Bình Định: Khai thác điều kiện tự nhiên và lịch sử - văn hóa để phát triển du lịch bền vững
Tiềm năng du lịch Bình Định: Độc đáo và hấp dẫn
Bình Định là địa phương thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên phong phú và bề dày lịch sử văn hóa, giàu tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch tìm hiểu lịch sử, văn hóa, du lịch sinh thái, khám phá, mạo hiểm,...
Về tiềm năng du lịch biển, Bình Định có 134 km bờ biển với gần một nửa số huyện, thành phố giáp biển, với những thắng cảnh, đảo, bãi tắm đẹp nổi tiếng, nhiều bãi tắm rộng hàng trăm ha, còn rất hoang sơ, cát trắng mịn thoai thoải, nước biển trong xanh, quanh năm tràn ngập ánh nắng. Có thể liệt kê hàng chục các danh thắng, bãi biển đẹp có tiềm năng phát triển mạnh loại hình du lịch biển như: Quy Nhơn, Ghềnh Ráng, Quy Hòa, Bãi Dài, bán đảo Phương Mai, đầm Thị Nại, Cù lao Xanh, Hải Giang, Nhơn Lý, Eo Gió, Phú Hậu, Trung Lương, Vĩnh Hội, Tân Thanh, Mũi Rồng - Tân Phụng, Lộ Diêu, Hoài Hương, Tam Quan Bắc… Các bãi tắm đẹp tập trung nhiều nhất là ở khu vực TP. Quy Nhơn và vùng phụ cận, rất thuận lợi cho việc lập quy hoạch và đầu tư xây dựng thành các cụm, tuyến du lịch biển tập trung, liên hoàn.
Tiềm năng du lịch lịch sử - văn hóa của Bình Định cũng rất đặc sắc. Đây là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời; là nơi phát tích của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn (thế kỷ XVIII), là quê hương của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, là nơi nuôi dưỡng tài năng nhiều nhà văn hóa lớn của đất nước… Bảo tàng Quang Trung, cùng với hàng loạt di tích về phong trào Tây Sơn là những địa chỉ du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn các nhà nghiên cứu và du khách. Nhiều công trình văn hóa vật thể và phi vật thể rất có giá trị vẫn còn được lưu giữ, bảo tồn. Đó là thành cổ Đồ Bàn cùng hệ thống Tháp Chăm gồm 8 cụm, 14 tháp với nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Là vùng đất trung tâm Phật giáo của miền Trung, hiện Bình Định có đến hơn 700 ngôi chùa. Trên địa bàn tỉnh có 234 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có hơn 60 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Bình Định còn là vùng đất có tinh thần thượng võ nổi tiếng, những màn biểu diễn võ thuật và trống trận Tây Sơn được tổ chức thường xuyên cũng là những sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của Bình Định, rất hấp dẫn du khách.
Về văn hóa, hát Bội (Tuồng), một loại hình nghệ thuật mang tính dân gian gần gũi với quần chúng, là nét văn hóa đặc thù của Bình Định. Bên cạnh đó, còn có nghệ thuật bài Chòi, một bộ môn nghệ thuật dân tộc gắn liền với vùng quê đầy gió biển, dung dị và đằm thắm. Bình Định, nơi hội tụ và giao hòa văn hóa của nhiều dân tộc anh em nên các hình thức văn hóa dân gian và lễ hội truyền thống cũng rất đa dạng và phong phú như: lễ hội Đổ Giàn, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội Đua thuyền, lễ hội chợ Gò…
Về điều kiện tự nhiên, địa hình của Bình Định đa dạng, có núi, sông, hồ và rừng tự nhiên, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đa sắc màu với nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú như: thắng cảnh Hầm Hô, hồ Núi Một, Núi Bà... Núi Phương Mai với diện tích khoảng 300ha, còn bảo tồn được hệ sinh thái tương đối phong phú với nhiều loại động, thực vật quý hiếm. Một loại hình du lịch mới thu hút và hấp dẫn du khách là đồi trượt cát bãi biển Nhơn Lý, thuộc bán đảo Phương Mai. Trên hành trình chinh phục độ cao 100m, du khách sẽ thấy sự bao la, vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ của cát, chứng kiến những doi cát được thay hình đổi dạng hằng ngày, hàng giờ bởi gió biển.Cạnh núi Phương Mai là đầm Thị Nại - một quần thể sinh thái rất phong phú và đẹp. Đây là đầm nước mặn có diện tích hơn 5.000 ha, nằm trên địa phận huyện Tuy Phước, Phù Cát và thành phố Quy Nhơn . Vắt ngang qua đầm là cây cầu Thị Nại nổi tiếng dài gần 2,5 km nối liền trung tâm thành phố Quy Nhơn và Khu kinh tế Nhơn Hội. Điều kiện tự nhiên của tỉnh rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, leo núi, nghỉ dưỡng...
