất sắc, trong đó có 83 trường vùng đặc biệt khó khăn đạt 49%, so với năm học 2015 - 2016 tăng 5%; 10/28 (35,7%) trường được tặng Cờ thi đua tỉnh; có 1/4 (25%) số trường được Chính phủ tặng cờ; 36/80 (45%) số trường được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có 4 trường vùng đặc biệt khó khăn được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”. Từ năm 2015 đến năm 2017, có 2.432 giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, biên giới được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, yếu kém nhất định, như công tác quản lý ở một số chính quyền cấp xã, đơn vị giáo dục có thời điểm chưa quyết liệt trong quá trình quản lý, chỉ đạo và thực hiện các chương trình, kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục. Triển khai thiếu đồng bộ giữa các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp trên; chưa chủ động tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục; chưa linh hoạt trong việc biên chế thời gian năm học và tổ chức các hoạt động giáo dục. Một số ít giáo viên, cán bộ quản lý yếu về kiến thức chuyên môn, phương pháp giảng dạy, kỹ năng xây dựng kế hoạch dạy học, biên soạn tài liệu dạy học, câu hỏi kiểm tra đánh giá và tổ chức các hoạt động dạy học; xử lý các tình huống chưa linh hoạt, chưa kịp thời; ngoài ra giáo viên mầm non còn thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động thu hút trẻ nên một số trẻ vùng đặc biệt khó khăn còn rụt rè, thiếu tự tin trong giao tiếp... Kết thúc năm học 2017 - 2018 còn 8 trường trung học cơ sở có tỷ lệ học sinh bỏ học cao hơn mặt bằng chung vùng đặc biệt khó khăn từ 1% đến 5% và 6 trường trung học cơ sở có học sinh xếp loại học lực từ trung bình trở lên thấp hơn mặt bằng chung vùng đặc biệt khó khăn từ 4% đến 9%. Hệ thống các công trình phục vụ cho công tác nuôi dưỡng, sinh hoạt của học sinh bán trú còn chật, còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu; các hoạt động bán trú của một số trường chưa đa dạng, chưa gắn với tâm lí lứa tuổi và rèn kỹ năng sống cho học sinh.
2- Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, trong thời gian tới Lai Châu cần triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp, trong đó tập trung vào tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục. Thực hiện đổi mới chương trình, nội dung giáo dục các cấp học; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá từ nội dung đến hình thức tổ chức, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học. Tăng quyền tự chủ, chịu trách nhiệm về nội dung giảng dạy, chất lượng giảng dạy, kế hoạch giảng dạy tới từng giáo viên... Theo đó:
Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn (Nghị quyết số 34/2016/NQ-HĐND) gắn với việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020; các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của tỉnh, sở, huyện. Tăng cường sự quản lý của chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, quán triệt, học tập và tuyên truyền đến cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và nhân dân quyết tâm phối hợp thực hiện nhằm đạt các chỉ tiêu nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn.
Hai là, thực hiện tốt sự phối kết hợp với các sở, ban, ngành, các lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể và toàn dân trong việc huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số nhất là cấp trung học cơ sở; nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy chính quyền, ban chỉ đạo phổ cập giáo dục các cấp nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Gắn việc thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia với việc nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng nông thôn mới. Tăng cường phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Ba là, các cấp quản lý chỉ đạo thực hiện linh hoạt, hợp lý biên chế năm học theo mùa vụ, phong tục tập quán, theo thời tiết và trình độ học sinh.
Bốn là, nâng cao chất lượng giáo dục và quan tâm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an ninh, an toàn và vệ sinh trường học; tổ chức tốt công tác nuôi dưỡng học sinh bán trú, nội trú; tham mưu cân đối bố trí nguồn ngân sách được giao lồng ghép với nguồn kinh phí xã hội hóa giáo dục để thực hiện hỗ trợ nuôi dưỡng cho trẻ nhà trẻ, học sinh chưa có chế độ một cách hợp lý; duy trì các hoạt động ngoại khóa thu hút học sinh đến trường; tiếp tục huy động học sinh lớp 3, 4, 5 ở các điểm trường về điểm trường trung tâm ở những nơi có điều kiện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Năm là, đổi mới công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý, chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình sách giáo khoa mới. Thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo hiệu quả công việc được giao. Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên là giáo viên. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc dạy học, kiểm tra, đánh giá phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh đáp ứng mục tiêu giáo dục; sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài dạy.
Sáu là, mở rộng quỹ đất cho các trường học trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia; hỗ trợ về đất ở cho cán bộ quản lý, giáo viên công tác nhiều năm ở vùng đặc biệt khó khăn. Tỉnh Lai Châu cần có chế độ chính sách cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở ở vùng không được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn./.
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay