Ngân sách nhà nước phản ánh khía cạnh đặc biệt nguồn lực của quốc gia và có những ảnh hưởng to lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Hiệu quả chi tiêu ngân sách không chỉ là vấn đề kinh tế đơn thuần mà còn mang ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội, một yếu tố phản ánh chất lượng bộ máy nhà nước và mức độ phát triển ở mỗi quốc gia.

Chi tiêu ngân sách với hiệu quả thấp, biểu hiện dưới dạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng... là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến đói nghèo, tụt hậu và bất ổn an ninh chính trị. Chi tiêu ngân sách với hiệu quả cao vừa là mục tiêu vừa là điều kiện để xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh và một nhà nước vững mạnh, tiến bộ.

Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, yêu cầu nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách được đặt ra đối với cả các nước phát triển và đang phát triển như một thách thức to lớn trong cuộc chạy đua giành các lợi thế để xây dựng và bảo vệ đất nước. Trước thách thức này, nhiều nước chủ trương tiến hành những cải cách sâu rộng nhằm nâng cao hiệu quả của việc chi tiêu ngân sách. Ở một số nước nỗ lực cải cách không đem lại kết quả mong đợi. Thâm hụt ngân sách thêm nặng nề; bộ máy chính phủ trở nên cồng kềnh, quan liêu và thiếu hiệu quả hơn; khoảng cách giàu nghèo tăng lên. Trong khi đó, ở nhiều nước, thử nghiệm cải cách đã đem lại thành công nhất định, mở ra những thay đổi căn bản về chức năng, vai trò của chính phủ và tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần đưa những nước này đến với kỷ nguyên thịnh vượng.

Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoạt động quản lý và chi tiêu ngân sách tuy đã có những chuyển biến quan trọng, góp phần đáng kể vào những thành tựu phát triển; nhưng bên cạnh những thành công ấy, nhiều lãng phí và thất thoát đã bộc lộ trong một số chương trình đầu tư của Chính phủ. Đại hội đại biểu lần thứ VIII của Đảng đã chỉ ra những khuyết điểm và yếu kém của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước, trong đó có lý do thuộc về lĩnh vực tài chính công: “Sử dụng nguồn lực còn phân tán, kém hiệu quả”, “Chế độ phân phối thu nhập còn nhiều bất hợp lý”; “Chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế còn thấp, nguy cơ tụt hậu xa hơn còn lớn”.

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của đất nước trong giai đoạn hiện nay Đảng ta đã xác định, mục tiêu quan trọng trong quá trình xây dựng quan hệ sản xuất là gắn kết chế độ sở hữu, cơ chế quản lý và chế độ phân phối với nhau, phát huy được các nguồn lực, tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng xã hội.

Muốn vậy, nghiên cứu có hệ thống kinh nghiệm thành công và thất bại của các nước trong việc nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách là thiết thực và cấp bách, nhằm tiết kiệm nguồn lực và thời gian, phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Nhằm cung cấp tài liệu tham khảo cho đông đảo bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách Hiệu quả chi tiêu ngân sách dưới tác động của vấn đề nhóm lợi ích ở một số nước trên thế giới của TS. Bùi Đại Dũng. Nội dung sách tập trung trình bày: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc chi tiêu ngân sách; phân tích mối quan hệ hoạt động chi tiêu ngân sách với ảnh hưởng của các nhóm lợi ích tổng thể của xã hội; kinh nghiệm xử lý vấn đề nhóm lợi ích ở một số nước trên thế giới nhằm nâng cao hiệu quả của việc chi tiêu ngân sách; đề xuất một số định hướng xây dựng chính sách nhằm nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách nhà nước của Việt Nam.