Ngoài ra, Bình Định có hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, liên hoàn, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đặc biệt là đường biển. Cảng Quy Nhơn là một trong những cảng biển lớn của cả nước, đủ khả năng đón các tàu du lịch cỡ lớn. Thời gian qua, cảng Quy Nhơn đã đón nhiều tàu du lịch, đưa hàng ngàn du khách quốc tế lên bờ để tham quan các di tích, danh thắng nổi tiếng trong tỉnh. Việc đầu tư xây dựng mới nhà ga sân bay, tăng tần suất các chuyến bay đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.
Khai thác tiềm năng du lịch: Những kết quả bước đầu
Để khai thác tiềm năng du lịch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bình Định đã đề ra những giải pháp phát triển du lịch dài hạn, căn cơ. Tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch nói riêng, phát triển kinh tế xã hội nói chung. Bộ mặt các khu đô thị, các điểm đến du lịch, cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch Bình Định đã có sự phát triển và thay đổi khá toàn diện. Nhiều khách sạn, resort cao cấp và các cơ sở lưu trú đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của du khách. Để thu hút các nhà đầu tư, Bình Định có chủ trương tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt hấp dẫn để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế vào phát triển du lịch. Đồng thời, ngành du lịch thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giới thiệu rộng rãi tiềm năng du lịch, các dự án, chính sách phát triển du lịch địa phương đến đông đảo du khách, các nhà đầu tư kinh doanh du lịch trong và ngoài nước. Đến nay, đã có rất nhiều nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào lĩnh vực du lịch của tỉnh. Nhiều dự án du lịch lớn đang được triển khai xây dựng khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ tạo nên những “điểm nhấn”, sức hút mới cho du lịch, góp phần cho du lịch Bình Định phát triển nhanh, bền vững, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
UBND tỉnh cũng có kế hoạch đầu tư, tu bổ, nâng cấp một số di tích trọng điểm như: mở rộng Bảo tàng Quang Trung, xây dựng lại Bảo tàng tổng hợp tỉnh, xây dựng thêm một Bảo tàng Chăm. Tiến hành quy hoạch các làng nghề truyền thống: gỗ mỹ nghệ, chằm nón, nấu rượu Bầu Đá, làm bún Song Thằn.. để phục vụ du lịch. Mặt khác, tỉnh cũng quyết định ưu tiên khai thác mở rộng thị trường du lịch truyền thống, phát triển đa dạng các loại hình du lịch như du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái...; tập trung xây dựng các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng, phát huy các giá trị tài nguyên du lịch biển, tài nguyên nhân văn, đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với văn hóa, dựa vào các yếu tố văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch, chú trọng vào thị trường khách cao cấp, tổ chức quảng bá xúc tiến có trọng tâm để tạo dựng hình ảnh du lịch Bình Định - điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Duy trì tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch lớn như: Festival Tây Sơn - Bình Định, Liên hoan quốc tế võ cổ truyền, Festival Lâm sản Bình Định… nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang tính đặc trưng, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng du khách.
Tỉnh đang gấp rút triển khai Đề án phát triển du lịch thành phố Quy Nhơn năm 2017, với các giải pháp thiết thực như: Đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường ven biển Xuân Diệu; xây dựng hệ thống nhà tắm, nhà vệ sinh công cộng ngầm đạt chuẩn dọc bờ biển Quy Nhơn; quy hoạch, xây dựng các bãi đậu xe; xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng homestay ở các xã Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng; khai thác và bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể qua các hoạt động biểu diễn bài chòi, thi đấu võ cổ truyền…
Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện tối đa cho việc đầu tư phát triển du lịch, tỉnh Bình Định đã đẩy mạnh quảng bá tiềm năng du lịch, thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này. Với những nỗ lực không ngừng cùng những lợi thế sẵn có, du lịch Bình Định thời gian qua đã có sự phát triển ấn tượng.
Năm 2016, ngành du lịch của tỉnh Bình Định đón hơn 3,2 triệu lượt khách đến tham quan (tăng 23% so với năm 2015), trong đó có hơn 265.000 lượt khách quốc tế (tăng 24%); tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 1.450 tỷ đồng (tăng hơn 26%). Trong 6 tháng đầu năm 2017, đã có khoảng 1,9 triệu lượt khách du lịch đến với Bình Định, tổng doanh thu từ lĩnh vực này đạt gần 1.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng đợt nghỉ lễ Ngày Giải phóng miền Nam và Quốc tế lao động năm 2017, tổng lượng khách đăng ký tại các cơ sở lưu trú du lịch ở thành phố Quy Nhơn đã đạt khoảng 12.500 lượt khách, tăng 43%; tổng khách du lịch tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh trong dịp lễ này là gần 45.000 lượt khách, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016. Một trong những lý do khiến cho du khách ưa chuộng đến với Bình Định vì cảm giác yên bình, sạch đẹp, thiên nhiên hùng vĩ và các món ăn phong phú với chi phí hợp lý. Nhiều địa điểm du lịch biển đảo xung quanh thành phố Quy Nhơn đã tạo nên cơn sốt khám phá trong giới trẻ Việt Nam như: biển Kỳ Co, biển Trung Lương, đảo Hòn Khô, đảo Cù Lao Xanh…
Bên cạnh những kết quả ấn tượng thời gian qua, ngành du lịch Bình Định cũng đã và đang bộ lộ những hạn chế cần sớm khắc phục.
Trước hết là hệ thống các cơ sở lưu trú còn hạn chế về số lượng, chất lượng cũng chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, nhất là trong những dịp cao điểm. Ngay từ đầu mùa du lịch năm nay, hầu hết các khách sạn, cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên ở Quy Nhơn luôn trong tình trạng “cháy phòng”.
Các dịch vụ vui chơi, giải trí phục vụ du khách còn ít, đơn điệu. Ngoài các tour du lịch biển đảo, tham quan di tích bảo tàng Quang Trung hay các di tích tháp Chăm cổ, thì ban đêm ở Quy Nhơn có rất ít các hình thức vui chơi giải trí phục vụ du khách. Thành phố Quy Nhơn còn thiếu các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí, khu mua sắm về đêm dành riêng cho khách du lịch. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du khách tại bãi tắm Quy Nhơn cũng đang rất thiếu thốn, nhà vệ sinh công cộng ít, đã xuống cấp và không còn thích hợp phục vụ khách du lịch. Hệ thống các bảng, biển hiệu chỉ dẫn đến các khu du lịch chưa được đặt nhiều, khiến du khách gặp khó khăn trong vấn đề tìm đường.
Phát triển du lịch Bình Định một cách bền vững
Trong thời gian tới, khắc phục những hạn chế, bất cập, khai thác điều kiện tự nhiên và lịch sử - văn hóa để phát triển du lịch bền vững là chủ trương nhất quán của cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Định. Tỉnh ủy Bình Định đã đề ra Chương trình hành động với mục tiêu đến năm 2020 đón 5,5 triệu lượt khách, trong đó có 800.000 lượt khách quốc tế; tăng trưởng bình quân đạt 14,5%/năm; doanh thu khoảng 10.000 tỷ đồng.
Quán triệt và thực hiện Chương trình hành động, tỉnh đề ra các giải pháp như: nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích, tạo điều kiện các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhân dân tham gia đầu tư phát triển du lịch. Tỉnh cũng tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch với các công trình trọng điểm như: xây dựng, mở rộng sân bay Phù Cát, các tuyến đường giao thông từ sân bay Phù Cát đến khu kinh tế Nhơn Hội; mở thêm đường bay từ Bình Định đến các trung tâm du lịch lớn; đầu tư cầu tàu du lịch và khu dịch vụ du lịch biển đảo tại thành phố Quy Nhơn...
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch: Để khai thác một cách hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, tỉnh sẽ kết hợp phát triển các tuyến du lịch biển đảo với các tuyến du lịch về văn hóa - lịch sử một cách hợp lý, tạo nên giá trị riêng biệt của du lịch Bình Định. Tăng cường phối hợp, liên kết với các địa phương khác, những nơi có cùng nét văn hóa, di sản, tạo ra các tour giới thiệu du lịch văn hóa, lịch sử chuyên sâu thu hút du khách.
Xây dựng được một cộng đồng biết làm du lịch, trong đó, từ người dân, đến doanh nghiệp và chính quyền các cấp đều phải chuyên nghiệp trong việc tiếp đón khách du lịch; giải quyết triệt để các vấn đề như môi trường, an ninh, chăm sóc khách hàng và định giá các loại hình dịch vụ. Các ngành chức năng tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân trong việc cung cấp các sản phẩm du lịch, đồng thời sẽ xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, gây ảnh hưởng đến hình ảnh chung của ngành du lịch Bình Định.
Xây dựng quy hoạch chi tiết các cụm, điểm du lịch ở các địa phương làm cơ sở để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; ban hành chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dự án du lịch cộng đồng để thu hút người dân tham gia đầu tư; xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, gắn với các hoạt động homestay.
Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, trong đó tập trung quảng bá du lịch Quy Nhơn, xây dựng Quy Nhơn trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn thân thiện với du khách; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và tạo dựng môi trường du lịch thân thiện; nâng cao kiến thức về văn hóa, lịch sử, di tích danh lam thắng cảnh của tỉnh cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.
Với các tiềm năng, thế mạnh sẵn có thì Bình Định hoàn toàn có thể vươn lên trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trong nước và quốc tế. Nhưng để phát triển du lịch thành công, Bình Định không chỉ tập trung vào khai thác các thế mạnh tự nhiên vốn có, mà còn cần có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển, bền vững về kinh tế, bền vững về tài nguyên môi trường và bền vững về văn hóa xã hội. Những nỗ lực của chính quyền và người dân Bình Định trong phát triển du lịch bền vững để du khách đến Quy Nhơn, đến Bình Định cảm nhận được sự khác biệt so với các địa phương khác, từ đó đưa du lịch Quy Nhơn - Bình Định trở thành một điểm hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và cả khu vực trong thời gian tới./.
Ngành dầu khí trong bối cảnh hội nhập quốc tế  (27/09/2017)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ  (26/09/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Cao Ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan  (26/09/2017)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đoàn Đại biểu Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào  (26/09/2017)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay